Bản tính muôn thuở của nhân loại: Chết đến nơi vẫn chen lấn giành giật

Giá giảm mạnh và hàng hóa khan hiếm chính là hai yếu tố đã kích hoạt bản chất bạo lực tiềm ẩn của con người. Tranh nhau lấy hàng rồi sau đó nhẫn nhục xếp hàng chờ thanh toán. Hai thành tố đối nghịch của văn minh tiếp nối nhau. Các công ty chế tạo máy bay cho biết họ có thể làm trống chiếc máy bay trong vòng 90 giây mà chỉ cần sử dụng phân nửa cửa thoát hiểm nếu hành khách tuân thủ nghiêm ngặt bản hướng dẫn và nhớ vị trí cửa thoát hiểm với tư duy cộng đồng “một người vì mọi người và mọi người vì một người”. Tuy nhiên, thực tế điều đó thường không xảy ra.

Black Friday là dẫn chứng hùng hồn của tranh giành lấy trước

Tranh giành để lấy được những mặt hàng mình ưa thích là hiện tượng dễ thấy nhất trong ngày mua sắm giảm giá sâu như Black Friday, ngay cả tại các nước phương Tây khi nền văn hóa xếp hàng đã thấm vào máu. Chỉ xếp hàng ở bên ngoài, còn khi cửa đã mở, nếu không lấy nhanh sẽ hết hàng vì lượng hàng giảm giá có thể ít. “Nhìn thấy quảng cáo bên ngoài ghi số TV và iPhone xả hàng có giới hạn, ý tưởng đến ngay lập tức trong đầu người mua là hãy xác định vị trí nhanh và lấy ngay một chiếc.

Họ nhìn thấy những người mua khác là đối thủ tiềm năng và ai nhanh chân người đó sẽ thắng. Nguy cơ không lấy được hàng dẫn đến hành vi tranh giành bạo lực. Thường thì với những thứ thiết yếu như nước và thực phẩm, bạo lực là điều không tránh khỏi, nhưng ngay cả những mặt hàng không thiết yếu cũng tạo ra bạo lực với mức độ không kém” – Darren Dahl thuộc Trường kinh doanh Sauder thuộc Đại học BC (UBC) đồng tác giả của một nghiên cứu mới về hiện tượng này nói.

Vì vậy khi bạn nhìn thấy một chiếc TV 53-inch thế hệ mới giảm giá sâu, bạn phải chuẩn bị sẵn sàng trong tư thế của một tay chạy cự ly ngắn và một võ sĩ để lấy hàng vì có thể bị thương nếu gặp sự tranh giành không khoan nhượng của những người cũng săn cùng mặt hàng như bạn. Thống kê của Dahl cho thấy tại thành phố Vancouver (Canada) trong ngày Black Friday, có hàng chục người phải nhập viện do thương tích hoặc bị bất tỉnh trước sức ép thô bạo của đám đông. Dahl xem thảm hoạ này là điều gần như không thể tránh khỏi và đối nghịch với văn hóa xếp hàng mà nước nào cũng tôn vinh và khuyến khích.

“Do được báo trước bằng quảng cáo giảm giá, ngay trước khi bước vào bên trong cửa hàng, chưa vượt qua bảo vệ ở cửa, những kẻ săn hàng đã chuẩn bị trước cho cuộc quyết chiến. Mức testosterone (hormone báo trước tác phong bạo lực) tăng cao. Họ biết mặt hàng nào và quầy nào phải tấn công trước và nhận thấy những người mua khác đều là đối thủ nguy hiểm, sẵn sàng cướp lấy cơ hội của họ. Trong quá trình tiến hóa, để tồn tại con người được lập trình để tranh cướp thực phẩm và đồ dùng khi thiếu. Ngày Black Friday thể hiện rõ nhất của bản chất này, có điều là nó xảy ra đối với cả những mặt hàng không phải thực phẩm hay đồ dùng cần thiết như iPhone” – ông nói.

Chết trước mắt nhưng vẫn tranh lấy hành lý

“Nhảy, nhảy, nhảy! Yêu cầu để hành lý của bạn lại. Đến cửa thoát hiểm. Nhảy và trượt. Nhảy và trượt!”. Giọng nói khẩn trương và căng thẳng của nữ tiếp viên kêu gọi hành khách di tản gần, nhưng cô gần như bất lực trước hành vi của một số hành khách phản lại tình trạng khẩn cấp liên quan đến sinh mạng mọi người. Nữ tiếp viên cố gắng lùa nhanh hành khách ra khỏi chiếc máy bay Boeing 777-300 của hãng hàng không Emirates Airline vừa đáp khẩn cấp xuống phi cảng quốc tế Dubai International Airport trong tình trạng nguy hiểm vẫn còn và cái chết hàng loạt có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu máy bay cháy nổ.

Tuy nhiên, đứng trước sự sống và cái chết, những người chưa từng trải qua hiểm nguy lần nào lại chọn hành lý hơn là sự sống! Thậm chí có người còn lấy smartphone ra quay lại cảnh bát nháo la hét trong cabin máy bay. Trong số 36 giây video được ai đó quay và post lên Twitter, người ta nghe tiếng một hành khách hối thúc lấy chiếc laptop giúp mình. “Thật không quá khó để hiểu tại sao có người tuân thủ nghiêm ngặt lệnh của tiếp viên, có người lại xem nhẹ” – một nhà tâm lý tình huống nói.

Không hề có lời cảnh báo trước, cú đáp thất bại của chiếc máy bay chở họ suýt trở thành bi kịch trong đời sống thật. Chiếc Boeing 777-300 đáp bằng bụng, không bánh, trên đường băng. Sau đó trượt một đoạn và xoay vòng trước khi ngừng hẳn với một động cơ bốc cháy. Tai nạn xảy ra vào Tháng Tám 2016. “Không hiểu những gì sắp tiếp diễn, não chúng ta được lập trình để nắm ví, passport, điện thoại và chìa khóa. Không ai biết trước được hành vi của con người trong các tình huống thoát hiểm. Người bình tĩnh, kẻ hoảng loạn. Để giúp họ, các tiếp viên của hãng hàng không Emirates được huấn luyện khá bài bản. Họ kêu gọi hành khách hãy lo cho mạng sống trước và để hành lý lại phía sau. “Tuy nhiên, sức mạnh của lời khẩn báo chỉ thành công giới hạn khi con người được “lập trình” khá tốt để bảo vệ tài sản cá nhân bằng bất cứ giá nào và sẵn sàng bỏ qua sự an nguy của những hành khách khác. Không chỉ có máy bay mà thoát hiểm trong những phương tiện giao thông khác cũng diễn ra tương tự.

Qui tắc 90 giây

May mắn, tất cả 300 hành khách có mặt trên máy bay Boeing 777-300 đều thoát hiểm an toàn, dù qui tắc 90 giây không được tuân thủ và máy bay bị bốc cháy một động cơ. Chỉ có một lính cứu hỏa thiệt mạng do quá tích cực dập nhanh ngọn lửa. “Các nghiên cứu về tai nạn máy bay đều cho thấy khả năng cabin bị bắt lửa sẽ tăng cao sau 90 giây  – chuyên viên không lưu Ashley Nunes nói – Tiếc rằng, thời gian di tản thường quá 90 giây do có nhiều người cố gắng lấy hành lý của họ trên locker”.

Thực tế cho thấy, cuộc di tản từ chiếc máy bay của hãng hàng không Emirates Airline kéo dài đến 1 phút 23 giây và người quay video còn quay cả cảnh động cơ cháy. Một phần thân máy bay nổ không lâu sau đó. Tháng Chín 2015, khi một chiếc máy bay của hãng hàng không British Airways bốc cháy trên đường băng tại thành phố Las Vegas (tiểu bang Nevada), hình ảnh ghi lại cho thấy có nhiều hành khách cố gắng lấy hành lý trên locker. Tháng Bảy 2013, một máy bay của hãng hàng không Asiana bị tai nạn khi đáp tại San Francisco, hình ảnh ghi lại cũng cho thấy nhiều hành khách không chịu bỏ lại hành lý xách tay của họ trước khi đến máng trượt.

Nhiều nhà tâm lý đã cố gắng lý giải lý do tại sao có nhiều người chỉ biết đến mình khi đang ở trong một tình huống nguy hiểm ảnh hưởng đến nhiều người. Các nghiên cứu để trả lời câu hỏi này chỉ có tính tham khảo vì người ta không thể tạo ra tình huống sống-chết giống đời thực trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu. Nunes nhận định: “Lấy hành lý lúc cái chết gần kề là hành vi có ở mọi chủng tộc, mọi cấp độ phát triển chứ không phải là phản ứng cá biệt của người nghèo. Bạn là công dân nước nào, ở châu Á, châu Âu hay châu Phi thì trước khi ra khỏi máy bay, đáp bình thường hay đang gặp nạn, hành lý xách tay vẫn được xem là ưu tiên hàng đầu”. Bản tính muôn thuở của nhân loại: Chết đến nơi vẫn chen lấn giành giật?

Nói tóm lại, sợ chết và tham lam nhưng tham khiến dễ chết hơn là vài trong số bản chất mâu thuẫn ngược ngạo muôn thuở của con người, không phân định giàu hay nghèo, châu Á hay châu Âu, người thành thị hay kẻ nhà quê, người ở nước văn minh hay kẻ ở quốc gia lạc hậu…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: