‘Tổng thống Joe Biden…, nếu tiếp tục đà này thì nước Mỹ sẽ đi về đâu?’

 “Tổng thống Joe Biden…, nếu tiếp tục đà này thì nước Mỹ sẽ đi về đâu?” là tựa một status “giật gân” mới đây và kiểu lập luận này xem ra khá phổ biến đối với những người vốn không thiện cảm với nội các Biden. Xăng tăng giá – tại Biden! Israel-Palestine choảng nhau – tại Biden! Lạm phát – lại tại Biden (nhưng số ca nhiễm và chết vì Covid-19 đang giảm và số người chích vaccine đang tăng tại Mỹ thì không phải “tại Biden”!)… Thậm chí có người còn nói lố đến mức “Dưới sự lãnh đạo của Biden, cả thế giới bốc cháy”! Trong bài viết này, tôi sẽ chỉ ra sự “mập mờ, đánh lận con đen” trong những luận điểm “tại Biden” đó, để các bạn tỏ tường.

CHUYỆN XĂNG KHAN HIẾM

Xăng khan hiếm là hậu quả của vụ tấn công mạng bằng ransomware vào công ty đường ống dẫn nhiên liệu Colonial Pipeline, vốn là một công ty tư nhân, được thành lập năm 1962. Trong số chủ sở hữu của nó có Koch Industries. Chủ  của Koch Industries là Charles Koch – một gia đình vô cùng nổi tiếng với giới chính trị Hoa Kỳ vì đã đóng góp rất nhiều tiền cho đảng Cộng hòa, trong đó có Trump.

Do Colonial Pipeline thuộc sở hữu tư nhân nên Chính phủ Mỹ không có quyền can thiệp vào các chính sách, quy định an ninh mạng của công ty họ. Ông Robert F. Smallwood, người đã đưa ra một báo cáo dài 89 trang vào tháng 1 năm 2018 sau khi giúp công ty này đánh giá hệ thống mạng nội bộ, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy những thiếu sót rõ ràng trong hệ thống. Theo tôi, một học sinh lớp 8 cũng có thể dễ dàng xâm nhập vào hệ thống của Colonial Pipeline.”

Tóm lại, việc công ty Colonial Pipeline bị hack, buộc công ty này phải ngừng hoạt động khoảng 5,500 dặm đường ống dẫn dầu, là nằm ngoài tầm kiểm soát của Biden và chính phủ, nên chắc chắn không thể đổ lỗi cho Biden. Trách nhiệm cao nhất phải thuộc về công ty này vì họ đã bỏ qua các biện pháp tăng cường bảo vệ an ninh mạng. Những người ủng hộ đảng Cộng hòa luôn phản đối chính phủ liên bang áp đặt các quy định đối với công ty tư nhân thì tại sao bây giờ lại trách Biden, khi một công ty tư nhân giàu có không thèm tăng cường hệ thống an ninh mạng?

Hiện tại, Chính phủ Biden đang hỗ trợ công ty Colonial tối đa nhằm khắc phục lại hệ thống. Bên cạnh đó, Biden cũng nới lỏng các quy định liên bang nhằm tạo điều kiện cung cấp dầu nhanh chóng hơn cho các bang bị ảnh hưởng. Tóm lại, đổ thừa cho Biden khiến xăng bị khan hiếm chỉ cho thấy điều này chẳng khác gì một con vẹt tuyên truyền những thông tin sai lệch và ngớ ngẩn mà thôi.

CHUYỆN CHỨNG KHOÁN GIẢM ĐIỂM

Chuyện chứng khoán giảm điểm mạnh trong một ngày là chuyện thường thấy do rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh là “THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN KHÔNG PHẢI LÀ NỀN KINH TẾ”, nên những người chỉ trích Biden hãy thôi cái kiểu xem việc chứng khoán giảm mạnh như là “ngày tận thế.”

Jessica Schieder, một thành viên của Học viện về Chính sách Thuế và Kinh tế, giải thích: “Những người giàu nhất nước Mỹ nắm giữ phần lớn giá trị trong thị trường chứng khoán. Điều đó có nghĩa thị trường chứng khoán và giá cổ phiếu có thể bị ảnh hưởng bởi một nhóm dân số nhỏ.”

Bà Schieder giải thích thêm, một cách khác để thấy chứng khoán và nền kinh tế khác nhau, là tiền lương của công nhân rất thấp, hoặc chỉ tăng nhẹ, so với mức tăng trưởng trên thị trường chứng khoán.Trong thực tế, ngày càng nhiều chuyên gia phân tích tuyên bố rằng sự tăng trưởng vượt trội của thị trường chứng khoán so với nền kinh tế là một dấu hiệu cho thấy thị trường chứng khoán không còn là một chỉ số kinh tế hàng đầu.

Người đoạt Nobel kinh tế năm 2013, giáo sư Eugene Fama, phân tích trong học thuyết “đi bộ ngẫu nhiên” rằng những thay đổi về giá chứng khoán không tiết lộ tương lai dài hạn của nền kinh tế. Nghiên cứu mới được thực hiện bởi giáo sư tài chính Martin Lettau – Đại học Berkeley, cùng giáo sư Daniel Greenwald – Đại học MIT và giáo su Sydney Ludvigson – Đại học New York, cho thấy rằng hầu hết sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong ba thập niên qua là do các cổ đông nhận được một phần lớn hơn của chiếc bánh kinh tế. Nghiên cứu còn chỉ ra “sự bất bình đẳng kinh tế ngày càng gia tăng có thể là do thị trường chứng khoán”. Nói cách khác, chỉ một phần nhỏ những người giàu có sở hữu cổ phiếu đã thu được lợi ích từ thị trường chứng khoán.

Tóm lại, người ta có thể đổ thừa Biden làm chứng khoán giảm mạnh trong ngày 12/5 với lập luận do nguy cơ lạm phát tăng. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của tập đoàn tài chính danh tiếng LPL, trong 100 ngày kể từ khi Joe Biden tuyên thệ nhậm chức, thị trường chứng khoán đã tăng 9,3%, được đáng giá là “100 ngày đầu” tốt nhất đối với thị trường chứng khoán dưới thời một tổng thống mới kể từ khi Tổng thống Franklin D. Roosevelt đạt được thành tích dữ dội tương tự vậy vào năm 1933. Cuối cùng, cũng đừng quên, thời tổng thống có số lượng điểm chứng khoán giảm mạnh nhất trong một ngày thì Trump vẫn đứng đầu.

CHUYỆN NGUY CƠ CHIẾN TRANH TRUNG ĐÔNG ISRAEL – PALESTINE

Cuộc xung đột quân sự trong tuần qua giữa Israel – Hamas nổ ra sau những tranh cãi về cuộc chiến pháp lý nhiều năm của Israel nhằm trục xuất bảy gia đình Palestine khỏi khu đất ở Đông Jerusalem. Hôm 10/5, đụng độ nghiêm trọng xảy ra tại nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa, khi cảnh sát Israel bắn hơi cay và lựu đạn choáng vào đám đông biểu tình người Palestine. Đụng độ tại đây và nhiều khu vực khác thuộc Jerusalem đã khiến hàng trăm người Palestine và một vài sĩ quan Israel bị thương. Người Palestine cho rằng nỗ lực trục xuất này là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Israel nhằm chiếm lại toàn bộ Đông Jerusalem, để vùng đất này không bao giờ trở thành thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai.

Cần nhắc lại rằng xung đột chính trị Palestine-Israel bắt đầu từ đầu thế kỷ 20, cụ thể là qua hai cuộc chiến tranh năm 1947 và 1967. Từ năm 1896 đến 1948, hàng trăm ngàn người Do Thái tái định cư từ châu Âu đến vùng Palestine do Anh kiểm soát. Trong cuộc chiến năm 1948 với Palestine, Israel đã đánh bại Palestine và đồng minh, chiếm một diện tích lớn đất đai ở Palestine. Ít nhất 700.000 người Palestine đã trở thành người tị nạn trong khoảng thời gian 1947-1949, nhưng Israel chưa bao giờ cho phép họ được trở về Palestine. Trong cuộc chiến năm 1967, Israel xâm chiếm West Bank và Gaza, và đã kiểm soát các khu vực này kể từ đó.

Tổ chức Ân xá Quốc tế lên án hành động không cho phép người tị nạn Palestine quay trở về quê hương. Với sự chiếm đóng quân sự ở West Bank, Israel tiếp tục chiếm, tịch thu đất của người Palestine. Dư luận nhiều nơi nhìn chung có thiện cảm hơn với số phận “không tổ quốc” của người Palestine và quan điểm của nhiều  đối với Israel là không thiện cảm. Theo thăm dò gần đây của BBC, Israel là một trong những quốc gia bị ghét nhiều nhất (bị ghét hơn cả Bắc Hàn). Nguyên nhân chính là do sự chiếm đóng liên tục của Israel ở West Bank.

Phần lớn cho rằng việc Israel tiếp tục kiểm soát West Bank là một sự chiếm đóng quân sự bất hợp pháp và vi phạm Công ước Geneva (Fourth Geneva Convention). Mặc dù quan điểm này được hậu thuẫn bởi hầu hết học giả pháp lý nhưng tất nhiên Israel và thân hữu phản đối quan điểm này. Một người nắm vững lịch sử tranh chấp của Israel-Palestine sẽ không vô lý đổ lỗi cho Biden. Có ai có bằng chứng Biden đã xúi hai nước này giải quyết tranh chấp kéo dài bằng quân sự không?

Còn những vấn đề chẳng hạn “Trung Quốc muốn làm bá chủ”, “Thổ muốn làm bá chủ”, “các nước đe dọa quýnh nhau” cũng là do “tội của Biden” thì không đáng được phân tích vì những lập luận này còn thua đứa con nít lớp 6 mà tôi biết. Những vấn đề đó đã tồn tại từ rất lâu, trước khi Biden nhậm chức tổng thống.

Người Việt có câu “Nói có sách, mách có chứng”, rất chính xác. “Khi muốn đổ tội cho Tổng thống Biden thì phải đưa ra được bằng chứng rõ ràng, hợp lý. Muốn chứng minh “cả thế giới bốc cháy” là do Biden đã “đổ xăng, châm lửa” gây ra, thì phải đưa ra dữ liệu, tài liệu rõ ràng, không thể chỉ nói suông, “nói không sách- mách không chứng”, nói cho sướng mồm, nói cho thỏa sự thù ghét, muốn kết tội ai thì kết tội.

*****

Bài viết trên không thể hiện quan điểm của SGN. SGN luôn đón nhận các ý kiến phản bác trên tinh thần tôn trọng lập luận trái chiều được thể hiện bằng ngôn ngữ lịch sự chừng mực. Vui lòng gửi bài viết phản hồi nếu quý độc giả không đồng ý với tác giả. Xin gửi về: [email protected].

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: