TNS McConnell ủng hộ TT Trump kiện tụng

HIẾU CHÂN

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell (Cộng Hòa, Kentucky), lãnh đạo khối đa số tại Thượng viện, vừa có bài phát biểu ủng hộ quyết định của Tổng thống Trump từ chối công nhận kết quả cuộc bầu cử ngày 03 tháng Mười Một vừa qua và không công nhận thắng lợi của liên danh Phó Tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sĩ Kamala Harris.

Tổng thống Trump, cho đến nay vẫn chưa công nhận thất bại sau khi số liệu kiểm phiếu từ các tiểu bang cho thấy ông chỉ được 214 phiếu cử tri đoàn so với 290 phiếu của ông Joe Biden (nhiều hơn con số 270 phiếu cử tri đoàn cần có để đắc cử); ông Trump được tổng cộng 71.2 triệu phiếu phổ thông (47.63%) trong khi ông Biden được 75.8 triệu phiếu (50.7%), chênh lệch hơn 4.6 triệu phiếu, theo số liệu của hãng tin AP, cập nhật lúc 6 giờ chiều giờ Thái Bình Dương ngày thứ Hai 09-11-2020. 

TNS McConnell: Tổng thống Trump có toàn quyền…

Trong phát biểu trước báo chí tại tòa nhà Thượng viện, lần đầu tiên sau khi ông Joe Biden tuyên bố thắng cử, ông McConnell ca ngợi thành công của những nghị sĩ Cộng Hòa đã chiến thắng trong cuộc bầu cử vào Thượng viện và Hạ viện, coi những thắng lợi đó mang ý nghĩa quyết định. Nhưng ngay sau đó, ông coi kết quả cuộc bầu cử – dựa trên chính những lá phiếu đã đã bầu ra các nghị sĩ, dân biểu Cộng Hòa mà ông vừa ca ngợi – là “chỉ có tính chất sơ bộ” và công kích các nghị sĩ Dân Chủ đã kêu gọi Tổng thống Trump chấp nhận kết quả ấy.

“Tổng thống Trump có 100% quyền hạn để xem xét những lời tố cáo về những điều bất bình thường (irregularities) và cân nhắc những lựa chọn pháp lý của mình… Đừng nên rao giảng về cách tổng thống nên ngay lập tức và vui vẻ chấp nhận kết quả sơ bộ từ chính những nhân vật trong suốt bốn năm qua đã từ chối hiệu lực của cuộc bầu cử trước đây,” ông McConnell nói. 

Ông McConnell không bác bỏ những cáo buộc sai lầm của ông Trump rằng cuộc bầu cử đã bị ăn cắp, thay vì vậy ông ta tán thành cam kết của tổng thống theo đuổi hàng loạt các vụ kiện tụng ở những tiểu bang “chiến trường” chính, nhắm tới đảo ngược kết quả và giành chiến thắng. Ông cho rằng hệ thống chính trị và tư pháp của quốc gia “sẽ giải quyết mọi vụ kiểm phiếu lại hoặc kiện tụng”.

“Thắng lợi quyết định” của đảng Cộng Hòa?

Về “thắng lợi có ý nghĩa quyết định” của đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử vào Thượng và Hạ viện, thực tế trái ngược với lời đánh giá của ông McConnell. Trước bầu cử, tại Thượng viện đảng Cộng Hòa có 53 thượng nghị sĩ, chiếm đa số so với 47 thượng nghị sĩ của đảng Dân Chủ và độc lập. Kết quả kiểm phiếu tới nay cho thấy, trừ bốn ghế thượng nghị sĩ vẫn chưa được xác định, đảng Cộng Hòa chỉ còn 48 ghế, bằng với con số 48 ghế của đảng Dân Chủ và độc lập; như vậy đảng Dân Chủ đã giành thêm được một ghế từ tay đảng Cộng Hòa. Để trở thành khối đa số của Thượng viện, mỗi đảng phải có thêm ít nhất hai ghế từ hai cuộc bầu cử “tay đôi” (run-off) ở tiểu bang Georgia và ở North Carolina sẽ diễn ra vào giữa tháng 1-2021.

Nếu đảng Cộng Hòa không giành được hơn hai ghế trong các cuộc bầu cử bổ sung này thì sẽ trở thành thiểu số và khi đó ông McConnell không còn được giữ vị trí lãnh đạo Thượng viện mà phải nhường cho Thượng nghị sĩ Chuck Schumer của đảng Dân Chủ. Chưa kể rằng, nếu liên danh Joe Biden – Kamala Harris chính thức đắc cử tổng thống và phó tổng thống thì bà Kamala Harris mặc nhiên trở thành chủ tịch Thượng viện, thêm một lá phiếu nặng ký cho khối Dân Chủ.

Tại Hạ viện, đảng Cộng Hòa giành thêm được năm ghế dân biểu từ tay đảng Dân Chủ, lên 196 ghế, nhưng vẫn chưa bằng con số 215 ghế hiện có của đảng Dân Chủ. Để trở thành khối đa số, phải giành được ít nhất 218 ghế Hạ viện và con đường đi đến con số ấy hãy còn xa cho đảng Cộng Hòa. Giới phân tích dự báo, trong khi ở Thượng viện cán cân lực lượng khá cân bằng 48-48 và chưa ai biết chắc đảng nào sẽ chiếm đa số thì ở Hạ viện, đảng Dân Chủ có vẻ sẽ giữ vững được thế đa số mà họ có từ trước cuộc bầu cử.

Tóm lại, “thắng lợi có tính quyết định” mà ông McConnell ca tụng thật ra không phản ánh đúng thực tế khi đảng Cộng Hòa có nguy cơ mất vị thế tại Thượng viện và không đảo ngược được vị thế ở Hạ viện.

Cộng Hòa chia rẽ về kết quả bầu cử

Trở lại kết quả cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, tất nhiên Tổng thống Trump có toàn quyền đưa đơn kiện những vụ việc bất bình thường của cuộc bầu cử nhưng theo giới luật gia, hy vọng sử dụng kết quả kiện tụng để đảo ngược tình thế, tạo ra một kết quả thắng lợi cho ông là điều viển vông. Trong bài kế tiếp chúng tôi sẽ trình bày chi tiết các vụ kiện mà ông Trump đã trình tòa cũng như triển vọng của từng vụ. Trong nhiều tháng trước khi bầu cử được tổ chức, ông Trump đã nhiều lần nói rằng ông chỉ có thể bị thất bại trong trường hợp bầu cử bị gian lận, dù cho đến nay các chuyên gia đều cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy tình trạng gian lận đã xảy ra. Vì thế chẳng có ai ngạc nhiên khi ông Trump liên tiếp đăng tweet rằng ông sẽ kiện tới cùng.

Có điều rõ là kết quả của cuộc bầu cử đã làm phân hóa sâu sắc hàng ngũ chính trị gia cao cấp của đảng Cộng Hòa, một nhóm nghị sĩ ủng hộ ông Joe Biden, nhóm kia ủng hộ ông Trump “chiến đấu tới cùng” còn số đông thì im hơi lặng tiếng, chờ xem gió sẽ xoay chiều nào.

Sáng hôm nay 09-11, hai thượng nghị sĩ Susan Collins (Cộng Hòa, Maine) và Ben Sasse (Cộng Hòa, Nebraska) đã lên tiếng chúc mừng ông Joe Biden. Bà Collins – cũng vừa tái đắc cử nhiệm kỳ thứ năm trong cuộc bầu cử này – nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc chuyển giao quyền lực, sao cho chính quyền mới có thể sẵn sàng điều hành đất nước ngay sau ngày Đăng Quang (Inauguration Day) vào 20-01-2021. “Joe Biden yêu đất nước này và tôi chúc ông mọi điều thành công,” bà Collins tuyên bố. “Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho cả Tổng thống Trump và Tổng thống tân cử Biden sao cho cả hai được thông thái trong việc hành xử nhiệm vụ của họ vào thời điểm quan trọng này của đất nước chúng ta,” ông Sasse nói, theo báo Omaha News Herald.

Trước hai vị này, các thượng nghị sĩ Lisa Murkowski (Cộng Hòa, Alaska) và Mitt Romney (Cộng Hòa, Utah) đã chúc mừng Tổng thống tân cử Joe Biden. Cựu Tổng thống George W. Bush – tổng thống duy nhất thuộc đảng Cộng Hòa còn tại thế – cũng đã lên tiếng chúc mừng thắng lợi của ứng cử viên đảng Dân Chủ Joe Biden.

Ở phía ngược lại, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa, South Carolina) thường xuyên thúc giục Tổng thống Trump tiếp tục chiến đấu. Dân biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa, California) – lãnh đạo khối thiểu số tại Hạ viện, tuyên bố trên Fox News sáng hôm qua rằng “mọi thách thức pháp lý đều cần được lắng nghe” trước khi người dân Mỹ quyết định “ai chiến thắng trong cuộc đua”.

Trong khi đó, đa số các nghị sĩ và dân biểu Cộng Hòa đều tránh bày tỏ ý kiến công khai về kết quả bầu cử.

Về phía đảng Dân Chủ, cũng tại đại sảnh Thượng viện hôm nay, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer (Dân Chủ, New York) nói rằng chiến thắng của ông Joe Biden là “công bằng và sòng phẳng”. Ông gọi các tuyên bố kiện tụng của ông Trump là “hết sức nguy hiểm, hết sức độc hại cho nền dân chủ” và khuyên can các nhà lãnh đạo Cộng Hòa không nên tiếp thêm oxygen vào các tuyên bố không có căn cứ đó.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: