Vỗ tay là một trong những hình thức đầu tiên của “báo chí đại chúng”, vì trong nó ẩn chứa hàm lượng thông tin khá cao cho mỗi sự kiện. Vỗ tay giúp tăng cường quan hệ giữa công chúng và diễn giả hay nghệ sĩ. Bạn nhận được càng nhiều tiếng vỗ tay thì đội ngũ ủng hộ viên của bạn càng lớn. Vỗ tay được xem là hành vi văn hóa bền vững nhất của con người và không bị ảnh hưởng bởi chủng tộc, địa lý hay chính kiến.
Độ dài và độ lớn của vỗ tay không thể hiện chất lượng của bài nói hay tiết mục biểu diễn
Khán giả có thể vỗ tay bình quân 10 lần/người trong một sự kiện văn hoá nghệ thuật hay chính trị. Nhưng có khi họ chỉ vỗ tay 3 lần/người. Tuy nhiên, chất lượng của màn biểu diễn hay bài nói lại không lệ thuộc vào số lần được vỗ tay. Đó là kết luận của một công trình nghiên cứu mới do các nhà khoa học thuộc Đại học Uppsala của Thuỵ Điển thực hiện.
Lý do, nhóm nghiên cứu phát hiện ra “có sự lây lan rất mạnh của tiếng vỗ tay nên chiều dài của hành động này sau mỗi tiết mục đều bị ảnh hưởng bởi một số ‘đầu têu’ hay ‘kích động’ vỗ tay”. Chính vì vậy, có người không hiểu nội dung bài nói mà vẫn vỗ tay rất tích cực! “Chỉ cần vài người vỗ tay trước là tiếng vỗ tay lan rộng ra cả khán phòng. Khi họ ngưng vỗ tay, đám đông cũng ngưng theo” – Nghiên cứu mới của Thuỵ Điển về vỗ tay đăng trên Tập san Journal of the Royal Society Interface đã kết luận như thế.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Richard Mann nói: “Chiều dài và âm lượng của một đợt vỗ tay không bằng nhau cho dù chất lượng của tiết mục hay bài nói giống nhau. Những kẻ đầu têu có thể tạo ra sự khác biệt rõ rệt. Vỗ tay lớn hay nhỏ, dài hay ngắn tuỳ thuộc vào khả năng tạo ra sự lây lan và bắt chước trong đám đông. Phản ứng dây chuyền là yếu tố đặc trưng nhất của vỗ tay”. Công trình nghiên cứu của Thuỵ Điển được tiến hành qua việc phân tích những đoạn băng video ghi lại cảnh sinh viên quan sát một số buổi diễn hay thuyết giảng.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, chỉ cần 1, 2 người phá vỡ sự im lặng bằng tiếng vỗ tay là đủ kích thích đám đông vỗ theo với tốc độ lây lan còn nhanh hơn bệnh dịch, thậm chí cả ở những người đang tập trung vào công việc khác nên không nghe diễn giả nói gì. “Tiếng vỗ tay đầu tiên tạo ra phản ứng dây chuyền thường là tiếng vỗ tay lớn nhất. Khi nó ngừng, phản ứng dây chuyền cũng kết thúc. Một phát hiện nữa là áp lực vỗ tay đến từ độ lớn của tiếng vỗ trong khán phòng nhiều hơn là từ người ngồi bên cạnh – Mann nói – Chất lượng của bài nói không ảnh hưởng đến độ dài và độ lớn của tiếng vỗ tay. Có sự khác biệt lớn của hai yếu tố này. Bạn vỗ tay là do sự thôi thúc của đám đông và khi đã vỗ rồi, bạn lại bị áp lực ‘không được ngừng’ nếu mọi người vẫn vỗ. Bạn chờ ai đó ngừng trước mới ngừng theo”.
Các nhà nghiên cứu Thuỵ Điển tin rằng vỗ tay là một dạng lây nhiễm xã hội nên ý nghĩa của hành động đơn giản này không nhiều và không thật như ta tưởng, ngay cả khi không có những “cò mồi” vỗ tay trong đám đông. Nghiên cứu mới cũng giúp chúng ta hiểu biết thêm về các khu vực khác, ví dụ như sự xuất hiện và biến mất của một xu hướng thời trang hay sự phát tán nhanh chóng trên mạng Internet của một ý tưởng, một phong cách.
“Tất cả đều có sự đóng góp của lây nhiễm và phản ứng dây chuyền khi đa số mất cảnh giác và a dua, phụ hoạ dễ dàng theo kẻ khác – Mann nhận định – Nghiên cứu của chúng tôi là phép thử cho thấy trong hành động vỗ tay, quyền lực của đám đông và đặc biệt là quyền lực của những người bạn xem là thần tượng hay yêu mến là rất lớn. Ví dụ trên Facebook hay Twitter có không ít người bắt chước một xu hướng chỉ là vì thấy nhiều người, đặc biệt là bạn bè (friends) trong thế giới mạng thích nó hay tuyên truyền cho nó”.
Đi tìm nguồn gốc tiếng vỗ tay
Con người kết nối với nhau bằng tiếng vỗ tay. Và giống như tiếng cười, tiếng vỗ tay cũng có lúc gượng gạo, do sợ hãi, thậm chí được lập trình trước. “Tiếng vỗ tay hoan hô một nghệ sĩ hay một diễn giả cũng giống như cái vỗ nhẹ ngợi khen vào lưng anh ta từ xa. Tác động là tương tự. Dĩ nhiên, trừ những tiếng vỗ tay do lịch sự hay do bổn phận– nhà sinh học xã hội Desmond Morris nói – Vỗ tay là cách khẳng định ý kiến và lập trường của mình trong đám đông, giống như nói: Tôi thuộc về phía ông ấy, tôi bằng lòng và tôi ủng hộ ông ấy. Nhưng, vỗ tay cũng có hai mặt. Có khi chúng ta dùng nó để hoan hô cả cái xấu”.
Cho đến nay, các học giả vẫn chưa đồng ý với nhau về nguồn gốc của tiếng vỗ tay. Chúng ta chỉ biết là nó đã có từ rất lâu và phổ biến. “Một đứa trẻ khi có nhận thức sẽ biết vỗ tay như bản năng. Thánh Kinh cũng nói về tiếng vỗ tay như lời chúc “Hoàng đế muôn năm!” (Long live the king!) trong ngày lên ngôi báu. Vỗ tay trong văn hoá phương Tây được “chính thức hoá” từ nhà hát. Hoan hô (applause) bằng tiếng vỗ tay có nguồn gốc từ tiếng Latin plaudit có nghĩa là “bùng nổ”. Đây là cách người ta dùng khi một vở kịch hạ màn. Thường lúc đó, diễn viên hét lên “Valete et plaudite!” (Tạm biệt và hoan hô) về phía khán giả để “kích hoạt” tiếng vỗ tay.
Khi chính trị và nhà hát hội nhập vào nhau, nhất là khi nền Cộng Hòa La Mã thay thế Đế quốc La Mã. Tiếng vỗ tay lúc đó trở thành một phương tiện được các nhà lãnh đạo dùng để “tương tác” với nhân dân mình. Một trong những phương cách chủ yếu các chính trị gia thích dùng để đánh giá sự ủng hộ của người dân là đo cường độ của tiếng vỗ tay khi họ từ hậu trường bước ra sân khấu hay đến bục diễn thuyết. Độ lớn, tốc độ, độ dài và sự nhịp nhàng của tiếng vỗ tay sẽ đo lường mức độ ủng hộ của công chúng.
Có một giai thoại về tiếng vỗ tay. Trong thế kỷ thứ 7 khi Đế quốc La Mã đang bước vào thời kỳ suy tàn và Hoàng đế Heraclius lên kế hoạch gặp một vì vua khát máu đối thủ để giải hoà. Heraclius muốn răn đe những người ủng hộ kẻ thù nhưng ông biết là quân đội La Mã đang trong thế yếu nên không còn bắt nạt được ai, đặc biệt là bắt nạt một kẻ không biết sợ. Vì vậy, Hoàng đế quyết định thuê thêm một số dân thường không qua huấn luyện quân sự để giả làm binh lính. Họ sẽ được dùng để tạo… âm thanh thay vì chiến đấu. Nói rõ hơn, nhiệm vụ của đội ngũ tân tuyển này là vỗ tay và hoan hô nhà vua để trấn áp thần kinh đối thủ. Nhưng chiến thuật dọa nạt bằng tiếng vỗ tay của Heraclius không mới mà dựa vào chiến thuật từng được áp dụng tại một ngôi làng. Ông không còn cách nào khác để vá vết thương của một đế chế đang chảy máu và củng cố quyền hành.
Nhưng chọn lựa của Heraclius cho thấy sự gắn bó của đế chế La Mã với một trong những hành vi văn hoá ra đời sớm nhất và phổ biến nhất mà con người dùng để tương tác với nhau: Vỗ tay. Vỗ tay trong ngôn ngữ cổ có nghĩa là hoan nghênh. Nhưng nó còn hàm chứa một lượng thông tin tuyên truyền với công chúng và cho kẻ thù thấy là mình vẫn rất mạnh. Vỗ tay là cách mà con người nhỏ bé đã dùng để tạo nên tiếng sấm rền từ những đôi tay cá thể với sức lan tỏa như thác đổ, như đoàn hùng binh ra trận khiến những kẻ có ý đồ xấu phải chùn chân.
Vỗ tay của thời hiện đại cũng có ý nghĩa tương tự. Bên trong nhà hát và những nơi công cộng, người ta vẫn còn dùng tiếng vỗ tay để biểu lộ sự hài lòng hay sự ủng hộ của mình trước một diễn biến, một tình huống hay một phát biểu.
Vỗ tay không cần… tay trong thời đại internet
Tiếng vỗ tay biến đổi theo thời gian như thế giới chúng ta sống. Tư thế vỗ và âm thanh phát ra cũng khác, giống như cái bắt tay sẽ chặt hơn khi ta muốn bày tỏ cảm tình đặc biệt với bạn bè. Thậm chí vỗ tay mà không cần… tay! Đó là cách chúng ta ngợi khen nhau trên các mạng xã hội, forum và blog cá nhân như Facebook. Chúng ta chia sẻ (share), chúng ta kết nối (connect) và những cái vỗ tay như thế xảy ra rất nhiều, rất thường xuyên trong thế giới ảo. Khi bạn phản hồi lại một post (trên blog), một tweet (trên twitter), nhấn “like” trên facebook tức là bạn đã đóng góp một tiếng vỗ tay cho nó.
Chia sẻ càng nhiều, tiếng vỗ tay “ảo” càng lớn. Bạn bè nhiều trên mạng xã hội tiếng vỗ tay cộng hưởng cũng lớn. Lúc đó, một post, một tweet, một note trên mạng xã hội sẽ giống như một ca khúc biểu diễn trước đám đông, nhưng thay cho tiếng vỗ tay là những “comment” hay “like” phản hồi. Nhờ internet con người đã tìm ra phương cách mới để bày tỏ sự đồng tình, ngợi khen và ủng hộ của mình. Tốc độ lan tỏa và phản hồi cũng rất nhanh. Thậm chí tạo ra cả một cơn lốc hoan hô hay đả đảo trên cộng đồng mạng.
Nếu khác là khác ở chỗ, vỗ tay ảo không biết nói dối như vỗ tay thật và ít bị lây, vì người vỗ tay không cần hữu danh. Nhưng vỗ tay ảo hay vỗ tay thật cũng đều cần có đám đông. Trong thế giới thật có khán giả, người hâm mộ; thì trong thế giới ảo chúng ta có “friend”, “public” hay “follower”. Nói chung, vỗ tay ảo hay vỗ tay thật đều là cách đơn giản nhất để bày tỏ tình cảm và chính kiến của con người.
Khi tiếng vỗ tay đã được công nhận là thước đo thì nhiều chính trị gia cũng nghĩ ra cách “tạo ra” thước đo này. “Vỗ tay trong các nền chính trị cổ xưa được xem là ‘lá phiếu âm thanh’. Huy động được nhiều tiếng vỗ tay là được nhiều phiếu, được nhiều người ủng hộ. Nói rõ hơn, tiếng vỗ tay là biểu hiện tình cảm của công chúng” – Greg Aldrete, giáo sư lịch sử và nghiên cứu con người tại Đại học Wisconsin (Mỹ) và tác giả của cuốn sách mới Gestures and Acclamations in Ancient Rome nói. Dĩ nhiên, nhận xét của ông không dành cho những tiếng vỗ tay được lập trình hay vỗ tay vì sợ hãi.
Trước khi có điện thoại, trước khi có SMS, trước khi có nút “buy” trên trang web mua bán hay cookies trên trình duyệt (browser) máy tính, các chính trị gia thời La Mã chỉ có thể đo lường sự ủng hộ bằng cách phân tích tiếng vỗ tay. Một chuyện kể về Hoàng đế Caligula rất đáng chú ý. Sau khi biết một diễn viên nhận được nhiều tiếng vỗ tay hơn mình trong nhà hát, ông nói: “Tôi chúc dân chúng La Mã đã tìm ra người xứng đáng”. Caligula không phải là chính trị gia đầu tiên quyết định kết thúc sự nghiệp chỉ vì ý kiến của dư luận thông qua tiếng vỗ tay.
Tại Rome, khi các chế độ Cộng hoà tìm cách “nhà hát hoá chính trị” thì cũng xảy ra điều ngược lại: “Chính trị hoá nhà hát”. Hai cái nhập nhằng với nhau nên mới xảy ra giai thoại thoái vị của Caligula khi ông so sánh vị thế của mình với một diễn viên qua tiếng vỗ tay. “Trở thành nhà cai trị cũng chính là trở thành diễn viên. Vì vậy Caligula mới cố tranh thủ tiếng vỗ tay của công chúng. Khi thất bại, ông đã từ chức” – một sử gia La Mã nói. Chẳng thế mà trước khi chết, Augustus trăn trối: “Tôi đã làm tốt vai diễn của mình” thay vì “đã làm tốt vai trò chính trị” của mình.