Sài Gòn những ngày không thể thở và không dám thở

Trước cổng bệnh viện dã chiến: người thân đem đồ tới cho bệnh nhân là ba mẹ anh chị em mình mà chưa thể mang vô được vì rất đông (ảnh: Ngân Hà)

Sau buổi sáng có tin tháo gỡ các chốt kiểm soát dịch Covid-19 cấp quận huyện trên địa bàn thành phố, chỉ giữ lại 12 chốt ở các cửa ngõ ra vào Sài Gòn, các con đường trở nên thông thoáng hẳn.

Việc giữ chốt có lẽ đã khiến gây ùn tắc, dân tình tập trung đông không bảo đảm cho việc phòng dịch, đây là một minh chứng cho thấy việc chuyển biến rất nhanh của Sài Gòn trong tình hình khá căng thẳng này. Mới hôm qua nhìn Sài Gòn với những chốt kiểm soát đặt khắp nơi gây ra cảm giác nặng nề, lo sợ, thì hôm nay, việc gỡ bỏ những chốt kiểm soát này giúp cho thành phố phần nào được như được “dễ thở” hơn.

Nhưng Sài Gòn thông thoáng có vẻ yên ắng này, chỉ là bên ngoài của một cơ thể mà bên trong đầy những bi thương.

Mỗi ngày, trên điện thoại của tôi có khoảng 3-5 màn hình tin nhắn cùng hoạt động một lúc. Hình ảnh liên tục đổ về. Những doanh nhân, doanh nghiệp, cá nhân, những tấm lòng tập trung cho Sài Gòn đang gọi nhau đóng góp để những chuyến xe Vòng Tay Việt được có hàng hóa, lương thực, bánh trái đi khắp các quận huyện phát cho dân nghèo và các bệnh viện dã chiến. Bên cạnh đó thì nhóm các bà mẹ tại Hội quán các bà mẹ í ới gọi nhau thêm từng củ khoai, trái chuối, chai nước, bữa cơm đi các bệnh viện; thêm gạo, thêm rau củ quả đi các nơi. Ở Quảng Trị thì các bà, các cô, các chị, các anh đem gạo, đem củ quả góp được cả trăm tấn chở vô Sài Gòn lẹ lẹ, tranh thủ các bà các cô các chị còn bày ra làm muối sả, mắm cà, dưa muối… gởi vào. Ở Huế thì các đoàn thể, các nhóm gom góp nhu yếu phẩm chất lên xe vội vã cho kịp chuyến chiều nay…

Ở một góc khác, nhóm bạn của Đức Minh, đồng nghiệp tôi ở Trung tâm BSA, mua thịt, rau, trứng… để phát cho 120 hộ nghèo xơ xác, lại không giấy tờ (không có tiêu chuẩn nào để lãnh tiền trợ cấp nếu có cả) ở hẻm Lý Chiêu Hoàng, quận 6. Các bạn kể nghe có 100 hộ thôi nên đem tới 100 phần quà, tới nơi có 200 hộ thì thôi lại chia nhỏ ra thêm một chút.

Nhưng nếu các bạn có thể tận mắt nhìn thấy những khu bệnh viện dã chiến thu dung để điều trị bệnh nhân Covid và một phần cách ly các F1, mới thấy sự khốc liệt của “cuộc chiến” này.

Chương trình Vòng Tay Việt tiếp tế lương thực cho một khu bệnh viện dã chiến (ảnh: Ngân Hà)

Đó là những gương mặt thất thần đi đến đưa đồ cho người thân trong khu cách ly chữa bệnh mà bị từ chối. Mà đồ đạc cho người thân thì chỉ toàn thứ thiết yếu: quần áo, phích nước, cả nước uống nữa, thêm ít đồ ăn khô và đặc biệt là quạt máy vì có lẽ trong này rất nóng (bằng chứng là các bạn tôi đã quyên góp hàng trăm cái quạt tặng mà vẫn không đủ). Tất cả chất ở đó, nằm ở đó và người thân cũng đứng đợi đó để chờ tiếp tế cho người nhà có khi cả ngày mới chuyển được. Các anh shipper cũng phải đứng chờ dù hàng giao chỉ là một túi quà nhỏ, nhưng không thể không giao.

Ông già nhận ký thịt mừng quá… (ảnh: Ngân Hà)

Đó là những gương mặt rất trẻ, tình nguyện vô đây để tăng cường cho lực lượng tuyến đầu. Ai cũng ba lô, túi xách và một cái chiếu, có bạn chắc được dặn kỹ nên đem theo quạt máy. Những gương mặt vừa đầy nhiệt huyết mà cũng đầy… lo lắng. Vì biết vô đây thì sẽ bị cách ly hoàn toàn không thể về nhà mà cũng chưa biết ngày nào mới về nhà trong ít nhất cả tháng hay vài ba tháng không chừng.

Nhóm bạn của Đức Minh đi phát thịt và rau trứng cho khu dân nghèo nhập cư không được xếp thuộc diện nào để có cơ may nhận trợ cấp ở quận 6 (ảnh: Ngân Hà)

Chuyến xe chở 300 phần bánh nóng hổi của ABC Bakery chuyển tới Bệnh viện dã chiến thu dung số 6 – Thủ Đức. Cổng mở, anh lái xe nghe nói chở quà bánh vô khu này thì có vẻ sợ hãi. Tôi trấn an anh, nói chỉ vô bỏ đồ xuống rồi đi thôi, không ai cho anh vô bên trong khu chữa trị đâu. Anh nói lỡ con virus nó bay trong không khí từ trong khu đó bay ra. Bọn tôi cười với nhau trấn an. Sau khi trao quà xong cả bọn về lại địa điểm tập kết, vội vàng chui vào phòng khử khuẩn, nín thở bước ra, thở phào. Trên đường về, anh lái xe nói: “Đến những nơi này, nhìn người ở trong thì như bị nhốt mà còn đau đớn nếu bệnh trở nặng, ở ngoài thì chờ tin, lo lắng, sợ hãi, mới thấy mình còn được bình an như vầy là quá may mắn, em ơi!”.

Anh Minh cùng đoàn nói tiếp: “May mắn lắm đó. Bạn tui vừa báo nhà thằng bạn cùng lớp, năm người bị dính Covid, phát hiện hai tuần trước, bây giờ má nó 80 tuổi với nó mới 48 tuổi vừa chết rồi. Còn ba người đang chữa trị. Mấy đứa nhỏ con cháu gởi tùm lum đang bơ vơ không biết sao”.

Không khí trong xe chùng xuống, chúng tôi im lặng suốt quãng đường còn lại. Anh lái xe nhìn chăm chăm con đường trước mặt, tôi lặng lẽ quan sát những góc phố Sài Gòn vắng ngắt, âm thanh duy nhất vang lên khắp con đường là tiếng xe cấp cứu, mà ở chỗ chúng tôi đến chiều nay, khu vực của những bệnh viện dã chiến thu dung ngày càng lập nhiều hơn, tiếng còi xe nghe như tiếng rền của thành phố.

Xin các bạn hãy giữ mình, hãy cố gắng ở nhà giữ gìn sức khỏe và 5K tuyệt đối, chỉ những ai phải mưu sinh đã có các xí nghiệp, công ty bảo lãnh cho việc đi đường, càng phải tuân thủ nghiêm ngặt.

Tôi xốn xang khi nhớ về khu những người dân bị phong tỏa, nhiễm chéo và không chỉ gia đình họ bị “giam cầm” trong ngõ hẻm không lối ra, mà khi người thân của họ bị đưa đi, nằm điều trị ở những nơi mà chính họ cũng không đến được để tiếp tế một lần, thì có lẽ họ chưa chết vì dịch bệnh, đã chết vì cô đơn.

Sài Gòn, ngày thứ năm phong tỏa, 13 Tháng Bảy 2021

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: