Không hiểu sao tôi thích bài hát Papa một cách lạ kỳ. Cứ mỗi lần nghe giai điệu ngọt ngào yêu thương của bài hát này, do ca nhạc sĩ Paul Anka viết và chính Paul Anka hát, lòng tôi lại xôn xao một tình cảm dạt dào như sóng biển vỗ bờ, về cái trách nhiệm oằn vai hòa lẫn tình thương mênh mông sâu thẳm nhưng thể hiện qua sự nghiêm khắc thường ngày của hình ảnh người cha. Trong đó có cả hình ảnh cha tôi. Bài hát khởi đầu bằng giai điệu mượt mà tưởng nhớ về người cha năm xưa, khi con còn nhỏ xíu:
Everyday my Papa would work Nhớ đến Cha tôi mỗi ngày lao nhọc
To try to make ends meet Để trang trải cho cuộc sống
To see that we would eat Để thấy rằng chúng tôi đủ no,
Keep those shoes upon my feet Đôi chân tôi luôn có giày ấm
Tôi nhớ ba tôi cũng y như vậy. Ba tôi lên Sài Gòn từ thời trẻ, đi làm nhiều nơi, hết Công Chánh, Hỏa Xa rồi đến Shell, là hãng ông làm lâu nhất từ 1958 đến 1973. Sau khi nghỉ hưu ở Shell, ông làm cho ngân hàng Indo của người Pháp cho đến ngày 30-4-1975.
Giữa Sài Gòn náo nhiệt, ba tôi hàng ngày đến sở làm bằng chiếc Lambretta đời 60, trưa đón con tan trường về, ăn cơm, rồi đi làm tiếp buổi chiều. Cứ thế suốt mười mấy năm, cần mẫn sống và làm việc, cuối tháng lĩnh lương, lo tiền học cho con, trả các khoản nợ của tháng trước, mua sắm nhu yếu phẩm cho tháng này, rồi không còn mấy đồng trong ví. Cuộc đời ba tôi cứ như dòng nước từ thượng nguồn chảy xuống tắm mát và nuôi dưỡng đàn con. Suốt mười mấy năm, bữa sáng của ba chỉ là gói xôi, trong khi các con đều có ổ bánh mì thịt. Tre già không chỉ xòe cành lá che chở mà còn nhường cả dinh dưỡng của đất trời cho măng non đang tuổi ăn tuổi lớn.
Tuy không khá giả nhưng ba tôi luôn kiên trì mục tiêu duy nhất là nuôi các con ăn học cho đến thành tài giúp ích cho đời. Kiên trì và kiên định đến mức giận cả bạn bè, hàng xóm láng giềng khi họ khuyên cha cho mấy đứa con lớn đi lính, đi làm, để đỡ gánh nặng tiền ăn học. Cùng mẹ tôi nuôi dưỡng đàn con tám đứa ăn học, ông không một lời ca thán kể khổ. Tôi cũng học từ ông đức tính ấy: gặp khó khăn mấy cũng “cắn răng” chịu đựng, không kêu ca than thân trách phận, tìm cách vượt qua và đứng lên tự tin. Cha mẹ tôi, từng việc từng ngày đã “luyện” cho chúng tôi luôn giữ tư thế đàng hoàng, không luồn cúi ai, không coi khinh ai, cái tư thế “nghèo cho sạch, rách cho thơm”– như ý tưởng của bài hát:
There were years Có những năm,
Of sadness and of tears Đời đầy khổ đau sầu thương
Through it all Vẫn thủy chung
Together we were strong Luôn bên nhau, chúng tôi vượt qua
We were strong! Vững mạnh hơn!
The times were rough Trong muôn gian khó
But Papa he was tough, Cha tôi luôn vững vàng
And Mama, Đứng cùng Cha,
She stood beside him all along Có Mẹ tôi luôn cạnh bên, luôn cạnh bên
Growing up with them was easy Lớn lên êm đềm trong tình cha mẹ,
Time just flew on by Đời lướt trôi thật nhanh
Đời lướt trôi thật nhanh, bao khó khăn rồi cũng qua, chúng tôi trưởng thành, đỗ đạt, có sự nghiệp thì cha mẹ già yếu dần.
The years began to fly Năm tháng theo bóng câu bay
They aged but so did I Cha mẹ già, rồi tôi lớn khôn
Khi mẹ tôi bệnh trở nặng do tích tụ dãi nắng dầm sương sau 1975, cha tôi khi ấy chân cũng yếu. Tôi nhớ hình ảnh những lần ông chậm chậm đến bên giường của mẹ, nhìn mẹ thật lâu, không nói lời nào, rồi bước ra ngoài. Tôi cảm nhận được tâm trạng của ông như lời bài hát:
I could tell Rồi tôi biết,
That mama wasn’t well Mẹ tôi đang yếu dần
Papa knew and deep down so did she Cha âu lo biết mẹ tôi sống không lâu
So did she Không còn lâu
Và khi mẹ tôi xả bỏ phiền não trần gian bằng hơi thở cuối, ông bước chầm chậm đến bên mẹ, đưa bàn tay run run vuốt trán bà. Ông không khóc nhưng tôi thấy cả thân người ông run lên bần bật.
When she died Và ngày mẹ đi
Papa broke down and cried Cha tôi khóc không thành lời
All he said was, “God, why not take me?” “Ôi, sao không phải là tôi?”
Rồi từ đó, ông suy sụp hẳn, cả thể xác lẫn tinh thần, thường nằm một mình trên ghế bố, tay lần chuỗi hạt bồ đề màu hổ phách, miệng lẩm nhẩm “A di đà” rồi thiếp vào giấc ngủ, chỉ trở dậy khi đến giờ cơm.
Everyday he sat there Cứ mỗi đêm, Cha luôn ngồi
Sleeping in his rocking chair Trên ghế, rồi thiếp theo nhịp đưa
He never went upstairs Người nhất quyết không về lại phòng vắng
Because she wasn’t there Vì còn đâu dáng mẹ xưa
Hồi còn khỏe, cha tôi rất thích mỗi khi tôi đi làm về hoặc ngày nghỉ, chủ nhật, tôi ngồi bên ghế bố nói với với ông đủ chuyện trên đời: thời sự, hàng xóm, bà con, họ hàng. Ông qua đó mà dặn dò điều hay dở, lẽ phải trái với tôi, như: “Trước khi làm việc gì phải suy nghĩ cặn kẽ đến hệ quả”. Và tôi luôn nhớ câu ông dạy từ lúc tôi còn niên thiếu cho đến trưởng thành: “Quan trọng nhứt cuộc đời là sống an nhiên thanh thản, mà muốn vậy thì đừng làm gì sai trái bậy bạ” – y như lời bài hát:
Then one day my Papa said, Đến lúc Cha gọi tôi và nói:
“Son, I’m proud of how you’ve grown” “Cha rất mừng thấy con khôn lớn”
He said, “Go make it on your own” “Hãy xây đắp cuộc sống riêng con”
And don’t worry, I’m O.K. alone “Đừng quá lo cho cha một mình, không sao đâu nhé!”
He said, “There are things you must do Và cha nói: “Nhiều điều con cần lo,
Places you must see” Bao nơi con cần đến”
And his eyes were sad as he Khi nói lời giã từ
As he said goodbye to me Mắt Cha xót xa như lòng người
85 tuổi, ông gầy yếu, đi đứng chậm, thường nằm một chỗ, nên mỗi chiều sớm, tôi thường đến tắm cho ông. Tôi cảm nhận được nỗi vui thích của ông khi từng gáo nước ấm được dội nhẹ lên bộ xương gầy gò hao gầy năm tháng. Khi ông lau mình thì tôi đã thay xong mùng mền drap, gối, rồi đặt sẵn ly “sâm bổ lượng” mát lạnh cho ông. Ông sảng khoái ăn chầm chậm từng muỗng… Cứ như thế cho đến nửa năm sau, một ngày tháng Sáu, ông nằm luôn không bao giờ dậy nữa, đôi mắt ông thanh thản khép lại trước mọi thế sự cuộc đời.
Cha ơi, con nguyện ghi nhớ những lời dạy dỗ đầy yêu thương và trách nhiệm của cha. Nhân Ngày của Cha, con hứa luôn “sống có ích cho đời, cho xã hội; chính là báo hiếu mẹ cha” – như lời cha thường dặn.
I remember every word Tôi luôn ghi nhớ từng lời
My Papa used to say Cha thường khuyên dạy tôi
Papa – bài hát ấy sẽ còn vang lên trong tôi mãi.