Tỉ phú sòng bài Sheldon Adelson, được xem là một kingmaker và là người ủng hộ trung thành gần như tuyệt đối đối với ông Donald Trump, đã chết vào đêm qua 11-1-2021.
Con đường trở thành tỉ phú
Ít người Mỹ làm giàu nhanh bằng Sheldon Adelson, trong khi ông là một trong những tỉ phú Mỹ gần như lọt khỏi sự chú ý công chúng. Đơn giản, ông chỉ mới phất vài năm gần đây. Tháng 12-2004, tập đoàn kinh doanh sòng bài Las Vegas Sands mới được niêm yết thị trường chứng khoán và chỉ hai năm sau, giá trị tài sản Adelson đã vọt lên 17,5 tỉ USD (năm 2003, tài sản Adelson chỉ trị giá 1,4 tỉ USD!). “Ông ấy giàu nhanh hơn bất kỳ ai trong lịch sử” – nhận xét của Peter W. Bernstein, đồng tác giả All the Money in the World, quyển sách viết về những gương mặt tỉ phú trong danh sách Forbes 400 (400 nhân vật giàu nhất thế giới). Ngay tại kinh đô cờ bạc, cũng chỉ một số người biết đến Adelson, từ khi ông xây khách sạn Venetian tại thành phố này cuối thập niên 1990.
Adelson từng trải qua thời niên thiếu vất vả và trưởng thành tại khu ổ chuột nghèo nàn, nơi mà “chỉ cần có 3 USD trong túi đã được xem là giàu có” – như lời kể Irwin Chafetz, thành viên tập đoàn Las Vegas Sands, người từng quen Adelson từ thời trung học. Sinh ngày 1-8-1933 trong gia đình gốc Do Thái sống tại Dorchester (Boston), Adelson là con một tài xế taxi. Gia đình nhập cư đến Mỹ từ Ukraine (mẹ Ukraine và bố Lithuania). Từ nhỏ, để mưu sinh, Adelson phải làm đủ nghề. Năm 12 tuổi, với 200 USD vay từ người chú/bác, Adelson bắt đầu nghề bán báo dạo, với điều kiện phải trả tiền lãi vào “mỗi thứ ba lúc 6g chiều”. Nghỉ ngang đại học, ông làm dịch vụ vay vốn rồi tư vấn tài chính và có lúc làm phóng viên… Tổng cộng, Adelson thành lập và phát triển hơn 50 công ty khác nhau. Tiếp đó, ông chuyên tổ chức sự kiện với loạt chương trình triển lãm.
Năm 1979, ông thành lập hội chợ máy tính COMDEX. COMDEX trở thành hội chợ máy tính lớn nhất và uy tín nhất thế giới. Năm 1995, Adelson bán COMDEX cho Softbank (Nhật) với giá 860 triệu USD và quyết định đầu tư vào công nghiệp casino (sau khi mua sòng bài Sands của nhà tài phiệt Kirk Kerkorian tại Las Vegas với giá 128 triệu USD năm 1989). Trong 5 năm liên tiếp, Adelson thất bại thảm hại trước đối thủ Steve Wynn. Vài năm sau, Adelson sắn tay áo làm lại từ đầu. Phá sập Sands, ông cho dựng lại một khách sạn hoàn toàn mới với vốn đầu tư lên đến 1,3 tỉ USD. Đó là quần thể resort-casino khổng lồ được dựng theo mô hình thành Venice thời Phục hưng (và được đặt tên Venetian). Tất cả phòng trong Venetian đều có máy fax, máy photo, máy in, hai đường điện thoại… Khánh thành năm 1999, Venetian làm thay đổi diện mạo Las Vegas (từng được các tạp chí du lịch chọn là một trong những khách sạn tốt nhất thế giới). Năm 2003, Venetian có thêm tháp Venezia với 1.013 phòng hạng sang (nâng tổng số phòng Venetian lên 4.027, cùng 18 nhà hàng…).
Dưới sự điều hành Sheldon Adelson, Las Vegas Sands trở thành tập đoàn kinh doanh sòng bài thành công nhất lịch sử công nghiệp casino. Năm 2006, doanh thu Las Vegas Sands đạt 2,24 tỉ USD; tăng 28,5% so với năm 2005. Sau thành công Las Vegas, Adelson nhắm đến Macau. Ba năm sau khi dựng Sands Macau Casino với vốn đầu tư 265 triệu USD, tháng 8-2007, ông khánh thành Venetian Macao trị giá 2,4 tỉ USD (Las Vegas Sands còn đầu tư 12 tỉ USD trong loạt dự án khách sạn cho những thương hiệu lẫy lừng như Four Seasons, Sheraton và St. Regis, với tổng cộng 20.000 phòng tại Cotai Strip – nối liền đảo Taipa và Coloane tại Macau).
Tháng 5-2006, Las Vegas Sands trúng thầu xây khu resort-casino Marina Bay Sands tại Singapore với vốn đầu tư lên đến 3,6 tỉ USD và cả một dự án casino tại Hoa lục (thuộc đảo Hoành Cầm ở Chu Hải, Quảng Đông). Cần biết, Sheldon Adelson là người Mỹ đầu tiên được phép kinh doanh sòng bài tại Trung Quốc. Ngày 26-3-2008, Sheldon Adelson được trao giải Công dân doanh nghiệp Woodrow Wilson (đặt theo tên tổng thống Mỹ thứ 28; được Quốc hội Mỹ thành lập năm 1968; nhằm vinh danh gương mặt doanh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho nước Mỹ).
Adelson và Do Thái
Sheldon Adelson là gương mặt quen biết nhiều với giới chính trị, đặc biệt những “dự án” chính trị liên quan Israel. Tháng 1-2008, ông già gốc Do Thái này đã tặng 1 triệu USD cho tổ chức American Solutions for Winning the Future thuộc cựu chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Newt Gingrich và cũng thường xuyên ủng hộ tài chính cho tổ chức chính trị theo khuynh hướng bảo thủ Freedom’s Watch. Ông là thành viên ban giám đốc Liên minh Do Thái Cộng hòa (RJC) – tổ chức được thành lập năm 2007 nhằm ủng hộ Washington theo đuổi chính sách cứng rắn đối với Iran và Iraq. Thông qua tổ chức Adelson Family Charitable Foundation (thành lập tháng 1-2007), Adelson ủng hộ các sáng kiến liên quan cộng đồng Do Thái và Israel, chẳng hạn tặng 25 triệu USD cho Taglit-Birthright Israel (hỗ trợ tiền vé đến Israel cho người Do Thái từ 18-26 tuổi); tặng 4,5 triệu USD cho Trung tâm Shalem tại Jerusalem…
Tháng 10-2007, Sheldon Adelson cùng một nhóm tài trợ chính trị Cộng hòa đến Nhà trắng diện kiến Tổng thống George W. Bush. Họ muốn trình bày quan điểm về Israel trong vấn đề Palestine. Lúc đó, Ngoại trưởng Condoleezza Rice đang tổ chức một hội thảo lớn tại Mỹ nhằm xúc tiến tiến trình tái đàm phán hòa bình Israel-Palestine, điều mà nhiều người Mỹ gốc Do Thái cánh hữu và đồng minh Công giáo của họ không muốn. Với Adelson, từng đóng góp hào phóng cho chiến dịch tái tranh cử của Bush, ông phản đối giải pháp hai nhà nước (tức trao độc lập thật sự cho Palestine).
Bày tỏ suy nghĩ với Bush, Adelson nói “mụ Rice” đang nhắm đến việc làm đậm vai trò lịch sử mình chứ không phải cho Bush, rằng “mụ ấy” sẽ làm tiêu tan sự nghiệp chính trị Bush nếu tiếp tục theo đuổi “tiến trình nguy hiểm” này. Bush tỏ ra đồng cảm khi choàng một tay qua vai Adelson và tay kia qua vợ nhà tỉ phú, bà Miriam (sinh tại Israel). Cuộc gặp tại Nhà trắng còn có một mục đích khác: Adelson muốn lật đổ ghế thủ tướng của Ehud Olmert, dù hai người từng là bạn từ thập niên 1990, khi Olmert còn là thành viên đảng cứng rắn Likud. Tháng 1-2006, Olmert trở thành thủ tướng sau cú đột quỵ của Ariel Sharon. Cho rằng giải pháp hai nhà nước là cách duy nhất để duy trì Israel như một quốc gia dân chủ với đa số người Do Thái, Olmert bắt đầu kế hoạch đàm phán với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Phần mình, Adelson tin rằng hành động của Olmert là sự phản bội nguyên tắc với truyền thống Do Thái…
Từ khi kết hôn với Miriam (vợ hai; một bác sĩ; sinh tại Israel) năm 1991, Adelson trở nên quan tâm nhiều đến Israel (ngày đám cưới, Adelson đưa hơn 150 khách đến Israel bằng máy bay riêng, ngụ tại khách sạn King David ở Jerusalem). Giữa thập niên 1990, Adelson thiết lập quan hệ với Benjamin Netanyahu, trong mùa bầu cử 1996. Nhiều người đồn đoán rằng nếu không nhờ Adelson, Netanyahu khó có thể thắng cử trước ứng cử viên-Thủ tướng Công đảng Shimon Peres. Không chỉ chính trị, Adelson cũng có mặt sâu trong xã hội Israel với những thương vụ đầu tư kinh tế. Adelson từng trợ 4,5 triệu USD cho Viện nghiên cứu chiến lược Adelson tại Jerusalem mà ban bệ đều là đồng minh Netanyahu. Natan Sharansky, chủ tịch One Jerusalem, cũng có một ghế điều hành trong Viện nghiên cứu chiến lược Adelson. Tháng 12-2007, uy tín chính trị Adelson tại Washington được nâng thêm một bậc khi ông được Tổng thống Bush đưa vào Ủy ban cố vấn chính phủ về chính sách và thương thuyết mậu dịch.
Adelson và ghế tổng thống Mỹ
Đầu năm 2007, trong cuộc gặp tại Florida với Liên minh Do Thái Cộng hòa, Adelson cùng các đồng minh thành lập tổ chức chính trị Freedom’s Watch với mục đích ủng hộ phe Cộng hòa trong cuộc chiến giành ghế tổng thống. Đây là đòn trả đũa nhằm vào George Soros, khi nhà tỉ phú này tài trợ mạnh cho Dân chủ nhằm ngăn cản phe Cộng hòa tiếp tục thống trị Nhà trắng. Hè 2007, Freedom’s Watch chi hàng triệu đôla cho chiến dịch toàn nước Mỹ, kêu gọi duy trì quân đội Mỹ tại Iraq. Vài tháng sau, họ tổ chức hội thảo về Hồi giáo và Iran. Cuối tháng 4-2008, Freedom’s Watch tiến hành chiến dịch quảng cáo chống Dân chủ…
Năm 2016, Adelson dốc toàn lực ủng hộ chiến dịch tranh cử của Trump. Tháng 5-2016, Adelson viết trên Washington Post, kêu gọi đóng góp tài chính cho Trump, và nói “bạn có thể không thích phong cách Trump hoặc những gì ông ấy nói trên Twitter nhưng đất nước này hiện cần sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử”. Cuối năm đó, gia đình Adelsons quyên góp 20 triệu USD cho chiến dịch tranh cử Trump và Adelson cũng là cá nhân góp tiền nhiều nhất cho lễ đăng quang Trump, với 5 triệu USD. Gia đình Adelson dĩ nhiên là khách danh dự tại lễ nhậm chức của Trump; sau đó được mời dự các buổi tiệc chiêu đãi trong Tòa Bạch Ốc; và ngồi ở hàng ghế đầu khi các quan chức Mỹ mở Đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem vào năm 2018. Trong một buổi lễ ở Tòa Bạch Ốc năm 2018, Trump đã trao Huân chương Tự do Tổng thống, danh hiệu dân sự cao quý nhất của Hoa Kỳ, cho bà Miriam Adelson.