Với nhiều người, việc không còn thấy những dòng tweet “nhảm nhí” đầy thù hận và khiêu khích của cựu Tổng thống Donald Trump không có gì nhẹ nhõm hơn. Với không ít người khác, sự “đi vắng” của Trump trên Twitter khiến họ hụt hẫng và chán nản…
“Huyết áp của tôi đã giảm 20 điểm”, ông Gary Cavalli, 71 tuổi, cho biết. “Không phải đọc những dòng tweet thiếu trung thực của ông ấy khiến cuộc sống của tôi hạnh phúc hơn rất nhiều” – ông Gary Cavalli nói, dẫn lại từ New York Times ngày 17-4-2021. Tưởng chừng chỉ mới hôm qua, ông Trump đã tung hoành ngang dọc trên thế giới mạng, qua kênh Twitter, như thể ông ấy làm chủ nó, khi ông ca ngợi bản thân cùng lúc lại sỉ vả gièm pha kẻ thù, với các phát biểu bằng những từ ngữ mà đôi khi chính tả của nó được viết sai… một cách đầy “sáng tạo”.
Tất cả đã kết thúc vào ngày 8 tháng 1, hai ngày sau xảy ra sự kiện những kẻ cuồng quá khích tấn công trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ. 100 ngày đã trôi qua kể từ khi Twitter “khóa miệng” ông Trump – một động thái đặt ra các câu hỏi về quyền tự do ngôn luận và kiểm duyệt trong thời đại truyền thông xã hội. Mario Marval, 35 tuổi, người quản lý chương trình và là cựu binh Không lực Hoa Kỳ ở Cincinnati, cho biết: “Tôi đã ngủ rất ngon giấc với việc ông ấy không còn có mặt trên Twitter”.
Đối với Matt Leece, 29 tuổi, giáo sư âm nhạc ở Bloomsburg, Pennsylvania, việc Twitter “đình chỉ” tài khoản ông Trump giống như việc dọn sạch để có được bầu không khí trong lành. Ông Leece nói: “Nó giống như sống trong một thành phố vĩnh viễn chìm trong sương khói, và đột nhiên một ngày bạn thức dậy và thấy bầu trời xanh ngắt, rồi chim hót líu lo, và cuối cùng bạn có thể hít một hơi trọn vẹn, không độc hại”.
Tuy nhiên, với hàng triệu người trung thành Trump, sự im lặng của ông Trump trên thế giới mạng mang lại một cảm giác trống vắng không thể bù đắp. Họ có cảm giác họ mất đi thứ vũ khí lớn nhất trong cuộc chiến chống “bọn cánh tả”. Kelly Clobes, 39 tuổi, giám đốc kinh doanh ở Nam Wisconsin, nói: “Tôi nhớ tiếng nói mạnh mẽ, bảo thủ và kiên định của ông ấy trên Twitter. Nhiều người được phép tự do ngôn luận và nói lên suy nghĩ và họ không bị cấm. Trừ khi điều này được áp dụng trên diện rộng, người ta không nên làm như vậy với ông ấy”.
Quả là Donald Trump đã tạo ra một “thế giới Twitter” chưa từng có trong lịch sử truyền thông nói chung. Kể từ năm 2009, khi Trump đăng dòng tweet đầu tiên (“Hãy nhớ theo dõi và xem Donald Trump trong chương trình Late Night with David Letterman khi ông ấy đưa ra Danh sách Top 10 tối nay!”), đến ngày 8-1-2021, khi Trump đăng mẩu tweet cuối cùng (“Với tất cả những người đã hỏi, tôi có thể trả lời rằng tôi sẽ không dự Lễ nhậm chức vào ngày 20 tháng 1”), Trump đã tweet hơn 56.000 lần.
Ông tweet thường xuyên đến mức người ta thậm chí nghĩ việc “làm tổng thống” của ông chỉ đơn giản là ngồi đó bấm tweet. Ông cho rằng người mà mình phải đấu trên trường đua tổng thống – ông Joe Biden – “sẽ xuống rất nhanh và thảm hại, khóc lóc bù lu bù loa” (“go down fast and hard, crying all the way”). Ông tweet rằng Meryl Streep là “một trong những nữ diễn viên được đánh giá cao (một cách) thái quá nhất Hollywood”. Ông cáo buộc cựu Tổng thống Barack Obama nghe lén mình. Ông khoe rằng “Nút hạt nhân” của mình “lớn hơn và mạnh hơn nhiều” so với Kim Jong-un, nhà lãnh đạo Triều Tiên (“Và Nút của tôi hoạt động!” – “And my Button works!”).
Ghét hay không, việc tảng lờ những tweet của Trump là điều bất khả. Việc Trump “làm tổng thống” bằng công cụ Twitter đã thay đổi cách ông sử dụng quyền lực. Công ty Twitter lẫn Tòa Bạch Ốc phải vật lộn về việc liệu làm thế nào để kiềm chế và kiểm soát cách thức làm chính trị bằng tweet của Trump. Tweet của Trump được trích dẫn, phân tích, mổ xẻ, khen ngợi và chế giễu… Chúng cũng thường xuất hiện trong các cuộc trò chuyện đại loại “Tôi-không-thể-tin-nổi-ông-ấy-đã-nói-như-vậy”.
Seth Norrholm, giáo sư tâm thần học tại Đại học Y khoa Wayne State ở Detroit và là chuyên gia về căng thẳng sau chấn thương, nói rằng chính Twitter đã tạo điều kiện cho Trump có một diễn đàn liên tục để bày tỏ sự khinh thường người khác và thể hiện sự tức giận không ngừng nghỉ. Giáo sư Norrholm nói, mỗi khi ông ấy sử dụng chữ viết hoa, điều đó giống như “một kẻ bạo hành đang gào thét những tuyên bố nhục mạ” nhằm vào người dân Mỹ.
“Việc ‘xa mặt cách lòng’ thực sự có tác dụng tốt đối với rất nhiều người – như ông Norrholm nói, nhưng Trump thật ra vẫn không chịu nổi cảm giác bị quên lãng. Ông đã thiết lập một kiểu “văn phòng tổng thống lưu vong” tại Mar-a-Lago, và tiếp tục đưa ra các tuyên bố khiêu khích, không chỉ chỉ trích Tổng thống Joe Biden mà còn sỉ nhục cả một số chính trị gia Cộng hòa mà ông cho là không đủ trung thành; theo cách ông muốn nhắc mọi người rằng ‘Tôi vẫn ở đây’, rằng ông ấy chưa biến mất hoàn toàn. Giáo sư Norrholm nói, “những gì xảy ra trong vài năm tới là người ta sẽ nghe thấy tiếng gầm gừ từ tầng hầm. Chúng ta không biết ông ấy ta có trồi lên nổi không, hay chỉ là một người nào đó ở dưới tầng hầm gây ra tiếng ồn”.
Những tiếng ồn này có ý nghĩa quan trọng như thế nào? Nhiều đảng viên Cộng hòa dường như vẫn đeo bám từng lời nói của Trump. Tuy nhiên, một số người khác nhận định rằng, không có Twitter hoặc quyền hạn tổng thống, tiếng nói của Trump cũng chẳng có ý nghĩa hoặc ảnh hưởng gì. Dù thế nào, nhiều người hâm mộ vẫn nhớ ông Trump một cách tuyệt vọng. Tháng trước, một dòng tweet oán trách của Rudolph W. Giuliani, cựu thị trưởng New York, viết về sự vắng mặt của Trump, đã được “thích” hơn 66.000 lần.
Joe Walsh, cựu nghị sĩ Cộng hòa vốn ủng hộ Trump, hiện là người dẫn chương trình phát thanh chuyên chống Trump, nói rằng ngay cả một số người ghét cựu tổng thống cũng thấy… “trống vắng chiều nay”. Cuộc sống của họ trở nên “trống rỗng” vì Trump không còn lảng vảng để phục vụ như một lá chắn phản diện cho những bất bình của họ. Trong thực tế, có những người không hề thích Trump nhưng luôn theo dõi sát những gì Trump tweet và dùng những tweet ấy để làm đề tài… “chửi” Trump, rằng “tôi-không-thể-tin-nổi-ông-ấy-đã-nói-như-vậy”.