Hình dung một tương lai lạc điệu ở Biển Đông

Hải quân Đại tá Tuấn N. Phạm
Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines báo cáo, bất chấp Manila liên tục yêu cầu các tàu Trung Quốc rời bãi đá ngầm Đá Ba Đầu (Whitsun Reef), ít nhất 240 tàu Trung Quốc vẫn ở trong khu vực và vùng biển xung quanh. Nguồn ảnh: Cảnh sát biển Philippines, ngày 16-04-2021.

Nếu không hành động ngay bây giờ, Biển Đông có nguy cơ trở thành ao nhà của Trung Quốc trong vài năm nữa. Tương lai lạc điệu đó thể hiện sự vi phạm trắng trợn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và là một đòn chí mạng giáng vào trật tự quốc tế tự do dựa trên luật lệ  – cái trật tự đã mang lại sự thịnh vượng và an ninh toàn cầu trong hơn 70 năm qua. Nhưng làm gì và làm như thế nào? Một chiến lược gia của Hải quân Hoa Kỳ phân tích các lựa chọn của Mỹ và đồng minh.

Bối cảnh là Biển Đông (SCS) vào năm 2035. Trên đảo Đá Vành Khăn (Mischief Reef) của Trung Quốc, Đại tá Trần (Chen), chỉ huy trưởng Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLAN) ở Trường Sa, xem xét yêu cầu của Hải quân Philippines về tổ chức một cuộc diễn tập tìm kiếm cứu nạn hàng quý trong vùng lân cận bãi Cỏ Rong (Scarborough Shoal) của Trung Quốc. Tại Sở chỉ huy Hải quân Philippines ở Manila, Đại tá Arroyo xem lại các chi tiết của cuộc diễn tập hải quân và phê duyệt việc thực hiện cuộc diễn tập đang chờ PLAN cho phép. Gần đảo Cay của Trung Quốc ở giữa Biển Đông, một tàu đánh cá đơn độc của Việt Nam đang chạy tránh tàu tuần tra của Cảnh sát biển (CCG) Trung Quốc. Thuyền trưởng tàu đánh cá biết rõ các hình phạt đối với việc đánh bắt cá trái phép trong vùng biển Trung Quốc – bắt giữ, tịch thu, phạt tiền và bỏ tù. Tại trụ sở Công ty dầu khí Petronas ở Kuala Lumpur, một phó chủ tịch công ty Malaysia đang đàm phán với một đối tác từ Tổng công ty Dầu khí ngoài khơi Quốc gia CNOOC về một dự án phát triển chung được đề nghị ở vùng lân cận đảo Natuna cũng của Trung Quốc. Bên trong Tòa nhà Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Jakarta, các nhân viên soạn thảo lại chương trình họp của tháng tới dựa trên hướng dẫn của Bắc Kinh.

Vào lúc này, dù bối cảnh kể trên mặc dù chỉ mới là tưởng tượng nhưng Biển Đông như là vùng biển quê hương trên thực tế của Trung Quốc sẽ có thể trở thành hiện thực trong một vài năm tới. Nếu như vậy, tương lai lạc điệu đó thể hiện sự vi phạm trắng trợn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và là một đòn khác giáng vào trật tự quốc tế tự do dựa trên luật lệ đang suy yếu – cái trật tự đã mang lại sự thịnh vượng và an ninh toàn cầu trong hơn 70 năm qua. Nếu trì hoãn hành động hoặc không làm gì cả mà đặt niềm hy vọng viển vông vào lòng nhân từ của người Trung Quốc thì rủi ro là quá lớn. Thời điểm hành động là ngay bây giờ. Để làm chậm hoặc ngăn chặn một tảng đá lớn lăn xuống từ một ngọn đồi dốc thì ra tay lúc hòn đá còn ở gần đỉnh sẽ dễ dàng hơn nhiều so với đợi cho đến lúc nó đạt được tốc độ và quán tính khi đã xuống gần chân đồi. Không hành động, hoặc tệ hơn nữa, sự co lại cố thủ sẽ càng củng cố thêm niềm tin đã ăn sâu của người Trung Quốc rằng họ là một cường quốc đang trỗi dậy không thể ngăn cản được, và Hoa Kỳ là một cường quốc đang suy yếu không thể đảo ngược.

Canh bạc của Bắc Kinh

Được đại dịch coronavirus (COVID) che chắn, Trung Quốc đã lợi dụng sự bùng phát dịch để mở rộng và củng cố quyền kiểm soát hành chính và quyền tài phán ở các vùng biển đang tranh chấp, đồng thời đe dọa các nước láng giềng trong khu vực, buộc họ tuân theo ý chí quốc gia của mình. Nhưng Bắc Kinh đã hiểu sai cục diện địa chính trị vào năm 2020 và tính toán sai phản ứng đối với hành động của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã sai lầm khi cho rằng khu vực và cộng đồng quốc tế sẽ bị phân tâm và suy yếu bởi COVID, và rằng họ có thể thúc đẩy lợi ích quốc gia ở Biển Đông với những rủi ro và cái giá chính trị và quân sự có thể chấp nhận được.

Khi đại dịch COVID bắt đầu, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình có thể đã suy nghĩ điều gì đó dọc theo những dòng sau:

“Khi các quốc gia trong khu vực, Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế phải hướng nội để đối phó với đại dịch toàn cầu và khả năng sẵn sàng lực lượng của Hải quân Hoa Kỳ (USN) và các đồng minh của họ ở Thái Bình Dương bị ảnh hưởng bởi COVID, bây giờ có thể là thời cơ để thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông. Tôi dự đoán một phản ứng dữ dội từ thế giới khi chiến dịch cung cấp thông tin sai lệch về COVID của chúng ta thất bại, vì vậy tốt hơn là nên có thứ gì đó để mặc cả sau. Tôi cũng có thể phải nhắc nhở mọi người rằng chỉ có ĐCSTQ và PLA dưới sự lãnh đạo của tôi mới có thể bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc, đặc biệt khi liên quan đến thống nhất quốc gia [toàn vẹn lãnh thổ] và trẻ hóa [Giấc mơ Trung Hoa]. ”

Theo đuổi một chiến lược tích lũy

Mặc dù phản ứng khu vực và quốc tế do Hoa Kỳ dẫn dắt đang tạm thời kiềm chế sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông nhưng sẽ không làm thay đổi mưu đồ của chủ nghĩa xét lại lâu dài của Trung Quốc đối với tuyến đường thủy quốc tế, cũng không ảnh hưởng đến tham vọng toàn cầu của chủ nghĩa xét lại Trung Quốc. Để làm được điều đó, Hoa Kỳ nên chú ý đến binh pháp Tôn Tử và theo đuổi một chiến lược tích lũy lâu dài – tức là một loạt các hành động được kết nối mà khi được thực hiện cùng nhau, sẽ tấn công bất đối xứng vào chiến lược của Trung Quốc, làm suy yếu các mối quan hệ đối tác khu vực đang phát triển của Trung Quốc và khiến Trung Quốc phản ứng quá mức và quá xa. 

Phản ứng của khu vực và quốc tế do Hoa Kỳ dẫn dắt đang tạm thời kiềm chế sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông nhưng sẽ không làm thay đổi mưu đồ của chủ nghĩa xét lại lâu dài của Trung Quốc đối với tuyến đường thủy quốc tế, cũng không ảnh hưởng đến tham vọng toàn cầu của chủ nghĩa xét lại Trung Quốc

Thứ nhất, Hoa Kỳ nên giúp các bên tranh chấp khác mở rộng và củng cố vị trí của họ ở Biển Đông, thúc đẩy việc thăm dò và phát triển tài nguyên với sự hợp tác của các tập đoàn đa quốc gia và các tổ chức nhà nước khác. Thứ hai, Hoa Kỳ nên thúc đẩy và hỗ trợ các thách thức pháp lý nhiều hơn nữa đối với các tuyên bố chủ quyền trên biển quá đáng của Trung Quốc và phê chuẩn Công ước UNCLOS để theo đuổi con đường đó tốt hơn. Thứ ba, Hoa Kỳ nên đầu tư nhiều hơn vào nhận thức về lĩnh vực hàng hải (maritime domain awareness, MDA) và năng lực thực thi pháp luật (law enforcement, LE) cho các bên tranh chấp khác và các nước ASEAN giáp Biển Đông. Cuối cùng, Hoa Kỳ nên tăng cường và nâng cao sự hiện diện hàng hải liên tục và tập thể ở Biển Đông, bao gồm cả việc tổ chức cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) hai năm một lần tiếp theo trên tuyến đường thủy chiến lược này.

Tại sao hành động

Trong bối cảnh Biển Đông, hành động quá mức của Trung Quốc là bất kỳ hành động nào trao cho Bắc Kinh quyền ra lệnh cho những ai có thể chiếm đóng các vùng lãnh thổ, khai thác tài nguyên, thực hiện các hoạt động thương mại và quân sự trong các vùng biển đang tranh chấp, phá hoại pháp quyền và cần phải có phản ứng mạnh mẽ từ Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế. Những hành động thái quá này bao gồm nhưng không giới hạn ở việc tuyên bố và thực thi vùng nhận dạng phòng không; yêu cầu thông báo về (và có thể phải xin phép) đi qua và hoạt động; yêu cầu tham vấn với (và có thể là sự chấp thuận từ) Bắc Kinh về bất kỳ hoạt động thăm dò và phát triển dầu khí nào; quy định việc đánh bắt trên toàn Biển Đông; kiểm soát Biển Đông như vùng lãnh hải; chiếm giữ và quân sự hóa quần đảo Natuna, quân sự hóa bãi cạn Scarborough, và tiếp tục quân sự hóa các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (các điểm kiểm soát chiến lược trong Biển Đông); phi quân sự hóa các bên tuyên bố chủ quyền Biển Đông khác; và cấm các nước ASEAN tham gia các hoạt động quân sự bên ngoài ASEAN.

Việc Trung Quốc có những hành động thái quá hoặc quá xa có thể thúc đẩy các bên tranh chấp Biển Đông, các nước ASEAN khác (mặc dù không phải ASEAN nói chung) và cộng đồng quốc tế có lập trường quyết đoán hơn chống lại Bắc Kinh. Bản chất, phạm vi và mức độ của sự phản kháng có thể giúp Washington có thêm thời gian để đảo ngược sự xói mòn các lợi thế quân sự của Mỹ và các xu hướng bất lợi trên Biển Đông, và để các vấn đề nội bộ vốn kéo dài của Trung Quốc làm suy yếu thêm nền kinh tế Trung Quốc mỏng manh vốn là nền tảng cho các hoạt động hàng hải của họ ở Biển Đông và sự cưỡng ép của họ trên toàn cầu. Những tác động tiềm tàng này chồng lên nhau về thời gian, không gian, lực lượng và giá trị. Từ quan điểm khu vực, một nước Mỹ mạnh mẽ với các đồng minh và đối tác tin cậy sẽ thúc đẩy một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Mở cửa đến độ sung mãn. Từ quan điểm toàn cầu, các hành động tôn trọng các quy tắc và chuẩn mực toàn cầu sẽ củng cố lại cái trật tự quốc tế tự do dựa trên luật lệ đang suy yếu.

Hành động gì và như thế nào

Mặc dù một số hành động được đề nghị sau đây trước đây đã được thảo luận riêng lẻ, do tôi và những người khác, nhưng chúng không đóng khung hoàn toàn trong mục đích và cách thức được nhắm tới, đồng bộ và tích hợp này. Chúng bao trùm các công cụ ngoại giao, thông tin, quân sự và kinh tế (Diplomatic, Information, Military and Economic, DIME) của sức mạnh quốc gia và nhất quán với Chiến lược Quốc phòng và Chiến lược Quân sự Quốc gia của Hoa Kỳ nhằm chống lại ảnh hưởng xấu: “Cạnh tranh, ngăn chặn và giành chiến thắng dưới mức xung đột vũ trang; có thể dự đoán về mặt chiến lược nhưng không thể đoán trước về mặt hoạt động, đồng thời củng cố các liên minh và quan hệ đối tác của Hoa Kỳ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.” Chúng tấn công một cách bất đối xứng vào chiến lược của Trung Quốc và làm suy yếu các mối quan hệ đối tác đang phát triển của nước này ở Biển Đông bằng cách áp đặt nhiều chi phí hơn (kinh tế), giành lấy câu chuyện (thông tin), khuyến khích kiềm chế nhiều hơn (ngoại giao) và phủ nhận các lợi ích hoặc mục tiêu của chúng (quân sự).

Như Tôn Tử đã nói: “Điều quan trọng nhất trong chiến tranh là tấn công chiến lược của kẻ thù, thứ đến là phá vỡ liên minh của hắn, kế tiếp tốt nhất là tấn công quân đội của hắn, chính sách tồi tệ nhất là tấn công các thành phố của hắn.” Sẽ có ý nghĩa chiến lược hơn khi chống lại Bắc Kinh bằng cách cắt xén chiến lược và phá hoại các mối quan hệ khu vực của họ: Hoạt động và cạnh tranh trong vùng xám. Thách thức Trung Quốc ngay dưới ngưỡng xung đột vũ trang nhưng tránh xung đột hoàn toàn. Chấp nhận rủi ro và ngăn chặn xung đột sẽ có lợi hơn và ít tốn kém hơn là phải trả giá cho một cuộc xung đột thật sự.

Áp đặt thêm chi phí

Cách hiệu quả và bền vững nhất để thuyết phục và răn đe Bắc Kinh ở Biển Đông là tác động đến nền kinh tế của nước này. Điều này có thể được thực hiện bằng cách giúp các bên tranh chấp khác mở rộng và củng cố các vị trí quân sự, căn cứ và cơ sở hạ tầng, đồng thời thúc đẩy việc thăm dò và phát triển tài nguyên của họ trên tuyến đường thủy chiến lược, do đó nâng cao chi phí hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Đài Loan chiếm gần 70 rạn san hô và đảo nhỏ đang tranh chấp rải rác khắp Biển Đông. Trung Quốc vượt xa các nước này về diện tích đất bồi đắp, cơ sở hạ tầng được xây dựng, trinh sát giám sát tình báo thực địa (ISR) và khả năng thi triển sức mạnh, nhưng những lợi thế địa phương này đi kèm với chi phí kinh tế và chính trị đáng kể. Để san bằng sân chơi, Hoa Kỳ nên hỗ trợ các bên tranh chấp khác cải tạo nhiều đất hơn và cải thiện cơ sở hạ tầng trên các yêu sách hàng hải được quốc tế công nhận của họ. Bằng cách tập trung vào các thực thể địa lý đã được công nhận trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ, các bên tranh chấp khác sẽ tránh khỏi mọi sự mâu thuẫn với phán quyết thứ tư của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) rằng “Trung Quốc làm trầm trọng thêm và kéo dài các tranh chấp thông qua việc nạo vét, bồi đắp đảo nhân tạo và các hoạt động xây dựng.”

Tấn công một cách bất đối xứng vào chiến lược của Trung Quốc và làm suy yếu các mối quan hệ đối tác đang phát triển của nước này ở Biển Đông bằng cách áp đặt nhiều chi phí hơn (kinh tế), giành lấy câu chuyện (thông tin), khuyến khích kiềm chế nhiều hơn (ngoại giao) và phủ nhận các lợi ích hoặc mục tiêu của chúng (quân sự).

Một lựa chọn chiến lược “leo thang để giảm leo thang” khác là thúc đẩy nhiều hơn việc thăm dò và phát triển dầu khí với các tập đoàn đa quốc gia và các tổ chức nhà nước khác như Rosneft và Gazprom của Nga, Tập đoàn Dầu và Khí Tự nhiên của Ấn Độ, Idemitsu Kosan và Teikoku Oil của Nhật Bản, và Exxon Mobil của Mỹ. Bằng cách quốc tế hóa và đa dạng hóa vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh có thể bị buộc phải thỏa hiệp và hợp tác với các bên tranh chấp khác để chia sẻ hòa bình và công bằng các nguồn tài nguyên dầu khí rộng lớn dưới Biển Đông. Mặc dù không có điều khoản cụ thể nào trong UNCLOS yêu cầu hợp tác giữa nhà nước với nhà nước để quản lý tài nguyên dầu khí, một số điều khoản của UNCLOS đưa ra các cơ chế khuyến khích sự thỏa hiệp và hợp tác trong phát triển tài nguyên. Sự phát triển này có thể được thực hiện một cách công bằng và nhất quán với luật pháp quốc tế và luật trong nước của tất cả các bên tranh chấp liên quan.

Giành lấy câu chuyện

Indonesia, Malaysia, Philippines và các nước ASEAN khác đang phản đối ở Biển Đông và gây sức ép với Trung Quốc về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (Code of Conduct) vốn đã bị đình trệ từ lâu, dự kiến ​​sẽ hoàn thiện trong năm nay. Họ đã được Việt Nam khuyến khích với tư cách Chủ tịch ASEAN năm 2020, phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam đối với sự xâm phạm của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của mình năm 2020, việc Hà Nội xem xét đưa Bắc Kinh lên Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) và việc phát hành Sách trắng Quốc phòng năm 2019 của Việt Nam. Các điều kiện địa chiến lược thoáng qua lại tạo ra một cơ hội khác để Mỹ tích cực thúc đẩy và hỗ trợ các thách thức pháp lý đối với các yêu sách hàng hải quá mức của Trung Quốc ở Biển Đông. Hà Nội, Kuala Lumpur và các bên tranh chấp khác ở Biển Đông có thể tận dụng tiền lệ pháp lý từ phán quyết của PCA năm 2016 có lợi cho Manila và đệ trình các thách thức của họ lên PCA để phân xử. Washington nên khuyến khích những thách thức pháp lý này, nhưng để hiệu quả hơn, trước tiên Mỹ phải phê chuẩn UNCLOS để sự ủng hộ của Mỹ là có tính hợp pháp quốc tế và được các bên tranh chấp khác coi trọng. Washington cũng nên khuyến khích một “cuộc thương lượng lớn” đa phương để các bên tranh chấp khác giải quyết tranh chấp của họ với nhau, và do đó cung cấp một mặt trận thống nhất đối phó với các yêu sách hàng hải thái quá của Trung Quốc.

Khuyến khích những sự kiềm chế lớn hơn

Một phần không thể thiếu của các sáng kiến ​​ngoại giao xung quanh vấn đề Biển Đông là nhận thức chung về các hoạt động gây bất ổn của Trung Quốc ở đó. Vì lợi ích của các bên tranh chấp Biển Đông và các nước ASEAN nói chung là “duy trì nhận thức về lĩnh vực hàng hải (MDA) của các biên giới biển quốc gia của họ cũng như các tuyến đường thủy quốc tế lân cận”. Phần lớn các nước này sẽ hoan nghênh sự minh bạch. Tính minh bạch thúc đẩy sự đồng thuận, cho phép phản ứng cá nhân và tập thể, giảm thiểu các hoạt động thông tin của Trung Quốc chống lại họ và trong chính ASEAN, đồng thời tăng cường khả năng ngăn chặn các hoạt động của Trung Quốc dưới ngưỡng xung đột vũ trang. Hoạt động trinh sát giám sát tình báo (ISR) kiên trì cũng có thể làm cho Bắc Kinh phải dừng tay nếu nước này biết rằng họ đang bị theo dõi và hành động của họ có thể bị quy kết trách nhiệm. Nói một cách đơn giản, các bên tranh chấp khác và các nước ASEAN không thể hành động tập thể nếu không biết trước phải làm gì, làm như thế nào, ở đâu và khi nào.

Một thành phần ngoại giao quan trọng khác để ngăn cản nỗ lực của Bắc Kinh tăng cường kiểm soát hành chính và thẩm quyền tài phán trên toàn Biển Đông là xây dựng năng lực và khả năng thực thi pháp luật (LE) trong khu vực về con người (đào tạo), quy trình (chiến thuật) và công cụ (thiết bị) và ngăn chặn việc Trung Quốc thống trị miền thực thi pháp luật – như luật Cảnh Sát Biển mới của Trung Quốc (CCG) được thông qua gần đây đã báo trước. Luật mới của Trung Quốc cho phép CCG phá bỏ các công trình xây dựng của nước ngoài trên các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền (ngụ ý tất cả các thực thể hàng hải mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trong Biển Đông) và cho phép sử dụng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài thực hiện các hoạt động chủ quyền này. CCG cũng đã được trao quyền lên tàu, khám xét, giam giữ và trục xuất tàu thuyền nước ngoài, đồng thời bắt giữ các cá nhân bị nghi ngờ vi phạm luật hàng hải của Trung Quốc (ngụ ý có thẩm quyền lớn hơn đối với luật hàng hải quốc tế) trong các vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc (có nghĩa là toàn bộ SCS).

Phủ nhận các lợi ích hoặc mục tiêu

Hoa Kỳ nên phủ nhận các mục tiêu của Bắc Kinh ở Biển Đông, hoặc ít nhất là làm giảm lợi ích của các hành động của họ ở đó. Việc tiếp tục thách thức các tuyên bố chủ quyền hàng hải thái quá của Trung Quốc thông qua một chiến dịch có chủ ý và tính toán kỹ các hoạt động hiện diện liên tục – đi qua và bay ngang qua, tập trận và hoạt động tự do hàng hải (FONOP) vẫn còn rất nhiều giá trị. Năm 2019, Hải quân Hoa Kỳ đã tiến hành chín chiến dịch FONOP, một cuộc tập trận hàng hải đầu tiên giữa Hoa Kỳ với ASEAN, các cuộc tập trận hằng năm Hợp tác, Sẵn sàng và Huấn luyện, cùng một số hoạt động hải quân đa quốc gia phối hợp. Năm 2020, Hải quân Hoa Kỳ đã thực hiện 11 cuộc FONOP, hoạt động nhóm tấn công hai tàu sân bay và cuộc tập trận hàng hải ba bên với Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản và Hải quân Hoàng gia Úc (RAN). Trong năm 2021 cho đến nay, Hải quân Hoa Kỳ đã tiến hành hai cuộc FONOP, hoạt động nhóm tấn công hai tàu sân bay, hoạt động nhóm tấn công viễn chinh và một cuộc tập trận hàng hải song phương với RAN. Số lượng các cuộc FONOP trong năm 2019 và 2020 đã có sự thay đổi đáng kể so với các năm trước (2015 – 2 cuộc, 2016 – 3 cuộc, 2017 – 6 cuộc và 2018 – 5 cuộc) về tốc độ hoạt động – bất chấp tác động của dịch COVID năm 2020.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG) cũng đã tự định hướng về phía Trung Quốc bằng cách triển khai thêm tàu tuần dương và nhân viên đến khu vực để giúp đào tạo lực lượng bảo vệ bờ biển của họ. Với việc phát triển “quan hệ đối tác khu vực và kinh nghiệm sâu rộng củng cố các cơ chế thực thi pháp luật trên biển,” USCG rất phù hợp và có tư cách để giải quyết nhu cầu ngày càng tăng về quản trị hàng hải lớn hơn ở các vùng biển đang tranh chấp và tranh cãi. Các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ cũng đã tăng cường sự hiện diện và hoạt động của họ ở Biển Đông để ủng hộ tự do hàng hải (FON) – đáng chú ý nhất là Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Vương quốc Anh và Pháp. Nếu không tiến hành các hoạt động hợp pháp và thường xuyên này sau khi đã có phán quyết mang tính bước ngoặt của PCA năm 2016 sẽ gửi đến Bắc Kinh những tín hiệu chiến lược sai lầm. Các tín hiệu chiến lược đúng đắn để tiến về phía trước là thực hiện nhiều hơn các hoạt động và các cuộc tập trận phối hợp, đa quốc gia nhằm nhấn mạnh quyền hàng hải chung của tất cả các quốc gia được “bay qua, đi thuyền qua và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.

Hoa Kỳ nên tổ chức cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) tiếp theo ở Biển Đông. Cuộc tập trận sẽ đẩy lùi việc Trung Quốc đơn phương quân sự hóa tuyến đường thủy chiến lược, củng cố vị thế pháp lý của phán quyết PCA – phán quyết đã vô hiệu hóa các yêu sách hàng hải thái quá của Bắc Kinh, nhấn mạnh tầm quan trọng phổ quát của pháp quyền và tuân thủ các quy tắc toàn cầu, và chứng minh rằng Hoa Kỳ và các quốc gia có cùng chí hướng sẵn sàng đứng lên tập thể vì lợi ích quốc gia và các giá trị chung của họ. Bản chất và phạm vi của cuộc tập trận có thể được hiệu chỉnh để đạt được mục tiêu mong muốn. Mục tiêu đó có thể chỉ yêu cầu một phần của bài tập được tổ chức tại Biển Đông.

Quá ít hay quá nhiều

Với những người coi các hành động này là quá ít thì Washington có nhiều lựa chọn hơn để can ngăn và răn đe Bắc Kinh ở Biển Đông: Xây dựng một khuôn khổ bền vững các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các nước ASEAN để ràng buộc Hoa Kỳ với các nền kinh tế khu vực và giữ cho họ không đi tới các giải pháp thay thế kinh tế như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc lãnh đạo, Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) và Quan hệ Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Hãy đặt cơ sở cho một sự đánh giá môi trường độc lập do khu vực tài trợ và dẫn dắt nhằm chi tiết hóa các tác động của việc Trung Quốc nạo vét, bồi đắp đảo nhân tạo và đánh bắt cá quá mức gây tổn hại đến các hệ sinh thái biển mong manh. Hãy nâng cấp mối quan hệ song phương với Philippines, Việt Nam và Malaysia lên quan hệ đối tác chiến lược, thúc đẩy và nâng cao sự phát triển của Khuôn khổ An ninh Bốn bên (QUAD). Cuối cùng, hãy so sánh rõ ràng các lập trường chủ quyền khác nhau của Trung Quốc và các hoạt động hội tụ ở “vùng xám” ở Biển Đông và Bắc Băng Dương để nâng cao mối quan tâm ngày càng tăng của Nga và Bắc Âu. Sau đó, tam hợp và đưa Nga vào cuộc cạnh tranh Biển Đông để quốc tế hóa hơn nữa và đa dạng hóa hơn nữa tuyến đường thủy chiến lược cũng như kiềm chế bất đối xứng tham vọng Bắc Cực ngày càng tăng của Trung Quốc. Những lựa chọn này không được khảo sát một cách súc tích mà nên được xem xét trong tiến trình đánh giá lại chiến lược trong tương lai về cách tốt nhất để gây ảnh hưởng và ngăn chặn Bắc Kinh ở Biển Đông.

Một số người xem những hành động này là quá nhiều; họ lo ngại các khuyến nghị có nguy cơ đẩy ông Tập (và ĐCSTQ) qua một lằn ranh đỏ vô hình được vẽ ra bởi “nỗi sợ hãi, danh dự và lợi ích”. Chìa khóa của chiến lược tích lũy là để Washington duy trì sự thống trị leo thang, quyền tự do đi lại và sáng kiến ​​chiến lược nhằm áp đặt ý chí của mình lên Bắc Kinh. Như Tôn Tử đã nói, “người chiến đấu khôn khéo áp đặt ý chí của mình lên kẻ thù nhưng không để ý chí của kẻ thù áp đặt lên mình.” Washington nên tìm cách áp đặt chi phí, phủ nhận các lợi ích (mục tiêu), khuyến khích kiềm chế và giành chiến thắng trong các câu chuyện sao cho tính toán chiến lược duy nhất mà Bắc Kinh có thể chấp nhận được là giảm thiểu hoặc từ bỏ tham vọng bành trướng của mình ở Biển Đông. Giống như một hộp số, cách tiếp cận đa dạng hóa này có thể điều chỉnh “cách thức” để đạt được “cái gì” mong muốn. Chiến lược này cũng phải đưa ra những bước đột phá trong suốt quá trình cạnh tranh liên tục để ông Tập (và ĐCSTQ) có thể xoay chuyển các câu chuyện trong nước và giữ thể diện với người dân Trung Quốc. Mục tiêu chiến lược là răn đe chứ không phải thay đổi chế độ. Trạng thái cuối cùng mong muốn là đàm phán các điều khoản từ một vị trí có lợi thế như trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Trung Quốc tôn trọng sự kiên quyết (sức mạnh) và không tôn trọng sự dao động (điểm yếu).

Hãy hành động ngay

Rõ ràng là việc giữ nguyên hiện trạng hoặc cố thủ sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực cho Hoa Kỳ, cho khu vực và thế giới. Rõ ràng là Washington phải hành động ngay bây giờ để xoay chuyển tình thế ở Biển Đông và ngăn chặn một tương lai lạc lối khi Bắc Kinh thực hiện quyền kiểm soát hành chính và quyền tài phán đối với tuyến đường thủy chiến lược ở Biển Đông. Các đề xuất được phác thảo ở trên cung cấp một loạt các tùy chọn DIME để nhanh chóng đáp lại cách tiếp cận quá đáng của Bắc Kinh. Phản ứng thái quá như vậy có thể khiến các nước trong khu vực và cộng đồng toàn cầu nói chung, coi các hành động gây bất ổn của Trung Quốc đúng với bản chất của chúng – là một mối đe dọa đối với trật tự quốc tế tự do dựa trên luật lệ.

HIẾU CHÂN dịch

Tác giả Hải quân Đại tá Tuấn Phạm là nhà chiến lược hàng hải, nhà hoạch định chiến lược, nhà nghiên cứu hải quân và chuyên gia về Trung Quốc với 20 năm kinh nghiệm tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các quan điểm thể hiện ở đây là cá nhân và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.

Nguyên tác: Envisioning a Dystopian Future in the South China Sea | Center for International Maritime Security (cimsec.org).

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: