ảnh: SUC KHOE TAM SINH

Hôm trước vô blog của người bạn, thấy có hình dĩa cá nục kho ngon quá, chợt nhớ đến nồi cá nục kho của Mạ tôi nấu những ngày ấu thơ. Tự nhiên nhiều hình ảnh ngày xưa chợt ùa về. Hình ảnh bữa cơm gia đình thuở trước chợt hiện ra, mâm cơm với 10 anh chị em, với ba mạ, với nồi cá nục kho thơm phức, cay nồng. Sẽ không bao giờ có được hình ảnh như vậy nữa rồi. Ba đã mất hơn bốn năm nay, anh chị em tan tác mỗi người mỗi ngã, người Tây, kẻ Mỹ. Sẽ không sao có được những ngày xưa đã qua đi. Chiều hôm nay trời đổ mưa, những con cá nục làm liên tưởng quá khứ. Hóa ra hình ảnh cũng tác động vào ký ức của con người.

ảnh: SUC KHOE TAM SINH

Có lẽ khi người ta bắt đầu bước qua bên kia của dốc đời, người ta thường ngoái nhìn lại quá khứ và lúc đó, người ta đã bắt đầu già. Tôi đã bắt đầu nhìn lại và tiếc nuối. Cứ ước ao mình được trở về tuổi nhỏ, tuổi hồn nhiên sống và thản nhiên bước vào cuộc đời một cách thơ ngây. Bởi vậy, tôi rất sung sướng khi gặp lại những người bạn cũ, những người bạn một thời quá nhiều kỷ niệm. Chúng tôi gặp nhau và chỉ nói chuyện ngày xưa, có nhiều chuyện cười nhưng cũng lắm chuyện buồn. Và cũng rất nhiều lần chúng tôi cười với những giọt nước ở khóe mắt. Chiều nay, bỗng dưng trong cuộc nói chuyện, có ai đó lại nhắc đến con cá nục…

Tôi thích con cá nục từ màu xanh óng ánh rất đặc biệt của nó. Đó là một màu xanh lam lóng lánh pha chút xanh lá. Đó là màu chỉ tìm thấy ở con vật còn tươi roi rói, vừa từ biển khơi được kéo vào bờ. Người làm khoa học thì phân tích đó là màu của chất phốt pho, và họ phân tích là trong 100g cá nục có chứa 216mg chất đó. Nếu đúng như thế thì nếu con cá nục mà ở trên cạn, chắc là trong đêm nó sẽ lập lòe như những con đom đóm, mà như vậy thì quá đẹp, phải không? Con cá nục không chỉ đẹp ở màu sắc tươi xanh, nó còn là một món ăn rất ngon. Cá nục có thể làm thành nhiều món. Chiên, kho nước, kho khô, hấp, làm mắm… Mà món nào cũng ngon, món nào cũng làm cho ta phải chảy nước miếng vì thèm khi hình dung.

Này nhé, những con cá nục chuối, lớn khoảng hơn ngón tay, đem hấp ăn với bánh tráng, rau muống chẻ và chấm mắm nêm hay nước kho sanh sánh cay nồng mùi ớt tươi và ớt bột đỏ lòm. Mới nói mà đã thấy đã. Quấn miếng cá vào miếng bánh tráng nhúng nước, thêm cọng rau, chấm vô chén mắm, cắn một cái, nhồm nhoàm. Sao mà ngon thế, ngon từ chân răng đến kẽ tóc… Chất bùi của bánh, chất béo của cá, chất dòn dòn của cọng rau, chất mằn mặn mà cay cay của chén nước chấm, tất cả trộn lại thành một hỗn hợp không lẫn vào đâu được.

Này nhé, những con cá nục nho nhỏ, xanh tươi, rửa sạch, ướp với chút nước mắm nhỉ, bẻ vài trái ớt đỏ, chút tiêu, chút đường, ướp cho con cá se se cứng, cho vào nồi kho sền sệt, nước kho cá màu hơi nâu đen, nồng nặc mùi ớt và mùi cá dậy mùi thơm phức. Nếu có vài sợi bún, lùa một cái. Đã. Xuýt xoa. Mà không thì chén cơm trắng cũng đã, chan miếng nước cá, lùa một miếng với miếng cá ngọt bùi. Ngon. Bây giờ khó tìm lại cái cảm giác đó, dù đủ điều kiện để ăn sơn hào hải vị. Này nữa nhé, những con nục ướp sương sương, chảo dầu hay mỡ thật sôi, chiên con cá vàng chấm với nước mắm ngon dằm trái ớt đỏ. Miếng cá bỏ vào miệng dòn dòn beo béo. Cũng phải kêu lên một tiếng: Ngon hà… hà…

ảnh: SUC KHOE TAM SINH

Dùng cá nục để làm mắm thì người Huế thường làm. Mắm nục nổi tiếng là ngon. Dân chuộng mắm mà chưa nếm được mắm nục do mấy O ở Huế làm thì chưa gọi là hiểu hết nghệ thuật của mắm Việt. Bà Trương Thị Bích, một nghệ nhân ẩm thực của xứ Huế đầu triều Nguyễn, đã tóm tắt cách làm mắm nục như thế này:

Nục nhỏ làm nêm lắm kẻ ưa,

Đong ngang chục cá, muối hai, vừa,

Ghè khô nhận chặt phơi mươi bữa,

Gió bay mùi thơm biết chi chưa.

Lại nhớ đến món cá nục kho thơm, những miếng thơm xắt lát, bỏ kho chung với những con cá nục, chừa lại nhiều nước, nước cá cũng ngon mà miếng thơm cũng ngon không kém. Mùa hè ở Đà Nẵng nóng đổ lửa, buổi trưa húp một miếng canh cá nục nấu với cà chua, bỏ vô chút hành lá cắt khúc, chỉ đơn giản là cá với cà, sao mà nghe mát cả ruột, chẳng cần bột nêm, bột ngọt, cũng chẳng cần nước sốt nước dùng.

Nói chuyện ăn cá mà không nhắc đến mấy trái ớt của miền Trung, hay là loại ớt bột cay “xé đít” thì là một thiếu sót lớn. Bởi ăn cá mà không ớt thì cũng như ăn sushi mà không mù tạt. Chính những múi cay của ớt đó đã làm cho món cá thêm ngon, dịch vị tiết ra nhiều hơn, nước miếng nhả ra nhiều hơn và miếng ăn thêm thú vị. Mà cũng lạ, đi bốn phương tám hướng, cũng không đâu tìm được loại ớt cay xé lòng và thơm phức như loại ớt của miền Trung. Hèn gì, những tiệm ăn bán món ăn Trung bộ, tiệm nào cũng phải dùng máy bay đem ớt từ ngoài đó mang vào.

Con cá nục với con cá bạc má gần giống nhau, ở Sài Gòn nhiều tiệm bán con cá bạc má mà cứ bảo là con cá nục. Con cá bạc má to hơn và theo nhiều nhà dinh dưỡng thì có nhiều chất bổ hơn cá nục. Nhưng con cá nục vẫn là con cá nục, nó có giá trị riêng và có mùi vị rất riêng.

Viết mấy dòng này từ những ký ức. Và tôi đang thưởng thức món cá nục của ký ức. Nói chuyện con cá nục nhưng lại ngậm ngùi vì thời gian đã đi qua không tìm lại được, không bao giờ tìm lại được nữa những bữa cơm sum họp của ngày xưa. Tôi đang đi tìm thời gian đã mất qua hình tượng của con cá nục xanh óng ánh, da bóng ngời, những con cá nhìn thấy trong tranh của một người họa sĩ Sài Gòn.

Và cũng từ con cá nục, tôi lại nhớ tuổi thơ đã đi qua, tôi lại nhớ Ba tôi, nhớ vô cùng, Ba ơi!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: