Tại sao con người… đần độn hơn khi đông đúc?

Minh họa: Hannah Busing/Unsplash

Việc kết luận rằng số đông bao giờ cũng khôn ngoan hơn, trong giả thuyết “wisdom of crowds”, không phải bao giờ cũng đúng, mà đôi khi nhiều người tham gia vào một vấn đề còn dẫn đến quyết định sai theo kiểu “lắm thầy thối ma”.

Căn phòng nằm bên dưới một hộp đêm tại Luân Đôn không có vẻ gì là nơi các nhà tâm lý chọn để thực hiện một thí nghiệm về việc làm quyết định (decision-making), nhưng đối với tiến sĩ Daniel Richardson thì đây là nơi lý tưởng. Nhà nghiên cứu thuộc University College London cho biết ông muốn tìm hiểu việc đưa ra câu trả lời của một người về một vấn đề cụ thể bị ảnh hưởng thế nào bởi những người (đám đông) chung quanh. Khi ta chứng kiến sự chọn lựa của những người bên cạnh, chọn lựa của ta có bị ảnh hưởng?

Để trả lời câu hỏi này, Richardson quyết định làm thí nghiệm trong thế giới thực; ở đây là hộp đêm, nơi không khí đám đông và xã hội hóa lộ rõ. Nếu làm tại phòng thí nghiệm khép kín với đám đông khiên cưỡng, kết quả sẽ không hoàn hảo. Richarson có mặt lúc hộp đêm Phoenix Arts Club ở Soho có 50 người, họ không biết ông sắp tiến hành một nghiên cứu về ảnh hưởng của đám đông đối với các chọn lựa cá nhân.

Những người trong căn phòng rất hưng phấn khi ông bước lên bục trong vai trò người dẫn chương trình và thông báo với những người có mặt là ông sắp sửa tiến hành một thí nghiệm trông có vẻ bình thường nhưng là “một thí nghiệm khoa học nghiêm túc”. Ông yêu cầu mọi người đăng nhập vào một trang web do ông thành lập để trả lời những câu hỏi giống nhau. Ông phát hiện ra họ có khuynh hướng trả lời giống nhau nếu thấy đa số chọn “yes” hay “no” trên màn hình kết quả không hiển thị tên.

Minh họa: Chris Slupski/Unsplash

Dựa vào thí nghiệm này, Richarsson kết luận: con người có khuynh hướng chấp nhận quan điểm của đa số dù nó sai rõ ràng. Sau đó, ông đi vào chủ đề chính là hỏi ý kiến của mọi người là nước Anh có nên rời Liên hiệp châu Âu (EU)? Gần như tất cả trả lời không. Rồi đến hai câu hỏi khác: “Luật có nên cấm nhân viên tàu điện ngầm đình công?”; “Người mua thức ăn cho bạn mình có quyền được chia phần lớn hơn?”.

Xem xét kết quả, Richarson phát hiện rằng nhiều người không hề thể hiện trí thông minh của mình khi vội vã chọn lựa câu trả lời chung với những người khác. Nói rõ hơn là họ bị đám đông chi phối và áp đảo trong việc ra quyết định. “Khi chúng ta tương tác với nhau, sự đồng tình sẽ chiếm ưu thế, dù chọn lựa là sai. Khoảng trống dành cho tư duy còn rất ít. Chỉ có người nào thoát ra được “hội chứng đám đông” mới có câu trả lời đúng. Đám đông không chia sẻ thông tin hay ý kiến mà chia sẻ thành kiến và xu hướng. Đây là điều chúng ta phải giải mã nguyên do để mỗi cá nhân có thể đưa ra quyết định tốt hơn” – ông nói.

Thí nghiệm của Richardson về hiện tượng “rập khuôn” hay “chó hùa” theo sau một thí nghiệm tâm lý được làm cách nay sáu thập niên. Thập niên 1950, nhà tâm lý Đại học Harvard, Solomon Asch, đã chứng minh rằng “con người vốn quen chấp nhận quan điểm của đa số mà không cần biết đúng sai, thậm chí làm trái với suy nghĩ, đánh giá của họ”. Hội chứng bầy đàn và a dua là có thật. Cũng trong thời gian đó, tiến sĩ Read Tuddenham thuộc Đại học California phát hiện rằng sinh viên cũng chọn những câu trả lời sai bét ở cả những câu hỏi đơn giản không cần động não. Ví dụ họ nói yes với câu hỏi “đa số bé sơ sinh nam chỉ có thể sống đến 25 tuổi”, vì họ nghĩ những người khác cũng sẽ trả lời như thế.

Rõ ràng, những phát hiện này trái với suy nghĩ phổ biến về “sự khôn ngoan của đám đông” (wisdom of crowds) khi chúng ta tin rằng “chọn lựa giải pháp hay dự báo của nhiều người bao giờ cũng chính xác hơn của từng cá nhân”. Điều này chỉ có thể xảy ra khi đám đông được tách hẳn ra để loại bỏ yếu tố “lây nhiễm” rồi sau đó tổng hợp câu trả lời nào có nhiều người đồng ý nhất. Còn nếu tập trung họ lại một chỗ để cùng trả lời thì khả năng số đông cùng có một câu trả lời là rất cao.

Sự “thống nhất và đoàn kết” lấn át cái đúng. Vì vậy khi Richardson đưa hình ảnh con cá voi giết người và hỏi nó nặng bao nhiêu thì ông nên hỏi từng người tại những nơi khác nhau thay vì tập trung vào hộp đêm để “hợp tác” trả lời. Trong thế giới mạng cũng thế. Internet là siêu xa lộ thông tin và là nơi phô diễn những xu hướng, thành kiến và để chúng phát tán thoải mái.

Mạng xã hội là môi trường tốt cho “sự a dua và đồng thuận” những cái không đáng đồng thuận. Sự thù hằn, phân biệt cũng lây lan rất nhanh. Có không ít người đồng thuận một cách vội vã những quan điểm trên mạng xã hội mà không dành sự thẩm định cho trí não. “Twitter và Facebook là hai ví dụ tốt nhất về sự đồng thuận không suy nghĩ, nơi người ta chia sẻ những thiên kiến và cuồng tín. Nó biến đám đông thành lũ người đần độn và mù quáng” – Richardson nói.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: