LHP Cannes trở lại, với “phát súng” của Spike Lee: Donald Trump là “tên giang hồ”

Liên hoan phim lớn nhất thế giới – Festival de Cannes – đã khai mạc hôm nay (kéo dài đến ngày 17 Tháng 7, 2021). Sự trở lại của LHP Cannes cho thấy một phần sự hồi sinh của công nghiệp điện ảnh toàn cầu vốn thất thu khoảng $32 tỉ năm 2020, theo chuyên san điện ảnh Variety.

Tên chính thức là Festival International du Film (Liên hoan phim quốc tế), Cannes là liên hoan phim (LHP) được chú ý nhiều nhất thế giới (so với LHP Venice ở Ý, LHP Berlin tại Đức hay LHP Toronto tại Canada). Thành phố Cannes 70.000 dân thường tăng dân số gần gấp đôi trong 12 ngày diễn ra LHP, bởi sự tập trung của hàng ngàn phóng viên viết lẫn phóng viên hình, hàng trăm đài phát thanh, hàng trăm diễn viên-đạo diễn, hàng trăm nhà sản xuất-kinh doanh điện ảnh, chưa kể hàng ngàn du khách. Cái tên LHP Cannes quen thuộc và có “giá trị thương mại” đến mức công nghiệp sản xuất phim khiêu dâm Pháp đã chọn ngày công bố giải “Cành cọ vàng nóng” (Hot d’Or awards) hàng năm trùng thời gian tổ chức LHP Cannes và thậm chí ngành đường sắt cũng lập giải “Đường ray vàng” (Rail d’Or). Với người hâm mộ điện ảnh, đến Cannes dự LHP là chuyến đi về “miền đất hứa”…

Với đạo diễn Spike Lee ngồi ghế chủ tịch ban giám khảo, năm nay, sự trở lại của Cannes được đánh dấu với sự xuất hiện của một số tác phẩm đình đám, trong đó có The French Dispatch của đạo diễn Wes Anderson (với dàn sao Elisabeth Moss, Timothée Chalamet, Frances McDormand, Tilda Swinton…); Flag Day của đạo diễn Sean Penn; hoặc Benedetta của đạo diễn Paul Verhoeven. Bộ phim hành động F9 của hãng Universal cũng được trình chiếu tại Cannes.

Như những mùa trước, Cannes là nơi qui tụ đông đảo giới làm phim châu Á. Ryusuke Hamaguchi trở lại Cannes với tác phẩm chuyển thể từ truyện ngắn Drive My Car của Haruki Murakami. Gương mặt Thái Lan quen thuộc Apitchatpong Weerasethakul đến Cannes 2021 với Memoria (phim có sự góp mặt của ngôi sao hạng A – Tilda Swinton). Apichatpong từng giành Cành cọ vàng (Palme d’Or) năm 2010 với tác phẩm Uncle Boomee Who Can Recall His Past Lives. Trung Quốc cũng có mặt với khá nhiều phim, trong đó có Gaey Wa’r (Nhai Oa Nhân) với sự có mặt của diễn viên Lý Cửu Tiêu (Li Jiuxiao; từng đóng trong Bát Bách). Đến Cannes lần này là lần thứ 11, cựu binh Hàn Quốc Hong Sang-soo tham gia với tác phẩm thứ 26 của mình – In Front of Your Face. Cùng đồng hương Hàn Quốc Hong Sang-soo, đạo diễn Han Jae-rim đến Cannes với Emergency Declaration (với sự diễn xuất của Song Kang-ho, thành viên ban giám khảo Cannes)…

Không như nhiều người tưởng, LHP Cannes không ra đời từ lòng say mê điện ảnh thật sự mà xuất phát từ lý do chính trị. Nếu không vì LHP Venice (ra đời năm 1932) nằm dưới sự khống chế của phát xít Ý và gần như tất cả giải quan trọng tại LHP này được trao cho phim mang nội dung ca ngợi chủ nghĩa phát xít, LHP Cannes hẳn không ra đời. Năm 1937, khi phim La grande illusion của đạo diễn Pháp Jean Renoir bị loại tại LHP Venice, người Pháp quyết định thành lập một LHP riêng cho mình. LHP Cannes đầu tiên dự tính tổ chức vào ba tuần đầu tiên tháng 9-1939 (Mỹ tham gia với The wizard of Oz Only angels have wings, với các diễn viên Mae West, Gary Cooper, Norma Shearer và George Raft).

Tuy nhiên, khi Cannes mới trình chiếu phim khai mạc The hunchback of Notre Dame, phát xít Đức bắt đầu tấn công Ba Lan. LHP Cannes bị hủy và chỉ tái lập vào năm 1946. Không khí Cannes ngày đó cũng không khác Cannes bây giờ. Trong quyển Hollywood on the Riviera: The inside story of the Cannes Film Festival, hai tác giả Cari Beauchamp và Henri Behar đã dẫn từ một bài báo Pháp đăng năm 1946 viết về LHP Cannes: “Ở đây, đường phố chật cứng xe, khiến người ta có cảm giác mình đang ở Paris… Tại Croisette (đại lộ khổng lồ Promenade de la Croisette, nơi tập trung nhà hàng-khách sạn-cửa hàng), hàng dãy xe hơi nối dài. Nó (Cannes) là cuộc hẹn của những ngôi sao và người danh tiếng, bán khỏa thân và rám nắng…”.

LHP Cannes là sự kiện chú ý trong giới truyền thông không chỉ nó là ngày hội điện ảnh lớn nhất thế giới hàng năm mà còn bởi nhiều chi tiết bên lề mang màu sắc xìcăngđan, như tại Cannes 1953, người ta thấy Kirk Douglas ngồi trên bãi cát bện tóc Brigitte Bardot hay Claudia Cardinale dắt con báo đi dạo bãi biển; hoặc tại Cannes 1954, khi cô đào nhí Simone Silva lột áo tắm và ôm chầm Robert Mitchum trước hàng chục ống kính báo chí… Sự đặc biệt của LHP Cannes, mà không LHP nào có, còn ở chỗ có nhiều sự kiện liên quan điện ảnh bên cạnh việc chấm giải Cành cọ vàng.

Tại Cannes, có Tuần lễ các nhà phê bình quốc tế (do nhà phê bình Pháp Georges Sadoul thành lập năm 1962), Hai tuần đạo diễn (Quinzaine des Realisateurs) hay Un Certain Regard (trình chiếu và phát giải mang cùng tên, cho phim thể hiện tính xu hướng đương đại). Ngoài ra, sức hấp dẫn của Cannes không chỉ ở chỗ nó là chợ phim hàng năm lớn nhất thế giới mà còn là trung tâm du lịch, dù giá phòng khách sạn đắt như vàng. Phòng siêu hạng tại khách sạn Octopussy tính đến 15.000 USD/ngày. Trong 12 ngày LHP Cannes, người ta còn tổ chức nhiều hoạt động xã hội như Cinema Against Aids (Điện ảnh chống lại bệnh AIDS) tại nhà hàng Moulin de Mougins.

Năm 1995, tại đây, Sharon Stone đã tổ chức buổi gây quỹ chống AIDS trong đó có cuộc đấu giá chiếc nhẫn đeo ở rốn siêu mẫu Naomi Campbell (bán cho một hoàng tử Saudi Arabia với giá $20,000). Như mọi “chuyện thường ngày” ở Cannes, lần đó, Sharon Stone cũng gây một xìcăngđan nhỏ khi cô đào Mỹ này tuyên bố rằng “bất cứ người nào bỏ ra $7.5 cũng có thể biết tôi mặc quần lót màu gì”. Không khí đặc thù của Cannes còn thể hiện ở chỗ luôn tồn tại hai bộ mặt tương phản. Chỉ ở Cannes, người ta mới thấy một phim khiêu dâm 100% có tên trong cùng lịch chiếu với những tác phẩm kinh điển của các đạo diễn lừng danh Theo Angelopoulos, Abbas Kiarostami hay Steven Spielberg…

Không như Oscar, ít ai có thể đoán chính xác phim nào giành Cành cọ vàng. Phim trúng giải thường là phim ít được để ý và phim bị loại thường là tác phẩm được kỳ vọng nhiều nhất. Pulp fiction của Quentin Tarantino đã gây sốc tại Cannes 1994 khi giành Cành cọ vàng, tương tự Sex, lies and videotape của Steven Soderbergh tại Cannes 1989 (Soderbergh trở thành đạo diễn trẻ nhất đoạt Cành cọ vàng trong lịch sử Cannes). Ngược lại, trong khi hầu hết giới phê bình đánh giá cao La vita è bella (Cuộc đời vẫn đẹp) của đạo diễn Ý Roberto Benigni tại Cannes 1998, phim này chỉ được chấm Giải thưởng lớn của ban giám khảo thay vì Cành cọ vàng như mọi người trông đợi (trước Cannes, La vita è bella giành giải nam diễn viên chính của Viện hàn lâm điện ảnh Anh-BAFTA, giải cùng hạng mục của Hiệp hội diễn viên điện ảnh-Screen Actors Guild; và sau Cannes, La vita è bella giành ba Oscar – phim nước ngoài, nam diễn viên chính, nhạc phim). Năm đó, thay vì La vita è bella, Cành cọ vàng đã được trao cho bộ phim Eternity and a day của đạo diễn Hy Lạp Theo Angelopoulos.

Đa số phim giành Cành cọ vàng đều mang nội dung nặng nề, với nhịp phim chậm và rề rà theo kiểu điện ảnh kinh điển (classic) truyền thống châu Âu. Tuy nhiên, điều đáng chú ý của LHP Cannes là sự ưu ái dành cho điện ảnh châu Á nói riêng và cho các nước thuộc thế giới thứ ba nói chung. Đạo diễn Trung Quốc Trần Khải Ca đã được trao Cành cọ vàng tại Cannes 1993 với phim Giã từ ái nương. Trương Nghệ Mưu, Củng Lợi, Trương Mạn Ngọc, Hầu Hiếu Hiền… đều gây chú ý trong lịch sử Cannes.

***

Là người da màu đầu tiên ngồi ghế chủ tịch Ban giám khảo Cannes, đạo diễn Mỹ Spike Lee đã gây sốc trong cuộc họp báo vào hôm nay, trước khi Cannes chính thức khai mạc với phim Annette, khi phát biểu: “Thế giới này được lãnh đạo bởi những tên giang hồ (gangster) – từ Chất độc màu da cam (Donald Trump), rồi cái tên ở Brazil (Tổng thống Jair Bolsinaro), đến Putin (Tổng thống Nga Vladimir Putin). Chúng là những tên giang hồ và chúng sẽ làm những gì chúng muốn. Đạo đức hoặc sự do dự chẳng là gì với chúng cả. Chúng ta phải lên tiếng chống lại những tên giang hồ như thế”.

Ban giám khảo Cannes lần thứ 74 gồm Mati Diop, Mylene Farmer, Kleber Mendonca Filho, Maggie Gyllenhaal, Jessica Hausner, Song Kang Ho, Melanie Laurent và Tahar Rahim.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: