Trên đây là thơ chúc Tết Mậu Thân (1986) của Hồ Chí Minh, chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) đọc qua Đài Phát Thanh Hà Nội:
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng lợi tin vui khắp nước nhà
Nam, Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên toàn thắng ắt về ta
Thơ chúc tết của ông Hồ trên đây không phải thơ chúc Tết thông thường hàng năm, mà là một thông điệp mật ra lệnh cho tất cả các lực lượng cộng sản nằm dưới vĩ tuyến 17 khởi động một chiến dịch được gọi là “tổng tiến công nổi dậy.”
Trong chiến dịch này đã có khoảng 100,000 cán binh cộng sản miền Nam và và các đơn vị quân chính quy của cộng sản Bắc Việt được gửi vào miền Nam trước đó, tập kích đồng loạt vào 36 trong số 44 tỉnh lỵ, 5 trong số 6 thành phố, 72 trong số 245 quận lỵ, và Đô Thành Saigon của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).
Những cuộc tập kích hay tấn công vào lúc ban đầu của cộng sản đã làm cho các lực lượng của Quân Lực VNCH khá lúng túng, vì đã xảy ra vào thời gian 4 ngày hưu chiến vào dịp Tết Nguyên Đán mà hai bên đã thỏa thuận trước. Vào thời gian này một số không ít binh sĩ VNCH được cho phép về thăm gia đình nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, vì chánh phủ VNCH tin rằng cộng sản cũng sẽ tôn trọng thời gian 4 ngày hưu chiến này. Cuộc tấn công bất ngờ của cộng quân khiến cho phía VNCH không kịp trở tay, nên cộng quân đã kiểm soát được một số quận và tỉnh lỵ. Tuy nhiên ngay sau đó Quân Lực VNCH cũng đã nhanh chóng tập hợp để phản công lại các cuộc tấn công của Cộng Quân. Chỉ trong vòng một vài ngày hay một tuần lễ Quân Lực VNCH với sự yểm trợ của Quân Lực Hoa Kỳ đã gây ra rất nhiều tổn thất cho đối phương, dành lại quyền kiểm soát những vùng đất đã rơi vào tay cộng quân và đẩy lùi Cộng quân về lại những căn cứ địa của chúng trong vùng rừng núi, ngoài trừ thành phố Huế và các vùng phụ cận.
Trận chiến ở Huế cực kỳ dữ dội, bởi vì lực lượng cộng sản nơi đây đã cố gắng duy trì sự chiếm đóng Cố Đô Huế càng lâu càng tốt, còn Quân Lực VNCH và Hoa Kỳ cố gắng hết sức để đánh bật lực lượng cộng sản ra khỏi thành phố Huế càng sớm càng tốt, vì thế chiến cuộc ở đây đã gây ra thiệt hại to lớn cho cả hai bên cũng như cho cư dân Huế và tài sản của họ.
Trong cuộc chiến kéo dài 26 ngày đêm tại Huế và các vùng phụ cận đã khiến cho hàng trăm căn nhà bị phá hủy, hàng ngàn người thiệt mạng và thương vong và khoảng 7,000 thường dân ở Huế và vùng phụ cận được ghi nhận là mất tích. Không một ai biết họ đang thật sự ở đâu. Tuy nhiên chỉ sau một vài tuần lễ các nhân chứng, nạn nhân, những tên Việt cộng đào ngũ và hồi chánh đã tiết lộ về một số mồ chôn tập thể. Nhờ những tin tức do những người này cung cấp nên rất nhiều mồ chôn tập thể đã được tìm thấy và trong những mồ chôn này là hàng trăm người được báo cáo là mất tích đã được tìm thấy.
Theo chính quyền địa phương:
-Vào ngày 26/01/1968, một mồ chôn tập thể được tìm thấy trong khuôn viên của trường Trung Học Gia Hội với 107 xác chết, phần lớn những xác này là quân nhân và công chức của VNCH.
-Vài tuần sau đó 5 mồ chôn tập thể lại được tìm thấy; một trong khuôn viên Chùa Tăng Quang với 67 xác; một ở Bãi Dâu với 77 xác; một trong vùng Chợ Thông với gần 100 xác; một ở Thiên Hàm với gần 300 xác và một ở Đồng Di với 110 xác.
-Vào ngày 14/03/1968, một ngôi mộ tập thể được tìm thấy ở gần thành phố Huế với 300 xác, trong số này có xác của 5 vị Linh mục Công giáo.
-Vào tháng 03/1968, 26 ngôi mộ chôn tập thể được tìm thấy ở vùng Lăng Minh Mạng, tổng số xác được tim thầy trong 26 ngôi mộ này là khoảng 200 xác.
-Vào ngày 05/04/1968, một ngôi mộ tập thể đã được tìm thấy ở gần thành phố Huế, khi ngôi mộ này được khai quật người ta tìm thấy xác bác sĩ Alois Altekoster, bác sĩ Raimund Discher, giáo sư Horst-Gunther Krainick và vợ của ông ta, 3 người Đức này là giáo sư của Đại Học Y Khoa Huế và xác của Linh Mục Bửu Đồng cùng xác của nhiều cư dân của thành phố Huế.
-Vào ngày 25/04/1968, một mộ tập được tìm thấy ở thôn Vĩnh Lưu cách Huế khoảng 7 dặm với 342 xác, trong số này có 142 xác được thân nhân nhận diện.
-Vào tháng 9/1969, ba cán binh cộng sản đào ngũ khai báo với các sĩ quan tình báo của Sư Đoàn Dù 101st rằng có hàng trăm thường dân đã được chôn trong một ngôi mộ tập thể ở Khe Đá Mài, khoảng 10 dặm phía Nam của thành phố Huế, và khi khai quật người ta đã tìm thấy khoảng 500 xác.
-Từ tháng 04 đến tháng 12/1968, một số mộ tập thể được tìm thấy ở thôn Vĩnh Thái và Phú Xuân, thuộc quận Phú Thứ, cách Huế khoảng 9 dặm, tổng số những xác có trong 9 mộ này là 230 xác.
-Vào tháng 12/1968, một ngôi mộ tập thể được tìm thấy trong vùng bãi Cát Lầy Phú Thứ, gần làng đánh cá Lương Viên thuộc quận Phú Lộc, cách Huế khoảng 10 dặm về phía Đông; trong ngôi mộ này có khoảng 100 xác chết.
-Ngôi mộ tập thể cuối cùng được tìm thấy là ở ngay phía trước trường Tiểu Học Phú Thứ; phía trên ngôi mộ được phủ đầy cát và không có bất kỳ một dấu vết nào, khiến người ta không thể nghĩ rằng bên dưới lớp cát là một ngôi mộ tập thể với hàng trăm tử thi. Một học sinh lớp 3 của trường Phú Thứ đi bắt dế, và khi đào một hang dế ở đây đã tình cờ phát giác ra ngôi mộ tập thể này, trong mộ chứa khoảng 200 tử thi.
Theo Douglas Pike, một viên chức của phòng Thông Tin Hoa Kỳ tại Huế và là tác giả của cuốn sách “Vietcong Strategy of Terror” xuất bản năm 1970, tổng số xác chết được tìm thấy trong các ngôi mộ tập thể rải rác trong thành phố Huế và vùng phụ cận được biết như sau:
-Số tử thi được tìm thấy sau khi thành phố Huế và các vùng phụ cận được Quân Lực VNCH tái chiếm là 1,173.
-Số tử thi được tìm thấy tử tháng 03 đến 06/1968 trong thành phố Huế và các vùng phụ cận là: 809 i.
-Số tử thi tìm thấy ở Khe Đá Mài vào tháng 09/1968 là 428.
-Số tử thi tìm thấy ở Bãi Cát Phú Thứ vào tháng 11/1969 là 300.
-Số tử thi tìm được ở một vài chỗ lẻ tẻ khác là khoảng 100.
Tất cả những ngôi mộ chôn người tập thể trên đây đã minh chứng rằng trong thời gian chiếm Huế 26 ngày của Việt cộng miền Nam và cộng sản Bắc Việt giết rất nhiều người không phân biệt nam nữ, con nít và trẻ sơ sinh một cách vô cùng dã man. Phần lớn những người bị giết này là quân cán chánh của VNCH và gia đình họ, phần còn lại là thành viên của các đảng phái, lãnh tụ tôn giáo địa phương, giáo sư, giáo chức, sinh viên, học sinh, những người Việt làm việc cho Mỹ, người Mỹ dân sự, và những người ngoại quốc.
Khi những ngôi mộ tập thể này được khai quật, người ta thấy có nhiều xác tay bị trói quặt ra phía sau lưng bằng dây thừng, dây thép, hoặc dây điện thoại; một số xác bị bắn bể đầu, hay bị đập bể đầu bằng búa hoặc bằng lưỡi cuốc; một số bị đánh đập hay bị đâm; một số vẫn còn ngậm một nùi giẻ trong miệng; một số xác không hề có bất kỳ dấu vết gì trên thân thể, chứng tỏ rằng họ đã bị chôn sống.
Theo Don Oberdorfer, một nhà báo đã đi lòng vòng trong thành phố Huế và vùng phụ cận để tìm kiếm và phỏng vấn những người đã có dịp chứng kiến những gì mà cộng quân đã làm trong 26 ngày chiếm đóng ở đây. Sau đây là những nạn nhân mà nhà báo này đã thu thập được:
-Ông Phan Văn Tường, một người lao công bán thời gian cho Phòng Thông Tin Huế và cũng là người có tên trong danh sách phản động được lập bởi những tên cộng sản nằm vùng, bất kỳ những ai có tên trong danh sách đen này đều là đối tượng để cộng quân truy lùng và sát hại. Khi tìm thấy ông Tường, đứa con gái lên 3 tuổi và đứa con trai 5 tuổi cùng với 2 đứa cháu của ông, cộng quân đã bắn chết họ ngay lập tức.
-Vào ngày thứ 5 sau khi cộng quân chiếm Huế, một toán cộng quân được hướng dẫn bởi các sinh viên thân cộng đã xâm nhập vào nhà thờ Phú Cam, nơi đây có hàng ngàn người đang tỵ nạn. Tại đây chúng đã bắt khoảng 400 người dẫn đi; những người bị bắt dẫn đi phần lớn là những người có tên trong một danh sách được lập từ trước bởi những tên cộng sản nằm vùng, phần còn lại là những trai tráng khỏe mạnh trên 15 tuổi. Một số lớn trong số 400 người này đã tìm thấy xác ở Khe Đá Mài.
Theo James Robbins, tác giả cuốn sách “This Time We Win: Revisiting the Offencive,” viết trong sách của ông rằng, một nhân chứng nói cho ông biết là hai vị linh mục người Pháp là Cha Urbain và Cha Guy bị cộng quân bắt dẫn ra khỏi thành phố Huế; ít lâu sau đó xác của hai vị linh mục này được tìm thấy trong một ngôi mộ tập thể với 18 người khác. Cha Urbain với hai tay và hai chân bị trói, Cha Guy bị lột áo nhà tu bắt quỳ gối xuống mặt đất với một vết thương bởi một viên đạn ở phía sau đầu.
Theo Alje Venema (1932-2011), một bác sĩ người Canada gốc Hà Lan, từ năm 1965 tới 1968 Vennema là giám đốc Phòng Canada Hỗ Trợ Y Tế tại Việt Nam, trong thời gian tết Mậu Thân Vennama đang làm việc ở Huế. Vennema đã có dịp chứng hay biết đến những vụ giết người và những mồ chôn tập thể ở Huế và vùng phụ cận.
Dưới đây là những mẩu tin về những vụ giết người mà Vennema viết trong cuốn trong cuốn “The Viet Cong Massseca at Hue”
-Bà Nguyễn Thị Lào là người bán hàng rong trên đường phố bị VC bắt dẫn đi, ít lâu sau xác bà Lào được tìm thấy trong một mồ chôn tập thể ở một trường học, tay bà bị trói, miệng bà bị nhét một nùi giẻ rách và trên người bà không hề có một thương tích nào cả. Như thế rõ ràng là bà Lào đã bị chôn sống.
-Ông Nguyễn Tý, hành nghề thợ hồ bị cộng quân bắt vào ngày 02/02/1968. Vào ngày 01/03/1968, xác của ông Tý đã được phát hiện với hai tay bị trói và một vết đạn bắn vào cổ và trổ ra ở miệng.
-Ông Nguyễn Nam Long cùng vợ và năm người con bị bắn chết bởi một toán VC khi chúng đột nhập vào nhà của ông.
-Một danh sách mồ tập thể cũng được Vennema đề cập trong sách của ông với 2,329 xác được tìm thấy. Khi những mộ tập thể này được khai quật, người ta thấy có rất nhiều xác bị bắn chết, và cũng nhiều xác khác không mang bất kỳ một thương tích nào có nghĩa là họ đã bị chôn sống; trong số những ngôi mộ tập thể này thì ngôi mộ ở Đồng Gi là lớn nhất vì có tới 110 xác.
-Trong thời gian chiếm đóng Huế và vùng phụ cận, Việt cộng thành lập một số tòa án nhân dân để xét xử cư dân Huế bị bắt. Việc điều hành những tòa án này được giao cho những người đã trốn vào mật khu theo VC trước đây và đã trở về Huế vào dịp Tết Mậu Thân như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Thị Đoan Trinh… Hàng ngàn cư dân Huế được dẫn giải ra các tòa án này mà không hề biết lý do tại sao. Trong số này có hàng trăm người bị buộc tội là tay sai của chính phủ VNCH hay là người đã hợp tác với đế quốc Mỹ hoặc là thành phần phản động rồi bị xử bắn ngay tại tòa.
Theo Philip W. Manhard, một cố vấn Mỹ của Tỉnh Thừa Thiên, bị VC bắt vào dịp Tết Mậu Thân và bị dẫn từ Huế ra miền Bắc như là một tù binh chiến tranh, Manhard được trao trả vào năm 1973 đã kể lại rằng, khi rút khỏi Huế cộng quân đã cho lệnh dẫn giải tất cả những người bị chúng giam giữ tạm thời ở Huế vào những trại tù trong mật khu, bất kỳ tù nhân nào không tuân lệnh cũng như người đau yếu hay già yếu không đủ sức chịu đựng cho một chuyến bộ hành đường dài trong vùng rừng núi để tới những trại tù trong mật khu của họ đều bị sát hại.
Theo Nguyễn Tân Châu, một cư dân Huế, bị VC bắt kể lại rằng sau khi bị bắt, ông ta bị dẫn giải đi về hướng Nam của Huế cùng với 29 người khác. Chúng trói những người này thành ba tốp, mỗi tốp 10 người và Châu đã lợi dụng khi màn đêm rơi xuống để trốn vào một khu rừng trước khi VC giết những người khác cùng toán của Châu và dưới đây là những gì mà Châu đã thấy từ nơi ẩn núp: “Tất cả mọi người được chia thành từng cặp trói đâu lưng vào nha, rồi bị bắn, sau đó xác họ được quăng vào một hố, trong số này có nhiều người vẫn còn sống.”
Theo Nhã Ca, nhà văn tác giả cuốn “Giải Khăn Sô Cho Huế” (chương 9), viết về hai vụ giết người vô cùng dã man mà cộng quân đã thực thi trong thời gian chiếm đóng thành phố Huế:
-Một gia đình bị giết toàn bộ chỉ vì cái TV, một toán cộng quân đột nhập vào một gia đình ở Gia Hội để lục soát, một thành viên của toán này nhìn thấy cái TV trong nhà họ. Vì TV hầu như còn hoàn toàn xa lạ với những cán binh cộng sản Bắc Việt được đưa vào miền Nam, nên anh ta chỉ vào chiếc TV rồi cất tiếng hỏi chủ nhà:
-Máy này để liên lạc với địch?
-Dạ thưa không, máy là Tivi dùng để coi hát múa.
-Vặn lên nghe thử.
Khi gia chủ mở máy, thì không thấy có hình ảnh hát múa, nên bị nghi là nói dối và lường gạt quân giải phóng, vì thế một băng đạn được xả ra, gia chủ và mấy đứa con đều bị giết. Một bản án được đắp lên những xác chết với dòng chữ: “Ðể đồng bào noi gương.”
-Hai đứa con lai Mỹ chết không kịp nhắm mắt: Một bà mẹ VN có hai con nhỏ lai Mỹ, vì có việc phải đi Vũng Tàu, nên để hai đứa nhỏ ở nhà cho chị vú. Một toán VC đột nhập vào căn nhà để lục soát, khi thấy hai đứa nhỏ lai Mỹ, họ nói với nhau:
“Ðây là con của Ðế Quốc Mỹ, nếu để lại sau này sẽ có hại cho tương lai dân tộc.”
Vì không muốn phí đạn để giết chúng, nên họ đã đập đầu hai đứa nhỏ vào tường, óc, não, máu me phun tung tóe.
Theo ông Võ Văn Bằng, quan chức VNCH, trưởng Ban Cải Táng của thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên nói với đài Á Châu Tự Do (RFA) năm 2008:
“Các hố cách nhau. Mỗi hố vào khoảng 10 đến 20 người. Trong các hố, người thì đứng, người thì nằm, người thì ngồi, lộn xộn. Các thi hài khi đào lên, thịt xương đã rã ra. Trên thi hài còn thấy những dây lạt trói lại, cả dây điện thoại nữa, trói thành chùm với nhau. Có lẽ họ bị xô vào hố thành từng chùm. Một số người đầu bị vỡ hoặc bị lủng. Lủng là do bắn, vỡ là do cuốc xẻng.”
Hoàng Phủ Ngọc Tường (HPNT) – một giáo viên của trường Quốc Học Huế, đã bỏ dạy học ở trường này để vào mật khu theo cộng sản. Trong khi trả lời phỏng vấn với VGPH vào năm 1981, HPNT nói: “Tôi đã đi trên những đường hẻm mà ban đêm tưởng là bùn, tôi mở ra bấm đèn lên thì toàn là máu… Nhất là những ngày cuối cùng khi chúng tôi rút ra.”
-Trong cuộc phỏng vấn với RFI vào năm 1997, HPNT từ chối sự hiện diện của ông ta tại Huế vào dịp Tết Mậu Thân và bày tỏ cảm nghĩ về vụ thảm sát này như sau: “Với tư cách là một đứa con của Huế, đã ra đi và trở về, ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân. Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng.”
-Trong trang facebook của nhà văn Nguyễn Quang Lập có công bố một lá thư có tựa đề là “Lời cuối cho câu chuyện quá buồn” của HPNT. Trong lá thư sám hối trước khi đi gặp Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng… HPNT xác nhận Tết Mậu Thân 1968 ông ta không có mặt ở Huế và đã thành khẩn thú nhận rằng trong khi trả lời phỏng vấn với VGPH vào năm 1981 tôi có nói rằng: “Tôi đã đi trên những đường hẻm mà ban đêm tưởng là bùn, tôi mở ra bấm đèn lên thì toàn là máu… Nhất là những ngày cuối cùng khi chúng tôi rút ra. Chi tiết đó không sai, (nhưng) sai ở chỗ người chứng kiến chi tiết đó không phải là tôi, mà là tôi nghe những người bạn kể lại. Ở đây tôi là kẻ mạo nhận, một việc rất đáng xấu hổ, từ bé đến giờ chưa bao giờ xảy ra đối với tôi.”
Người xưa đã nói: “Con Chim sắp chết, cất tiếng kêu thương; con người sắp chết, nói lời chân thật.” Vì thế ta có thể tin vào lời sám hối của HPNT. Mặt khác, khi sám hối như thế, ta cũng có thể coi HPNT là một tên cộng sản trí thức chưa đánh mất tất cả lương tri.
Cuộc thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế xảy ra vào đầu năm 1986. Tính đến nay đã 57 năm trôi qua, song hàng năm cứ vào dịp Tết Nguyên Đán, tất cả những người Việt còn một chút lương tri, không thể nào không nghĩ đến: “Những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân.” Quân nổi dậy là ai đây? Xin độc giả tìm câu trả lời.