Quả “bom xì” “Mulan” của Disney

Quả bom tấn 200 triệu USD – “Mulan” – của Disney đã trở thành quả bom xì. Được thiết kế và “gia công” với chiến dịch quảng bá rầm rộ, thậm chí không che giấu việc “nịnh” Bắc Kinh, “Mulan” vẫn không đạt được doanh thu như kỳ vọng tại thị trường Trung Quốc.

Phản ứng khán giả Trung Quốc sau vài ngày công chiếu ra mắt là chê bộ phim thậm tệ. Họ nói “Mulan” sai lệnh lịch sử; “Tây hóa”, diễn viên “Tàu” nhưng thoại bằng tiếng Anh… Sau tuần công chiếu ra mắt, “Mulan” chỉ thu vào 23 triệu USD; kém hơn so với con số 29,6 triệu USD mà phim Tenet của đạo diễn Christopher Nolan đạt được; và thua xa sản phẩm nội địa The Eight Hundred (tựa tiếng Hoa là “Bát Bách”) của Trung Quốc với 75,7 triệu USD trong tuần ra mắt (đến nay đã gom được 391 triệu USD kể từ ngày phát hành 21-8-2020).

Disney đã đầu tư “tâm huyết” vào “Mulan”. Họ thuê nhóm cố và sử học chuyên nghiệp. Họ thậm chí cắt cảnh hôn giữa nhân vật Hoa Mộc Lan và tình lang sau khi chiếu thử và bị phản ứng. Họ cũng quay tại 20 địa điểm ở Trung Quốc để phim có màu sắc “Tàu”. Với một nhân vật có nguồn gốc từ một sử thi cách đây 1.500 năm mà văn hóa Trung Hoa xem như một anh thư, Disney đã thất bại trong việc miêu tả lại Hoa Mộc Lan, dù có thể nhân vật chỉ là hình tượng hư cấu trong dã sử. Lu Hang – nhà sản xuất điện ảnh và bình luận phim nổi tiếng của Trung Quốc – nói rằng sự quen thuộc hình ảnh “Hoa Mộc Lan” trong văn hóa Trung Quốc qua nhiều thế hệ đã khiến “Mulan” dễ làm thất vọng người Trung Quốc.

Có nhiều sạn trong “Mulan”. Khán giả Trung Quốc đặc biệt thấy sự diễn dịch chữ “khí” trong “Mulan” là rất ngớ ngẩn (ngay cả với một số khán giả Việt Nam, khi xem đến chi tiết này, còn đã thấy buồn cười!). Tờ Hoàn Cầu thời báo “bức xúc” khi viết rằng “bộ phim là món thập cẩm giữa các yếu tố phương Đông với những biểu tượng phương Tây”. Khán giả Silvia Zhang nói với New York Times rằng, ngay cả kiến trúc trong “Mulan” cũng trật lấc so với niên đại và bối cảnh lịch sử: kiến trúc trong phim là thời Tống trong khi nhân vật Hoa Mộc Lan được tin là sống vào thời Bắc Ngụy (Northern Wei) trước đó hơn bốn thế kỷ! Nói tóm lại, khán giả Trung Quốc cảm thấy bị “xúc phạm” khi xem “Mulan”.

Trên website xếp hạng phim Douban (“Đậu Biện”), “Mulan” được chấm 4,9/10 điểm (so với 7,8/10 điểm của “Mulan” phiên bản hoạt hình năm 1998) – một đánh giá chắc chắn làm đạo diễn Niki Caro cùng bốn kịch tác gia phương Tây không vui. Năm ngoái, đồng chủ tịch Walt Disney Studios, Alan F. Horn, nói với tờ Hollywood Reporter rằng, “nếu “Mulan” không thành công ở Trung Quốc thì rõ ràng chúng tôi có vấn đề”. Giờ thì vấn đề đã rõ là gì. Chưa kể một số “vấn đề” khác, từ chuyện “Mulan” bị một số nước châu Á tẩy chay đến chuyện ầm ĩ mới đây khi báo chí phanh phui việc Disney quay phim ở Tân Cương.

“Mulan” lộ hẳn việc… “nịnh” Bắc Kinh, khi từ đầu phim, cũng như rải rác trong phim, đã đề cập ngay đến việc phát triển “con đường Tơ Lụa” và chính sách “an ninh quốc phòng” bằng mọi giá bảo vệ “con đường Tơ Lụa” của triều đình trung ương – một thông điệp rất “có tính thời sự”.

Tệ hơn hết, ở phần “credit” cuối phim, Disney đã bày tỏ sự cám ơn các cơ quan-đoàn thể chính quyền khu vực Tân Cương, trong đó Cục Công an Turpan, nơi mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ cấm vận năm 2019 vì vai trò của họ trong các hoạt động trấn áp, bắt bớ, giam cầm và cai quản các trại giam người Duy Ngô Nhĩ ở Tây Bắc Tân Cương. Shawn Zhang, nhà nghiên cứu tại Canada, cho biết, thời điểm “Mulan” được sản xuất (có vài cảnh quay ở Tân Cương và khoảng 90% cảnh khác dựng ở New Zealand) cũng là lúc mà chính quyền Tân Cương gia tăng thực hiện chiến dịch bắt giam “học tập cải tạo” đối với người Duy Ngô Nhĩ. Theo Shawn Zhang, đoàn làm phim Disney hẳn có thể đã đi ngang bảy trong số trại tập trung cải tạo trên đường từ phi trường Turpan đến phim trường ở sa mạc. Cần nhắc lại, bảy năm qua, chiến dịch bắt bớ và lùa vào trại “cải tạo” của chính quyền Tân Cương đã “gom” khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng thiểu số khác.

“Mulan” được bấm máy vào tháng 8-2018. Đó cũng là năm mà một phóng viên Wall Street Journal phát hiện một trại giam được bao quanh bằng tường rào cao hơn 4,5 m với kẽm gai tua tủa bên trên, cùng các tháp canh bảo vệ. Riêng tại Turpan, theo nhà nghiên cứu Shawn Zhang, nơi này có ít nhất bốn trại cải tạo, tính đến năm 2019. Ngoài Cục Công an Turpan, Disney còn “đặc biệt cám ơn” đến hơn 10 tổ chức Trung Quốc, trong đó có các cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nói về “chiêu” “nịnh”, Disney đã làm Bắc Kinh và khán giả Trung Quốc hài lòng. Xét ở khía cạnh truyền thông quảng bá sản phẩm, Disney đã tự giết họ, đặc biệt trong bối cảnh mà thế giới nói chung đang ngày càng có “thiện cảm đặc biệt” đối với Trung Quốc.

Vụ “Mulan” đang lọt vào cả chính trường. Ít nhất 20 nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu Disney giải thích về chuyện ôm máy sang Tân Cương quay phim ở ngay thời điểm mà Trung Quốc tổ chức các cuộc đàn áp man rợ người Duy Ngô Nhĩ. Điều ê hề nhất, theo New York Times, chính bộ máy “tuyên giáo” Trung Quốc lại đang yêu cầu các tờ báo lớn trong nước hạn chế viết về “Mulan”!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: