O tôi, và căn nhà Số 3

Minh họa: Thu Nguyen/Unsplash
Share:

MỘT BÚT KÝ CỦA PHAN NHẬT NAM…

Gởi Chị Vui, và các em, con, cháu

LỜI TỪ NGƯỜI VIẾT: Trong tình cảnh đất nước tan hoang, người dân trong nước cũng như ở Sài Gòn cực độ thống khổ, đem kể chuyện gọi là “đau thương” cá nhân trong một gia tộc e rằng không hợp lý, vô ích, vô nghĩa. Nhưng do người viết nhận được thúc giục từ những bạn thuộc thế hệ sau 1975: Phải viết để thấy Người Việt Nam/Bất cứ Người Việt Nam nào/Người PHỤ NỮ VIỆT NAM lại càng đậm nét đau thương suốt từ Thế Kỷ 20 cho đến hiện tại. Cơn Đau không hề suy giảm – Hiện thực ĐAU LÀ ĐAU CHUNG. Thế nên câu chuyện được kể ra, chân thành

Dẫn Nhập

Vào khoảng ba, bốn tuổi (sinh 1943), lần đầu tiên tôi nhận ra: “Mình là một cái gì đó?” mà O thương quý lắm nên đã nói ra lời với cách hân hoan: “Ngày tui đi đẻ con Vui, thằng Rốc (tiểu danh trong gia đình) đòi đi theo”. Vui, tên gọi ở nhà của người chị cô cậu, là con của O, chị cả của ba tôi đã thai sinh vào năm 1945. Gọi O là cách người Huế đối với chị, hay em của cha.

Thuở nhỏ, tôi không biết O tên là gì, chỉ gọi là O Quản theo chức vụ của người chồng, Quản Cơ hay Cai Cơ – Một chức võ quan hàm tứ phẩm thời nhà Nguyễn, trước Tháng 8 năm 1945 – Lần vua Bảo Đại thoái vị do ép buộc của Mặt Trận Việt Minh, tổ chức cộng sản của HCM ẩn danh chỉ đạo. Quản Cơ tương đương với chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng Bộ Binh trong tổ chức quân đội hiện đại. Tuy nhiên, quân số mà một Cơ có thể từ 300 hoặc nhiều hơn so với cấp số một tiểu đoàn bộ binh thời nay chỉ thay đổi từ 500 đến 800. Dượng Quản, chồng của O, là một người đàn ông tầm thước với vầng trán cao, sắc mắt nghiêm nghị ẩn dưới hàng lông mày dài là một người đàn ông kín đáo, có phần lãnh đạm.

Minh họa: Roméo A./Unsplash

Tôi chỉ biết mơ hồ, xa cách với ông không mấy liên hệ trong với câu chuyện (sắp kể) về O tôi – Người phụ nữ đã nuôi dưỡng ba thế hệ ông bà, cha mẹ, và anh em chúng tôi, nếu kể luôn thế hệ thứ tư là các cháu, con của chúng tôi suốt hơn nửa thế kỷ, qua những thời điểm lửa đạn, đổi đời 1945, 1954, 1968, 1972 và sau 30 Tháng 4, 1975.

O sống như thế nào? Làm sao để nuôi cha, nuôi em, nuôi con, cháu trong hoàn cảnh, với điều kiện “toàn không”: Không tiền của, không nghề nghiệp, không học vấn, kể cả sức lực, sắc vóc! O tôi là khuôn mẫu toàn phần của người Phụ Nữ Việt Nam bình thường, thật ra tầm thường của thế kỷ trước, đã tồn tại trong những tình thế ngặt nghèo, sinh tử theo cùng cơn binh lửa triền miên cháy ngọn lớn suốt lịch sử đất nước. Câu chuyện xa xót tội nghiệp tưởng như không thật này nay cần phải nói ra dẫu thiếu sót, muộn màng.

Một.

Căn nhà số 3 Bis, Rue Trung Bộ (sau 1954 đổi thành Tô Hiến Thành cho đến hiện tại, qua thế kỷ 21) là chỗ ở đầu tiên mà đứa nhỏ nhận biết sau lần hồi cư về Huế trong đêm khuya. Đứa nhỏ còn rất bé nên được đặt gọn vào lòng hai chiếc ghế xa-lông gỗ ghép lại. Tôi dần lớn lên từ căn nhà số 3 này, đầu đường của Kiệt 1 (Hẻm số 1) nhìn theo con hẻm vào đến “nhà trong” – Nhà “trong” là căn nhà gạch ba gian hai chái, mái thấp, đằng trước có bể cạn, hòn non bộ với hình thể núi non bằng đá tinh xảo, cá vàng bơi lượn thanh thản.

Cảnh trí đủ để cho đứa bé trí tưởng tượng về một vùng núi thâm u bí ẩn như trong truyện ngắn của Thạch Lam. Nhà “trong” với dãy tám gian, kể cả ngôi Đình Họ Phan đều là của “ôn”, bán lại cho Ôn Bồi – Ôn Bồi, người em thứ Ba của Ông Nội, một nghiệp chủ làm nghề thợ nhuộm, có cơ sở sản xuất chiếm một khoảng bến sông, phần Sông Hương đối diện với Cồn Hến, bên kia sông thuộc thôn Vĩ Dạ, địa danh nổi tiếng trong thơ Hàn Mạc Tử.

Ôn bán cho Ôn Bồi vì đánh bạc lớn lắm, tiền được thay thế bằng cục đá, thêm các chú, các bác hút thuốc phiện! O phải giỏi lắm mới còn giữ được căn nhà ngoài này – Căn nhà số 3 Bis, Rue Trung Bộ. Như thế, O tôi đã phải gánh vác cơ nghiệp suy sụp của một nhánh (con cả) giòng họ Phan từ một thuở còn rất trẻ trước, sau 1945. O lại là vợ thứ, chỉ sinh được một con trai, anh Chức (không rõ năm sinh và mất lúc nào, tại sao), chỉ để lại khuôn ảnh của một thiếu niên anh tuấn nhưng nét yểu tướng.

Anh có tên Cao Cẩm Chức, mặc áo vest đen, trong áo sơ-mi trắng cổ bẻ. Danh tính và y phục như thế trước 1945 chứng tỏ mức sống cá nhân – gia đình thuộc hàng xã hội khá giả, văn hóa cao. Có lần, tôi được nghe kể. Anh Chức có thể làm máy (hay diều bay) trong những ngày bệnh hoạn, toàn thân tê liệt. Hóa ra, O tôi đã chịu những đau thương nặng nề của riêng bản thân, và cả giòng họ từ nhưng ngày rất trẻ. Chắc chỉ vừa qua 20! “Tui nấu chè hột sen bọc nhãn cho cậu Trình (ba tôi) ăn để thức khuya học thi.”

O trông nom gia cảnh người cha (đánh bạc tiêu tan cơ nghiệp), xong chăm sóc em (ăn học) một cách tự nhiên, không một tiếng than van. Không bao giờ nghe lời than trách. Dân cư trong khu xóm còn đồn tiếng ác: Ôn Lý (Chức Lý Trưởng) bị trời đánh chết! (Do ông nội tôi ngã té, đứt mạch máu não trong lúc trời sấm sét). O tôi đã phải chịu điều tiếng này trong toàn vùng Làng Phú Cát, khu Gia Hội. Vùng cư dân chung sống với nhau hàng trăm năm, ngồi bên nhà này có thể thấy sinh hoạt nhà đối diện xuống đến nhà ngang, khu nhà bếp.

Cho đến ngày khôn lớn, tôi chưa hề nghe O cười nên tiếng. Trước sau chỉ có một lần vui. “Ngày tui đi đẻ con Vui”. Chị tên Vui sao O vui ít quá. O ơi.

Hai.

Năm 1950, ba tôi theo lệnh của Thành Ủy Việt Minh lên chiến khu, vùng hữu ngạn, thượng nguồn sông Hương, Tây-Nam thành phố Huế (sau 1975, ông từ Hải Phòng vào Nam nói lại mới biết rõ chi tiết vụ việc). Ông không đi một mình, dẫn theo chị Hiền (PhBhYn), cô cháu gọi bằng bác, con Chú Thông Tny. Khu xóm náo loạn như bị động đất. Ông Trình đi Việt Minh! Ông Trình đi Việt Minh! Mẹ tôi và O đóng cửa chịu cơn cáo buộc dữ dội từ nhà Chị Hiền do mất con. Anh Sh (lớn tuổi nhưng vai em chú bác), dẫn tôi ra chỗ kín đáo nói nhỏ với cách cảm thông: Mai sau lớn anh sẽ biết! Biết gì đây hở? Đứa nhỏ lên bảy làm sao biết được tai họa của gia đình bắt đầu đổ xuống.

Minh họa: Quynh Tran/Unsplash

Tai họa vật chất lẫn tinh thần. Mẹ tôi, vốn dĩ học trò, chưa tới 30, cũng chỉ biết co rút vào thế chịu đựng. Chỉ riêng O mặt không đổi sắc, tiếng nói không khác bình thường, ngày ngày lặng lẽ tất bật sau quần hàng tạp hóa mở trước hàng hiên ngôi nhà số 3 – Quán O Quản “kiếm đa, thiểu” để nuôi cháu, bảo bọc em dâu đang thật sự hốt hoảng, bất lực trước đổi thay nguy nan do vắng mặt của người chồng. Lúc ấy, còn nhỏ dại, tôi làm sao hiểu ra áp lực chính trị, an ninh của cả hai phía Việt Minh và mật thám Pháp đổ xuống trên phận nhà. Chỉ riêng O là người trụ cột chịu đựng!

Hơn thế nữa, ngoài chị Vui, ba anh em tôi, O còn phải chăm sóc thêm những đứa nhỏ nheo nhóc, bệnh tật con của những ông chú, ông bác (cùng họ Phan) đem đến, gởi nhờ nuôi dưỡng. Cháu nào cũng là cháu. Chén cơm cho Bi, em tôi không khác chén cơm đút cho H, con Chú Bộ Kh. Thằng nhỏ HgLh con Bác Vn đem từ đâu về quặt quẹo, ốm yếu như một con mèo ướt được O đặt vào chiếc nôi nhỏ, để bên cạnh chỗ ngồi, vừa bán hàng vừa trông nom thằng cháu. Thằng ni ở mô đây O? Bậy nì, hắn là anh của con đó! Hí! Không được anh, nó hôi quá! Tôi vùng vằng phản đối.

O xốc thằng bé lên tay, phân và nước tiểu chảy nhễu, ướt át, bẩn thỉu. Mắt O thăm thẳm xót xa thương yêu. Ánh mắt tương tự như khi ẵm Bi, em gái tôi, mới sinh đầy tháng sau lần ba tôi đi lên chiến khu, năm 1950. Tuy nhiên, lúc ấy, tôi cũng đủ lớn để hiểu ra câu than nhỏ của O. Tội chưa, mi mất cha sớm quá! 

Cảm giác buồn buồn (chưa biết gọi nên tên) mỗi buổi chiều, lúc chập choạng tối, tôi ra ngã ba đường Trung Bộ và Gia Hội, đứng trên hòn đá lề đường, hướng về phía Cầu Gia Hội để đợi “ba đi làm về”. Người cha không trở về. Hóa ra đây là nỗi đau thương mà anh Sh đã báo động. Mai sau lớn anh sẽ biết! Không phải đợi đến mai sau, chỉ một năm sau ngày người cha đi lên chiến khu, tôi đã hiểu thế nào là tình cảnh “không có cha/Cha lại đi Việt Minh”. Được điều an ủi, tôi còn có Mạ. Tôi còn có O. Nhưng hai cây trụ chống đỡ mong manh. Mạ và O cũng phải gặp lúc sụp gãy.

Mùa Đông 1960 là thời điểm đáng sợ mà tôi phải kinh qua. Trên căn gác nhỏ của ngôi nhà số 5 (của người ông thứ hai, kế ông nội), tôi sống trên biên giới tử/sinh mà một thiếu niên 17 tuổi không hề được chuẩn bị để đối phó. Áp dụng một biện pháp mà sau này, những năm 1980 được lập lại trong lao ngục cộng sản nơi Miền Bắc – Tôi có thể ngủ liên miên suốt ngày. Ngủ không cần ăn, cũng bởi không có gì để ăn – Hóa ra, biện pháp tiết thực này cũng là một cách cứu sống tôi nhiều lần trong tháng năm dài tù tội ở tương lai, sau 1975. Ngủ mê man, giấc sâu, và khi tỉnh dậy nước mắt ướt đầy má. Tôi được khóc trong giấc mơ.

Hoàn toàn không phải là con người đa cảm. Tôi muốn khóc bởi vì điều xót xa đè nặng: Mạ bây giờ ở đâu? Nha Trang hay Sài Gòn? Mạ làm gì? Như thế nào để sống? Những đồng tiền nhỏ nhoi hiếm hoi mạ gởi về Huế cho O tôi có chứa nước mắt và máu. Máu khô héo từ một thân hình còm cõi. Mạ đã tới chỗ bán máu mà người ta không nhận vì gầy yếu quá! Trong một lá thư viết từ Sài Gòn mạ có kể lại tình trạng khốn cùng này. 

Về phần O tôi, không thể im lặng hơn, không thể chịu đựng hơn. Quán hàng tạp hóa từ năm 1950 xa xôi kia đã đóng. O đã là một bà lão già nua không có tuổi trẻ. Không hề có nụ cười. Tiếng lời hạnh phúc. Ngày tui đi đẻ con Vui… đã thuộc về một quá khứ không hề có, như dãy hình ảnh người chết xếp im lặng trên bàn thờ của hai ngôi nhà số 3 và số 5.

Cũng lạ, không hiểu sao tôi nhớ rất rõ đầu tóc của đứa em, thằng Qg, sinh và chết năm 1949 đem đặt nơi đi-văng ngôi nhà số 5 này. Chiếc đi-văng tôi nằm ngủ hôm nay. Tôi cũng nhớ rõ đầu tóc cắt ngắn bạc trắng của bà nội khi sắp tẩm liệm vào một ngày mưa lũ năm 1952. Những sợi tóc của những người thân đã chết nơi hai căn nhà này mà tôi đã sống cùng dẫu chẳng phải quá nhiều tưởng tượng. 

Sau cơn ngủ dài ban ngày, ban đêm tôi rất tỉnh, mặc áo quần đi loanh quanh theo con đường nhỏ khởi từ nhà số 3 qua Nhà Thờ, số 8; nhà người bạn LChTh số 20, theo lối sau Chùa Diệu Đế, rẽ trái đường Chùa Ông đầy bóng tối, qua cây đa lớn (có thể là lớn nhất của xứ Huế, cả miền Nam với tàng lá che kín một đoạn đường). Tôi đến bờ Sông Đào, đi lên cầu Đông Ba, khối cầu đen im lặng. Nơi tôi một lần đi lạc, chiều tối năm 1948. Tôi thường dừng lại trên cầu nhìn xuống giòng nước xô lũ trong những ngày mưa để thấy ra điều kỳ lạ – Chết không phải là điều đau đớn khó khăn. Sống như mạ tôi. Sống như O mới là điều đáng sợ.

Minh họa: Quynh Tran/Unsplash

Trong tình cảnh sống về đêm khó khăn suốt năm 1960, vào một ngày mùa Đông, sau cuộc binh biến do lực lượng nhảy dù đảo chính, 11 Tháng 11, tôi nhận được lệnh đi Sài Gòn khám bệnh nhập học Khóa 17 Trường Võ Bị Đà Lạt, cùng lần điện tín do một người nào tên Nguyễn Văn Hai gởi từ Bệnh Viện Nha Trang: Mẹ đau nặng, hấp hối! Trên chuyến tàu lửa đi Nha Trang, O tôi ngồi im không cử động nhỏ, ủ em Bé vào lòng để chống rét. O chỉ có một chiếc áo cánh màu nâu úa đan sợi mỏng chống lạnh mặc từ bao năm.

Tàu xuống ga Nha Trang trong đêm, mạ tôi đã là một hình hài mong manh xương cốt lộ rõ dưới chiếc áo dài mỏng. Sáng hôm sau tôi tiếp tục đi Sài Gòn, O tôi cùng em Bé đưa mạ trở về Huế. Những ngày khám bệnh tại Sài Gòn trong tình trạng giới nghiêm, đường phố vắng, đèn đường chập chờn quanh khu Dinh Độc Lập im lặng. Tôi hiểu thế nào là sự chết khi đang sống. Hiểu rất rõ. CHẾT đè xuống ngực. Chết trong hơi thở. Sáng 30 Tháng Tư, 1975 tôi sống lại cảm ứng của SỰ CHẾT với Sài Gòn như sau đảo chính 11 tháng 11, 1960. Nhưng lần này là Thật Chết Với Quê Hương không đường hồi phục. Tháng 11, 1960 hay tháng 4, 1975 chỉ là một chớp mắt.

Sau khi khám sức khỏe hoàn tất, trên chuyến tàu trở về Huế, tôi hoàn toàn vô cảm nếu không nói là có phần bằng lòng từ quyết định của An Ninh Quân Đội không cho nhập học (muộn) khóa 17 với người bạn VNh. Bạn VNh sau khi tốt nghiệp Khóa 17, 30/3/1963 đã chọn Biệt Động Quân và tử trận trước 1968 một nơi nào Miền Nam. Nhắc đến Nh, vì anh là người cho tôi biết.

Say rượu là một hạnh phúc mà con người có được! Nh đã cho tôi (biết) cơn say do được uống bia trên chuyến tàu từ Sài Gòn trở về Huế cuối năm 1960. Nhưng về đến Huế, thì buộc phải tỉnh ngay khi từ nhà ga ghé vào Nhà Thương Huế để chứng kiến mạ đang qua những giờ phút cuối cùng với tròng mắt đứng im, lạc thần, ống chân teo khô lạnh lẽo. Mạ chết như là một giải thoát tất nhiên.

Sáng Ngày 11 Tháng 1 Âm Lịch, sau Tết 1961, sau khi đưa xác mạ quấn trong chiếc chăn hồng từ nhà thương Huế về căn nhà số 3, tôi qua nhà số 5 ngủ vùi cho đến chiều tối. Tỉnh dậy do nước mắt ướt đầy má. Qua nhà số 3, hai em tôi ngồi một góc nhà xem hàng xóm tẩm liệm mạ do O tôi chỉ dẫn. Chiếc quan tài gỗ sơn đỏ để ở giữa nhà sau bàn thờ. Sau này được chị Vui cho biết: O đi cầm văn tự căn nhà Số 3 để làm đám táng cho mợ! Bất chợt tôi nhớ ra, O luôn gọi Mạ là “Mợ Trình” cho dù người em/ba tôi đã vắng mặt từ một thuở rất lâu. Từ tháng 9, 1950.

Ba.

Sau 30 Tháng 4, 1975 không biết từ một xếp đặt “ân huệ” nào, phần lớn thành viên gia tộc họ Phan ở Kiệt/Hẻm 1, Số 3 Tô Hiến Thành, Gia Hội (Làng Phú Cát) Huế lại tập họp gần như đầy đủ tại Hẻm Số 252 Lý Thường Kiệt, Quận 10 Sài Gòn. Khu nhà vốn là khu gia binh của Lực Lượng Biệt Kích mà ông Tt, chồng chị Hiền là sĩ quan cao cấp đã cấp phát cho các cấp thuộc quyền trước 1975. Ba tôi từ Hải Phòng vào Sài Gòn được giới cầm quyền cộng sản Quận 10 ân thưởng cho chiếm dụng khu nhà Hẻm 252 này. Hóa ra lịch sử chỉ là lần lập lại, từ Hẻm số 1 Đường Trung Bộ/Tô Hiến Thành, Huế nên thành Hẻm 252 Đường Lý Thường Kiệt, Sài Gòn.

Minh họa: Jens Peter Olesen/Unsplash

O tôi thêm một lần là chỗ dựa vật chất (cần thiết) và tinh thần (càng cần thiết hơn) cho toàn thể thành viên họ Phan di tản, chạy loạn (cộng sản) từ Huế vào những năm trước (1968, 1972, và cuối cùng 1975). Những đứa cháu (của thế hệ thứ tư) lại được gởi gấm cho O chăm sóc khi mẹ, dì, chị (thành phần phái nữ) phải bươn chải, xuống đường kiếm sống ở Sài Gòn đang trong những đợt đánh tư sản; lùa dân đi kinh tế mới; triệt hạ văn hóa phản động; gia đình Ngụy Quân, Ngụy Quyền mà tất cả đàn ông đã bị nhốt vào trại cải tạo, đưa ra Bắc.

Hai em gái tôi (nhà ở Cư Xá Bắc Hải, không xa Khu Hẻm 252 Lý Thường Kiệt) và các con lại thêm một lần bao quanh, lấy O làm điểm tựa như những ngày thơ ấu của hai mươi trước. Chỉ khác ngày trước, sau 1975, O còn phải mang thêm gánh nặng của con rể, cháu rể, các cháu (trai) trực hệ họ Phan, kể cả bên chồng (con, cháu phía Dượng Quản).

Tất cả đều là tù nhân/những kẻ bị xem là kẻ thù đáng phải giết bỏ của chế độ mới! Như rứa thằng Ch (cháu rể) bị giam ở mô? Có tin tức chi thằng Kh (con rể) không? Và bản thân tôi được lo lắng riêng: “Thằng Rốc chắc không sống nổi với họ vì từ sáng 30 tháng Tư người ta đã đi lùng bắt hắn mà?! Biết bao giờ O thấy lại được con? O hầu như không xem tôi là cháu mà là một đứa con thật thế vào chỗ anh Chức.

Kết từ.

Tháng 10 Âm Lịch (O chỉ biết tính ngày Âm Lịch) mùa Đông 1976, Bé em tôi oan nghiệt lâm tử. Lần đầu tiên trong đời, O không thể chịu đựng thêm được. Trái tim O đã quá đau thương sau hơn nửa thế kỷ im lặng chịu đựng thống khổ. O ngất xỉu với tiếng kêu nhỏ… Bé ơi! Con ơi! Đúng là O không xem anh em chúng tôi là cháu mà là những đứa con từ “bứt thịt đẻ ra”. Tỉnh dậy, O thều thào… Trong cái nệm có lượng vàng kỳ bán nhà ngoài Huế, lấy ra, mua hòm cho con Bé. O cũng không khóc được giọt nước mắt.

Một đêm mùa Thu rét ướt nơi Trại 5 Lam Sơn Thanh Hóa, đất Bắc, tôi tự cứu bằng cách thế tọa Thiền, ứng phó với cảnh sống giữa khối đen thăm thẳm, chân mang cùm sắt của phòng cấm cố tử hình. Bỗng nhiên người lắng chìm mê thiếp/một cách tỉnh táo vào trạng thái được an ủi, che chở. Núi hiện ra rất cao… Núi dâng lên cao… Từ trên đỉnh rũ xuống một Hoa Huệ Trắng.

O tên Phan Thị Bạch Huệ, mất ngày 28 Tháng 8, 1982.

Phan Nhật Nam,

Nơi sa mạc Arizona

2 Tháng 8, 2021

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: