Mekong – điểm nóng mới trong tranh chấp Mỹ-Trung Quốc

Nhiều đoạn sông Mekong gần biên giới Lào-Thái Lan đã bị cạn do nguồn nước bị chặn lại ở phía thượng nguồn. Ảnh Wikipedia Common

H.C.

Phụ tá Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell hôm nay (thứ Năm 03-09) nói rằng việc Trung Quốc “thao túng” (manipulation) nguồn nước sông Mekong – hiện nước sông đang ở mức thấp kỷ lục – là một thách thức trầm trọng cho Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Nhận định của ông Stilwell là dấu hiệu cho thấy vấn đề sông Mekong sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của diễn đàn an ninh khu vực vào tuần tới và là điểm tranh chấp mới trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc.

Sông Mekong (đoạn chảy trong lãnh thổ Trung Quốc có tên là sông Lan Thương, đoạn ở Việt Nam gọi là sông Cửu Long), dài 4.350 cây số, cung cấp nguồn sống cho khoảng 60 triệu người. Nhưng trong những năm gần đây, nước sông lên xuống thất thường, gây hạn hán hoặc ngập lụt trầm trọng cho vùng trồng lúa và nuôi cá của người dân các nước Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam ở phía hạ nguồn con sông. Giới khoa học và hoạt động môi trường cho rằng, hiện tượng hạn hán và ngập lụt một phần là do biến đổi khí hậu toàn cầu, nhưng một phần là do Trung Quốc xây dựng 11 đập thủy điện cỡ lớn ở phía thượng nguồn con sông. Các đập thủy điện này tích nước vào mùa khô gây hạn hán ở hạ nguồn, rồi lại xả nước vào mùa mưa để tránh vỡ đập, gây ngập lụt.

Phát biểu tại một hội nghị trực tuyến do Viện Hòa Bình Hoa Kỳ và trường Chính sách Công Lý Quang Diệu của Singapore phối hợp tổ chức, ông Stilwell nói: “Một thách thức hết sức khẩn cấp là [Trung Quốc] thao túng nguồn nước sông Mekong cho lợi ích của riêng mình mà các nước ở hạ nguồn phải trả giá rất đắt”. Ông Stilwell dẫn một nghiên cứu khoa học gần đây “ghi nhận [Trung Quốc] đã thao túng nguồn nước sông Mekong suốt 25 năm qua, sự gián đoạn dòng chảy tự nhiên của con sông trầm trọng nhất trùng hợp với việc xây dựng và vận hành những đập nước lớn”.

Ông Stilwell không nêu đích danh công trình khoa học nào, nhưng những người quan tâm tới vấn đề này đều biết đó là công trình nghiên cứu của Eyes On Earth Inc., một công ty chuyên nghiên cứu và tư vấn về nước, thực hiện theo đặt hàng của Đối tác Hạ tầng Bền Vững thuộc Liên hiệp quốc và Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, công bố hồi tháng Tư vừa qua. (xem thêm bài Trung Quốc chặn dòng sông Mekong, hạ nguồn hạn nặng). Theo nghiên cứu của Eyes On Earth, các đập thủy điện của Trung Quốc đã giữ lại khoảng 47 tỷ mét khối nước sông Mekong, không cho chảy xuống hạ nguồn khiến cho nông dân các nước ven sông Mekong ở hạ nguồn bị thiếu trầm trọng nước tưới cho đồng ruộng và các ao nuôi cá. Từ tháng Hai năm nay, Việt Nam đã phải công bố tình trạng khẩn cấp do thiếu nước ở Đồng bằng sông Cửu Long, còn Thái Lan phải điều động quân đội giúp người dân xử lý tình trạng hạn hán.

Phía Trung Quốc đặt hàng một cuộc nghiên cứu khác để phản bác. Nghiên cứu do Đại học Thanh Hoa và Viện Tài nguyên Nước của Trung Quốc phản đối kết quả của Eyes On Earth, đồng thời khẳng định các đập thủy điện và hồ chứa nước khổng lồ của Trung Quốc ở thượng nguồn giúp làm giảm nhẹ tình trạng hạn hán qua việc xả ra lượng nước đã tích trữ trong mùa mưa. Tuy nhiên, lập luận của các học giả Trung Quốc chỉ gây tranh luận mà không thuyết phục được giới nghiên cứu và hoạt động môi trường ở các nước khác.

Ông Stilwell nói cuộc khủng hoảng nguồn nước “đang tàn phá các vụ thu hoạch, đe dọa an ninh lương thực và nguồn nước toàn khu vực”. “Những chuyện này có khả năng gây ra tình trạng bất ổn lớn. Hoa Kỳ đang làm việc với các nước sông Mekong, Ủy ban Sông Mekong và các đối tác quốc tế để bảo đảm những yêu cầu về tính minh bạch trong dữ liệu về nguồn nước sẽ được [phía Trung Quốc] đáp ứng”, ông Stilwell nói thêm.

Tuần tới, bộ trưởng ngoại giao của 10 quốc gia ASEAN sẽ có hàng loạt hội nghị trực tuyến với các đối tác quốc tế như Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ trong khuôn khổ Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF) thường niên. Diễn đàn năm nay do Việt Nam chủ trì với tư cách chủ tịch ASEAN và là sự kiện chính trị quan trọng thứ ba trong năm, sau hai hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo ASEAN.

Trong một thông báo đưa ra hôm thứ Tư (2-9), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói bên cạnh việc tham dự các hội nghị theo chương trình, Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ đồng chủ trì lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Đối tác Mekong-Hoa Kỳ – hội nghị giữa Hoa Kỳ và năm nước hạ nguồn sông Mekong.

Ông Stilwell hy vọng các nước ASEAN – một số nước đang tranh chấp với Trung Quốc về Biển Đông – sẽ tận dụng mối quan hệ đối tác với Hoa Kỳ, sử dụng “tiếng nói tập thể mạnh mẽ” để bảo vệ lợi ích của họ.

(theo SCMP)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: