Chưa có diễn đàn xã hội nào được mở ra với sự tham gia của chính các em học sinh để xem chúng bày tỏ cảm nghĩ như thế nào và ham muốn những gì cho ba tháng hè. Nhưng có điều chắc chắn: không học trò nào thích tiếp tục vùi mình vào học tập-thi cử sau thời gian dài (thời gian luôn rất dài đối với lứa tuổi học trò) cắp sách đến trường vào ngay trong những ngày hè đáng lý được nghỉ ngơi.
Ý tưởng cho học sinh xả hơi vào giữa niên khóa đáng tiếc lại có khi biến thành ý tưởng tận dụng thời gian để cưỡng ép thêm một kỳ học bán chính thức, với suy nghĩ và lo sợ rằng bọn trẻ sẽ chơi bời vô bổ thay vì được bồi tiếp bằng học tập. Quan niệm này có gì không ổn?
“Tiếng chuông cuối cùng đã gieo sự sợ hãi trong tim các vị phụ huynh. Trường bắt đầu nghỉ hè. Rồi sao đây? Bọn trẻ, chỉ trong khoảnh khắc, đã biết rằng ngày hè như thế nào. Kế hoạch của chúng đang nằm phía trước. Nào dậy sớm, làm ồn, ngủ muộn, tụ năm túm bảy, ăn, chơi video game, lại ăn, lại tụ tập và lại ngủ muộn. Nếu làm một bài tính nhẩm thì có vẻ đáng sợ: 24 giờ một ngày; bảy ngày một tuần; bốn tuần một tháng; ba tháng kỳ hè.
Thử xem nào… Tổng cộng là 2.160 giờ. Tuy nhiên, đừng kinh hãi. Điều duy nhất tệ hại hơn cả việc bọn nhỏ không làm gì là chúng làm gì đó mà chúng ta không muốn. Vậy thì vũ khí của chúng ta là gì? Hoạt động hè! Có vô số chọn lựa, từ những trại hè xa nhà, chương trình hè trong ngày, đến tập thể thao. Ngoài ra, với các phụ huynh, còn có nhiều quyển sách đầy ý tưởng có thể làm cho bọn trẻ bận bịu. Vài quyển quen thuộc là The Kids’ Summer Handbook và The Kids’ Summer Game Book của Jane Drake; Summer Fun! của Susan Williamson, The Kids’ Nature Book của Susan Milor hoặc Stories for Around the Campfire của Ray Harriott…”.
Đó là một đoạn trong bài viết của tác giả Nancy Salem trên tờ Albuquerque Tribune, với nội dung nhắc nhở phụ huynh về những chọn lựa cho hoạt động hè đối với các em. Trong các chọn lựa “vô số” đó, không lời khuyên nào đề nghị phụ huynh ép con cái tiếp tục lao đầu vào học tập.
Từ “nghỉ” (ngơi) đã hiện diện trong cụm từ “nghỉ hè”; và trong tiếng Anh, từ “vacation” cũng được định nghĩa là “một giai đoạn được lên lịch trước mà trong đó hoạt động học tập/làm việc được hoãn lại” (Merriam-Webster Online Dictionary). Rõ ràng, nghỉ hè, trong khái niệm Đông cũng như Tây, đều mang nghĩa nghỉ ngơi và thư giãn. Xin mở ngoặc:
Chúng tôi còn nhớ như in những ngày hè (được bố mẹ “tống” về quê ngoại) với những chuyến chèo thuyền đi câu, lội ruộng bì bõm “mò cua bắt ốc” và tối nằm gác lên chân ngoại để nghe cổ tích hoặc những thói quen sinh hoạt địa phương. Đây không phải là sự vẽ vời để cho có “không khí Tô Hoài” mà là sự thật.
Tất nhiên không phải ai cũng sẵn gia đình ngoại ở quê để mà hưởng thú hè thôn dã nhưng điều đáng nói thật ra chỉ ở chỗ, ngày hè – dù nghỉ ở quê hoặc thành thị – cũng nhất thiết nên là kỳ thư giãn. Nếu thật sự muốn cho con em xả hơi, quả thật có rất nhiều chọn lựa tốt và lành mạnh; và nếu thật sự quan tâm đến sự bồi bổ tri thức cho con em, chính sự suy nghĩ đúng đắn về ngày hè mới đem lại kết quả tích cực.
Có thể trích một đoạn trên trang web Hiệp hội quốc gia giáo dục thiếu nhi Hoa Kỳ (www.naeyc.org) về cách giúp học sinh tiếp tục thu nhận kiến thức ngay trong ngày hè, với tính hiệu quả thậm chí còn tốt hơn sự nhồi sọ bằng những “khóa học hè”.
Đầu tiên, đó là đưa các em đến thư viện. Cách đây vài năm, hầu hết thư viện Mỹ đều không cho phép “độc giả” dưới ba tuổi vào, nhưng hiện nay, phụ huynh có thể ẵm con vào thư viện để đọc truyện cho chúng. Có rất nhiều thư viện khắp Mỹ còn tổ chức thi kể chuyện và thực hiện nhiều chương trình liên quan dành riêng cho kỳ hè (summer reading program), chẳng hạn dạy thiếu nhi cách lĩnh hội ý tưởng tác giả.
Kế đến, đó là khám phá địa lý. Thật ra, đây chỉ là cách nói văn vẻ để chỉ hoạt động du lịch dã ngoại nhưng kết hợp thêm phần gián tiếp hỗ trợ kiến thức nhân văn, ở cấp độ đơn giản. Không chỉ đi du lịch xa, “khám phá địa lý” còn có thể là khám phá ngay chính khu vực đang sinh sống. Đưa con em dạo quanh khu vực, phụ huynh có thể đặt ra các câu hỏi đại loại “Điều gì tạo ra nét đặc biệt cho một địa điểm?”; “Những đặc điểm nổi bật nào của khu phố chúng ta?”…
Và “nếu bạn sống gần công viên hoặc hồ, hãy dắt con đến đó và giải thích việc chúng được sử dụng như thế nào cho đời sống sinh hoạt. Ngoài ra, bạn có thể kể thêm nét đặc thù của một số địa danh xa hoặc hát những ca khúc chứa địa danh” – ban biên tập www.naeyc.org viết…
Thứ ba, phụ huynh có thể dắt con đến viện bảo tàng, sau khi cho chúng xem và giảng nghĩa chút ít về niên đại hoặc giá trị cổ vật. Tiếp đó, hãy thử đề nghị bọn trẻ tự thực hiện “bộ sưu tập” riêng và thậm chí lập một “bảo tàng” theo cách của chúng, từ những vật dụng dễ tìm xung quanh. Chỉ cần vài chiếc lá hoặc dăm con bọ, một viện bảo tàng tự nhiên đã hình thành! Thứ tư, hãy tập cho các em tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên.
Chúng có thể học thời tiết bằng cách dùng bản đồ và xem nhiệt độ tại các thành phố khắp thế giới; hoặc ngắm sự hội tụ của mây và trí tưởng tượng của chúng có thể được đánh động bằng cách vài câu hỏi đại loại đám mây hình gì (giống con ngựa hay vật gì khác…). Ngoài ra, bạn có thể tự vẽ một bản đồ “đi tìm kho báu” và giấu vật gì đó trong vườn hoặc góc kín nào đó trong nhà để bọn trẻ đi tìm. Cuối cùng, thứ năm, hãy sử dụng nguồn kiến thức cộng đồng bằng cách cho bọn trẻ làm quen với anh họa sĩ hoặc vị kỹ sư sống cùng khu vực để có thể được giảng giải về kiến thức chuyên biệt cũng như giá trị của nghề nghiệp…
Tổng quát, không hoạt động nào trong tất cả hoạt động trên là “giáo dục cưỡng ép” nhưng có thể thấy tính giáo dục rất cao đã ẩn chứa trong đó. Chúng không chỉ đem lại khả năng mở rộng kiến thức bằng trực nghiệm mà còn kích thích cũng như phát triển óc sáng tạo. Đó chẳng lẽ lại không phải là “sự học” theo đúng nghĩa của từ này?
Và nếu tỉnh lược bớt một số phần trong năm hướng dẫn trên, có thể dễ dàng áp dụng cho đối tượng học sinh trung học (trang web KidSource OnLine của Phòng nghiên cứu và phát triển giáo dục thuộc Bộ Giáo dục Hoa Kỳ cũng đưa ra cách hướng dẫn tương tự cho đối tượng thiếu niên).
Gút lại, vấn đề không phải là nỗi lo ngại con cái trở nên “lêu lổng” trong ngày hè; không phải là nỗi mặc cảm tài chính hạn hẹp khiến gia đình không đủ điều kiện tạo cơ hội cho con em “không bị dốt” trong thời gian xa nhà trường; và cũng chẳng phải sự tự hào việc lo lắng chu đáo trên từng chặng đường cuộc đời con em mình bằng cách buộc chúng tiếp tục ôm gánh nặng “học thêm” (cho dù học với thầy giỏi hoặc trường tốt); mà là sự nhận thức cũng như góc độ nhận thức về ý nghĩa của giáo dục. Giáo dục – như Krishnamurti từng viết (trong Education and the significance of life) – chưa bao giờ là sự trói buộc, cưỡng thúc và nhốt kín ý thức trực nghiệm thế giới bên ngoài đối với tâm hồn con trẻ.
Nước Mỹ đang chuyển mình rõ rệt với sự hồi phục và tái mở cửa sau hơn một năm sống với Covid. Một mùa hè “bình thường” đang trở về. Hãy chuẩn bị để các em học sinh “enjoy” những ngày nghỉ hè đích thực và có ý nghĩa…