Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ sắp thăm Việt Nam

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin sẽ tới Singapore, Việt Nam và Philippines vào cuối tuần này trong chuyến thăm Đông Nam Á đầu tiên của một thành viên hàng đầu trong nội các của chính quyền Biden.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin sắp đến thăm Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Ảnh BQP Hoa Kỳ

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin sẽ tới Singapore, Việt Nam và Philippines vào cuối tuần này trong chuyến thăm Đông Nam Á đầu tiên của một thành viên hàng đầu trong nội các của chính quyền Biden.

Theo thông báo mà Thư ký Báo chí Ngũ Giác Đài John Kirby đưa ra hôm nay Thứ Hai 19 Tháng Bảy, ông Austin sẽ lên đường vào ngày Thứ Sáu, dừng lại ở Alaska trước khi bay đến Singapore vào cuối tuần. Tại Singapore, ông Austin sẽ phát biểu tại một sự kiện do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức. 

Ông Kirby nói: “Chuyến thăm của Bộ trưởng Austin chứng tỏ tầm quan trọng mà chính quyền Biden-Harris đặt cho khu vực Đông Nam Á và ASEAN, coi đó như là phần thiết yếu trong cơ cấu Ấn Độ – Thái Bình Dương. Chuyến đi này nhấn mạnh cam kết lâu dài của Hoa Kỳ đối với khu vực và lợi ích của chúng ta trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trong khu vực, đồng thời thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN.”

ASEAN là Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á, gồm 10 nước thành viên, trong đó có Việt Nam.

Khi căng thẳng về lãnh thổ vẫn âm ỉ ở Biển Đông do Bắc Kinh nỗ lực bành trướng ảnh hưởng, Hoa Kỳ hy vọng sẽ hợp tác với các nước trong khu vực để có cách tiếp cận thống nhất đối với chính sách của Trung Quốc.

Ông Kurt Campbell, Điều phối viên khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, nhận định: “Để có một chiến lược châu Á hiệu quả, một cách tiếp cận Ấn Độ – Thái Bình Dương hiệu quả, bạn phải làm nhiều hơn nữa ở Đông Nam Á”.

Với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, ông Austin đã đến châu Âu hai lần để hàn gắn mối quan hệ với các đồng minh ở đó. Ông cũng đã đến thăm Nhật Bản, Nam Hàn và Ấn Độ nhưng chưa đến Đông Nam Á. Ông đã dự kiến tham dự Đối thoại Shangri-La của IISS ở Singapore vào tháng trước, nhưng sự kiện này đã bị hủy bỏ vì đại dịch coronavirus.

Trung Quốc, rõ ràng tìm cách lợi dụng sự vắng mặt của Washington ở khu vực, đã và đang biểu dương sức mạnh của mình ở Đông Nam Á để khẳng định các tuyên bố chủ quyền trên biển rộng lớn của họ.

Các tàu Trung Quốc đã tập trung trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, buộc Manila phải gửi công hàm ngoại giao để phản đối. Lực lượng không quân Malaysia hồi Tháng Năm đã đưa phi cơ phản lực lên đối phó với một cuộc xâm nhập rõ ràng của Trung Quốc vào không phận của họ. Việt Nam tiếp tục đối đầu với Bắc Kinh về quyền khai thác dầu khí ở Biển Đông.

Máy bay trực thăng Sea Hawk của Mỹ cung cấp hàng tiếp tế cho một tàu khu trục đang tuần tra ở Biển Đông. Ảnh của Hải quân Hoa Kỳ

Đối với Hoa Kỳ, cải thiện quan hệ với Manila sẽ là chìa khóa cho sự xoay trục chính sách Đông Nam Á. Tháng trước, chính phủ Philippines một lần nữa tránh đưa ra quyết định cuối cùng về việc duy trì hay chấm dứt Thỏa thuận các Lực lượng Thăm viếng (Visiting Forces Agreement) – một hiệp ước nhằm cung cấp khuôn khổ pháp lý cho sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại nước này. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã hủy bỏ thỏa thuận hồi Tháng Hai năm 2020 nhưng đã ba lần đình chỉ việc chính thức chấm dứt thỏa thuận.

Chính quyền Biden hy vọng sẽ thuyết phục được Manila giữ nguyên thỏa thuận. Theo một số nhà quan sát, một động tác để đạt được mục tiêu này là Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hồi cuối Tháng Sáu đã phê duyệt các thỏa thuận vũ khí được Philippines đề nghị, có trị giá $2.6 tỷ, gồm cả việc bán cho Philippines loại phi cơ chiến đấu tối tân F-16, bật đèn xanh cho việc chính quyền Duterte thúc đẩy hỗ trợ quốc phòng từ Washington.

Các lực lượng Mỹ ở Philippines giữ nhiệm vụ chủ yếu trong các hoạt động chống khủng bố ở nước này nhưng không phải là biện pháp răn đe hiệu quả chống lại Trung Quốc.

Thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ hơn ở Biển Đông là trọng tâm của cuộc rà soát lại vị thế các lực lượng Hoa Kỳ trên toàn cầu mà chính quyền Biden nhắm sẽ hoàn thành vào mùa thu này. Quân đội Mỹ có vẻ đang muốn dàn trải các lực lượng của mình để ít bị tổn thương hơn trước một cuộc tấn công bằng tên lửa chính xác của Trung Quốc. Với mục đích như vậy, Mỹ có khả năng sẽ tìm cách mở rộng quyền tiếp cận các cơ sở quân sự ở Philippines.

Cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang tăng lên khi Hà Nội ngày càng đề phòng Bắc Kinh. Washington đã bãi bỏ các hạn chế cuối cùng đối với việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào năm 2016 dưới thời Tổng thống Barack Obama, và từ đó đến nay Mỹ đã cung cấp cho Việt Nam các tàu tuần tra và đã ký một thỏa thuận cung cấp máy bay không người lái. Một hàng không mẫu hạm Mỹ năm 2018 đã đến thăm Việt Nam lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975; và một chuyến thăm thứ hai, do hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt thực hiện, đã diễn ra đầu năm ngoái 2020.

Tại Singapore, Hải quân Hoa Kỳ có một đơn vị chỉ huy hậu cần, đồng thời bố trí các tàu và máy bay trinh sát ở đó để tuần tra Biển Đông.

(theo Asia Nikkei Review)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: