WASHINGTON, D.C. (NV) – “Năm cũ đã qua năm mới lại đến. Kính chúc quý cụ sang năm mới hạnh phúc ‘khang an’ năm mới gặp nhiều may mắn, sức khoẻ dồi dào.”
Nét chữ “không chân” kiểu Tây phương, không chút hoa mỹ thường có của chữ tiếng Việt, thêm những lỗi ngữ pháp ngô nghê, cộng với cành mai, cành đào tự vẽ, đã được các bạn nhỏ gốc Việt vùng Đông Bắc, bằng tất cả sự cố gắng, hào hứng và lòng chân tình trong vắt, nắn nót viết vào tấm thiệp mừng Xuân. Những tấm thiệp này sẽ được gửi đến các vị cao niên ở nhà dưỡng lão làm món quà ý nghĩa khi Xuân về.
Nói tiếng Anh, viết thiệp Tết tiếng Việt
Truyền thống người Việt Nam trao nhau những tấm thiệp kèm lời chúc an lành ngày đầu Xuân những tưởng đã bị phôi pha theo nhịp sống “như tên bắn” của thời đại. Thế nhưng, cộng đồng người Việt vùng Đông Bắc vẫn lưu giữ và truyền lại cho thế hệ trẻ, những người sinh ra và lớn lên ở Mỹ.
Không phải là nét cọ điêu luyện, bay bướm của chữ thư pháp theo phong cách “Mỗi năm hoa Đào nở / Lại thấy ông Đồ già” hay những câu thơ đối vần đối điệu, mà đó là những câu chúc ngắn, đơn giản, dễ viết, dễ hiểu. Chưa kể, đó là những câu chúc được “người lớn viết sẵn,” nhưng các em chỉ cần đọc, hiểu, và viết lại. Khó, thì có khó đó. Vì tiếng Việt không dễ. Nhưng, với các bạn trẻ gốc Việt, thì việc dùng chữ Việt để viết thiệp Tết Nguyên Đán có một ý nghĩa vô cùng to lớn, nhất là trong mùa đại dịch COVID-19.
“Xưởng vẽ” của các bạn nhỏ là phòng tập Kha’s Karate School ở thành phố Annandale, Virginia. “Đồ nghề” là những hộp màu nước, giấy carton trắng, những cây “Q-tips”, khăn giấy, và…những câu chúc mẫu. Trao đổi, đùa giỡn với nhau bằng tiếng Anh, nhưng viết lên thiệp Tết chữ tiếng Việt. Có tận mắt nhìn các em nắn nón từng dấu huyền, ngã, nặng, từng ký tự abc, mới cảm nhận được nếp văn hoá người Việt Nam vẫn còn đong đầy.
“What makes brown color? – Làm sao để ra màu nâu?”
“No..no… you have to add more red – Phải thêm chút đỏ vào”
“Why it is too dark? – Sao nó tối quá vậy?”
Sau khoảng 15 phút “testing” màu sắc, phát hoạ và cả…đấu khẩu (dĩ nhiên bằng tiếng Anh,) các hoạ sĩ bắt đầu sáng tác thật. Một bạn vẽ cành đào, một bạn vẽ hoa, một bạn viết lời chúc. Phải nói rằng, đây là một “hệ thống làm việc rất chuyên nghiệp.”
Cô bé Thanh Tú, 15 tuổi, ở thành phố Falls Church, Virginia, chăm chú vẽ lên tấm bìa cứng cành hoa màu nâu. Em rất hào hứng khi được cùng với các bạn khác làm thiệp chúc Tết cho các cụ cao niên.
“Em học được nhiều kinh nghiệm khi tham gia làm việc này với các bạn của mình. Công việc này giúp chúng em thể hiện lòng biết ơn, kính trọng những người lớn tuổi,” cô bé Thanh Tú nói.
Bên cạnh Tú là cô bé trạc tuổi, đang sáng tác những bông hoa rực rỡ bằng công cụ là chùm “Q-tips.” Megan Nguyễn, tên của cô bé, khi mọi người không thể vui Xuân cùng với nhau vì đại dịch COVID-19, thì mỗi người cần chung tay đóng góp để giúp đỡ nhau trong dịp Xuân về.
“Ý nghĩa lớn nhất của việc làm này là em cảm thấy mình có thể mang đến niềm vui cho mọi người,” cô bé Megan nói.
Công đoạn cuối cùng, quan trọng không kém chính là thông điệp gửi đến các cụ cao niên. Và đây là phần việc của cô bé Phương Anh Nguyễn, ở thành phố Annadale, Virginia. Tuy Phương Anh nói tiếng Việt có phần giỏi các bạn, nhưng vẫn không tránh được chất giọng “Mỹ con.” Cô bé hiểu được Tết cổ truyền là thời gian gia đình sum vầy, vui chơi cùng nhau. Do đó, khi biết có nhiều gia đình không thể đoàn viên vì đại dịch COVID-19, Phương Anh hiểu được nỗi buồn của những người ấy. Từ đó, cô bé nhận thức được rõ hơn ý nghĩa việc mình và các bạn đang làm là rất tốt cho cộng đồng.
“Có nhiều người không được ở gần gia đình, em và các bạn gửi lời chúc ngọt ngào cho những người ấy làm cho mọi người vui lên, quên đi dịch Covid,” Phương Anh nói.
Giữ lửa truyền thống
Nếu “Lời chào cao hơn mâm cỗ” thì một tấm thiệp Xuân truyền thống do chính tay người gửi viết ra sẽ rất ấm áp trong ba ngày Tết, nhất là khi Tết về trong khí lạnh của mùa Đông vùng Đông Bắc. Căn phòng nhỏ tập Karate của thầy giáo Hoàng Vi Kha, Hiệu Trưởng trường Việt ngữ Thăng Long buổi sáng cuối tuần rộn ràng, đầy sắc Xuân với màu vẽ, thiệp mừng Xuân. Thầy Kha chính là người đã gợi ý cho các học sinh lớp Việt ngữ của mình viết thiệp tặng người thân, thầy giáo, bạn bè vào dịp Xuân về.
Người Việt xa xứ, dù là một năm, hay nhiều hơn 45 năm, vẫn luôn ghi nhớ những bản sắc cổ truyền của Tết dân tộc. Ở những nơi không phải là quê hương Việt Nam, họ cố gắng giữ lại tất cả nền nếp của ngày Tết Việt, từ điểm tô nhà cửa cho đến phong tục đưa ông Táo, rước ông bà, biếu quà Xuân, gửi thiệp mừng. Dù là “Xuân hải ngoại,” dù là “Mỹ mà, đâu có nghỉ Tết dài như Việt Nam đâu,” họ vẫn mong, và có ba ngày Tết gia đình đoàn viên. Thế nhưng, cơn đại dịch năm nay đã lấy đi những điều đó. Thầy giáo Hoàng Vi Kha và những người làm việc cho cộng đồng vùng Đông Bắc hiểu được rằng, người cao niên rất cần sự gần gũi với gia đình, xã hội.
“Họ luôn cảm thấy cô đơn, nhất là vào lúc đại dịch này. Nếu chúng ta, thế hệ thứ hai, thứ ba có thể dành chút thời gian làm những tấm thiệp hoặc đến thăm viếng, thì đối với họ đó là món quà tinh thần quí lắm,” thầy Kha nói.
Do vậy mà năm nay, thầy Kha và các trường Việt ngữ cùng với nhóm Việt-American vùng Đông Bắc đã nhân rộng truyền thống viết thiệp Tết ra khỏi khuôn viên của gia đình, bạn bè. Các em nhỏ được hiểu thêm rằng, cuộc sống sẽ thật sự có ý nghĩa và tươi đẹp hơn nếu chúng ta san sẻ hạnh phúc, dù là nhỏ nhoi, cho những người xung quanh.
Đối với thầy Hiệu Trưởng Hoàng Vi Kha, đó còn là “sự gìn giữ nề nếp, đạo đức của dân tộc mình.”
Nơi góc phòng, các bạn nhỏ thế hệ thứ ba vẫn đang say sưa với màu và cọ. Nụ cười các cô bé rạng rỡ như những tia nắng bên ngoài. Một đời người có mấy mùa Xuân!