Dịch viêm phổi Vũ Hán: Khủng hoảng lòng tin ở Trung Quốc

Cập nhật tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán ngày 07-02-2020

HIẾU CHÂN

Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) đe dọa gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin ở Trung Quốc khi đất nước này phải đương đầu với thách thức chưa từng có của vụ bùng phát dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra.

Cơ quan y tế tỉnh Hồ Bắc – trung tâm của dịch viêm phổi do virus corona chủng mới gây ra – thông báo sáng thứ Bảy 08-02 giờ Bắc Kinh đã có thêm 81 người chết, 2.841 ca nhiễm mới; đưa tổng số người chết và người nhiễm bệnh trong tỉnh lên 699 và 24.953 người, tính đến hết ngày thứ Sáu 07-02.

Toàn Trung Quốc lục địa đã có thêm 86 người chết, 3.399 người nhiễm bệnh, đưa số tử vong lên 722 và 34.546 người nhiễm bệnh.

Tính chung trên toàn cầu, số người chết và bị nhiễm là 724 và 34.872 người ở 25 quốc gia. Ở ngoài Trung Quốc, số người chết và bị nhiễm là 02 và 326.

khủng hoảng từ một cái chết

Bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời tối thứ Sáu 07-02-2020 ở Vũ Hán sau khi bị nhiễm virus, đã làm bùng nổ trên mạng xã hội một làn sóng đau buồn và phẫn nộ. (Xem bài Trung Hoa phẫn nộ!) Với nhiều người, cái chết của ông tượng trưng cho sự bất lực của chính quyền trong việc ứng phó với nạn dịch; ông là người đầu tiên cảnh báo về căn bệnh mới nhưng không chỉ không được lắng nghe, ông còn bị công an trừng trị.

“Đây là một cuộc khủng hoảng rất lớn. Công luận Trung Quốc thường bị chia rẽ, nhưng lần này một sự đồng thuận đã hình thành. Công chúng chia sẻ cùng một thái độ và một cảm xúc đồng cảm, tiếc thương, đau buồn và giận dữ”, ông Tần Thiên Hồng (Qin Qianhong), giáo sư luật Đại học Vũ Hán nhận xét. “Tôi lo ngại rằng tình huống có thể bùng nổ hoặc trở nên giống như khi ông Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang) chết, thậm chí trầm trọng hơn,” ông Tần nói thêm.

Ông Hồ Diệu Bang là tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, chủ trương cải cách chính trị; cái chết của ông Hồ ngày 15-04-1989 đã kích hoạt những cuộc biểu tình rộng lớn, chuyển hóa thành phong trào sinh viên Thiên An Môn rồi bị đàn áp đẫm máu trong cuộc thảm sát Thiên An Môn ngày 04-06-1989.

Các nhà phân tích cho rằng giờ đây chính quyền Trung Quốc đang lâm vào tình thế khó xử: để xoa dịu nỗi giận dữ của dân chúng, một số quan chức sẽ bị trừng phạt, nhưng phải làm sao để không làm nản lòng những người đang thực hiện việc chống dịch. Và không rõ chính quyền Trung Quốc có nhượng bộ hay không, nhượng bộ tới mức nào đòi hỏi quyền tự do ngôn luận của dân chúng.

Ủy ban Giám sát quốc gia Trung Quốc – cơ quan chống tham nhũng cao cấp nhất – đã cử một đội công tác tới Vũ Hán để tiến hành “một cuộc điều tra toàn diện”. Truyền hình trung ương Trung Quốc cũng chiếu cảnh các quan chức chính phủ cao cấp – kể cả Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) gửi lời phân ưu tới gia đình bác sĩ Lý, dù ông chỉ là một bác sĩ bình thường. Ông Cổ Tô (Gu Su), nhà nghiên cứu chính trị Đại học Nam Kinh, nói rằng việc một đoàn kiểm tra cao cấp được cử đi tìm hiểu về cái chết của một bác sĩ là “hết sức bất thường”.

Theo ông Cổ, đoàn kiểm tra sẽ xem xét liệu công an Vũ Hán có phạm luật khi trừng phạt một công dân chỉ vì người đó tiết lộ thông tin về một nguy cơ sức khỏe cộng đồng hay không. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn là ai cho phép công an trừng phạt bác sĩ Lý và các đồng nghiệp; nhất là khi vụ “thú tội phao tin đồn nhảm” của bác sĩ Lý được chiếu rộng rãi trên truyền hình trung ương, cho thấy có sự phê chuẩn của chính phủ trung ương.

Vấn đề “còn liên quan tới xác định thế nào là quyền tự do ngôn luận bởi vì đây là quyền mà luật pháp phải bảo vệ vì nó ảnh hưởng tới cuộc sống, cuộc sinh tồn của người dân,” ông Gu nói.

Còn theo giáo sư Tần, nếu người dân không được tự do bày tỏ quan điểm thì những vụ khủng hoảng tương tự sẽ tái diễn và lòng tin của công chúng vào chính quyền sẽ không thể phục hồi được. “Giờ đây chính phủ đã mất tín nhiệm, và nếu dân chúng không tin vào chính phủ nữa thì làm sao chính phủ có thể hoàn tất những mục tiêu quốc gia năm 2020”, ông Tần nói.

Tuy vậy, ông Steve Tsang, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc SOAS ở London, Anh quốc, cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không nới lỏng sự kiểm soát ngôn luận của người dân. “Thông tin về cái chết của bác sĩ Lý sẽ được quản lý cẩn thận và coi nhẹ hết mức có thể. Ông Tập Cận Bình sẽ không cho phép sử dụng trường hợp này như vụ cái chết của ông Hồ Diệu Bang năm 1989… Ông Tập sẽ nỗ lực và siết chặt quyền kiểm soát hơn nữa vì ông không thể cho phép mình tỏ ra yếu đuối.”

Hãng tàu Royal Caribbean Cruises ngừng nhận khách Trung Quốc, Hong Kong và Macau

Hãng du lịch tàu biển Royal Caribbean Cruises cấm du khách mang hộ chiếu Trung Quốc, Hong Kong và Macau lên tàu vì sợ virus corona.

Ngoài ra, du khách hoặc thuyền viên đã đi tới, đi qua hoặc từ Trung Quốc, Hong Kong, Macau; hoặc từng tiếp xúc với những người từ ba vùng lãnh thổ trên trong vòng 15 ngày trước ngày tàu xuất bến cũng sẽ không được lên tàu.

Công ty cũng sẽ đo thân nhiệt để sàng lọc những hành khách có triệu chứng cảm cúm và những người không biết chắc mình có tiếp xúc với những người từng đi đến Trung Quốc và Hong Kong trong 15 ngày qua hay không.

Những quy định mới này, được ban hành hôm nay thứ Sáu 07-02 nhằm đề phòng sự phát tán của virus corona mà hiện đã lân lan ra 25 quốc gia.

Hãng Royal Caribbean cũng hoãn ngày khởi hành của tàu Anthem of the Seas đang đậu ở cảng Bayonne, New Jersey sau khi bốn du khách của tàu được Trung tâm Phòng và Kiểm soát bệnh (CD) đưa vào bệnh viện địa phương để theo dõi vì có triệu chứng nhiễm virus corona. 27 hành khách của tàu từng đi tới Trung Quốc cũng sẽ được xét nghiệm.

Hiện có hai con tàu du lịch cỡ lớn, Diamond Princess và World Dream bị cách ly để kiểm dịch ở cảng Hong Kong và Yokohama, ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt của hàng ngàn du khách.

(còn tiếp)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: