Để đo lường mức độ “mệt mỏi nhận thức”, các bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân trả lời một số câu hỏi hoặc dùng bảng trắc nghiệm nhận thức để phát hiện sự nghiêm trọng của vấn đề. Điều khó là quy mô mệt mỏi không liên quan đến mức độ tổn thương não. Sau khi trải qua chấn thương và bệnh tinh thần, con người thường đối mặt với một hậu quả bí ẩn: Kiệt sức ngoài sự tưởng tượng trong suốt nhiều năm. Khoa học gọi đó là “mệt mỏi nhận thức” (cognitive fatigue) nhưng vẫn chưa tìm ra câu trả lời.
Làm suy giảm chất lượng sống
Chúng ta ai cũng từng trải qua tình trạng kiệt sức tinh thần hay mệt mỏi nhận thức trong cuộc sống, ví dụ như vừa trải qua một cuộc thi quan trọng hay sau khi hoàn tất đợt khai thuế mới.
Kiệt sức và mệt mỏi đến rồi đi. Nhưng nếu chúng ở lại lâu dài thì đó là vấn đề không thể xem thường. Chất lượng sống của bạn sẽ giảm nếu sáng nào thức dậy bạn cũng cảm thấy kiệt sức và rất khó khăn khi phải giải quyết cả những công việc đơn giản nhất. Mệt mỏi nhận thức cũng gây phiền toái tương tự khi nó làm tư duy chúng ta bị chậm lại và không thể giải quyết chính xác một vấn đề. Mệt mỏi tinh thần có thể là hậu quả của bệnh multiple sclerosis (MS), một bệnh tấn công não. Có đến ¾ người bị MS cho biết họ mệt mỏi tinh thần kinh niên và khả năng nhận thức rất giới hạn.
Một đêm vào năm 1999, Danny bị vướng vào cuộc ẩu đả trong toilet của một câu lạc bộ. Lúc đó anh đang dự tiệc mừng sinh nhật thứ 21 của một người bạn ở khu vực East End của thành phố Luân Đôn và bị quá chén. “Họ không làm gì tôi nếu tôi không tấn công họ trước” – anh thú nhận với một người bạn. Cuộc tranh cãi kết thúc khi anh đấm vào mặt kẻ đứng đầu nhóm. “Đây là sai lầm tệ nhất tôi mắc phải trong đời” – anh kể lại.
Ngay lập tức năm người trong nhóm đè lên người anh và đấm đá tới tấp. Chấn thương ở đầu nghiêm trọng đến nỗi Danny bị hôn mê mất ba tuần. Các bác sĩ sợ anh có thể bị chết não, nhưng may mắn anh đã tỉnh lại. Nhờ trị liệu phục hồi Danny đã dần lấy lại được giọng nói và trí nhớ. Tuy nhiên, bất chấp những tiến triển ấn tượng, một di chứng vẫn còn dai dẳng cho đến nay: “Mệt mỏi nhận thức” và có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. 17 năm sau, triệu chứng này vẫn không hết. Nó thể hiện bằng những “đám mây” và sự hỗn độn trong đầu.
Đối với Danny, ngay cả việc hoàn thành những công việc bình thường hàng ngày cũng là một thách thức đáng sợ vượt ngoài sức chịu đựng. Thỉnh thoảng anh lại cảm thấy kiệt sức một cách vô lối. Tiếp theo là hay quên những thông tin cơ bản như mật khẩu máy tính. Thậm chí, có khi quên cả đường về nhà từ nơi làm việc và lên sai tuyến xe điện, xe buýt. Chỉ cần một cuộc trao đổi đơn giản với ngân hàng cũng đã là cực hình và đuối sức. “Kiệt sức và mất trí nhớ có thể tái hiện bất cứ lúc nào – anh kể lại – Lao vào công việc để quên không thể giải quyết được vấn đề nhưng nếu bạn không làm việc nó cũng chẳng mất đi và luôn trong tư thế sẵn sàng tái hiện. Giảm nhẹ duy nhất chỉ xảy ra khi tôi nằm xuống và im lặng hoàn toàn để não nạp lại năng lượng từ từ” – anh tâm sự.
Phải mất nhiều năm Danny mới biết rõ nguyên nhân của sự kiệt sức anh phải chịu đựng dù đây không phải đây là nguyên nhân độc nhất. Trong khi nhiều vấn đề liên quan đến vận động và giọng nói đã được khoa học biết rõ thì triệu chứng “mệt mỏi nhận thức” vẫn là một trong những “tật nguyền tinh thần” bí ẩn. Nó thuộc phạm trù rối loạn thần kinh và không cho phép những người từng trải qua những chấn thương nặng và hôn mê hồi phục hoàn toàn.
Mệt mỏi nhận thức có thể đến sau cơn đột quỵ hay do chấn thương não. Nó cũng có thể là kết quả của tiến trình thoái hóa thần kinh như bệnh đa xơ cứng multiple sclerosis (MS) hay mất trí nhớ Parkinson. Nhưng việc thiếu hiểu biết tận tường về “mệt mỏi nhận thức” có nghĩa là nhiều người bệnh sẽ không được hỗ trợ và chữa trị kịp thời. Hậu quả là một chuyến đi đơn giản đến siêu thị cũng rất khó khăn đối với những ai mắc phải nó.
Khi Danny chuyển về sống tại Headway East London ở Hackney, anh được một hội thiện nguyện chuyên chăm sóc những người bị chấn thương não giúp đỡ. Hiện anh là thiện nguyện viên làm việc lâu dài cho tổ chức. Hội có nhiều hoạt động phục hồi cho hội viên, ví dụ cho phép họ vẽ lên tường những mảng màu tuỳ thích và thưởng thức âm nhạc thư giãn chống mỏi mệt. Khi triệu chứng được cải thiện, Danny giúp đỡ nhiều cho những người đang hồi phục sau chấn thương não. Anh cho biết mình không còn nóng nảy như lúc xảy ra thảm hoạ tại hộp đêm.
“Tôi trở thành người mới hoàn toàn, một con người dễ thương và bình tĩnh hơn trước” – Danny bộc bạch dù thỉnh thoảng triệu chứng này vẫn quay lại làm cho anh tuyệt vọng và bức bối. Tuy nhiên, nó không còn vượt quá giới hạn chịu đựng. Danny cho biết nhiều thành viên anh gặp tại Headway cũng phải chiến đấu với “mệt mỏi nhận thức” như anh. Đa số tưởng rằng chỉ có mình họ bị như vậy. “Họ biết mình mệt bất thường nhưng không hiểu lý do tại sao. Họ cũng không biết tên gọi của triệu chứng là “mệt mỏi nhận thức”. Họ chỉ biết não của họ có lúc không là việc hoặc có dòng thác nào đó xoá trắng chốc lát trí nhớ” – anh nói.
Nhiêu khê việc chữa trị
Trên thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy khi người bị tổn thương não được đề nghị mô tả công khai về các di chứng sau ngày ra viện, có đến hơn 60% thú nhận họ thường bị những cơn kiệt sức giống “mệt mỏi nhận thức” nhưng không biết tên gọi của nó”. “Vấn đề là ở chỗ đó – Donna Malley thuộc Trung tâm phục hồi thần kinh Oliver Zangwill Centre for Neuropsychological Rehabilitation ở Ely, Anh nhận định – Ngay cả tại các khoa bệnh hỗ trợ các bệnh nhân từng chấn thương não cũng không chú ý đến “mệt mỏi nhận thức”. Thậm chí họ không hỏi bệnh nhân đã xuất viện là có thấy triệu chứng này không. Lý do là “mệt mỏi nhận thức” thường không biểu hiện rõ nét như các triệu chứng về vận động nên bác sĩ thường bỏ qua”.
Sau khi bị chấn thương não, quan tâm chính của bác sĩ là bệnh nhân có thể tự ăn, tự mặc quần áo và tắm rửa cho mình không. “Mệt mỏi nhận thức” chỉ rõ nét sau đó khi người bệnh mất rất nhiều sức lực để hoàn thành những công việc trước đây mình thường làm hoặc không thể hoàn thành được.
Hiểu không đúng về “mệt mỏi nhận thức” hoặc bỏ qua nó có thể là do loại mệt mỏi này khá khác với các loại mệt mỏi khác chúng ta bắt gặp hàng ngày khi làm việc. “Trong khi chúng ta có thể tiên đoán được hầu hết cơn mệt mỏi sẽ đến lúc đang làm một công việc nặng gì đó về thể xác và tinh thần thì “mệt mỏi nhận thức” đến bất thường và không thể tiên đoán. Nó đến khi não ngưng làm việc hay bị xoá trắng tạm thời” – Malley nói.
Một số người bị “mệt mỏi nhận thức” mô tả tình trạng họ gặp giống như “sự đình trệ của tư tưởng”. “Thế giới vẫn quay trong khi mình tôi đứng lại. Vào siêu thị tôi thấy từ âm thanh, ánh sáng đến quyết định mua món gì đều đến vượt quá sức chịu đựng trong tâm trạng cực kỳ mỏi mệt. Sự quan tâm, nhiệt thành và đồng cơ đều bị triệt tiêu khi triệu chứng xuất hiện” – một người bệnh nói. Danny nhớ lại tất cả những gì anh gặp phải lúc “mệt mỏi nhận thức”. “Đầu tiên là sự cáu gắt, nóng nảy và kéo theo ảnh hưởng dây chuyền –Khi mệt mỏi vươn hết đôi cánh của nó thì trở thành thảm họa”.
Hiện Danny đã có con trai một tuổi nên việc chăm sóc con là thách thức lớn đối với anh. “Mệt mỏi dẫn đến sức ỳ. Có lúc tôi không thể bắt kịp hành động của đứa con. Nó khiến bạn phải ngưng công việc này nhưng không thể bắt đầu một công việc khác. Mệt mỏi ảnh hưởng nặng nề đến quan hệ cá nhân, cuộc sống gia đình và khả năng làm quyết định. Thậm chí có một số người bệnh tự tách rời khỏi thế giới chung quanh” – Natasha Lockyer, một nhà trị liệu làm việc tại Headway East London nói.
Mệt mỏi nhận thức sẽ tăng ở những người mắc bệnh Parkinson bị tổn thương khu vực basal ganglia. Triệu chứng không thể chữa lành vì các nhà nghiên cứu chưa thể giải thích chính xác tại sao tổn thương não lại dẫn đến “mệt mỏi nhận thức” kinh niên. Các nỗ lực để ngăn chặn triệu chứng xuất hiện đều thất bại.
Để đo lường mức độ “mệt mỏi nhận thức”, các bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân trả lời một số câu hỏi hoặc dùng bảng trắc nghiệm nhận thức để phát hiện sự nghiêm trọng của vấn đề. Điều khó là quy mô mệt mỏi không liên quan đến mức độ tổn thương não. Tuy nhiên, tổn thương tại những khu vực liên kết với não trước (phần bề mặt não nằm ngay phía sau mắt (chi phối ý thức) và những khu vực sâu hơn như basal ganglia, amygdala (chi phối bản năng và tự động) sẽ làm tăng nặng triệu chứng. “Khi kết nối thần kinh có vấn đề, não sẽ truyền thông tin khó khăn hơn nên dễ mệt mỏi hơn” – Malley nói.
Ekaterina Dobryakova, nhà nghiên cứu khoa học tại Kessler Foundation ở West Orange (tiểu bang New Jersey, Mỹ) đã tìm hiểu mạch corticostriatal circuit liên quan đến việc xử lý niềm vui và động cơ trong não. “Mạng này hoạt động khi bạn thắng $1,000 tại sòng bạc, khi bạn ăn một bữa ăn ngon trong ngày hoặc khi bạn được thầy cô ngợi khen trong lớp”- bà nói. Bình thường, khi có một niềm vui hay sự mãn nguyện, prefrontal cortex và basal ganglia sẽ đưa các tín hiệu đi và trở về nhờ vào chất dẫn truyền thần kinh dopamine. Vì vậy nếu dopamine bị ngắt, hoạt động thần kinh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và một hành động nhỏ cũng rất mệt mỏi giống như leo lên con dốc dài cũng.
Những người bị thoái hóa thần kinh như bị bệnh MS và một số loại chấn thương não sẽ có các hoạt động bất thường trong prefrontal cortex và basal ganglia. Mệt mỏi nhận thức phát sinh từ đó.