Chút kỷ niệm với Họa sĩ Bé Ký

Họa sĩ Bé Ký. (Hình: hoasivietnam.wordpress.com)

Sáng nay đọc tin mới biết tin họa sĩ Bé Ký vừa qua đời ngày 12-5-2021, thọ 83 tuổi. Sinh thời họa sĩ Bé Ký là một hiện tượng của hội họa miền Nam. Dù không qua trường lớp nào, chỉ được các họa sĩ Trần Đắc, Trần Văn Thọ và Văn Đen hướng dẫn căn bản, vốn kiến thức văn hóa cũng ít ỏi nhưng những tác phẩm của bà được khách thưởng ngoạn và các nhà sưu tập đánh giá cao trong và ngoài nước…

Bà quê ở Hải Dương, tên thật là Nguyễn Thị Bé, được một họa sĩ nhận làm con nuôi trong cuộc di cư năm 1954. Trước khi là họa sĩ nổi tiếng thế giới, bà là cô bé bán tranh dạo cho khách du lịch ở trung tâm Sài Gòn. Triển lãm tranh đầu tiên của bà năm 1957 ở Pháp văn Đồng minh hội (Alliance Française) do René de Berval bảo trợ đã được công chúng và giới làm nghệ thuật chú ý đến. Sau đó họa sĩ Bé Ký đã triển lãm tại Hội Việt Mỹ, Trung tâm Văn hóa Pháp. Bà cũng từng triển lãm ở Paris và Tokyo. Từ năm 1957 đến năm 1975, bà đã có 16 cuộc triển lãm.

Năm 1989, bà cùng chồng là họa sĩ Hồ Thành Đức và các con xuất cảnh sang định cư ở Mỹ. Ở vùng đất mới, tranh của bà đã được trưng bày ở nhiều gallery và bảo tàng mỹ thuật tại Mỹ kể cả Viện Smithsonian. Tranh của họa sĩ Bé Ký độc đáo ở chỗ bà chỉ ký họa đường nét bằng mực tàu trên giấy và lụa. Cũng có nhiều tranh màu nước. Từ năm 1989, bà có làm thêm tranh sơn mài với sự trợ giúp của chồng bà, họa sĩ Hồ Thành Đức. Vẽ ký họa để trở thành tác phẩm là chuyện không dễ. Vẽ bút lông với mực tàu lại càng khó hơn, bởi nét cọ đã vẽ rồi thì không sửa được. Bởi thế, để vẽ được bức tranh, bà đã vẽ xong ở trong đầu. Khi tay cọ đặt xuống, bút pháp phải nhanh, linh họat. Tranh của bà do vậy mà cuốn hút và sinh động.

Đề tài của bà là những nhân vật gần gũi trong cuộc sống: thợ hớt tóc, ông đồ viết chữ, nông dân cày cấy, trẻ con chơi đùa, người bán hàng rong và nhiều nhất là những bức họa về tình mẹ con. Nét vẽ của bà đơn giản nhưng mang hồn dân tộc Việt. Bà vẽ như đường kiếm của các kiếm khách, thanh thoát, phóng khoáng mà dứt khoát nên tranh bà nhìn giản dị mà khó ai bắt chước được. Thị trường tranh giả ký tên Bé Ký rất nhiều nhưng nét vẽ không được như bà.

Tôi và gia đình họa sĩ Hồ Thành Đức, Bé Ký cũng có mối tình thân từ những năm cuối thập niên 1960. Thời kỳ đó tôi vào Sài Gòn học. Trước đó cũng có thời gian ngắn học Mỹ thuật Huế. Sinh viên xa nhà, đói cơm là chuyện thường tình. Lúc đó gia đình họa sĩ ở trong hẻm đường Trần Quang Diệu, nên khi nào thiếu ăn, tôi lại tạt vào kiếm miếng cơm, được họa sĩ Bé Ký và Hồ Thành Đức xem như em út trong nhà. Bù lại nhà cần việc gì tôi cũng cố gắng và sốt sắng thực hiện. Tôi cũng học được nhiều kinh nghiệm vẽ bìa sách của họa sĩ Hồ Thành Đức trong thời kỳ này.

Họa sĩ Bé Ký lãng tai nên nói chuyện với chị rất mệt mà vui. Nói một đường bà trả lời một nẻo. Dù đã là họa sĩ nổi tiếng thế giới nhưng bà giản dị, mộc mạc và rất hồn nhiên. Nhìn bà giống như một bà nội trợ Việt Nam, nấu những món ăn cho chồng con, hoàn tất công việc nhà xong thì ngồi vẽ ngoài sân, trông rất bình dị như những nét vẽ của bà. Năm 1975, gia đình bà dọn về hẻm đường Phan Thanh Giản, Đa Kao. Đó là thời kỳ khó khăn của cả nước, cũng là thời kỳ bà không sáng tác được nhiều. Đến thăm bà, lúc nào cũng thấy nụ cười rất trẻ và giọng nói khá nhanh của bà. Nhìn cảnh lam lũ của bà vì các con đang tuổi lớn thấy thương lắm. Bà có hai con trai là Cung, Cao. Một cô con gái là Dương. Tất cả giờ đã trưởng thành và cũng nối nghiệp bố mẹ.

Năm 2006, nhân dịp qua Mỹ, tôi nhờ anh Thạnh và bạn Lộc đưa đến thăm hai vợ chồng họa sĩ ở thành phố Westminster, Nam California. Thầy trò, chị em gặp nhau sau thời gian dài bặt tin, cảm động lắm. Cung, Cao đã cao lớn, đã trở thành những chàng trai khôi ngô. Tôi được họa sĩ Hồ Thành Đức giới thiệu tranh, được họa sĩ Bé Ký tặng cho mấy cuốn sách tranh. Bà cũng như ngày nào, sốt sắng, thân tình với nụ cười tươi.

Hôm nay được tin bà mất, lòng buồn nhớ lại kỷ niệm ngày xưa, cũng đã 50 năm đi qua rồi. Đời người có rồi mất đó, như quy luật có đến rồi phải đi. Bà đã 83 tuổi, cũng xem như là thọ nhưng dù sao không thể không có cảm giác tiếc nuối khi nghe tin bà ra đi. Bà mất đi là một thiệt thòi lớn của hội họa Việt Nam. Cũng là mất mát lớn cho người Việt vì bà đã có nhiều cống hiến cho cộng đồng, rạng danh phụ nữ Việt trên quốc tế.

Vĩnh biệt Họa sĩ Bé Ký tài hoa, vĩnh biệt chị Bé Ký đầy tình cảm với đứa em này. Mong chị ra đi thanh thản.

Sài Gòn, 14-5-2021

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: