Cách nay 45 năm, nhà văn George Steiner đã cảnh báo về nguy cơ của “văn hóa tiếng ồn”. Nhưng cảnh báo của ông hầu như không có người nghe. Ông viết: “Văn hóa tiếng ồn đang ăn sâu vào giới trẻ từ 13-25 tuổi. Họ chìm ngập trong đủ lại tần số âm thanh. Âm thanh bao vây tứ phía. Ngay cả những hoạt động cần sự yên tĩnh như đọc, viết, trò chuyện riêng tư và học tập cũng được tiến hành trong tiếng ồn. Điều đáng buồn là người ta không còn cách nào khác là thích nghi với nó”.
“Văn hóa tiếng ồn”
Mỗi ngày trôi qua, tất cả chúng ta đều bị bao vây bởi tiếng ồn, và chúng ta chỉ có thể vượt thoát khỏi âm thanh người này gây cho người khác khi đắm chìm trong âm thanh của riêng mình: mở nhạc trong smartphone hay máy tính và gắn tai nghe vào. Chính vì vậy mà người giàu thường chọn đi du lịch ở những nơi yêu tĩnh nhất. Vậy thì “văn hóa âm thanh” có ảnh hưởng gì đến khả năng nhận thức và dòng chảy tư tưởng của con người? Hãy nghe chuyện kể của một người sống khu dân cư Riverdale thuộc khu phố Bronx nằm trên đường 235th Street của thành phố New York, nơi thường xuyên phải nghe âm thanh của những chuyến tầu điện ngầm qua lại giữa đêm khuya.
“Ngồi trên tàu điện lúc ba giờ sáng bạn sẽ trải nghiệm sự buồn chán. Thường thì người ta giết nỗi buồn bằng cách mang sách ra đọc. Họ cố đắm chìm trong thế giới riêng tư để tránh tiếng ồn từ bên ngoài đi vào tâm thức. Nhưng cũng có người không chịu nổi sự trống vắng của tiếng ồn. Họ bù trừ bằng cách nghe nhạc từ điện thoại hay iPod với âm lượng khá lớn. Ngồi trong không gian tĩnh lặng vào ban đêm, bạn cảm thấy tiếng nhạc đi vào tai bạn từ người ngồi cách đó vài hàng ghế, dù họ có mang tai nghe. Một bạn trẻ lắc lư theo điệu nhạc với đôi mắt nhắm nghiền… Bạn không làm ồn nhưng tiếng ồn vẫn bám theo bạn, ngay cả trong một không gian tưởng là yên tĩnh nhất”…
“Văn hóa tiếng ồn” đã thật sự đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống con người. Nó ngày càng phát triển và biến thành ô nhiễm nhờ sự tiếp tay của con người. Ô nhiễm tiếng ồn cũng nguy hiểm như ô nhiễm rác thải và ô nhiễm ánh sáng. Tiếc thay nhiều người không biết đến tác hại của nó, thậm chí còn dùng tiếng ồn lớn hơn để chống lại tiếng ồn họ không thích. Hai nhà lân cận đấu nhau bằng cách mở nhạc hết công suất là một ví dụ. Họ quên rằng tiếng ồn từ bên ngoài đến hay tiếng ồn do chính họ tạo ra đều có tác hại như nhau.
Sống trong ám ảnh của âm thanh
Ngay cả khi chúng ta đang ngồi thiền hay tập yoga thì tiếng ồn vẫn văng vẳng bên tai. Ám ảnh điện thoại reo hay nỗi lo bỏ lỡ một tin nhắn quan trọng luôn vương vất bên mình. Con người của thời đại thông tin hầu như không được yên ổn phút giây nào trong ngày. Thóat khỏi sự ô nhiễm trong thực tế thì lại bị quấy rầy bởi các ám ảnh và lo lắng không giải thích được từ các thiết bị điện tử. Và các công cụ này ngày càng hiện đại và hấp dẫn hơn.
Nhà tâm lý phát triển Lorraine Maxwell cảnh báo là tiếng ồn quá mức sẽ gây stress cho học sinh, ảnh hưởng xấu đến khả năng tập trung và ghi nhớ. Tiếng ồn cũng làm chúng ngại chơi chung với nhau và ghét tham dự sinh hoạt, học theo nhóm. “Học sinh thường có xu hướng ngại giao tiếp với bạn bè cùng lớp trong môi trường quá ồn” – ông nhấn mạnh.
Tại California, khu nghỉ dưỡng Ranch at Live Oak không cho khách mang điện thoại di động vào. Tại đây có chương trình “trị liệu tiếng ồn” kéo dài một tuần lễ (mọi liên lạc với khách từ bên ngoài không bị cắt đứt mà sẽ qua khách sạn). Mỗi ngày khách sạn dành một thời gian riêng tư cho từng khách. Tuy nhiên, sống trong nền văn hóa tiếng ồn, nhiều người nhiễm căn bệnh “sợ yên tĩnh và im lặng”. Thậm chí họ nhìn những người tìm kiếm sự im lặng bằng đôi mắt kỳ dị. Đối với họ, im lặng có nghĩa là “ngắt kết nối”, là “chết” về mặt quan hệ xã hội. Âm nhạc là món ăn họ không thể thiếu. Họ quên rằng im lặng là khoảnh khắc cần thiết để chúng ta chiêm nghiệm lại mình và làm mới tư duy, khơi gợi sáng tạo. Các triết gia và nhà khám phá biết rất rõ giá trị của sự im lặng và cô đơn.
Âm thanh là thành tố không thể tách rời của đô thị
Âm thanh đô thị vừa hỗn loạn vừa kiên trì, và nếu bạn sống trong thành phố đủ lâu, nó sẽ trung hòa cảm xúc của bạn, biến bạn thành một trong vô vàn yếu tố tạo âm thanh. Âm thanh lúc đó không còn đến bất ngờ mà giống như tiếng dế kêu văng vẳng bên tai, bất kể ngày đêm. Tuy nhiên, đối với những người vừa ở quê lên thành phố, chưa trải nghiệm âm thanh đô thị lần nào thì âm thanh đối với họ thật là kinh khủng, thậm chí là một cản trở vô hình cho việc thích nghi với nơi mới đến.
“Có một điều éo le nhưng rất thật, âm thanh là thách thức đầu tiên cho những ai muốn tìm đến một không gian sống hiện đại. Nếu vượt qua được thách thức này, bạn mới có thể trở thành công dân đô thị” – Thomas Jones, hiệu trưởng trường kiến trúc Cal Poly’s College of Architecture and Environmental Design nói – Tiếng ồn là “món quà đặc biệt” của đô thị dành cho các cư dân mới, giống như rác rến, cống rãnh, ánh sáng và kiến trúc bê tông. Chính vì vậy mà khi nói về thành phố, những người yêu thiên nhiên thích dùng ba từ: “bẩn thỉu, xấu xí và ồn ào”. Âm thanh không chỉ có ngoài đường mà đi cả vào trong nhà, xâm nhập vào cuộc sống riêng tư.
Nhiều người tìm cách giành lại quyền kiểm soát âm thanh. Nhưng thành phố sẽ không còn là thành phố nữa nếu mọi người bị cách ly trong cõi riêng, tránh giao tiếp cộng đồng. Âm thanh không phát ra tự nó mà từ những thứ “phải có” để tạo thành cuộc sống đô thị; từ xe hơi chạy ngoài đường đến chợ búa; từ xây dựng đến giao thông công cộng.
Thời của các kỹ sư âm thanh
Đến đây, một câu hỏi được đặt ra: làm thế nào để người dân đô thị có thể chia sẻ lối đi chung, đường xá chung, phương tiện đi lại chung và nơi mua bán chung mà không phải nghe quá nhiều loại âm thanh gây nhiễu của nhau, mà nếu phải nghe thì chỉ nghe âm thanh nào mình thích? Đây không phải câu hỏi dành riêng cho cư dân chung cư, vì âm thanh không khu trú một nơi mà đến từ bất cứ nơi nào trong thành phố. Nó vây hãm chúng ta, di chuyển từ tòa nhà này sang tòa nhà khác, xuyên qua các cửa sổ và băng qua những con đường ken cứng.
“Nếu chúng ta không thuần hóa ma trận âm thanh, cư dân đô thị sẽ không thể nào tự thích nghi được với một môi trường sống đông đúc mà vẫn giữ được những thành tố quan trọng của một cuộc sống chất lượng theo qui chuẩn môi trường. Một số người nói: Ô, chúng ta cần điện panel mặt trời, cần hệ thống x-y-z, cần tiết kiệm nước. Nhưng chúng ta cũng cần một môi trường sống thân thiện với các giác quan. Nếu không chúng ta sẽ thua trận chiến chống lại các loại ô nhiễm đô thị, trong đó có tiếng ồn” – ông Thomas Jones nhận định.
Vì vậy đã đến lúc phải suy nghĩ lại cách thiết kế các ngôi nhà phố, các văn phòng làm việc và trạm chờ xe buýt… sao cho hạn chế tối đa âm thanh đến từ bên ngoài. Muốn làm điều này, chúng ta sẽ phải huy động cả lực lượng kỹ sư thiết kế âm thanh của các sân khấu ca nhạc để làm cho thành phố yên tĩnh hơn và vui hơn. Công ty kỹ thuật Arup (công ty lo phần thiết kế cấu trúc cho nhà hát nổi tiếng Sydney Opera House tại Sydney, Úc) đã đưa vào hoạt động ba phòng thí nghiệm âm thanh tại Los Angeles, San Francisco và New York City để tiến hành các thí nghiệm chưa từng có về âm thanh đô thị.
Nếu trong quá khứ, một kỹ sư âm thanh chỉ có thể nói với bạn “âm thanh này có tiếng ồn như tiếng ồn của một xa lộ khi đứng cách sáu mét” hay “căn phòng này yên tĩnh đủ cho hai người ngồi đối diện trò chuyện” thì nay, nhờ phòng thí nghiệm âm thanh mới, các kỹ sư của Arup có thể tạo ra mọi mức tiếng ồn, tìm ra nguồn phát sinh và đặc tính của nó trong bất kỳ môi trường nào.
Họ có thể ghi âm thanh tiếng kèn xe lửa, đưa vào phòng thí nghiệm để biến nó thành tiếng kèn xe nghe từ bên trong căn phòng kín cửa của nhà bạn. “Giống như màn ảo thuật” – Nick Antonio, phụ trách chi nhánh Acoustics Group của Arup ở Los Angeles nói. Arup không chỉ nghĩ ra cách làm dịu lại âm thanh mà còn tạo ra nhiều âm thanh mà con người thích như tiếng chim hót, trẻ em chơi đùa, tiếng cây lay động xì xào trong đêm. “Thách thức thật sự trong cuộc chiến chống tiếng ồn là loại bỏ những âm thanh con người không muốn nghe trong khi khuyếch đại những âm thanh mà chúng a thích” – Antonio nói.
Bài toán hóc búa này dẫn đến các câu hỏi tiếp theo như: làm sao chúng ta giữ tiếng ồn không vào được căn hộ trong khi vẫn duy trì sự lưu thông bình thường của khí trời, và làm sao tai người phân biệt được các loại âm thanh cùng mức decibel. Ví dụ, ở một mức decibel định trước, tai con người khó phân biệt âm thanh của trực thăng và của máy bay có cánh. Và càng khó hơn nữa khi phân biệt âm thanh của máy bay có cánh và xe cộ lưu thông. “Chúng ta không thể nhìn vào mức decibel để nói thích mức này hơn mức kia, mà ngay ở cùng cấp độ decibel chúng ta cũng thích âm thanh này hơn âm thanh khác. Ví dụ tiếng xe lửa chạy và tiếng máy phát điện” – Antonio nói.
Công nghệ “trị liệu âm thanh” chưa đến được với người nghèo
Âm thanh liên quan đến một trong những giác quan quan trọng thứ hai của chúng ta sau mắt. Đó là tai. Chúng ta không ngừng bơi qua biển âm thanh trong suốt cuộc đời mình mà không có phương tiện che chắn phản xạ như mí mắt chắn cho mắt khi gặp vật lạ bay vào. Dĩ nhiên, bạn có thể dùng tai nghe iPod nhưng nó lại sản xuất ra âm thanh khác: âm thanh bạn thích chứ không loại bỏ hoàn toàn âm thanh. Trong khi thị giác có thể tự điều chỉnh (bạn ngồi trước màn hình máy tính và bạn có thể quay đầu nhìn nơi này nơi khác để mắt nghỉ ngơi) thì âm thanh đến từ 360 độ quanh ta, thậm chí không biết nó đến từ nơi nào.
“Mắt chỉ nhìn thấy những gì phía trước, nhưng âm thanh đến từ mọi ngóc ngách mà không lệ thuộc vào vị trí. Mỗi người chỉ nhìn thấy một thứ, nhưng trong cùng một không gian, tất cả đều nghe một loại tạp âm giống nhau (trừ khi dùng tai nghe). Âm thanh không đến trực diện mà đến từ phía sau, từ trên đầu, từ dưới đất, xuyên qua tường và lan tỏa từ phòng này đến phòng khác cho đến khi không thể đi được nữa” – Jones nói. Thực tế cho thấy, khi mở hết cửa nẻo, những ngôi nhà xưa nhờ rộng thoáng nên âm thanh loãng hơn, không ồn ào như các căn hộ chật hẹp hiện nay. Như vậy, vấn đề nằm ngay trong khâu thiết kế xây dựng.
“Sau nhiều thập niên đô thị hóa, con người mới phát hiện ra là nếu muốn cách âm, chúng ta phải hy sinh sự thông thoáng. Trước đó, không có ai vào sống tại các chung cư dành cho người thu nhập thấp mà lại phàn nàn là họ phải sống chung với sự ồn ào. Nay thì khác. Nước Mỹ thuộc quốc gia có các qui chuẩn về tiếng ồn nghèo nàn nhất thế giới. Chỉ đến thập niên 1970, liên bang và thành phố mới ban hành luật tiếng ồn. Hiện nay, luật Uniform Building Code của liên bang đưa ra các tiêu chuẩn tối thiểu phải có để hạn chế tiếng ồn truyền từ căn hộ này sang căn hộ khác trong các chung cư. Các nước Bắc Âu có qui chuẩn chống ồn tốt nhất thế giới.
Tạo ra không gian yên tĩnh hơn sẽ cần cả kỹ thuật xây dựng cải tiến và công nghệ giảm ồn hiện đại. Kiến trúc sư Kathy Dorgan từng sống trong loại nhà phố xây dựng từ năm 1888 cho biết thi thoảng bà mới nghe tiếng nói của nhà bên cạnh. “Các tòa nhà xây dựng vào thời điểm đó kiểm soát tiếng ồn rất tốt – bà nói – Một nguyên nhân là chúng dùng vật liệu thích hợp như loại đá brownstone cách âm trong khi cửa sổ không chiếu thẳng vào nhà đối diện. Phòng tắm xoay ra đường thay vì phòng khách nên đẩy lùi được tiếng ồn. Vườn cây xanh ngăn cách từ lề đường hay trước hiên nhà cũng hấp thu tốt tiếng ồn”.
Khu vực Central Park ở New York City yên tĩnh hơn cũng là nhờ các tầng cây xanh hấp thu tiếng ồn như thế. Hiện, kỹ nghệ vật liệu xây dựng đã tung ra nhiều loại khung nhà, tường vách và cửa sổ cách âm (cách âm nhưng không ngăn dòng lưu thông không khí) khá tốt. “Công nghệ mới tốt đến nỗi bạn nhà bạn có thể nằm sát cạnh một con đường cao tốc nhưng tất cả những gì đến với giác quan chỉ là ánh sáng, còn âm thanh thì không” – kiến trúc sư Mike Pyatok nói. Áp lực giảm ồn tăng mạnh khi quỹ đất thành phố ngày càng thiếu khiến các đô thị phải mở rộng diện tích cư trú tại những khu vực rất ồn. Nhiều công ty xây dựng bắt đầu nhận thấy là những người giàu có không bỏ tiền ra để mua tiếng ồn. Và cả người trung lưu cũng thế. Tiếc thay, không phải ai cũng có điều kiện để “giết” âm thanh. Cuộc vận động chống ồn vẫn còn là “hàng xa xỉ “ tại các nước nghèo và đang phát triển…