Myanmar trở thành quốc gia không có báo chí

Kể từ ngày 17-3-2021, Myanmar bắt đầu trở thành một quốc gia mà báo chí độc lập không còn tồn tại. Từ thứ Tư 17-3, tờ The Standard Time cùng The Myanmar Times, The Voice, 7Day News Eleven đã bị đình chỉ hoạt động bởi loạt trấn áp khốc liệt và nghiêm cấm của chính quyền quân đội.

Cách đây chưa đầy một thập niên, chính quyền bán dân sự của cựu Tổng thống Thein Sein bắt đầu từng bước dỡ bỏ hạn chế đối với hệ thống báo chí vốn bị đàn áp từ lâu ở Myanmar. Khi việc kiểm duyệt công khai trở thành dĩ vãng và giấy phép mới được cấp, số lượng các hãng tin bắt đầu tăng, trở thành dấu hiệu cho thấy niềm tin vào sự cải cách kinh tế và chính trị của giai đoạn “hậu độc tài”. Giờ đây, khi phương tiện truyền thông trực tuyến là cứu cánh cuối cùng cho hàng triệu công dân đang khao khát thông tin, chính quyền mới đã cắt luôn mối liên hệ cuối cùng này và đẩy đất nước vào bóng tối.

Nhà phân tích chính trị Sithu Aung Myint cho biết: “Tình hình đối với tự do báo chí trở nên tồi tệ hơn khi họ cắt internet” và “Đất nước không còn dân chủ hay một chút tự do nào”. Ngày 11-2-2021, 10 ngày sau đảo chính, chính quyền quân đội ban hành chỉ thị mới cho Hội đồng Báo chí Myanmar, yêu cầu các phương tiện truyền thông “thực hành đạo đức” và ngừng gọi “Hội đồng Quản lý Nhà nước” là “cơ quan quân sự”. Ngày 22-2, người cầm đầu cuộc đảo chính – thượng tướng Min Aung Hlaing – cảnh báo giới truyền thông rằng giấy phép sẽ bị thu hồi nếu họ tiếp tục lên án chính quyền.

Ngày 25-2, để tỏ thái độ thách thức, khoảng 50 hãng tin tuyên bố tiếp tục đưa tin chính xác về bức tranh hỗn loạn chính trị trong nước, đồng thời lên án chế độ và những hành động chà đạp dân chủ của họ. Hai ngày sau, chính quyền trả đũa. Ngày 27-2, năm nhà báo đưa tin về các cuộc đàn áp của chính quyền bị bắt và sau đó bị buộc tội kích động theo Mục “505a” Bộ luật Hình sự. Phóng viên Kay Zon Nway của Myanmar Now là một trong những người bị bắt hôm đó. Khi đang ghi lại sự kiện tấn công tàn bạo đối với những người biểu tình ở thị trấn Sanchaung ở Yangon, Kay Zon Nway bị bắt. Bốn người khác – Aung Ye Ko thuộc 7Days News, Ye Myo Khant thuộc Myanmar Pressphoto Agency, Thein Zaw thuộc AP và Hein Pyae Zaw thuộc ZeeKwat Media – cũng bị bắt khi đang tác nghiệp gần Hledan. Tất cả năm người đang bị giam tại nhà tù Insein khét tiếng Yangon, chờ xét xử với những cáo buộc dựa trên quan điểm lố bịch rằng họ phải chịu trách nhiệm đối với “tình trạng lộn xộn” mà trong thực tế việc họ có mặt ở đó là vô cùng nguy hiểm cho tính mạng họ. Theo những sửa đổi gần đây với Mục 505a, họ đang đối mặt ba năm tù.

Theo dữ liệu do Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị tổng hợp và cập nhật lần cuối vào ngày 8-3, có 33 nhà báo đã bị bắt hoặc nằm trong nguy cơ bị bắt. Không chỉ bắt bớ, chế độ mới cũng ào ạt thực hiện chiến dịch bịt miệng báo chí. Ngày 8-3, Bộ Thông tin thông báo việc thu hồi giấy phép xuất bản của Myanmar Now và bốn cơ sở khác – 7Day News, Mizzima, DVBKhit Thit Media. 7Days News ngừng in vào ngày hôm sau; và một ngày sau, Eleven cũng loan báo tạm ngừng hoạt động, ít nhất cho đến ngày 18-4. Trong cùng thời gian, hai ấn phẩm địa phương nổi tiếng The Myanmar Times The Voice cũng đóng cửa.

Sau khi Myanmar giành được độc lập vào năm 1948, báo chí tư nhân phát triển mạnh. Được xuất bản bằng tiếng Myanmar, tiếng Anh, tiếng Trung và Hindi, ấn phẩm báo chí là một phần của nền văn hóa sôi động ở nước này. Tất cả kết thúc đột ngột vào năm 1962, khi nhà độc tài, tướng Ne Win nắm quyền và đặt hầu hết nhật báo dưới sự kiểm soát chính phủ. Sau khi Hiến pháp năm 1973 của ông được phê chuẩn, các nhật báo thuộc sở hữu tư nhân bị cấm tuyệt đối. Mãi gần 40 năm sau, cuối năm 2012, sự độc quyền của các phương tiện truyền thông nhà nước mới chấm dứt, dưới thời Chính phủ Thein Sein.

Giờ đây khoảnh khắc tự do lại biến mất. Myanmar đang trở lại những ngày tháng đen tối. “Tôi chưa vào nghề báo ở thời điểm năm 1988, nhưng trong 12 năm làm báo, tôi thấy tình hình hiện tại là tồi tệ nhất. Không chỉ chuyện ra hiện trường biểu tình để tường thuật (đầy hiểm nguy) mà còn là việc bạn có thể bị bắt chỉ đơn giản bạn là người thuộc giới truyền thông” – một nữ phóng viên giấu tên nói. Nhà phân tích chính trị Sithu Aung Myint viết trên mạng xã hội gần đây: “Hãy giúp các phương tiện truyền thông để cộng đồng trong nước và quốc tế biết được lòng dũng cảm, sự hy sinh của người dân; cũng như hành động tàn bạo của bọn độc tài”. Ông nói thêm: “Hãy tự ghi lại các vụ việc”, và nhắc rằng trong thời đại của nhà báo công dân, tất cả đều có trách nhiệm với vai trò nhân chứng thời cuộc của mình.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: