Lào nhượng mạng lưới điện cho Trung Quốc để gán nợ

Như tin đã đưa, Lào đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ quốc gia và phải cầu cứu Trung Quốc. Hãng tin Reuters sáng nay thứ Sáu 4-9 cho biết, Lào sẽ chuyển nhượng phần lớn quyền kiểm soát mạng lưới điện cho một công ty Trung Quốc để tránh bị vỡ nợ, Reuters dẫn nguồn từ những người trong cuộc.

Thỏa thuận chuyển nhượng được ký hôm thứ Ba 2-9 giữa hai công ty quốc doanh là Công ty Điện Lực Lào (Electricite du Laos, EDL) và Công ty Truyền tải Điện Phương Nam Trung Quốc.

Theo ba người hiểu biết sự việc thì theo thỏa thuận, quyền điều hành Công ty Truyền tải Điện Lào (Electricite du Laos Transmission Company Ltd., EDLT – công ty con của EDL) sẽ được giao cho công ty Trung Quốc. Đại sứ quán Trung Quốc tại Lào không cho biết chi tiết thỏa thuận nhưng nói “Lào có thể dần dần mua lại cổ phần [của công ty truyền tải điện] trong tiến trình hoạt động”.

Tân Hoa xã dẫn lời bộ trưởng năng lượng và khoáng sản Lào Khammany Inthirath nói thỏa thuận sẽ mang lại lợi ích nhờ “lợi thế về kinh nghiệm, công nghệ và nguồn nhân lực” của công ty Truyền tải Điện Phương Nam Trung Quốc.

Báo nhà nước Vientiane Times nói sau thỏa thuận, Công ty EDLT sẽ đầu tư thêm 2 tỷ đô la vào mạng lưới phân phối điện địa phương và kết nối với quốc tế.

*

Theo giới quan sát, việc chuyển nhượng mạng lưới truyền tải điện cho Trung Quốc đã biến Lào thành quốc gia thứ hai ở châu Á sau Sri Lanka phải dùng tài sản chiến lược của quốc gia để gán nợ cho Trung Quốc và thêm một bằng chứng nữa cho thấy Bắc Kinh sử dụng “ngoại giao bẫy nợ” để giành lợi thế chiến lược ở các quốc gia gặp khó khăn trong việc trả những khoản nợ họ đã vay để xây dựng hạ tầng đường sá, năng lượng theo sáng kiến “Vành Đai và Con Đường” của Tập Cận Bình.

Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Lào – một nước nhỏ chỉ bảy triệu dân ngày càng phụ thuộc vào láng giềng khổng lồ ở phía bắc.

Lào đầu tư rất nhiều tiền vào các dự án thủy điện trên sông Mekong, hầu hết các dự án đều do Trung Quốc cho vay vốn và thực hiện, với mục đích biến nước Lào thành “Bình điện của Đông Nam Á”. Những dự án này, cùng với việc xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc cũng do Bắc Kinh tài trợ, là trung tâm gây ra cuộc khủng hoảng nợ của Lào.

“Do Trung Quốc nắm phần lớn cổ phần trong kế hoạch ‘Bình điện của Đông Nam Á’ của Vientiane nên Lào đang nhanh chóng trở thành một tỉnh trá hình của Trung Quốc”,

Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson,

Hồi tháng Sáu, Ngân hàng Thế giới (World Bank, WB) cho biết tỷ lệ nợ công so với GDP của Lào đã lên tới 68%, từ mức 58% năm ngoái.

Theo công ty xếp hạng tín nhiệm Moody’s nghĩa vụ trả nợ của Lào năm nay vào khoảng 1,2 tỷ đô la, phần lớn là nợ các ngân hàng thương mại và trái phiếu chính phủ đáo hạn vào tháng Chín và tháng Mười, nhưng vào tháng Sáu, quỹ dự trữ ngoại hối của Lào chỉ còn 864 triệu đô la.

Theo Tân Hoa xã, tổng số nợ mà Lào vay của Trung Quốc để đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, khu kinh tế biên giới và các dự án khác đã vào khoảng 10 tỷ đô la, gấp đôi khoản nợ Thái Lan – chủ nợ lớn thứ hai của Lào. Một nghiên cứu công bố năm ngoái của Viện Lowy Institute của Úc cho biết, nợ vay của Trung Quốc chiếm tới 45% GDP của Lào.

“Về mặt kinh tế, Lào sẽ phụ thuộc ngày càng nhiều vào Trung Quốc và đó là điều không thể tránh khỏi,” giáo sư Toshiro Nishizawa, người Nhật, cố vấn cho chính phủ Lào về ổn định tài chánh, nhận xét.

Sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc dẫn tới phụ thuộc về chính trị. Lào là nước ủng hộ một cách nhất quán lập trường của Bắc Kinh trong những vấn đề khu vực như tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN. “Do Trung Quốc nắm phần lớn cổ phần trong kế hoạch ‘Bình điện của Đông Nam Á’ nên Lào đang nhanh chóng trở thành một tỉnh trá hình của Trung Quốc”, ông Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, một viện nghiên cứu ở thủ đô Washington, nhận định.

(theo Reuters)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: