Từ công thức kem chống nhăn của người La Mã cổ đại đến hướng dẫn chăm sóc thuốc nhuộm tóc và nước hoa của phụ nữ miền Nam nước Ý thế kỷ 12 ghi trong bản thảo cổ “Trotula” còn lưu lại được, các tài liệu cũ đều cho thấy việc tăng cường nhan sắc và sự quyến rũ có lịch sử lâu đời và các xu hướng làm đẹp cũng thay đổi theo thời gian. Điểm chung của mọi thời đại là thay vì chấp nhận những gì tạo hóa ban cho, từ lâu con người đã có khái niệm về thế nào là đẹp và tìm cách làm cho những phẩm chất “không phải ai cũng được tự nhiên ban tặng” này trở thành phổ biến, tức là can thiệp trực tiếp vào công việc của “Mẹ thiên nhiên”!
Từ “Cô gái Buxom” đến “Cô gái Gibson”
Theo nhà văn nữ Kari Molvar, những phẩm chất được xem là “tiêu chuẩn đẹp” cũng “phải đáp ứng được bối cảnh chính trị và xã hội đang thay đổi trong từng thời đại”. Nói rõ hơn, những tiêu chuẩn định hình xu hướng làm đẹp luôn thay đổi theo thời gian. Bà nói: “Rất nhiều định nghĩa về tiêu chuẩn đẹp bao hàm cả ý nghĩa chính trị và xã hội. Ví dụ, hiện nay, hai phong trào chống phân biệt Black Lives Matter và Stop Asian Hate đang tạo cảm hứng cho kỹ nghệ làm đẹp, giống như một phản ứng hòa bình”.
Trong cuốn sách sắp xuất bản có tựa The New Beauty, Kari Molvar đã lập biểu đồ sự phát triển của các tiêu chuẩn sắc đẹp theo những cột mốc thời gian, từ cổ đại cho đến ngày nay, và các lực lượng chính tác động lên chúng. “Rõ ràng, lịch sử cho thấy, cái đẹp bị tác động và được định hình bởi nhiều thứ, kể cả chính trị”.
Vào thế kỷ 17, châu Âu được xem là “trung tâm thương mại toàn cầu” đang phát triển. Mạng lưới các tuyến giao thương, vươn tới những nơi hẻo lánh, đã đưa nhiều loại thực phẩm mới thú vị đến “lục địa già”. Ví dụ hạt tiêu, đường, một số loại thịt, ngũ cốc nhưng không chỉ dành cho giới thượng lưu như trước mà cả giới quý tộc, chủ đất giàu có. Các nghệ sĩ thời Phục Hưng, như họa sĩ Hà Lan Peter Paul Rubens, đã giúp phổ biến khái niệm mới: “Một thân hình đẹp lý tưởng là phải nở nang, đầy đặn”. Những phụ nữ đầy đặn, mượt mà (gọi là “Buxom”) được thần tượng hóa trên giá vẽ cùng với má lúm đồng tiền, tóc dợn sóng…
“Tuy nhiên, khái niệm mới này không mang tính cách mạng về cái đẹp mà chủ yếu để vinh danh chức năng sinh học và khả năng sinh sản của một thân thể no đủ. Nó cũng thể hiện khao khát nhục dục của đàn ông” – Molvar viết. Khoảng gần 300 năm sau, ưu thế của các trang trại đã tạo ra một khái niệm thẩm mỹ mới ở Mỹ. Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, thế giới lại chứng kiến sự xuất hiện của cái gọi là “Cô gái Gibson”, một nàng thơ của họa sĩ vẽ tranh minh họa Charles Dana Gibson, với đặc điểm có đôi chân dài “miên man” và hừng hực sức sống.
“Cô gái Gibson” đại diện cho tầng lớp phụ nữ Mỹ giàu và có học mới – biểu tượng cho khát vọng tự do của thời đại công nghiệp và của những người xuất thân từ nông nghiệp muốn thoát dần khỏi công việc đồng áng buồn chán” – Molvar nhận định. Những “cô gái Gibson” xuất hiện nhiều trên tạp chí Life. Họ vui đùa tự do ngoài trời hoặc tham gia các hoạt động năng lượng cao như cưỡi ngựa, bơi lặn. Các sở thích của họ lan nhanh ra cộng đồng và hình thành một tiêu chuẩn mới cho cái đẹp với các đặc điểm nổi bật: Thân thể mảnh khảnh, săn chắc thể thao và mái tóc vấn cao lộng gió hoặc thắt buông lơi.
Khái niệm về cái đẹp tiến hóa theo phong trào giải phóng phụ nữ
Các tiêu chuẩn sắc đẹp không chỉ vì cái đẹp mà còn bị chi phối bởi ý tưởng muốn thoát ra những định kiến, phong tục và hạn chế lỗi thời. Thông qua việc xác định lại các tiêu chuẩn đẹp, phụ nữ cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về nỗi khao khát tự do và nhu cầu thoát khỏi các ước lệ cũ. Trong cuốn sách của mình, Molvar viết chi tiết về “phong trào giải phóng có giới hạn” của phụ nữ phương Tây da trắng trong thập niên 1920 và tác động của nó đối với việc thay đổi tác phong, thái độ trong cuộc sống gia đình cũng như thiên chức làm mẹ.
Bà viết: “Nội dung của phong trào này là, nếu có khả năng, phụ nữ có thể đi làm, đi chơi khuya, đi du lịch một mình, lái xe, cưỡi ngựa, hút thuốc, đàn đúm tiệc tùng, uống rượu, lấy chồng (hoặc không) mà không ai có quyền ngăn cản! Khi đó, một thể hình được xem là đẹp không còn mũm mĩm đẫy đà mà có những đường cong ôm sát eo, hình dáng thẳng chứ không tròn, thậm chí nam tính một chút để thể hiện sự giải phóng! Trang điểm cũng không chỉ đơn giản là làm mịn da mà phải tạo ra một thứ gì đó mang tính nổi loạn và không… “đụng hàng”!
Molvar cũng nhắc lại sự xuất hiện ồn ào của phong trào “Black is Beautiful” từ thập niên 1950-1970 và được nhiếp ảnh gia Kwame Brathwaite ghi lại bằng ảnh chụp chân dung những người mẫu da ngăm mặc “thời trang châu Phi” Afrocentric với kiểu tóc xù hoặc “tóc tự vệ”. Tanisha C. Ford, đồng tác giả cuốn sách viết về Kwame Brathwaite nhận định: “Black is Beautiful là một khái niệm mới về cái đẹp với mục đích phá vỡ hệ thống làm đẹp độc quyền của người châu Âu da trắng”. Ảnh của Brathwaite khuyến khích các cộng đồng da đen chấp nhận vẻ đẹp tự nhiên, ngay vào lúc các tiêu chuẩn đẹp của người Da trắng đang áp đảo. Theo Molvar, phụ nữ và nam giới gốc Phi bày tỏ sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ sáng kiến, đề cao những “đặc tính đen”, ủng hộ kiểu tóc quăn tự nhiên thay vì duỗi tóc theo tiêu chuẩn da trắng. Sáng kiến mang tính cách mạng này phù hợp với phong trào dân quyền của thập niên 1960 cho thấy chính trị có sức mạnh và ảnh hưởng thế nào đối với thẩm mỹ.
Tương lai của cái đẹp
Các dự báo về sự bùng nổ của kỹ nghệ làm đẹp sau đại dịch đang được nghiên cứu. Jean Paul Agon, cựu giám đốc điều hành của tập đoàn mỹ phẩm khổng lồ L’Oreal, nhận xét với tờ Financial Times: “Xu hướng ‘trở về quá khứ’ làm gợi nhớ đến thời kỳ ‘Roaring Twenties’, xuất hiện sau đợt bùng phát dịch cúm toàn cầu năm 1918. Theo tôi, son môi một lần nữa sẽ thịnh hành và sẽ là biểu tượng của sự phục sinh!”. Trong hai năm 2018 và 2019, kỹ nghệ làm đẹp có mức tăng trưởng cao nhất.
Các ngôi sao ca nhạc, điện ảnh, người mẫu – đi đầu là Selena Gomez, Alicia Keys, Rihanna, Victoria Beckham, Emma Chamberlain, Kylie Jenner và Pharrell – đã tung ra các dòng sản phẩm làm đẹp hoặc chăm sóc da phù hợp với xu hướng làm đẹp mới. Molvar, từng là biên tập viên của tạp chí Allure and Self, nhận định: Những gì chúng ta đang thấy bây giờ không thể gọi tên gì khác hơn là… cách mạng. Các xu hướng và ý tưởng làm đẹp mất hàng thế kỷ để thay đổi, và thường đến rất chậm. Nhưng với quá trình số hóa và toàn cầu hóa của thế giới hiện nay, các ý tưởng và quan điểm mới phát tán rất nhanh. Cái đẹp cũng thế. Nhận thức về những thứ được xem là cấm kỵ đối với phụ nữ như nếp nhăn, lão hóa, mùi cơ thể, và cả lông cũng đang thay đổi theo hướng chấp nhận hơn là bài xích.
Nhiều cô gái trẻ thuộc Thế hệ Z đang hỏi: “Tại sao chúng ta phải cạo lông chân? Đó là một thói quen không thoải mái”. Thật khó tin khi vào năm 2017, công ty Billie kinh doanh bộ dụng cụ dao cạo bao bì nghệ thuật, đã quyên góp được $35 triệu sau khi mô tả về sự xung khắc giữa lông cơ thể phụ nữ và… ngũ cốc! Đến năm 2019, công ty tuyên bố chiến dịch “Project Body Hair” sẽ là quảng cáo dao cạo đầu tiên dành cho lông tơ phụ nữ. Tình hình nay đã khác. Lông tơ không còn bị xem là một yếu tố làm giảm sự hấp dẫn mà ngược lại!
Trang điểm, chải chuốt cũng không còn là đặc quyền của nữ giới mà đã trở thành “thói quen hàng ngày” của cả nam giới. Hai công ty cung cấp hàng cao cấp Tom Ford và Chanel đã giúp biến trang điểm nam thành xu hướng phổ biến với các dòng mỹ phẩm dành cho nam giới từ năm 2013-2018. Thanh thiếu niên bắt đầu lo lắng về nếp nhăn và Thế hệ Z giúp thúc đẩy sự bùng nổ làm đẹp. Đến năm 2024, thị trường làm đẹp nam ước tính đạt giá trị $81.2 tỉ. Molvar còn nhận thấy sự tương hỗ ngày càng tăng giữa sắc đẹp, sức khỏe và chăm sóc bản thân. “Internet cũng giúp tiếp cận với rất nhiều ý tưởng và quan điểm mới mẻ về làm đẹp, trong đó có cả những phương pháp dân gian như “gua sha” (“quát sa” – cạo gió) của Trung Hoa cổ”.