Trí nhớ còn cần trong thời đại kỹ thuật số?

Minh họa: Josefa nDiaz/Unsplash

Bạn phải nhớ bao nhiều số điện thoại của gia đình và bạn bè trong đầu? Có lẽ ngày càng ít vì chúng ta hiện trông cậy nhiều các công cụ điện tử thông minh như điện thoại và máy tính bảng để nhớ các thông tin như vậy. Nhưng khi ý tưởng cho phép các học sinh dùng các cỗ máy tìm kiếm trong lúc làm bài thi đang được đề xuất tại một số nước thì nỗi sợ về “sự diệt vong của trí nhớ” đã sống lại.

Google sẽ thay thế não?

Một số người đặt câu hỏi nghiêm túc là “nếu chúng ta quá lệ thuộc vào Google thì chúng ta còn dùng trí nhớ để làm gì?”. Hãy nhớ là cách nay vài năm, cũng có một cuộc tranh luận tương tự về việc cho học sinh dùng bảng tính trong các kỳ thi tuyển. Trước sự chống đối mạnh mẽ của các nhà giáo dục, cuối cùng, thước tính và bảng tính bị cấm và chỉ được dùng trong kỳ thi toán GCSE (General Certificate of Secondary Education) dành cho các học sinh chuyển lên cấp 2. Việc dùng tự điển trong các cuộc thi ngoại ngữ cũng bị cấm cách nay 15 năm sau khi có nghiên cứu cho thấy việc cho phép dùng tự điển trong sát hạch ngoại ngữ sẽ lấy mất cơ hội thể hiện mình của các học sinh giỏi ngoại ngữ.

Minh họa: Mitchell Luo/Unsplash

Khi học sinh buộc phải nhớ từ thì trí nhớ sẽ tốt hơn vì não có nhiều việc để làm. Tuy nhiên, cuộc tranh luận có vẻ không bao giờ kết thúc, vì có một số chuyên viên giáo dục xem những phép tính và từ vựng chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích trong việc học tập và chuẩn bị hành trang vào đời. Giải thoát cho học sinh khỏi việc ghi nhớ những thứ ít sử dụng hay không bao giờ sử dụng trong tương lai sẽ giúp chúng tập trung tư duy và sáng tạo vào những lĩnh vực khác.

Rõ ràng, có một sự tiến thoái lưỡng nan giữa kiến thức và hiểu biết, giữa việc thu thập thông tin và khai thác nó. Những phép tính và từ vựng cũng chỉ là thông tin, vì vậy chúng cũng nằm trong phạm trù này. Khi các cỗ máy tìm kiếm như Google có sẵn thì nhiều câu đố và thắc mắc sẽ được giải đáp một cách dễ dàng. Nó giúp học sinh thoát khỏi cảnh phải vào thư viện để truy cứu một mớ tài liệu khổng lồ mất rất nhiều thời gian. Thời gian thi eo hẹp không cho phép học sinh vào thư viện để tìm lời giải nên dù chúng có được phép làm như thế thì cũng chẳng khả thi.

Nay, chỉ cần vài cái nhấp chuột, một lượng thông tin khổng lồ hiển thị ngay trước mặt theo thứ tự. Vấn đề là chọn cái nào. “Theo ý kiến của cá nhân tôi, chúng ta nên cho phép dùng Google trong các cuộc thi, kể cả các cuộc thi GCSE” – một chủ tịch hội đồng thi tại Anh đã đề nghị như thế. Trước yếu tố quan trọng ngày càng giảm của trí nhớ như một thư viện lưu trữ thông tin, các nhà khoa học đang nghiên cứu về thay đổi của bộ não (cả thể tích lẫn các thành phần) khi chúng ta không còn dùng nó theo cách cũ. Hoạt động ghi nhớ và truy xuất thông tin của não bị giảm sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến chức năng của nó. Các nhà khoa học ngày càng quan tâm đến sự co dãn của não người và cấu trúc vật lý khi con người không còn dùng nó theo cách cũ. “Việc học đòi hỏi sự “động não”, việc sử dụng kiến thức cũng thế. Nay động não không còn cần nhiều và kiến thức không nhất thiết đến từ não thì sự phát triển các tế bào thần kinh và tinh thần chắc chắn phải có sự thay đổi” – một nhà tâm thần kinh nói.

Internet làm thay đổi cách đánh giá học sinh

Một nghiên cứu được đánh giá cao liên quan đến các tài xế taxi đen có giấy phép hành nghề tại Luân Đôn (Anh) và cách họ nhớ 25,000 tên đường phố. Họ phải mất từ 2-4 năm để học tên đường và nhiều người không qua được cuộc thi trắc nghiệm “The Knowledge”, bởi vì nhớ từng đó tên đường là quá khó.

Năm 2006, các nhà nghiên cứu tại Đại học University College (Luân Đôn) đã tìm hiểu não của 79 tài xế taxi được huấn luyện nhớ tên đường và 31 người lái xe nhà không được huấn luyện (chỉ tìm tên đường qua bản đồ Google). Họ thấy là não của các tài xế taxi tham gia trắc nghiệm “The Knowledge” có chất xám nhiều hơn trong khu vực hippocampus liên quan đến việc hình thành, tổ chức và lưu giữ thông tin, kiến thức.

Khu vực hình móng ngựa một phần nằm trên não trái một phần nằm trên não phải. Hippocampus gửi ký ức đến nơi qui định của não để lưu giữ dài hạn và truy xuất khi cần. Ở những người bị bệnh mất trí nhớ Alzheimer, hippocampus là một trong những phần đầu tiên của não bị thiệt hại. Não của chúng ta minh mẫn là tùy vào khả năng học tập, ghi nhớ và truy xuất thông tin. Trong thời đại kỹ thuật số, hoạt động học tập, ghi nhớ và truy xuất thông tin bị giảm nên việc định nghĩa sự minh mẫn và khả năng của trí nhớ cũng thay đổi.

Minh họa: Agnieszka Boeske/Unsplash

Học thực-thi giả hay học giả-thi thật?

Những vấn đề triết học mới về trí nhớ cũng được nêu lên. Nhu cầu nhớ của chúng ta không còn quan trọng nữa khi đã có các công cụ điện tử trợ giúp. Khi chúng ta được phép dùng các bộ máy tìm kiếm để truy cập thông tin, các cuộc thi tuyển và sát hạch cũng phải thay đổi. Lúc đó, việc đánh giá học sinh sẽ tuỳ thuộc vào cách chúng chọn thông tin, dữ liệu thu thập được, hiểu và trình bày nó. Đội ngũ chấm thi sẽ phải tìm ra phương cách khác để phân loại học sinh. Giám đốc điều hành hội đồng thi OCR ở Anh, ông Mark Dawe nhận định: “Những cuộc thi tuyển trong tương lai sẽ không còn là một cuộc đua về trí nhớ. Và người có trí nhớ tốt chưa chắc đã thắng”.

Theo ông thì các cuộc thi sẽ phải dựa vào khả năng chọn, giải thích và phân tích thông tin để đánh giá học sinh. Bất chấp ý kiến chống lại việc xem nhẹ tầm quan trọng của trí nhớ thì trước thực tế phổ cập của các công cụ cơ động như máy tính bảng và điện thoại di động, con người cũng nên chuẩn bị cho ngày “không còn dùng đến trí nhớ” nữa. “Cho phép dùng internet trong thi tuyển phản ánh cách học sinh học và cách chúng làm việc trong tương lai – Dawe nói – Nhưng học sinh cũng cần một nền tảng kiến thức cơ bản và không nên quá lạm dụng công cụ tìm kiếm”.

Tuy nhiên, tổ chức cổ vũ cho việc học “thực”, Campaign for Real Education, đã lên án ý tưởng dùng Google tại phòng thi là “không thể chấp nhận được”. Ông Chris McGovern, cầm đầu Campaign for Real Education nói: “Đề xuất cho phép dùng internet cũng giống như đề xuất cho mang sách giáo khoa vào phòng thi. Nhưng tìm kiếm trên internet dễ dàng và thụ động hơn nhiều”. Dawe phản bác lập luận này. Ông nói: “Giữ các kiến thức vô bổ làm gì khi nó đã có sẵn trên Google và chúng không giúp được gì trong tìm việc. Vấn đề là học sinh nên nhớ những gì và không nên nhớ những gì”. Ông đồng ý là có những cuộc thi không nên cho thí sinh dùng Internet. “Internet là con dao hai lưỡi, vì vậy không nên sử dụng bừa bãi trong thi cử” – ông nói.

Dawe không tin rằng đề xuất cho dùng internet sẽ được thông qua tại nước nào đó trên thế giới nhưng ông tin chắc chắn nó sẽ được thông qua trong tương lai với các mức độ khác nhau. McGovern nói: “Chúng ta đang có cuộc khủng hoảng về thi tuyển và cuộc đối đầu giữa máy móc, internet và trí nhớ. Điều chúng ta cần xem xét trước tiên là xác định xem bọn trẻ nên lưu giữ những gì trong trí nhớ của chúng. Những kiến thức vô bổ, kiến thức vận dụng cho cuộc sống hàng ngày hay có lợi cho nghề nghiệp tương lai?”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: