Phóng sự của Jeremy Page và Natasha Khan / The Wall Street Journal
Trung Quốc lúc đầu nói virus gây dịch Covid-19 bắt nguồn từ một khu chợ động vật ở thành phố Vũ Hán, sau đó họ nói nó từ nước ngoài, từ Mỹ đến theo binh lính Mỹ. Hoa Kỳ thì nói virus xổng ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Mỹ, Úc và châu Âu đề nghị tổ chức điều tra quốc tế về nguồn gốc của dịch, Trung Quốc giận dữ phản đối. Các phóng viên của WSJ đã thử điều tra tại chợ Vũ Hán và hỏi ý kiến nhiều nhân vật liên quan.
Khoảng một giờ sáng ngày 31 tháng 12 năm ngoái, Lục Tuấn Khanh (Lu Junqing) bị đánh thức bởi cú điện thoại từ ông chủ công ty khử trùng địa phương. Anh được lệnh tập hợp đội ngũ và đến ngay chợ động vật Hoa Nam (Huanan) ở Vũ Hán, “mang theo những dụng cụ tốt nhất”.
Anh Lục biết chợ này; đó là một khu rộng lớn hàng trăm quầy hàng san sát nhau, cạnh nhà ga xe lửa, nhưng anh không hề biết nơi đó bị nghi ngờ là nơi phát xuất một căn bệnh bí hiểm đang lan khắp thành phố, sau này được gọi là dịch Covid-19.
Khi anh đến chợ, các viên chức địa phương dẫn anh tới một dãy sạp bán động vật hoang dã để lấy thịt hoặc làm thuốc. Có nhiều xác động vật, và nhiều con vật sống nhốt trong lồng, có cả rắn, chó, thỏ và con badger, anh Lục nói.
Anh Lục cho biết, khi đội của anh phun thuốc khử trùng, các viên chức địa phương bắt đầu thu thập mẫu vật từ các quầy hàng, cống thoát nước và hàng hóa. Họ nhờ đội của anh giúp khiêng những con vật chết, dùng kẹp gắp phân và lông thú bỏ vào các túi nhựa.
Hơn bốn tháng sau đó, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa chia sẻ với thế giới bất kỳ dữ liệu nào về những con vật mà anh Lục và những người khác đã lấy mẫu. Giờ đây Bắc Kinh đang cố ngăn chặn các nỗ lực quốc tế muốn tìm hiểu căn nguyên của con virus giữa lúc Hoa Kỳ gia tăng áp lực đổ lỗi cho Trung Quốc gây ra đại dịch, theo thông tin của hàng chục chuyên gia y tế và quan chức chính phủ.
Sự thiếu minh bạch, thiếu sự tham gia quốc tế trong việc tìm kiếm nguồn gốc của dịch đã tạo không gian cho những lời suy đoán và đổ lỗi. Nó cũng gây khó khăn cho các chuyên gia y tế và quan chức – những người cho rằng tìm hiểu căn nguyên của dịch là chìa khóa để ngăn ngừa những con virus tương tự lại truyền nhiễm từ động vật sang con người – có nguy cơ làm bùng phát một làn sóng dịch bệnh nữa.
Lúc đầu, các quan chức Trung Quốc dường như đã nhanh chóng xác định được nguồn gốc của mầm bệnh. Hồi tháng 01-2020 cơ quan kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc nói họ nghi ngờ virus đã phát sinh từ một con thú hoang ở chợ Hoa Nam và việc xác định con vật “chỉ là vấn đề thời gian”. Nhưng từ ngày đó, các quan chức Trung Quốc lại đổi hướng, ngày càng đặt nghi vấn về chuyện virus khởi nguồn từ Trung Quốc và bác bỏ lời kêu gọi tổ chức điều tra quốc tế mà Mỹ, Úc và Âu châu đưa ra.
Quan hệ Mỹ-Trung đã xấu đi nhanh chóng khi cả hai bên đều tung lên truyền thông những lời tố giác về nguồn gốc của virus. Các quan chức Trung Quốc nói mà không đưa ra bằng chứng rằng dịch bệnh bắt nguồn sau khi các binh sĩ Hoa Kỳ đến Vũ Hán dự một cuộc tranh tài thể thao, chuyện mà Washington bác bỏ và nhiều nhà khoa học cho rằng không có căn cứ.
Tổng thống Donald Trump và các quan chức cao cấp của Mỹ lại cáo buộc rằng virus có thể đã thoát ra từ một trong hai phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, nơi đang thử nghiệm các chủng coronavirus trong loài dơi, nhưng một vài nhà khoa học nước ngoài quen thuộc với các thử nghiệm đó nói họ nghi ngờ giả thuyết virus có thể thoát ra theo cách đó.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc không trả lời trực tiếp các câu hỏi chi tiết về việc tìm kiếm nguồn gốc của virus mà chỉ nói việc đó nên để cho các nhà khoa học. “Không nên liên kết virus với bất kỳ một quốc gia nào. Tất cả các quốc gia trên thế giới nên chung tay, làm việc cùng nhau hơn là đổ lỗi cho nhau và lảng tránh trách nhiệm,” cơ quan này tuyên bố.
Không có thông tin
Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên chống lại một cuộc điều tra quốc tế về một cuộc khủng hoảng y tế trên lãnh thổ của mình, và theo các chuyên gia y tế, ban đầu họ tập trung vào việc kiểm soát dịch là dễ hiểu. Các chuyên gia cũng nói Trung Quốc đã học được bài học từ dịch hội chứng hô hấp cấp SARS, bùng phát năm 2002-3 khi nước này chậm trễ trong việc đóng cửa các chợ động vật hoang dã, nơi virus truyền nhiễm sang con người.
Nhưng Trung Quốc chỉ công bố các chuỗi gene từ “các mẫu vật môi trường” thu được từ cống rãnh của chợ, từ các quầy hàng và xe chở rác – mà không công bố các mẫu lấy trực tiếp từ bất kỳ động vật nào – các nhà nghiên cứu Trung Quốc và nước ngoài cho biết. Vài người nói, họ được các quan chức Trung Quốc thông báo các động vật thu được từ chợ đã bị tiêu hủy. Vài người bán hàng trong chợ Hoa Nam nói họ chưa từng được xét nghiệm để xác định xem có bao nhiêu người trong số họ bị nhiễm virus.
Mặc dù các quan chức Trung Quốc nói họ đang theo dõi những người bán thịt động vật hoang dã trong chợ nhưng họ không công bố bất kỳ thông tin nào liên quan tới những người cung cấp này và loại thịt động vật mà họ bán.
Trong khi đó Trung Quốc chống lại nỗ lực của các quan chức và nhà nghiên cứu nước ngoài tham gia săn tìm virus. Khi một phái đoàn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến Vũ Hán và các thành phố khác làm việc trong chín ngày hồi tháng Hai, các quan chức và nhà nghiên cứu Trung Quốc có vẻ như muốn cản trở vụ tìm kiếm nguồn gốc virus, theo ba người tham gia chuyến đi. Họ nói, phái đoàn đã không tới chợ Hoa Nam mà chỉ trò chuyện với các đối tác Trung Quốc về nó và về các nguồn gốc động vật có thể có của virus. Clifford Lane, giám đốc lâm sàng của Viện quốc gia Bệnh Truyền nhiễm và Dị ứng Mỹ, thành viên trong phái đoàn của WHO, nói rằng: “Mọi người đều công nhận tầm quan trọng của việc tìm kiếm. Tôi có cảm tưởng rằng họ đang xem xét chuyện đó, họ đang nghĩ về nó.”
Bác sĩ Lane nói, các quan chức Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh Trung Quốc (China CDC) nói với phái đoàn rằng họ có thể lập ra một bản đồ dịch tễ học về khu chợ, thể hiện những chi tiết như loại động vật nào có ở đó, những bệnh nhân nào đã đến những khu vực nào của chợ. Nhưng một bản đồ như vậy chưa bao giờ được chia sẻ. China CDC không trả lời yêu cầu bình luận của báo.
Từ ngày đó, WHO thường xuyên đưa yêu cầu chính phủ Trung Quốc cập nhật thông tin về cuộc tìm kiếm nguồn gốc của virus nhưng chưa bao giờ nhận được câu trả lời, tổ chức này hồi đáp yêu cầu bình luận của báo WSJ.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc chỉ thông báo cho WHO rằng bây giờ công việc tìm kiếm đó là do Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc điều hành; WHO đã yêu cầu cập nhật từ bộ này nhưng cũng không hề được trả lời. Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc từ chối yêu cầu bình luận.
Tổ chức Nông Lương (FAO) – một cơ quan Liên hiệp quốc cố gắng hỗ trợ hợp tác tìm kiếm nguồn gốc động vật của virus, nhiều tuần qua đã thử đưa một đội chuyên viên đến Trung Quốc, theo những người biết rõ sự việc. FAO dự tính cử một phái đoàn chuyên gia đến Trung Quốc vào giữa tháng Ba nhưng chuyến đi đã bị trì hoãn liên tục, ít nhất phải tới cuối tháng Năm họa may mới thực hiện được, một nguồn tin cho biết. Trong một thông báo qua thư điện tử, FAO nói: “Chúng tôi hiện đang không có phái đoàn hoặc quan chức nào đi bất kỳ đâu theo kế hoạch do tình hình dịch bệnh.”
EcoHealth Alliance, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở New York đã từng nghiên cứu coronavirus ở Trung Quốc 15 năm qua, cũng đề nghị được giúp đỡ, Peter Daszak, chủ tịch của tổ chức cho biết. Tổ chức này đã từng giúp xác định coronavirus gây ra đại dịch SARS có nguồn gốc từ loài dơi và truyền sang con người trong một khu chợ ở miền nam Trung Quốc, có lẽ thông qua một động vật giống mèo gọi là con chồn hương.
Daszak nói các đối tác của ông ở Trung Quốc đã không thể điều tra khu chợ [Hoa Nam]. “Bây giờ nó thật là nhạy cảm bởi vì các thuyết âm mưu đã rộ lên ở cả Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong bất kỳ trường hợp nào, tôi ngờ rằng bây giờ đã quá trễ,” ông Daszak nói.
So sánh khu chợ động vật với hiện trường tội phạm hình sự, ông Daszak nói rằng vì các bằng chứng ở đó có thể đã bị ô nhiễm hoặc vô tình bị hủy hoại, khả năng lựa chọn tốt nhất bây giờ là xét nghiệm rộng rãi tìm virus trong động vật hoang dã và trong con người những người tiếp xúc với chúng. “Việc đó sẽ không dễ dàng, không nhanh chóng, nhưng chúng ta sẽ phải làm như vậy, và cần có sự hợp tác giữa Trung Quốc và các nước khác, kể cả Hoa Kỳ,” ông Daszak nói.
Những câu hỏi nhạy cảm
Nhiều chuyên gia y tế tin rằng, coronavirus chủng mới sống tự nhiên trong loài dơi và có thể đã nhảy sang người thông qua một loài động vật hoang dã khác, có lẽ là con chồn hương hoặc con tê tê. Virus có thể lúc đầu đã truyền sang người tại chợ Hoa Nam hoặc nó có thể đã nhiễm cho ai đó ở nơi khác, có lẽ là người buôn bán thịt động vật hoang dã, rồi người này đi đến chợ.
Đây là những câu hỏi nhạy cảm vì phần lớn việc buôn bán động vật hoang dã ở Trung Quốc bị coi là bất hợp pháp, còn những động vật được nuôi và buôn bán hợp pháp thì bị buộc phải kiểm tra vệ sinh rất kỹ nhưng không thường xuyên được kiểm tra.
Những người bán mua ở chợ Hoa Nam không muốn trò chuyện về việc buôn bán thịt rừng. Vài người nói họ đã thấy nhiều con thú, cả sống và chết, được bày bán – thường là trong những điều kiện kém vệ sinh – ở khoảng 10 quầy trong gần 1.000 quầy hàng của khu chợ vốn chủ yếu bán hải sản và đã bị đóng cửa vào ngày 01-01 vừa qua.
Trong số các quầy này có quầy hàng của công ty gia súc gia cầm Đại Trung (Dazhong), gần đây mới mở một quầy mới tại một ngôi chợ khác ở Vũ Hán. Đại Trung bán các động vật sống hoặc chết, bao gồm cả cá sấu con, cáo Bắc Cực, gấu trúc Mỹ, chuột tre và chồn hương, theo thông tin trên trang web của công ty vào tháng 07-2019 mà hiện nay không còn vào xem được.
Một người bán hàng khác ở chợ Hoa Nam, chỉ cách quầy của Đại Trung vài quầy, nói rằng Đại Trung bán các loại động vật kể cả chó, rắn, lừa và chim chóc, thường mổ thịt chúng ngay tại chợ, nhưng ông chưa bao giờ thấy động vật hoang dã ở đó.
Vương Khổng Lâm (Wang Konglin), ông chủ công ty Đại Trung, nói trong một cuộc phòng vấn rằng ông đã ngừng bán động vật hoang dã cách đây vài năm, và từ đó chủ yếu chỉ bán thịt bò và thịt cừu. Ông nói chính quyền Trung Quốc đã xét nghiệm và thẩm vấn ông nhưng không thấy có dấu hiệu nhiễm bệnh hoặc sai trái nào. “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một con tê tê. Hoặc một con chồn hương. Nói gì đến bán chúng,” ông Vương nói.
Vài nhà nghiên cứu và người hoạt động bảo vệ thiên nhiên ngờ rằng các động vật buôn bán bất hợp pháp hoặc không được bày bán công khai trong chợ, hoặc đã được chuyển đi trước khi các quan chức Trung Quốc đến.
Anh Lục, người quản lý 31 tuổi của công ty Khử trùng Giang Uy (Jiangwei) nói anh không nhìn thấy con tê tê, chồn hương hoặc dơi nào khi anh và đội công nhân của anh đến chợ Hoa Nam để khử trùng nó ngày 31-01.
Các viên chức văn phòng địa phương của China CDC đã có mặt ở chợ trước khi anh Lục đến, và một đội nữa từ trụ sở Bắc Kinh của China CDC đến chợ ngày 01-01, khi chợ đã đóng cửa và người buôn bán được lệnh phải để lại trong chợ tất cả hàng hóa thực phẩm của họ, anh Lục nói.
Trong vài ngày tiếp theo đó, anh thấy nhân viên China CDC lấy mẫu và thu giữ một số động vật còn sống hay đã chết. Các viên chức nhờ đội của anh giúp thu gom khoảng 70 tới 80 mẫu vật từ phân và lông của các con thú chết, chủ yếu là chó và thỏ, anh nói.
Trong ngày đầu tiên, các quan chức địa phương không nói về bệnh dịch và anh đã pha dung dịch khử trùng theo liều lượng thông thường, khoảng 500 mg chất chlorine dioxide cho mỗi lít nước. Ngày hôm sau, khi đã biết thêm về dịch bệnh, anh tăng liều lượng lên gấp bốn lần. Dung dịch khử trùng mạnh đến nỗi thiết bị của anh bị ăn mòn, anh Lục nói.
Tài liệu chính thức của China CDC chỉ nói rằng, đội nhân viên của họ từ Bắc Kinh đến chợ Hoa Nam vào ngày 01-01 và thu thập 585 “mẫu vật môi trường” từ các cống rãnh, quầy hàng và xe chở rác, trong đó có 33 mẫu xét nghiệm dương tính với virus. Trong số này, có 14 mẫu lấy từ khu vực buôn bán động vật hoang dã mà không đề cập tới các mẫu từ động vật hay thịt động vật.
Khi các chuyên gia y tế từ Hong Kong và Đài Loan đến Vũ Hán vào giữa tháng Giêng 2020, một quan chức của China CDC bảo họ rằng không còn động vật hoang dã trong chợ nữa, những thứ như vậy ít khi được người địa phương tiêu thụ, theo lời một người có mặt ở đó, và họ không thảo luận về các loài động vật khác.
Ian Lipkin, một nhà virus học của Đại học Columbia, đến thăm Trung Quốc vào cuối tháng Giêng để giúp chống virus cho biết những người Trung Quốc quen biết của ông bảo ông rằng China CDC thực tế đã lấy mẫu từ động vật và thịt động vật ở chợ Hoa Nam.
Tiến sĩ Lipkin, người cũng đã giúp ngăn chặn dịch SARS, nói rằng tiến sĩ Cao Phú (George Gao), giám đốc China CDC, lúc đầu tin rằng thủ phạm là một con chuột tre, một loài gặm nhấm thường được làm thịt bán ở Trung Quốc. “Sau khi họ đã xem xét kỹ, đã tìm kiếm thấu đáo những con vật sống, chết và được đông lạnh trong rất nhiều tủ đông, mà không tìm ra được điều gì, họ đã phải điều chỉnh lại giả thuyết của mình,” tiến sĩ Lipkin nói.
Ông cho biết tiến sĩ Cao đã từng bảo ông rằng các nhà khoa học Trung Quốc đã tìm thấy virus trong các “mẫu vật môi trường” nhưng không thể xác định các mẫu đó đến từ loài vật nào. Đã có “quá nhiều sự nhiễm độc, nhiều bộ phận động vật, nhiều giống loài,” tiến sĩ Lipkin nói. Tiến sĩ Cao không phản hồi yêu cầu bình luận của báo.
Tiến sĩ Lipkin nói ông và một đối tác Trung Quốc từ đó đã đề nghị những cách khác để xác định cội nguồn của virus, kể cả bằng cách xét nghiệm mẫu máu của những bệnh nhân bệnh viêm phổi khắp Trung Quốc từ trước tháng 12-2019 để xem liệu có phải dịch bệnh khởi phát ở đâu đó không phải là Vũ Hán hay không.
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc chưa bao giờ cho phép tiếp cận các mẫu vật liên quan, theo lời người đối tác của bác sĩ Lipkin, ông Lục Gia Hải (Lu Jiahai) của Đại học Tôn Dật Tiên.
Có chắc virus đến từ loài dơi?
Sự đồng thuận rằng loài dơi có khả năng nhất là vật chủ nguyên thủy của virus được hình thành chủ yếu từ một báo cáo nghiên cứu xuất bản ngày 23-01-2020, trong đó kết luận rằng bộ gene của con virus chủng mới giống tới 96% bộ gene của một chủng coronavirus trước đây được tìm thấy ở loài dơi miền tây nam Trung Quốc.
Một trong những tác giả của báo cáo là bà Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli), một chuyên gia về coronavirus ở loài dơi, tại Viện nghiên cứu Virus Vũ Hán – một trong những nơi mà các quan chức Mỹ cho rằng là cội nguồn của virus. Bà Thạch không trả lời yêu cầu bình luận của báo.
Một tuần lễ sau đó, các nhà nghiên cứu của China CDC xuất bản một báo cáo, cũng kết luận rằng dơi có thể là vật chủ nguyên thủy, nhưng cho rằng virus lây sang người thông qua một loài động vật hoang dã khác ở chợ Hoa Nam bởi vì phần lớn loài dơi ngủ đông vào tháng 12 và không con dơi nào được bày bán hoặc tìm thấy ở chợ.
Kết luận rằng virus có thể đến từ một động vật làm cho vấn đề không chỉ liên quan tới Tổ chức WHO mà còn tới một tổ chức quốc tế ít tiếng tăm hơn là Tổ chức quốc tế về Sức khỏe Động vật, gọi tắt là OIE, có trụ sở tại Paris và Trung Quốc cũng là một thành viên. OIE tập hợp những chuyên gia từ khắp thế giới để lập ra một nhóm cố vấn không chính thức, nhóm này tổ chức hội nghị đầu tiên về virus trong hàng loạt hội nghị truyền hình của nhóm vào ngày 31-01.
Biên bản của hội nghị nói rằng các mẫu vật được thu thập từ vài loài động vật bày bán trong chợ và không mẫu nào được xét nghiệm dương tính, nhưng “không có thông tin về số lượng mẫu vật, về các loài được lấy mẫu”. Nhóm này khuyến nghị tổ chức một cuộc điều tra thấu đáo về buôn bán động vật hoang dã ở Trung Quốc, kể cả những hoạt động tội phạm, cũng như việc quản lý các chợ “ướt” ở Vũ Hán, cùng nhiều biện pháp khác. Không rõ trong số các khuyến nghị này, có bao nhiêu điều được Trung Quốc tiếp thu.
Trong một thông báo bằng thư điện tử, OIE nói họ đang liên kết với các cơ quan thú y Trung Quốc và đã đề nghị tham gia giúp điều tra nguồn gốc của virus nhưng đến nay chưa có chuyến đi nào được thu xếp.
OIE nói các chuyên gia Trung Quốc đã tham gia vào một số nhóm kỹ thuật của OIE. Các biên bản họp của tổ chức này trong những tháng gần đây nói các chuyên gia đó chia sẻ rằng các nhà khoa học Trung Quốc đã xét nghiệm động vật nuôi, cũng như động vật trong các trang trại nuôi thú lấy lông nhưng không tìm thấy dấu vết của virus. Biên bản các cuộc họp sau hội nghị truyền hình đầu tiên ngày 31-01 đến nay đều không đề cập tới chợ động vật Hoa Nam; một số nhà nghiên cứu tin rằng cơ hội để xem xét, điều tra khu chợ này đã trôi qua từ lâu.
“Vấn đề là ở chỗ, việc điều tra đó phải được thực hiện ngay từ cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 01,” ông Dirk U. Pfeiffer, giáo sư ngành thú y và dịch tễ học Đại học Thành thị Hong Kong, và là thành viên nhóm cố vấn của tổ chức OIE, nói.
“Bây giờ đã quá trễ rồi, có nghĩa là chúng ta chỉ có thể dựa vào các chứng cứ gián tiếp, và do đó bằng chứng về nguyên nhân sẽ gần như không thể có được,” ông Pfeiffer nói.
H.C. dịch