Nghiên cứu sinh TQ bị mời khỏi đại học Mỹ

Đại học Bắc Texas (UNT) thông báo 15 nghiên cứu sinh TQ phải rời khỏi Mỹ trong 30 ngày. Ảnh minh họa Wikipedia.

H.C.

Hàng chục nghiên cứu sinh Trung Quốc được chính phủ Bắc Kinh tài trợ bất ngờ bị trường đại học Bắc Texas thông báo visa của họ không còn hiệu lực và họ phải rời khỏi Mỹ trong vòng một tháng. Bài báo cho rằng, quyết định đó đã đóng thêm một cánh cửa giao lưu học thuật vào lúc sự thù địch giữa hai nước gia tăng.

Báo Trung Quốc The South China Morning Post (SCMP) sáng nay 05-09 cho biết, trong một thư điện tử ghi ngày 26-08, Đại học Bắc Texas (University of North Texas, UNT) nói với 15 nghiên cứu sinh Trung Quốc rằng nhà trường đã cắt đứt quan hệ với Hội đồng Học bổng Trung Quốc (CSC) – một chương trình thuộc bộ Giáo dục ở Bắc Kinh, tài trợ cho sinh viên và học giả Trung Quốc du học nước ngoài. Do vậy, các visa sinh viên của các nghiên cứu sinh này không còn hiệu lực và họ phải rời khỏi nước Mỹ trong vòng 30 ngày, tức là vào cuối tháng Chín.

Một trong các nghiên cứu sinh bị ảnh hưởng của quyết định này nói họ rất ngạc nhiên, bởi vì chương trình trao đổi học thuật của họ dài một năm nhưng chỉ mới thực hiện được hai tháng. “Tôi bị sốc, chuyện quá bất ngờ. Tôi không nghĩ tình huống như thế này có thể xảy ra. Tôi vẫn không rõ tại sao họ làm thế và nếu trường đại học không rút lại quyết định thì lựa chọn duy nhất của tôi là về nước”, nghiên cứu sinh ẩn danh này nói.

*

Gần đây, căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng và Hoa Kỳ thường tố cáo Trung Quốc sử dụng học giả và sinh viên vào việc ăn cắp tài sản trí tuệ, cũng như nghi ngờ ảnh hưởng của Bắc Kinh tại các đại học xá của Mỹ.

Trong một thông báo gửi cho các giảng viên hôm thứ Năm 03-09, Ban Giám Hiệu đại học UNT nói quyết định của trường “dựa trên những thông tin đặc thù và đáng tin cậy, theo sau những thông báo chi tiết của các cơ quan thực thi pháp luật tiểu bang và liên bang”, bản tin nội bộ của trường, North Texas Daily, tường thuật. “Do tính chất nhạy cảm của tình huống, chúng tôi hy vọng quý vị sẽ hiểu tại sao chúng tôi không được phép chia sẻ thêm thông tin tại thời điểm này,” thông báo của Ban Giám Hiệu UNT viết.

Nhưng trên Twitter, trường UNT nói quyết định “chỉ giới hạn với các nghiên cứu sinh nhận tài trợ của CSC” và nhà trường vẫn “tiếp tục chào đón các học giả khác từ khắp thế giới, kể cả Trung Quốc”.

Một nghiên cứu sinh tiến sĩ được CSC tài trợ tại trường UNT nói rằng ông ta sẽ xin vào một trường đại học khác để tiếp tục nghiên cứu, nhưng yêu cầu trường UNT phải xin lỗi và giải thích lý do. “Không có lời giải thích rõ ràng thì sẽ không có sinh viên Trung Quốc nào muốn tới trường này để học hoặc trao đổi học thuật”, nghiên cứu sinh ẩn danh này nói với báo SCMP.

*

Quyết định của trường UNT với sinh viên Trung Quốc được đưa ra sau khi chính phủ Hoa Kỳ thúc giục các trường đại học đề cao cảnh giác với tình trạng gián điệp tiềm ẩn và ảnh hưởng của các cơ quan chính phủ Trung Quốc, trong đó có CSC.

CSC tài trợ cho khoảng 7%-18% trong tổng số 370.000 sinh viên Trung Quốc học tập tại Mỹ, theo dữ liệu của Đại học Georgetown. Tài liệu của các đại học Trung Quốc cho biết CSC ưu tiên tài trợ cho việc nghiên cứu “các lĩnh vực chủ yếu, các dự án lớn, các công nghệ tiên tiến và những lĩnh vực thiết yếu cho chiến lược quốc gia của Trung Quốc và các ngành công nghiệp mũi nhọn”.

Chính phủ Hoa Kỳ thì lo ngại các nghiên cứu sinh Trung Quốc tại các đại học Mỹ có thể đánh cắp những tài sản trí tuệ có giá trị để chuyển về Trung Quốc, vào tay quân đội Trung Quốc.

Để ngăn chặn tình trạng này, chính phủ Mỹ đã cấm cửa các nghiên cứu sinh có quan hệ với quân đội Trung Quốc. Trong vài tháng gần đây có một số sinh viên và học giả Trung Quốc bị tố cáo làm gián điệp, kể cả một giáo sư Đại học Texas A&M, cộng tác với chính phủ Trung Quốc trong lúc làm nghiên cứu tạo cơ quan NASA; một nghiên cứu sinh của Trung Quốc tại Đại học Virginia bị bắt và buộc tội ăn cắp bí mật thương mại “theo hướng dẫn của Hội đồng Học bổng Trung Quốc, CSC”, báo Washington Examiner cho biết.

Trong bài nói chuyện trên radio đầu tuần này, Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo nói gần như mọi sinh viên Trung Quốc đều nằm dưới sự canh chừng của Bắc Kinh. “Các bạn không coi họ là điệp viên theo nghĩa thông thường; nhưng nhiều người trong số các sinh viên này đang chịu sức ép rất lớn mà những hoạt động của đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện ở quê hương họ,” ông Pompeo nói.

*

Tuy nhiên, một số nghiên cứu sinh và học giả, kể cả người Mỹ, không tán thành quyết định của trường UNT.

Liang Yuheng (Lương Ngọc Hằng), cựu sinh viên trường UNT đã viết một thư kiến nghị, vận động nhiều người ký, để yêu cầu trường UNT giải thích và rút lại quyết định, khẳng định rằng các học giả không phải là mối đe dọa của nhà trường hoặc của nước Mỹ.

Các nhà phân tích khác cho rằng, mối lo ngại về tình trạng ăn cắp tài sản trí tuệ và ảnh hưởng của Trung Quốc là có thật nhưng chính sách phản ứng thái quá của Hoa Kỳ đang gây tác hại cho sinh viên.

Zhiqun Zhu (Chu Chí Quân), giáo sư môn quan hệ quốc tế, Đại học Bucknell ở Pennsylvania nói những cáo buộc “gián điệp” chống lại các học giả Trung Quốc là không có cơ sở là có động cơ chính trị. “Nhiều đại học Mỹ sẽ đánh mất các tài năng từ Trung Quốc; những người không chỉ làm phong phú tính đa dạng và sinh động của các đại học xá mà còn đóng góp vào doanh thu của nhà trường và kinh tế địa phương. Đây là sự mất mát của tất cả mọi người,” ông Chu nói.

(theo SCMP)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: