Ngày Tết kể chuyện ăn mặc

Minh họa: Pixabay

Chỉ nhìn qua cách ăn mặc, người ta có thể đánh giá đối tượng trước mắt là người như thế nào. Ăn mặc ngày thường khác, ngày Tết và lễ hội khác, nơi công sở khác, ở nhà khác… Triều phục của vua chúa phong kiến chẳng giống bộ đồ của thường dân. Bác thợ cày vận quần áo không có nét gì tương tự như bộ đồ phi hành gia. Ngoài ra, trang phục còn thể hiện giới tính… Hơn thế nữa, ăn mặc còn bộc lộ nền văn hóa riêng biệt của từng dân tộc, vị trí địa lý và cả bản chất sâu kín trong tâm hồn dân tộc đó. Bởi thế, trang phục chẳng khác gì bộ sưu tập về nền văn minh và lịch sử nhân loại. Và bởi thế, vấn đề ăn mặc là “đại sự” chứ chẳng phải chuyện đùa…

Minh họa: Pixabay
Minh họa: Pixabay
Minh họa: Pexels

“Lược sử” áo quần

Tất cả bức ảnh vẽ người tiền sử với vài chiếc lá cây xâu dây chuối và quấn quanh bụng đều phi thực tế. Thời thượng cổ, các cụ không hề có khái niệm mắc cỡ và các cụ mặc đồ để che thân, tức che kín gần như toàn thân, nhằm chống lại sự tấn công của những đợt giá lạnh ập vào hang động. Có lẽ thoạt đầu là lớp vỏ cây và sau đó phát triển lên một bậc với bộ da thú. Ðến khi văn minh rực rỡ hơn một chút, quần áo thật sự hình thành và lúc ấy bậc thầy về thời trang là những người La Mã và Hy Lạp.

Trong khoảng 1.000 năm đầu từ sau khi Chúa Jesus ra đời, những kẻ xâm lăng từ Bắc và Tây Âu đã buộc người La Mã phải thoái lui khỏi vùng Ðịa Trung Hải và ảnh hưởng của La Mã – trong đó có cách ăn mặc – tàn lụi dần. Ðến thời Trung cổ, kéo dài từ khoảng năm 500 đến 1500, phong cách ăn mặc Hy Lạp pha trộn với La Mã lại xuất hiện, ảnh hưởng đến thành phần trọc phú ở vương quốc Byzantine. Việc này còn ảnh hưởng đáng kể lên lối ăn mặc của dân châu Âu trong những năm 1000 và 1100. Cho đến những thế kỷ gần đây, chuyện mặc đẹp mới bắt đầu được tôn vinh và thời trang dần dần ló dạng… Lịch sử của chuyện ăn mặc có thể tóm gọn như vậy. Nhưng vấn đề được gọi là “đại sự” không đơn giản có bấy nhiêu…

Không biết từ bao giờ phụ nữ bị cảm giác thôi thúc là cần phải che kín ngực khi ăn mặc nhưng người ta thấy chuyện này đã xảy ra ở Ai Cập từ lâu lắm rồi. Trang phục Ai Cập thời cổ đại là cái khố quấn từ hông trở xuống (với phái nam) và từ ngực trở xuống (với phái nữ). Ðó là cái váy được gọi là kalasiris. Sau đó, người Ai Cập phát minh thêm cái áo khoác không tay. Áo thường dân ngắn hơn áo quí tộc. Ở Trung Ðông trong thời gian này, người ta vận khăn choàng hình chữ nhật vắt chéo qua người và cột ở một mối bên vai. Bộ đồ kín đáo này tồn tại nhiều thế kỷ sau, với điểm cải tiến duy nhất là khoét một lỗ cho cánh tay phải ló ra. Dân Do Thái cổ, Assyria và Babylon cũng có loại trang phục choàng kín thân, như váy kalasiris nhưng trông cứng hơn và có thêm núm tua và mép tua.

Phong cách ăn mặc của giới quý tộc Anh thế kỷ 19 qua thể hiện trên bộ phim truyền hình đang ăn khách Bridgerton (Netflix)

Thế giới của Hy Lạp và La Mã

Còn ở Ðịa Trung Hải, bộ đồ chống lạnh đầu tiên được ghi nhận đã xuất hiện cùng thời với sự xâm chiếm của dân Mede vào năm 612 trước Công nguyên (TCN) và Ba Tư vào năm 539 TCN. Chính người Ba Tư chứ không ai khác đã giới thiệu cho phương Tây cái mũ lưỡi trai với vành tai cuốn lên. Mãi cho đến thế kỷ XVIII, dân Paris vẫn khoái chiếc mũ lưỡi trai này. Khi quần áo được định hình định dạng, chuyện màu mè bắt đầu được chú ý. Ở đế quốc La Mã, chỉ có các nguyên lão và hoàng đế mới được quyền mặc đồ màu tím (trong khi ở Trung Hoa, màu vàng dành cho hoàng gia). Vào khoảng năm 1200 TCN, bởi một bộ luật khởi phát từ người Assyria, phụ nữ buộc phải choàng thêm mạng che mặt. Có lẽ bắt đầu từ lúc đó, người ta mới bàng hoàng nhận ra rằng vũ khí kinh khủng nhất của phái nữ là sắc đẹp và vì vậy phải kiếm cớ che khuất khuôn mặt của họ đi (nhưng rồi đâu ai cấm được phụ nữ xô đổ sụm thành trì bất chấp cả thiên binh vạn tướng!).

Hanbok – trang phục truyền thống của Hàn Quốc (Unsplash)

Trở lại Hy Lạp và La Mã, bậc thầy của thời trang như đã nói ở trên. Ba trang phục chủ yếu của người Hy Lạp và La Mã ở thời bình minh là  chilton, chlamys và peplos. Người La Mã còn có tunica trông giống như áo sơmi ngày nay và toga dùng mặc tại các buổi lễ lớn. Tuy giống chlamys của dân Hy Lạp nhưng toga rộng và dài hơn (dài gấp ba người mặc và phải cuốn thành từng gấp). Ngoài ra, phụ nữ còn có stola để choàng đầu hay vai… Thời đế quốc La Mã, người ta còn mang bít tất dài vào mùa lạnh (nhưng điều này bị cấm ở ngay thành Rome vì bắt chước theo kiểu phương Tây). Dần dần, chuyện ăn mặc được hệ thống hóa. Người ta còn soạn cả nhiều pho sách nói về qui định của trang phục trong triều đình, phân biệt với thứ dân.

Cho đến nay, vẫn chưa có tư liệu nào nói rõ về trang phục châu Âu bị ảnh hưởng như thế nào bởi các bộ tộc du mục xuất hiện hàng loạt ở vùng này thời Trung cổ. Sau khi những người Carolingians thiết lập sự thống trị quyền lực trên phần lớn lãnh thổ châu Âu và Charlemagne (tức Carolus Magnus) trở thành hoàng đế La Mã năm 800, một phong cách ăn mặc rõ rệt đã hình thành. Ông hoàng Charlemagne mặc đồ theo kiểu hoàng đế Byzantine, có lẽ du nhập từ Constantinople (hiện là Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ). Tuy nhiên, không như các ông hoàng Byzantine, Charlemagne chỉ mặc bộ đồ này vào dịp lễ quan trọng. Sau thời Trung cổ, châu Âu lại mô phỏng lối ăn mặc của phương Ðông, du nhập vào từ khi người Moor xâm chiếm Tây Ban Nha. Cột mốc quan trọng nhất xảy ra vào những năm 1100, sau khi cuộc thập tự chinh bắt đầu. Hàng loạt vải sợi phương Ðông đã được giới thiệu và mô phỏng, với tơ sợi, lụa damask và nhung. Quần dài cũng xuất hiện và trang phục còn được tôn vinh thêm vẻ đẹp bằng các loại trang sức và hàng thêu…

Áo dài và áo bà ba – hai trang phục truyền thống của phụ nữ Việt (tư liệu)

Lụa là thướt tha

Ở thời Trung cổ, muốn xem gót chân phụ nữ châu Âu chỉ có cách chịu khó… ngồi rình, vì họ luôn mặc váy dài, ở ngoài đường cũng như trong nhà (có lẽ để chống lạnh). Muốn xem suối tóc mềm của họ cũng khó vì họ luôn quấn đầu bằng wimple – loại khăn choàng quấn kín cả đầu lẫn cổ. Ðến thời Phục hưng, sắc đẹp của phái nữ được tôn vinh với hàng triệu bài thơ và tác phẩm hội họa. Những đường nét táo tợn của trang phục nữ bắt đầu hình thành. Bờ vai tròn trĩnh và bộ ngực ngọc ngà được phép công khai xuất hiện. Ở phái nam, áo sơmi được khai sinh với những cái cổ dài mà sau đó biến tướng thành cravat rồi cuối cùng tụt ngắn lại thành nơ. Cũng trong giai đoạn đầu thời kỳ Phục hưng, các bác thợ may đã có việc làm nhiều hơn và ngành thiết kế thời trang sơ khai cũng định hình.

Áo dài Việt Nam thập niên 1920 (tư liệu)

Ðể tăng thêm nét quyến rũ cho bộ váy dạ hội, đầu thời Phục hưng, người ta đã tạo ra một mảnh vải cứng, bó sát thân, với hai cái khuôn hình nón ở phần trên. Ðó không gì khác hơn là cái corset. Vâng, đúng thế, chính vật này đã trở thành công cụ hữu hiệu để “nhấn mạnh” các “chi tiết” cần thiết của cơ thể phụ nữ. Thế giới bắt đầu đảo điên như say rượu và mùa xuân dường như kéo dài bất tận. Mãi đến trước Cách mạng 1789, bộ ngực phụ nữ ở Pháp nói riêng và châu Âu nói chung luôn bị ép phải xuất hiện, ở trang phục thường dân cũng như các quí tiểu thư. Một cách tân khác thời Phục hưng không thể không kể: bộ tóc giả của quí ông. Bộ tóc giả rắc phấn trắng này là công trình nghiên cứu của vua Pháp Louis XIV (1638-1715) trong nỗ lực tìm kiếm biện pháp ngăn chặn hình ảnh cái đầu hói của mình. Phong trào đội tóc giả trong giới quí tộc châu Âu bùng nổ và chỉ chấm dứt ở Pháp từ sau Cách mạng 1789 (nhưng kéo dài tận nay ở Anh, trong pháp đình).

Ðến thế kỷ XVIII, váy phụ nữ ở phương Tây trở nên bồng bềnh hơn và áo nịt ngực tiếp tục được cải tiến. Phái nam cũng thích mặc đồ lụa mềm để dễ xoay trở trong những cuộc đấu kiếm giành người đẹp. Ðến thế kỷ XIX, với sự xuất hiện của Napoleon và sự phục hồi đế chế Pháp năm 1814, phụ nữ đã xôn xao phản ứng trước thay đổi của thời đại bằng cách trở về phong cách ăn mặc cầu kỳ với váy phồng nhiều tầng. Ðến cuộc Cách mạng công nghiệp, quần áo ở Pháp và châu Âu dần dần được đơn giản hóa. Tuy nhiên, đầu thế kỷ XX, những đợt sóng trào lại cuồn cuộn: phụ nữ la hét đòi nữ quyền! Cái áo nịt ngực đáng yêu bị quẳng vào thùng rác. Lần đầu tiên trong suốt gần 5 thế kỷ, hình thể tự nhiên của phụ nữ tái xuất hiện (đặc biệt sau Thế chiến thứ nhất). Bất ngờ hơn, đến giữa thập niên 1920, váy phụ nữ đã leo lên tới đầu gối và đến thập niên 1930 thì chị em bắt đầu vận quần dài như phái nam. Tiếp tục phát triển theo thời gian, chiếc váy có lúc ngắn đến mức không còn ngắn hơn được nữa…

Thời trang thiên nhiên

Ở châu Phi, người ta chẳng cần váy ngắn váy dài, chẳng cần nịt ngực phiền toái và cũng chẳng thích rườm rà với những bộ dạ hội mặc hàng giờ mới xong. Thiên nhiên và các sản phẩm của thiên nhiên là quần áo của người châu Phi. Với vài chiếc lá cây, hai cái gáo dừa, một số lông chim và chút phẩm màu chế từ cây cỏ, phụ nữ châu Phi đã có thể làm đẹp. Quan niệm về cái đẹp của nhiều thổ dân châu Phi, như Surma ở Ethiopia chẳng hạn, còn khác xa với phương Tây và cả phương Ðông: họ xẻ môi dưới và khoan rộng vành tai để đút cái đĩa gỗ tròn vào. Chỉ các dân tộc ở Bắc Phi mới ăn mặc kín đáo, bởi lý do khách quan: chống lại những cơn nóng hầm hập và các trận bão cát. Tại châu Á, phong cách ăn mặc rất rõ nét ở nhiều dân tộc. Người Ấn Ðộ với bộ sari truyền thống, thích trang điểm nhiều màu và khoác nhiều trang sức. Lối phục sức thời nhà Thanh vẫn mang dấu ấn đậm nét ở Trung Quốc thời hiện đại. Ở Nhật, người ta tôn vinh bộ kimono và tại Việt Nam thì áo dài được xem là đặc trưng cho y phục phái nữ. Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Brunei… đều có những trang phục dân tộc mà ngay cả chính khách đôi khi cũng vận trong những chuyến kinh lý ra thế giới…

Có một điểm đáng chú ý trong chuyện ăn mặc: Ở hầu hết bất kỳ quốc gia nào hiện nay, các bộ tộc thiểu số vẫn có riêng trang phục của mình và khó có thể có cơn sóng nào làm thay đổi vĩnh viễn điều này. Qua đó, người ta có thể thấy sức mạnh văn hóa cội rễ của một nước còn thể hiện ở chỗ trang phục truyền thống của họ có bị mai một hoặc biến mất hay không. Bộ trang phục truyền thống, xem ra chẳng giá trị mấy về mặt vật chất, lại là cái khiên minh chứng cho khả năng chống đỡ trước sự “xâm thực” như vũ bão thời văn hóa toàn cầu.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: