Theo đoàn quân di tản

Luôn tưởng nhớ ba mạ, anh Thọ, Chi. Nhớ hình ảnh mạ và các em trong những ngày loạn lạc ở Nha Trang…

Năm 1950, ba mạ tôi từ Huế lên Đà Lạt – đất Hoàng triều cương thổ – lập nghiệp. Ba dắt anh Việt mới hơn hai tuổi, mạ bồng tôi được chín tháng. Gia đình tôi thuê căn nhà số 31 trên đường Hoàng Diệu trong xóm Lò Gạch.

Năm sau, ba tôi xin làm công chức, được nhà nước cấp nhà số 8 Trần Nhật Duật. Sau 1975, ngôi nhà bị chính quyền thu hồi, gia đình tôi gói gọn trong căn nhà 12 Trần Nhật Duật của bạn ba tôi nhờ quản lý giùm. Ba tôi làm trưởng ty Thông Tin đến 17 năm nhưng cuối đời ông không có căn nhà riêng cho mình. Chúng tôi cư ngụ trên con đường này từ năm 1952 đến ngày hôm nay.

Thời thơ ấu của chúng tôi có nhiều trò chơi trẻ con: leo trèo hái trộm ổi của nhà ông Ba Cao, nhà cô Phụng em gái của tướng Phan Trọng Chinh; leo lên đồi Quan Thuế sau nhà tìm trái mát, trái sim… Lên Bùi Thị Xuân, nhóm bạn của tôi có niềm vui mới: chụp hình chân dung ở Harvest, Ngọc Duy, trèo tường vào khu biệt điện của bà Trần Lệ Xuân, đứng từ hàng rào của trường nhìn qua Giáo Hoàng Học Viện… Đà Lạt với tôi có nhiều kỷ niệm lãng mạn nên thơ bởi con gái Đà Lạt như những cánh hoa anh đào giữa rừng cây tùng bách: đó là những chàng sinh viên sĩ quan gan dạ Võ Bị Quốc Gia, học viên mưu lược Chiến Tranh Chính Trị, thư sinh nho nhã Viện Đại Học Đà Lạt ….

Năm 1969, tôi thi vào trường Sư Phạm Qui Nhơn. Tôi đậu thi viết nhưng rớt phần vấn đáp, tưởng phải quay về nhà thì may mắn trường Sư Phạm Huế khóa đầu tiên nhận 120 giáo sinh đậu vớt của Sư Phạm Qui Nhơn. Tôi ra Huế ở trọ nhà của dì Bảy, em gái mạ tôi, tiệm chụp hình Quang Vinh trên đường Hùng Vương, đối diện chợ An Cựu. Hàng ngày tôi đi bộ đến trường Quốc Học bởi trường Sư Phạm Huế mới lập nên cho mượn tạm hai lớp.

Tôi học ở Huế trong thời gian người dân ra sức tìm kiếm chồng con mất tích Tết Mậu Thân (1968). Ở làng Phú Thứ, giữa cánh đồng cát trắng bỗng nhiên xuất hiện vùng cỏ xanh mướt, người ta nghi ngờ đào lên thì ra đó là mồ chôn người tập thể:

“Trong các hố, người thì đứng, người thì nằm, người ngồi lộn xộn. Các thi hài đào lên thịt xương đã rã. Trên thi hài còn thấy những dây lạc trói lại, cả dây điện thoại nữa, trói thành từng chùm. Một số người đầu bị vỡ hoặc bị lủng. Lủng là do bắn, vỡ là do cuốc xẻng”  (Chu Mỹ Dung).

Tôi theo dì Truyện, chị của mạ tôi, đi tìm xác của dượng Trần Duy Truyện, vốn là trung úy phát lương cho quân đội. Nghe nơi đâu có mộ chôn tập thể, dì tìm tới nhưng vẫn không tìm thấy dượng vì trong mộ tập thể xương cốt lẫn lộn với nhau. Hiếm hoi lắm người ta nhận dạng được nhờ mẫu quần áo hay giấy tờ mang theo người.

Ở vùng khe Đá Mài, người dân làm gỗ tình cờ thấy các bộ xương nên báo chính quyền. Người ta tìm được 428 sọ người và xương nằm rải rác dọc khe đá. Chính quyền tổ chức lễ tưởng niệm và chôn tập thể. Học sinh các trường mặc áo dài trắng đứng dọc hai bên con đường Lê Lợi đón đoàn xe tang và thân quyến đi qua. Tiếng khóc than, kể lể giữa con đường trắng tà áo dài được miêu tả phần nào trong tác phẩm Giải khăn xô cho Huế của Nhã Ca hay bài hát Những con đường trắng của Trầm Tử Thiêng ám ảnh tôi suốt đời. Đó là lý do chính khiến người dân nghe hai chữ “VC” thì chạy bán sống, bán chết.

Gần hết năm, tôi hoán đổi với các bạn có gốc Huế nên về lại Qui Nhơn học tiếp. Sau hai năm học, năm 1971, tôi về ty tiểu học Quảng Đức. Quảng Đức được thành lập từ thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, giáp ranh Đắk Lắk, Tuyên Đức, Lâm Đồng, Phước Long và Cambodia. Vì nằm sát ranh giới Cambodia – hành lang xâm nhập của quân Bắc Việt – nên mất an ninh. Đường bộ có hai ngả từ Buôn Mê Thuột qua Đức Lập hay từ Sài Gòn băng ngang Phước Long mới đến nhưng không an toàn. Ba tôi đưa tôi đến nhận nhiệm sở bằng máy bay trực thăng xin đi nhờ của ông Tỉnh trưởng. Chiếc trực thăng đáp xuống bãi đất bằng phẳng, phi trường hiu quạnh, ít bóng người. Phía xa dưới một lớp bạt có nhưng chiếc quan tài sắt bọc xác của những người lính tử trận chờ máy bay chở về gia đình.

Thị xã Gia Nghĩa nhỏ, yên tĩnh, lặng lẽ được mệnh danh là “nhà không số, phố không đèn”. Chỉ có một con đường chính từ chợ lên dinh Tỉnh trưởng và các công sở đều nằm trong khu vực đó. Nơi đây không có xe lam hay xe đò nên đầu tháng, giáo viên đi bộ lên tỉnh để lãnh lương, thường nghỉ chân trên cầu Daknong nhìn người qua lại trước khi leo dốc về cư xá. Xe jeep nào chạy ngang cũng dừng lại mời chúng tôi lên chở về.

Chừng bốn năm sau tôi lấy chồng. Anh Quỳnh là một đại úy bộ binh đồn trú tại Quảng Đức. Đám cưới trước Tết Giáp Dần 14 ngày nên tôi về Sài Gòn đón giao thừa với anh em nhà chồng. Năm sau Ất Mão, tôi về Đà Lạt ăn Tết và đợi anh Quỳnh có phép sẽ đón tôi cùng về Sài Gòn nhưng vài ngày sau anh gọi điện báo bị cắm trại. Tôi xin máy bay quân sự Mỹ bay lên lại Quảng Đức. Ngày 10-3-1975 Buôn Mê Thuột mất. Khi thấy cơ quan Usaid thu dọn hồ sơ và bốc nhân viên rời khỏi tỉnh, mọi người cảm giác bất an. Nhờ bạn anh Quỳnh làm ở Usaid, chúng tôi và một số bạn bè may mắn đi chuyến bay trực thăng cuối cùng. Tôi khóc và thương cho bạn bè, học trò còn ở lại vì biết Quảng Đức sẽ mất vào tay VC. Anh Quỳnh dặn:

 Trực thăng đáp ở đâu thì từ đó em đón xe về Sài Gòn.

Trực thăng đáp xuống Bảo Lộc. Thấy chiếc xe Minh Trung từ Sài Gòn chạy ngang, phản xạ tự nhiên, tôi vẫy tay và bước lên xe về Đà Lạt, quên mất lời dặn của chồng. Được vài hôm, tôi theo mạ và các em lánh nạn ở Nha Trang vì nghe đồn vĩ tuyến 17 sẽ dời về Đà Nẵng. Chừng mươi ngày, ba tôi trở xuống báo:

– Quảng Đức thất thủ ngày 22-3. Quỳnh lội rừng đi bộ theo con đường qua Bảo Lộc lên Đà Lạt mất tám ngày. Ba nói Quỳnh nghỉ ngơi vài ngày để ba xuống báo cho con biết và đón cả nhà lên vì Nha Trang giờ cũng không yên mà nhà cậu Tâm cũng đã về Sài Gòn. Ba có dặn Quỳnh ra Air Việt Nam mua vé máy bay.

Ngày 1–4-1975

Mạ tôi nghĩ: vợ phải theo chồng nên dẫn tôi ra bến xe để lên trước nhưng không còn xe. May mắn trong xóm có người thuê được chiếc xe chở gia đình về Đà Lạt. Ông tài xế mách nhỏ:

 Bà với cô nói với người thuê một tiếng, họ cho thì tôi mới dám chở.

Tiễn tôi lên xe, mạ quay lại tìm cách đưa cả nhà đi. Ra khỏi Nha Trang, xe kín đường phải chạy nhích từng chút một. Đến Phan Rang, tôi nhìn thấy mạ và các em ở một quán cơm dù xe của mạ khởi hành sau. Mạ không ăn, lo lắng:

 Ba với Hương đi sau vì không còn chỗ ngồi.

Mạ than:

 Đáng ra ngồi chật một chút cũng được. Giờ mạ không biết ba với Hương ở đâu nữa.

Lúc xe lên đèo Ngoạn Mục, tôi ngạc nhiên khi thấy từng đoàn xe nhà binh đổ xuống. Mọi người hoang mang nhìn nhau không hiểu chuyện gì. 5 giờ chiều, anh Quỳnh và anh Việt, anh trai lớn, ra đón tôi ở bến xe:

 Em coi thuê xe ngày mai xuống phi trường Liên Khương về Sài Gòn.

Anh Quỳnh dẫn tôi ăn tối ở quán bà Béo nằm trong dãy quán đối diện với khách sạn Thủy Tiên. Ông chủ quán bần thần:

 Đà Lạt có lệnh di tản. Trường Võ Bị, Chiến Tranh Chính Trị đã rút rồi. Giờ đoàn áo xanh có lệnh rút.

Đoàn áo xanh là nhân viên lục lộ, những người đi làm đường. Vậy quân đội rút trước, bây giờ công chức mới được lệnh bỏ nhiệm sở.

 “Trưa ngày 31, tôi đang dùng cơm, mấy bà con thân hữu tại Đà Lạt đến thăm, dò hỏi hai quân trường: “Võ Bị, CTCT có rời Đà Lạt không?” – “Tôi còn ở đây, các ông có thấy gì khác lạ trong nhà tôi không?”. Lui binh, rút quân trên bình diện chiến lược quy mô lớn, chuyển quân, tái phối trí trên phạm vi chiến thuật nhỏ cũng đều tôn trọng các yếu tố: Kín Đáo, Bí Mật, Bất Ngờ. Vào buổi sáng 31-3-1975, tôi ra lệnh vắn tắt: Sẵn sàng đối phó với mọi tình huống, cấp phát cho SVSQ theo Tiêu Lệnh Hành Quân 3 ngày lương khô, 2 đơn vị đạn dược, vũ khí cá nhân…” (Hồi ký của đại tá Nguyễn Quốc Quỳnh, chỉ huy trưởng trường CTCT).

“Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ, Chỉ huy trưởng Trường Võ Bị cùng Bộ Chỉ Huy Trường Võ Bị lập kế hoạch di tản trung đoàn SVSQ về huấn khu Long Thành, để tránh bị bao vây và bảo toàn lực lượng. Vào lúc này trung đoàn SVSQ với quân số của bốn khóa được gần một ngàn tay súng, chia thành tám đại đội tác chiến từ A đến H.

Ngày chủ nhật 30-3-1975, liên đội G-H rời trường vào buổi sáng, di chuyển đến trấn giữ Cầu Đất. Buổi chiều, liên đội E-F di chuyển xuống Đơn Dương thám sát địa hình, đến tối rút về đài Kiểm báo Pr’line. Liên đội C-D rời trường đến trấn giữ cầu Đơn Dương và những cây cầu nhỏ hơn trên con đường dẫn đến đèo Sông Pha. Ngày Thứ Hai, 31-3-1975, liên đội A-B di chuyển theo đội hình một hàng dọc rời trường”… (Nguyễn Sanh – SVSQ khóa 28).

Ngày cuối cùng của cuộc rút quân thì người dân Đà Lạt mới hay. Ba tôi nếu biết trước đã đưa gia đình về thẳng Sài Gòn và anh Quỳnh từ Bảo Lộc không quay lại Đà Lạt. Chúng tôi bỏ dở bữa ăn vội về nhà, lúc này mạ và các em cũng từ Nha Trang vừa xuống xe. 6 giờ tối, anh Quỳnh đang tìm đài BBC nghe tin tức thì anh Việt là nhân viên Dân vận của Ty thông tin cho biết:

 Đêm nay sẽ có lệnh di tản nhưng người ta đi gần hết rồi. Bên Ty thông tin còn một chiếc xe. Quỳnh biết lái thì mình qua đó.

Ba người chúng tôi vội vã ra đi. Mạ còn ở nhà hàng xóm thăm hỏi và cám ơn đã trông coi nhà cửa giùm. Lũ em nhỏ vô tư chưa hiểu chuyện. Ba và Hương không thấy bóng. Hoàng còn lẩn quẩn ở miền Trung. Tôi mặc thêm chiếc quần tây rộng bên ngoài, phòng đi dọc đường bị té rách, anh Quỳnh mặc bộ đồ lính. Mỗi người xách một chiếc va li, tài sản của hai vợ chồng mà tôi vừa đem từ Nha Trang lên.

Trên xe ở Ty thông tin còn có vài người chờ sẵn. Anh Quỳnh lái xe; anh Việt cùng người bạn thân, anh Toàn đi bằng Honda. Chúng tôi cùng đổ đèo Trại Mát. Không khí yên lặng đến lạnh người. Đoàn xe nối đuôi nhau; xen lẫn với xe quân đội là xe chở hàng, xe lam, xe ba bánh, xe gắn máy, xe chở gỗ, xe be…, chở người, đồ vật, súc vật chen chúc nhau. Người ta ra đi trật tự không tranh giành, dẫu ai cũng nghĩ: phải thoát thân càng nhanh càng tốt bởi hình như cái chết đang đến gần. Hầu như tất cả quân dân Đà Lạt dùng mọi phương tiện di tản theo chân đoàn quân của trường Võ Bị.

Vợ chồng tôi xuống đến đèo Đơn Dương thì thắng xe bị hư nên bỏ xe bên vệ đường, leo lên chiếc xe khác. Đêm tối xuống nhanh. Cảnh đẹp đến lạnh người. Con đèo Sông Pha dài, ngoằn ngoèo nhưng xe nối đuôi nhau từ đỉnh đến cuối đèo. Đèn sáng rực cả một ngọn núi. Hùng tráng và bi thương! Không hiểu sao tôi muốn khóc; cảm giác lạnh người như khi đứng giữa con đường áo trắng ở Huế năm nào.

Ngày 2–4-1975

Xe chạy đến sáng tới Phan Rang. Người dân ở đây thật tốt bụng: họ để sẵn cơm, cháo, bánh mì… cứu trợ cho người chạy loạn khắp nơi đến. Tôi gặp Võ Nữ Vi, học cùng khóa Sư Phạm Qui Nhơn. Bạn đứng bên cạnh nồi bắp luộc nóng hổi:

 Tao gói cho mi mấy trái bắp. Đem đi đường ăn nghe.

Buổi sáng, tôi đang đói bụng được trái bắp nóng và ngọt. Thật không gì ngon hơn. Tôi thầm nghĩ:

– Người đâu mà tốt bụng. Trong đầu mọi người chỉ còn có mỗi chữ “Chạy”, vậy mà có người còn đứng lại nấu cơm, bắp giúp kẻ khốn khó. Phước đức này không gì sánh bằng.

Anh Việt và anh Toàn cũng vừa tới, anh nói:

– Ráng tìm đường về Sài Gòn.

Bất ngờ tôi gặp Jacquot (cả xóm gọi là Dắc Cô), người hàng xóm, con ông Bửu. Jacquot mua vé về Sài Gòn nhưng phi trường Phan Rang phong tỏa nên xe Hàng Không Việt Nam đưa nhân viên cùng hành khách về Phan Thiết. Chúng tôi lên xe cùng anh. Tôi nhìn quanh nhưng không thấy anh Việt và anh Toàn. Xe đi rất chậm và vì đi lâu nên không đủ xăng, chúng tôi bỏ xe qua những xe khác, trời tối nên sau đó chúng tôi lạc mất Jacquot.

Ngày 3–4-1975

Ngày hôm sau, tới Phan Thiết, tôi đi dọc bờ biển và xin được ít gạo của dân nhét vào hai túi quần. Bỗng có tiếng gọi:

 Trang! Trang.

Tôi nhận ra Trương Như Phục (tên gọi ở nhà là Phương), SVSQVB khóa 28. Anh cao, đẹp trai nhưng mảnh khảnh. Khi còn đi học, anh ở trọ nhà tôi, và là em ruột thím Phú, vợ chú Đồng. Anh mặc bộ quân phục tác chiến, mặt căng thẳng, hỏi thăm chuyện gia đình xong, anh dặn kỹ:

 Anh Quỳnh và Trang nhớ bám sát đoàn quân của Võ Bị nghe. Ông Thiệu ra lệnh phải đem cho hết SVSQ Võ Bị về Phan Thiết. Tới đó sẽ có tàu Hải Quân đón.

Chúng tôi đứng ở ngả ba đường gặp một thiếu tá mang phù hiệu Võ Bị quen anh Quỳnh và là một SVSQ khóa 29. Ông hỏi anh Quỳnh:

 Ông đi từ đâu xuống.

– Tôi từ Quảng Đức về Đà Lạt đón bà xã rồi cùng về Sài Gòn.

Một tốp lính nghe “người Đà Lạt xuống” nên dừng lại góp chuyện. Chúng tôi bàn chuyện vào Phan Thiết thuê ghe vào Bình Tuy. Một người nói:

 Đi ghe về Sài Gòn rất nguy hiểm vì trên núi VC bắn xuống, bên dưới ta bắn trả. Súng đạn không biết đâu mà lường.

Ông nhìn mọi người:

 Trên Đà Lạt, có ai biết Đại úy Cương, đóng ở chi khu cảnh sát ngay trung tâm Hòa Bình không. Ông ngồi trên ghe từ Phan Thiết thì bị trúng đạn ngã xuống biển, tôi cũng ở trên chiếc ghe đó, nhanh tay níu được chiếc áo nhưng không thể vớt đem lên bờ chôn. Tôi đành buông tay, thân xác ông chìm dưới biển. Sau này ai có gặp vợ con ông thì báo cho họ biết làm phước.

Một số người theo tốp lính khi nghe rủ:

 Bây giờ chúng tôi mở đường máu vào Bình Tuy. VC chốt ở Rừng Lá rồi. Có ai đi theo không ?

Câu chuyện của ông làm chúng tôi não lòng nhưng không theo đoàn người mở đường máu. Tối đến chúng tôi ngủ ngoài đường, có nhiều người đồng cảnh ngộ nằm la liệt. Tờ mờ sáng, tôi vào nhà dân nhờ nấu bốn lon gạo với giá 500 đồng tiền hình con cọp. Cơm chưa chín thì nghe tiếng pháo kích vọng tới, tôi bỏ dở nồi cơm chạy ra gặp anh Quỳnh. Anh bày:

– Nghe tiếng rít của đạn thì nằm úp mặt xuống đất.

Dứt tiếng pháo, chúng tôi lồm cồm chạy; nghe tiếng pháo lại nằm… chạy… nằm…, thật giống như cảnh trong những phim quân đội đã được xem.

Cuối cùng, dứt tiếng pháo kích, qua một đoạn đường, chúng tôi trú vào ngôi nhà của dân. Chủ nhà, có vẻ khá giả vì căn phòng rộng làm nước mắm có nhiều thùng gỗ to. Anh Quỳnh bàn:

 Mình gởi va li ở đây, cồng kềnh xách theo không nổi. Dọc đường, người ta tưởng có của cải quý giá mà cướp, nguy hiểm đến tính mạng. Nếu bình an, mình quay lại lấy.

Tôi mở va ly lấy xấp hình đám cưới và hình thuở nhỏ còn đi học, bỏ trong chiếc túi bằng vải dù may tay. Tiền bạc và vật quý giá tôi đã giấu trong túi chiếc quần mặc sát người. Nhiều người thấy vậy cũng làm theo. Chủ nhà tốt bụng dành một căn phòng trống để đồ đạc của người di tản gởi lại.

Nhìn ngoài đường không một bóng người. Đoàn xe đã đi mất dạng. Vợ chồng tôi hoang mang lo lắng thì từ xa một chiếc xe bít bùng chạy tới; có người mở cửa hông, đẩy chúng tôi vào. Thì ra đó là người quen của anh Quỳnh trên Quảng Đức, họ thường đánh bida với nhau. Thêm người đồng hành khiến chúng tôi an tâm.

Xe chạy vào Bình Tuy thì bị hư, nhích từng chút một. Nửa đêm, chúng tôi nhảy xe khác; thấy xe nào chạy được thì bám theo xe đó. Xe nào cũng chật cứng người: trong xe, ngoài cửa, trên mui. Anh Quỳnh bám vào bánh xe secour phía sau, tôi ngồi trước nắp ca pô dựa vào kính xe phía không có tài xế, anh dặn:

 Nhớ tỉnh táo. Không được ngủ.

Mấy ngày đi đường mệt nhọc khiến tôi chợp mắt. Khi xe chồm chạy, tôi té xuống đường, vì chống tay nên chỉ có chiếc đồng hồ bị trầy. Anh Quỳnh nghe tiếng rơi, vội vàng nhảy xuống, không may vướng sợi dây xích kéo chiếc xe đằng sau nên bị xây xát nhiều ở đầu gối.

Ngày 4–4-1975

Trời vừa sáng, ánh nắng ban mai le lói chiếu xuống. Cảnh vật kinh hoàng hiện ra: hai bên đường cỏ cây xơ xác, cây cháy xém vì đạn, cây bị cắt ngang thân nằm ngổn ngang. Tôi kinh hoàng nhìn thấy những xác người không đầu, cụt tay chân nằm bên vệ đường. Đó là những người lính mở đường máu từ Phan Thiết vào Bình Tuy, ngang khu Rừng Lá đã hy sinh cùng với người dân thường đi theo bị lạc đạn. Họ nằm chết ở tại đây và đoàn xe di tản tới, tài xế nhắm mắt cán lên mà đi; thậm chí những người ngồi trên xe gắn máy không dám chống chân xuống đất vì vết máu còn đẫm trên mặt đường.

Qua con đường hiểm ngoèo. Xe chạy tới một xóm làng, những chòi nhà cất san sát cạnh nhau. Anh Quỳnh vào xin cơm nhưng chỉ có vài người ẩn nấp đâu đó. Đây vùng đất tạm cư dành riêng cho người dân Quảng Trị. Vào mùa hè đỏ lửa, 1972, thành phố tan hoang, người dân chạy loạn, được định cư ở đây. Họ hãi hùng cảnh chết chóc trên đại lộ kinh hoàng nên buông bỏ tất cả ra đi. Cuối cùng anh Quỳnh cũng kiếm được chiếc nồi còn ít cơm nguội và chai xì dầu dở dang đem ra cho tôi.

Xe dân sự bắt buộc phải dừng lại, mọi người đi bộ vào Bình Tuy. Tới bãi đất trống, tôi dốc gạo ở túi quần nấu cơm trong chiếc nồi mới lấy được. Anh Quỳnh đi dò đường phía ngoài, thấy đoàn xe quân sự chuẩn bị khởi hành, vội kêu:

– Trang! Lên mau.

Tôi bỏ nồi cơm mới vừa sôi vào chiếc nón sắt; anh Quỳnh cầm túi đựng hình chạy theo và ấn tôi lên xe. Tôi leo lên được bậc cấp cao, anh Quỳnh đứng bậc dưới. Có tiếng quát :

– Xe chỉ dành cho gia đình Võ Bị thôi. Ai không phải thì leo xuống.

Thì ra đây là đoàn xe dành cho nhân viên và gia đình của trường Võ Bị. Anh Quỳnh bước xuống, xe bắt đầu lăn bánh. Tôi vội la lên:

– Đừng xuống ! Anh leo lên lại đi.

Anh Quỳnh vừa chạy theo xe vừa nhảy lên; tay chụp thành xe, chiếc túi đựng hình rớt xuống đất nằm dưới chiếc xe vừa trờ tới. Tôi nhìn rõ khuôn mặt dửng dưng như chẳng bận tâm của người sĩ quan Võ Bị ngồi trên nắp ca pô chiếc xe Jeep nhỏ ấy. Tôi bưng mặt khóc ròng. Mọi người trên xe tưởng tôi tiếc của an ủi :

– Tiền bạc sao sơ sẩy vậy. Phải cất trong người chứ.

– Thôi cô đừng khóc nữa. Của đi thay người.

Tôi tiếc những tấm hình ghi dấu một thời hạnh phúc ở thành phố nhỏ nhưng bình an; những tấm hình ghi dấu thời học sinh đầy hoa mộng.

Xe chạy được một một đoạn ngắn thì phải dừng lại, mọi người trên xe đi xuống. Đầu cửa ngõ con đường vào Bình Tuy, trung đoàn Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị lập phòng tuyến mới giải giới vũ khí của các quân nhân đơn vị khác nhằm tránh sự hỗn loạn trong thành phố vì súng đạn.Tôi nhìn thấy viên sĩ quan mặc chiếc áo field có đính phù hiệu của trường Võ Bị:

– Anh ơi ! Cho tôi xin chiếc áo.

Người lính tưởng tôi lạnh nên cởi áo ra cho. Anh loay hoay xé bỏ phù hiệu nhưng tôi cản :

– Dạ. Anh để vậy cũng được.

Tôi đưa chiếc áo cho anh Quỳnh mặc và chúng tôi qua trạm kiểm soát.

Đi bộ một đoạn đường dài, chúng tôi gặp lại anh SVSQ khóa 29, trong cuộc trò chuyện về đại úy Cương ở Phan Thiết. Anh là người Bình Tuy nên dẫn chúng tôi vào một nhà bán cơm tấm, vì khi đi đường tôi chỉ ao ước tô mì gói nên dĩa cơm tấm ngon không tưởng. Trời sẩm tối, anh Quỳnh không muốn làm phiền nhà người quen nên dẫn tôi ra công viên gần đó nghỉ tạm. Không ngờ lại là nơi đóng quân của trường Võ Bị. Đêm khuya, tôi nghe tiếng lào xào:

 Tập hợp! Lên xe!

Đoàn quân lần lượt leo lên xe nhà binh. Chúng tôi nhảy đại lên chiếc xe gần đó. Tôi ngồi sụp xuống gầm xe, thu người lấy chiếc nón sắt mới nhặt, đội lên đầu. Anh Quỳnh mặc áo field có phù hiệu nên không ai để ý. Xe chạy tới cổng phi trường, có tiếng nói :

 Xe này chỉ dành cho SVSQ. Thân nhân và nhân viên đi sau.

Xe chạy thẳng vào trong phi trường. Vậy sau bốn ngày di chuyển, SVSQ Võ Bị về đến đây bình an. Họ được không vận bằng phi cơ C130 và trực thăng Chinook về huấn khu Long Thành và tạm trú tại trường bộ binh Long Thành. Trong dãy người đứng xếp hàng lấy số thứ tự lên máy bay, tôi nhận ra thầy Phạm Kế Viêm, giáo sư trường VBQG và Trung tâm luyện thi tú tài trường Văn Học mà tôi từng học, đứng cuối hàng. Máy bay lên xuống trên bầu trời đưa những người lính ra khỏi phi trường. Ngoài chúng tôi ra còn chừng hơn chục người dân, chúng tôi chờ khi chở khối dân sự sẽ xin đi theo. Bất ngờ, chiếc máy bay Hàng Không Việt Nam bắt đầu hạ cánh. Thân phi cơ gỡ hết ghế, chất đầy thuốc men, sữa, mì ăn liền, gạo… tiếp tế cho dân tị nạn khắp nơi về Bình Tuy, nhưng phi trường bị phong tỏa, không cho ai ra vào. Máy bay phải trở về Sài Gòn. Chúng tôi xin người tiếp viên:

 Xin anh cho chúng tôi về Sài Gòn với.

Người tiếp viên tính quay lại báo với phi hành đoàn thì một người lính nhảy lên bám cửa phi cơ. Anh bảo:

 Anh làm vậy thì phi công nào dám bay nữa.

Mọi người cũng thêm vào:

 Anh đi xuống, đừng gây họa nữa. Chờ xem họ có cho mình đi hay không.

Người lính nghe lời nhảy xuống và khoảng hơn 10 người được lên chiếc máy bay Hàng Không dân dụng. Ơn trời! Chúng tôi về đến phi trường Tân Sơn Nhất. Sau này khi gặp lại nhiều người, cả người thân trong gia đình, tôi thấy mình thật may mắn khi đi di tản cùng với đoàn quân của trường VBQG, bởi họ giữ được tinh thần kỷ luật và sự hữu hiệu của hệ thống chỉ huy, giúp cho cuộc rút quân an toàn và người dân đi theo an ổn.

*****

Cứ vào tháng Tư hàng năm, nhiều kỷ niệm xưa trở về khiến lòng tôi nao nao:

… Lòng nhân ái của cô bạn ở Phan Rang đứng lại giữa đoàn người tản cư hỗn độn tặng bắp luộc cho những người không quen biết.

… Tình nhân hậu của người lính cho chiếc áo field bởi nghĩ đến người dân rét buốt.

… Những chiến sĩ vô danh đã hy sinh khi mở đường máu vào Bình Tuy. Thân xác các anh nằm đó mà người thân mỏi mòn tìm kiếm bao năm.

… Lời dặn dò của anh SVSQ Trương Như Phục khóa 28: Nhớ bám theo đoàn quân. Sau những năm tù cải tạo, Phục vượt biên nhưng vĩnh viễn không trở về. Cái giá tự do quá đắt.

… Những tấm hình cưới được nhiếp ảnh gia nổi tiếng Trần Văn Châu chụp. Đó là những tấm hình màu hiếm quý lúc bấy giờ; những tấm hình đen trắng thuở còn thơ ấu đến lúc trưởng thành mang dấu ấn một thời thanh bình, hạnh phúc mãi mãi không bao giờ tìm lại được.

… Năm 1975, tôi mới 25 tuổi. Bảy năm sau, anh Quỳnh từ trại cải tạo trở về. Chúng tôi có đứa con đầu lòng và cuối năm 1993 qua Mỹ theo diện HO. Trong kỳ thi ra trường của khóa học nghề mưu sinh, tôi thi đậu nhưng hai cô gái bạn nhỏ trong lớp lại rớt. Mẹ các em đứng chờ ngoài cổng, chị vui vẻ bắt chuyện, cho biết đã có thời gian sinh sống ở Đà Lạt:

 Tôi là vợ của Đại úy Cương, đóng ở đồn Hòa Bình.

Một luồng khí lạnh chạy dọc ngang lưng, tôi nhớ câu chuyện cách đây 19 năm về Đại úy Cương và kể lại. Chị nghe xong, trầm ngâm:

– Khi anh bị rớt xuống biển, xác anh vướng vào bánh lái của một ghe đánh cá. Người chủ ghe tin anh Cương linh thiêng muốn nhờ cậy mình nên đem về chôn cất tử tế. Theo giấy tờ tùy thân trong người anh Cương, người chủ ghe liên lạc với chúng tôi. Thời gian sau, tôi về Bình Tuy nhận lại kỷ vật của chồng. Tôi xin hậu tạ nhưng người tốt bụng đó không nhận và nói: “Cậu rất linh thiêng. Từ ngày vớt cậu lên, công việc đi biển thuận lợi. Tôi là người Phật giáo. Chị đạo Thiên Chúa. Chị chỉ cần mua bông và ít trái cây thắp bàn thờ Phật là được”. Từ trước tôi luôn tin anh vẫn còn sống và sẽ trở về nhưng nay nghe chị kể, tôi tin rằng anh đã mất nhưng may mắn theo đúng lời khi anh nguyện: Mong rằng khi chết sẽ toàn thây… Cứ vào tháng Tư hàng năm những ký ức xưa lại trở về buồn dai dẳng.

Tháng 4 năm 2021

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: