Trung Quốc cố hàn gắn với châu Âu

H.C.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) sẽ công du năm nước châu Âu từ ngày mai thứ Ba 25-08 trong một nỗ lực hàn gắn quan hệ đang xấu đi giữa Trung Quốc và châu Âu sau đợt “ngoại giao chó sói” (Wolf-Warrior Diplomacy) của Bắc Kinh và hóa giải tác động của chuyến thăm châu Âu mà Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo vừa thực hiện mới đây.

Báo The South China Morning Post (SCMP) đưa tin chuyến công du của ông Vương sẽ kéo dài một tuần lễ tới năm nước: Ý, Pháp, Đức, Hà Lan và Na Uy, kết thúc vào ngày 01 tháng Chín. Ông Vương, theo chương trình, sẽ gặp và thảo luận với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và có thể cả Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Nội dung chính của chuyến đi của ông Vương được cho là “làm giảm thiệt hại” (damage control) theo sau việc châu Âu liên tục phản đối Trung Quốc về việc xử lý sự bùng phát của đại dịch coronavirus ở Vũ Hán, áp đặt luật an ninh quốc gia tại Hong Kong. Ông Vương dự kiến cũng sẽ thuyết phục các chính phủ châu Âu chấp nhập tập đoàn Trung Quốc Huawei và công nghệ mạng 5G của tập đoàn này, cưỡng lại yêu cầu của Mỹ “tẩy chay” Huawei vì an ninh quốc gia.

“Trung Quốc hy vọng chuyến đi của ông Vương sẽ củng cố những tiến bộ đạt được về kinh tế và chính trị giữa hai bên, hai bên sẽ làm việc cùng nhau để khôi phục nền kinh tế toàn cầu và bảo vệ chủ nghĩa đa phương, ổn định các dây chuyền cung ứng hàng hóa và dịch vụ sau đại dịch”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian (Triệu Lập Kiên) nói với báo chí.

Những quốc gia châu Âu mà ông Vương tới thăm không trùng với chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng trước – ông Pompeo đã tới Áo, Vương quốc Anh, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Ba Lan và Slovenia – trong một nỗ lực thuyết phục châu Âu có lập trường cứng rắn hơn với đảng Cộng sản Trung Quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), cùng với Cao ủy Đối ngoại EU Joseph Borrell, đã đồng ý tổ chức đối thoại với ông Pompeo để thảo luận về quan hệ với Trung Quốc mà cho đến nay lập trường của EU khá tương đồng với Mỹ dù nói chung EU không tán thành chính sách đối xử với châu Âu của Tổng thống Trump

Đối thủ tranh cử của ông Trump, cựu Phó Tổng thống Joe Biden của đảng Dân Chủ, đã cam kết nếu thắng cử sẽ làm việc với các đồng minh cùng chí hướng để xử lý vấn đề Trung Quốc.

Có lẽ nhận ra những luồng gió dữ từ châu Âu nên Ngoại trưởng Vương Nghị đã vội vã đi tới châu lục này – chuyến đi châu Âu đầu tiên của ông Vương từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 – sắm vai thuyết khách để “kiểm soát thiệt hại” như nhận định của bà Lucrezia Poggetti, một chuyên gia về quan hệ EU-Trung Quốc. “Mục đích chính của Bắc Kinh là ngăn chặn sự hình thành một liên minh xuyên Đại Tây Dương chống lại Trung Quốc,” bà Poggetti nói.

Ông Vương sẽ đến thăm Ý đầu tiên. Ý là quốc gia duy nhất trong nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G-7) tham gia vào đại dự án Nhất Lộ Nhất Đới của Trung Quốc. Tại Ý, ông Vương sẽ tập trung bàn với Bộ trưởng Ngoại giao Ý Luigi Di Maio và có thể cả Thủ tướng Ý Giuseppe Conte về công nghệ viễn thông thế hệ thứ năm (5G) và vận động cho tập đoàn Huawei.

Ý đang xem xét có nên loại Huawei ra khỏi mạng 5G của nước này hay không. Hồi tháng Bảy, tập đoàn Telecom Italia đã không mời Huawei tham gia đấu thầu cung cấp thiết bị 5G cho hạ tầng mạng lõi của nước này – mạng lõi là nơi các dữ kiện nhạy cảm được xử lý.

“Vương rất sốt ruột muốn biết liệu Bắc Kinh có thể trông cậy vào Rome hay không, đặc biệt có trông cậy được sự ủng hộ vô điều kiện của Ngoại trưởng Di Maio không vào lúc xung đột Mỹ-Trung đang gia tăng mạnh và EU đang cố theo đuổi một chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc. Ông ta có thể sẽ thất vọng,” bà Poggetti nói.

Tại Đức, ông Vương cũng sẽ tập trung vào công nghệ 5G và Huawei. Thủ tướng Đức Angela Merkel đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng đòi phải cấm Huawei tham gia mạng 5G của Đức.

Noah Barkin, chuyên gia về quan hệ EU-Trung Quốc, nhận định: “Cuộc đàn áp quyết liệt của Bắc Kinh đối với Hong Kong đã gây sốc cho nhiều thủ đô châu Âu, kể cả Berlin, nơi đang hình thành một động lực chống lại việc tham gia của Huawei vào mạng viễn thông 5G của Đức. Trung Quốc đang trong tiến trình đánh mất châu Âu”.

Một nguồn tin trong Phủ Tổng thống Pháp xác nhận Tổng thống Emmanuel Macron sẽ tiếp đón ông Vương Nghị; nhưng thời gian và địa điểm của cuộc gặp được phía Trung Quốc yêu cầu giữ kín vì sợ dân chúng Pháp sẽ tổ chức biểu tình phản đối.

Huawei đã bị cấm toàn bộ hoặc một phần ở Hoa Kỳ, Anh quốc và Pháp, khiến Đức trở thành thị trường lớn duy nhất ở EU còn mở cửa cho tập đoàn công nghệ Trung Quốc này. Hoa Kỳ thường tố cáo Huawei làm gián điệp mạng, ăn cắp bí mật công nghệ và làm tình báo cho chính phủ Trung Quốc – điều mà cả Huawei và Bắc Kinh luôn phủ nhận.

Ngoài khu vực Mỹ, châu Âu và Úc, hôm nay 24-08 chính phủ Ấn Độ – thị trường khổng lồ với 1,2 tỷ dân – cũng thông báo cấm Huawei tham gia mạng viễn thông của nước này.

Chuyến thăm của ông Vương tới Na Uy dự kiến được Trung Quốc coi là động tác tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh vẫn “quan hệ bình thường” với Oslo. Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc Ủy ban Giải Nobel Hòa Bình có trụ sở tại Oslo, Na Uy đã quyết định trao Giải Nobel Hòa Bình cho nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) năm 2010 – đình chỉ việc nhập cảng nhiều sản phẩm của Na Uy như cá hồi, gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế Bắc Âu này. Quan hệ giữa hai nước được nối lại vào năm 2016 nhưng không còn đằm thắm như trước.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: