New York: ngày phản công dập dịch Covid-19 sắp tới!

Nhân viên y tế chuyển thi thể một bệnh nhân lên thùng xe tải đông lạnh ở Wyckoff Heights Medical Center ở Brooklyn, N.Y. sáng nay 03-04. Ảnh Getty Images

H.C.

New York – tiểu bang hiện bị dịch tàn phá nặng nhất, ghi nhận số tử vong tăng nhanh nhất kể từ khi phát dịch. Cả Thống đốc tiểu bang và Thị trưởng thành phố New York đều kêu gọi hỗ trợ nhân lực và trang bị từ liên bang và các địa phương khác để chuẩn bị cho ngày “D-Day” (*) dập tắt đại dịch Covid-19.

New York hiện có 2.935 người chết, tăng từ mức 2.373 người của ngày hôm trước, số người bệnh đã lên tới 103.000 người, theo Thống đốc Andrew Cuomo.

Mười tuần lễ sau khi ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm coronavirus, Mỹ đã trở thành tậm của đại dịch toàn cầu với hơn 275.000 trường hợp nhiễm bệnh, hơn 7.000 trường hợp tử vong, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.

Hôm qua thứ Năm 02-04, Mỹ ghi nhận hơn 30.100 trường hợp mới nhiễm bệnh, trong tổng số 80.600 trường hợp mới nhiễm bệnh trên toàn cầu. Số người tử vong cũng tăng bất thường, với 1.169 người chết trong vòng 24 giờ trước buổi tối hôm qua.

Trong buổi họp báo sáng nay thứ Sáu 03-04, Thống đốc Cuomo nhận định rằng chỉ vài ngày nữa New York sẽ tới ngày “D-Day”, khi bệnh nhân của đại dịch sẽ tràn ngập các bệnh viện và nỗ lực chống dịch sẽ lên tới đỉnh điểm. Ông Cuomo đã ký một sắc lệnh yêu cầu di chuyển các máy trợ thở từ những bệnh viện có nhu cầu thấp tới những nơi bị thiếu hụt trầm trọng.

Ông khẩn thiết đề nghị chính phủ liên bang cũng có động thái như vậy: bố trí lại nhân viên y tế, máy trợ thở và những trang thiết bị tối cần thiết khác từ những tiểu bang chưa có nhiều người nhiễm bệnh tới các trung tâm dịch; sau khi đỉnh dịch ở những trung tâm này đi qua lại tiếp tục bố trí sang những điểm bùng phát dịch mới. “Giúp đỡ lẫn nhau là điều có sẵn trong máu người Mỹ”, ông Cuomo nói.

Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cũng khẩn thiết yêu cầu chi viện các y bác sĩ từ các địa phương khác. Ông đề nghị chính phủ liên bang có nỗ lực lên danh sách các bác sĩ, y tá, nhân viên bệnh viện và điều động họ tới những nơi cần họ nhất, kịp thời nhất. Thành phố New York là thành phố bị dịch nặng nhất nước với 57.000 người nhiễm bệnh, hơn 1.500 người chết, trong đó có 1.000 người chết chỉ trong tuần này. Hệ thống cấp cứu y tế của thành phố bị quá tải trầm trọng.

Đáng chú ý là ở thành phố New York, cứ sáu nhân viên cảnh sát thì có một người nghỉ bệnh hoặc đang bị cách ly, làm cho lực lượng này hết sức căng thẳng vì thiếu người thực thi các biện pháp pháp luật khẩn cấp để ngăn sự lây lan của dịch.

Trong khi đó những biện pháp tăng cường cho New York tỏ ra chậm chạp. Tàu bệnh viện USNS Comfort của Hải quân đã đến cảng Manhattan đầu tuần này nhưng hiện chỉ mới tiếp nhận 20 bệnh nhân trong khi con tàu có tới 1.000 giường bệnh. Kế hoạch là tàu USNS Comfort chỉ nhận những bệnh nhân không bị nhiễm coronavirus để giải tỏa bớt áp lực cho các bệnh viện trên bờ nhưng thực tế số bệnh nhân không bị nhiễm virus không nhiều như dự tính.

Một bệnh viện dã chiến 2.500 giường do quân đội vận hành trong trung tâm hội nghị Javits Convention Center ở Manhattan, ban đầu cũng chỉ nhận những bệnh nhân không bị nhiễm coronavirus. Nhưng nhu cầu giường bệnh cho các bệnh nhân covid-19 tăng nhanh quá, buộc Thống đốc Cuomo phải đề nghị và được chính phủ liên bang chấp thuận cho bệnh viện dã chiến này tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nhiễm coronavirus.

(*) D-Day: tức là ngày 06-06-1944, ngày Quân Đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandy phía bắc nước Pháp, mở màn cuộc tổng phản công tiêu diệt phát xít Đức trong Thế chiến thứ Hai. Từ đó thuật ngữ D-Day được dùng để chỉ ngày mở đầu một hoạt động quan trọng, có tính quyết định.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: