Khi màn bạc Hollywood thiếu vắng “kẻ xấu”

Nỗi sợ về chính trị đang khiến nền công nghiệp điện ảnh mất dần tiếng nói riêng của mình

Một trong những điều quan trọng góp phần làm nên “thương hiệu Mỹ” là văn hóa của đất nước này. Nga và Trung Quốc có thể sánh ngang hoặc gần bằng về tiềm lực quân sự nhưng họ không bao giờ có thể cạnh tranh với “lối sống Mỹ”. Sức mạnh văn hóa Mỹ được xây dựng bởi nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó ngành giải trí luôn được xem là một thành phần quan trọng. Công nghiệp phim và truyền hình đã thay đổi cách nhìn của thế giới về nước Mỹ. Tuy nhiên, lợi thế đặc biệt đó đang dần mất đi. Hollywood gần đây thường xuyên phớt lờ hoặc hoàn toàn im lặng về các vấn đề chính trị nhức nhối trên toàn cầu.

“Kẻ xấu” giờ là… người máy

Ai từng là “kẻ xấu”?

Hollywood đang đặt lợi ích doanh thu lên hàng đầu, hơn là xây dựng các giá trị quyền lực mềm cho nước Mỹ hoặc cổ xúy những giá trị dân chủ phổ quát như cách họ từng làm. Không chỉ với Trung Quốc, Hollywood giờ cũng né đụng chạm nước Nga của “Sa hoàng” Vladimir Putin. Charlie Chaplin với The Great Dictator là câu chuyện về Adolf Hitler. Kundun của đạo diễn Martin Scorsese cho thấy số phận của Tây Tạng. The Unbearable Lightness of BeingThe Hunt for Red October đưa cuộc đối đầu thời Chiến tranh Lạnh ra ánh sáng… Bây giờ, sự tránh né do ngại làm phật lòng khán giả những thị trường hốt bạc như Trung Quốc đã khiến Hollywood rơi vào tình trạng khủng hoảng thiếu nhân vật phản diện từ đời thật.

Lính phát xít tiến vào Ba Lan khi Chaplin bắt đầu quay The Great Dictator. Nhân vật nhà độc tài Adenoid Hynkel trong The Great Dictator do Chaplin thủ diễn đã biến Hitler thành một nhân vật dị hợm buồn cười. Thoạt đầu, Chính phủ Anh muốn cấm chiếu ở Anh vì họ muốn hòa giải với Đức (tuy nhiên, Anh đã cho chiếu The Great Dictator khi chiến tranh bắt đầu). Tại Mỹ, dù được nhiều người ở Hollywood ủng hộ, The Great Dictator cũng khiến lo ngại bộ phim có thể gây ảnh hưởng xấu đối với thị trường Đức.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt nói rằng cá nhân ông hoàn toàn ủng hộ Chaplin. Khi được công chiếu năm 1940, The Great Dictator chứng minh yếu tố nghệ thuật của nó, trở thành một trong những phim có doanh thu cao nhất trong năm, mở ra một kỷ nguyên mới cho Hollywood. Từ năm 1942-1945, hơn một nửa phim được sản xuất giai đoạn này ít nhiều đều có thông điệp liên quan chiến tranh, với hàng trăm phim chống Đức quốc xã.

Chiến tranh Lạnh là cơ hội hoàn hảo để nước Mỹ quảng bá hình ảnh họ ra thế giới. Hollywood luôn đi đầu trên chiến tuyến văn hóa này. “Kẻ xấu” trên màn bạc Mỹ giai đoạn này hầu hết là Liên Xô (I Was a Communist for the FBI, ra đời vào năm 1951, là một ví dụ). Trong thực tế, gần ½ phim có đề tài chiến tranh do Hollywood sản xuất vào thập niên 1950 đều có sự hỗ trợ của Ngũ Giác Đài, để đảm bảo nội dung phim có thông điệp ái quốc. Ngay cả một số sản phẩm điện ảnh quốc tế nằm trong nhóm đề tài thuộc về “chiến tranh văn hóa” chống Liên Xô, chẳng hạn Animal Farm của Anh, cũng được CIA bí mật tài trợ.

Đến thập niên 1960, điện ảnh Hollywood tập trung vào việc thể hiện vai trò quan trọng của Mỹ đối với thế giới; đề cao giá trị Mỹ, lối sống Mỹ; cổ xúy quyền lực mềm; đẩy mạnh thông điệp về công bằng và dân chủ Mỹ; kể cả sự khác biệt đặc thù kiểu tính cách người Mỹ. Dr. Strangelove; Apocalypse Now; Platoon; hoặc phim truyền hình nhiều tập M*A*S*H là những điển hình. “Kẻ xấu” trên màn bạc là những “kẻ xấu” thật ở thế giới thật, đặc biệt cộng sản. Từ phim tình báo, chiến tranh đến lịch sử, “kẻ xấu” thường đến từ những quốc gia cộng sản hoặc độc tài.

Red Sparrow tránh đá động đến Tổng thống Nga Putin

“Kẻ xấu” biến mất

Tuy nhiên, lịch sử dưới lăng kính Hollywood ngày nay đã không còn “sinh động”, “phản ánh thực tế” hoặc thậm chí trung thực. Hollywood bây giờ né hết những đề tài lịch sử chính trị có thể gây đụng chạm, đặc biệt đối với Trung Quốc. Tính đến thời điểm này, Hollywood chưa từng có bộ phim nào về sự kiện Thiên An Môn 1989. Phim Red Dawn bản dựng lại vào năm 2012 (từ bộ phim cùng tên năm 1984) đã thay cuộc xâm lăng Mỹ của Trung Quốc bằng “kẻ xấu” Bắc Triều Tiên. Tờ Variety đã gọi bộ phim bom tấn Transformers: Age of Extinction 2014 là “một tác phẩm tuyệt vời thể hiện tinh thần ái quốc, nếu bạn là người Trung Quốc”!

Từ việc xây dựng nhân vật phản diện là cộng sản và độc tài, Hollywood đang “chơi” với cộng sản (Trung Quốc) và thậm chí ít nhiều thỏa hiệp với độc tài

Như giáo sư Kal Raustiala (thuộc khoa Luật của University of California, Los Angeles-UCLA và là giám đốc Trung tâm quan hệ quốc tế Ronald W. Burkle thuộc UCLA) viết trên Foreign Affairs ngày 4-8-2020, Hollywood thậm chí “né” luôn cả Nga. Ý tưởng dựng lại một bộ phim từ quyển Red Notice của tác giả Bill Browder, viết chi tiết về sự tham nhũng kinh khủng của “băng nhóm” Putin, đã được thảo luận đi, thảo luận lại nhiều lần trong một hãng phim lớn nhưng cuối cùng giới điều hành đều gạt ra, bởi lo ngại làm Putin nổi giận (bộ phim hài cùng tên với thủ diễn Dwayne Johnson được Netflix phát hành năm 2021 là không liên quan). Phim Red Sparrow (2017) dựa vào tiểu thuyết cùng tên của cựu điệp viên CIA Jason Matthews dù có bối cảnh nước Nga nhưng cũng không đá động đến Putin, trong khi nhân vật này đóng vai trò chính trong quyển tiểu thuyết.

Thời của James Bond 007 đấu với “bọn xấu” đến từ nước Nga đã qua. Thế giới dưới mắt Hollywood bây giờ chỉ còn “bọn xấu người máy”, những kẻ xấu tưởng tượng, những kẻ xấu đến từ hành tinh xa xôi. Thế giới dưới mắt Hollywood cũng chẳng có những “phản ảnh thời cuộc”, “cho thấy yếu tố địa chính trị” hoặc miêu tả cuộc giằng co quyền lực không khoan nhượng Mỹ-Trung dù đây là sự kiện chính trị đáng chú ý nhất hành tinh. Tây Tạng, Tân Cương, Thiên An Môn, Đài Loan… né hết cho “lành”. Chaplin ngày trước có thể “tấn công” Hitler.

Bây giờ đố ai dám “tấn công” Vladimir Putin, huống hồ Tập Cận Bình. Cách đây không lâu, giáo sư Kal Raustiala thuật, khi một kịch tác gia được yêu cầu viết lại một trong những phiên bản game nổi tiếng, hãng phim bắt đầu đối mặt một vấn đề khó xử: ai sẽ là “kẻ thù”? Dĩ nhiên không thể là Trung Quốc. Cũng không thể Nga, không luôn Bắc Triều Tiên hoặc Iran. Giới điều hành hãng phim đã phải thốt lên: “Chúng ta chẳng còn biết chúng ta có thể biến ai thành kẻ xấu nữa rồi!”.

Điều đáng nói nhất trong vấn đề này gì? Khi “kẻ xấu” không còn, “người tốt” Mỹ – với chỗ đứng trên đỉnh cao của tinh thần giá trị Mỹ – dĩ nhiên cũng đang mờ nhạt và dần biến mất.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Mẹo hay nhà bếp
Trong gian bếp, bạn cũng có thể sử dụng nhiều mẹo vặt để tránh phền toa1o xảy ra, nhất là khi bạn phải làm ở nhà. Tránh ruồi Chỉ cần…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: