Nếu theo lệ thường thì cứ tầm này mỗi năm người ta đã thấy rất nhiều quầy bánh Trung Thu bày trí sáng rực mọi nẻo đường Việt Nam rồi.
Bánh Trung Thu còn gọi là Nguyệt Bính – nghĩa là bánh vầng trăng – hay bánh đoàn viên, xuất phát từ ý niệm gia đình đoàn tụ quây quần bên ánh trăng tròn của đêm Rằm Tháng Tám, dân dã hơn nữa thì người ta quen gọi là bánh nướng và bánh dẻo.
Theo lệ cũ của người Việt, bánh Trung Thu còn được coi là biểu tượng của phúc lành, sung túc. Vì vậy mỗi nhà đều sắp bày đĩa bánh Trung Thu đón Rằm Tháng Tám thật trang trọng, trước là để cúng tạ ơn trời đất đã ban cho vụ mùa tươi tốt, sau là một dịp vui để người già con trẻ quây quần ngắm trăng thưởng thức bánh, trà, tưng bừng phá cỗ bên tiếng trống lân và những chiếc lồng đèn lung linh đầy kỷ niệm. Cứ như thế qua bao đời, đón rằm Tháng Tám không thể thiếu chiếc bánh Trung Thu.
Theo nhịp phát triển của đời sống, bánh Trung Thu truyền thống cũng dần được thay đổi ít nhiều về hình thức và thêm nhiều hương vị, chỉ có chiếc bánh thập cẩm là vẫn phải giữ và làm cho thật giống hương vị ngày xưa, như để lưu giữ trong nhân bánh cả một miền ký ức tuổi thơ Trung Thu của mỗi người, chỉ chờ đến khi người ta cắt bánh và thưởng thức là sẽ ùa về trong tâm trí. Có lẽ vì vậy mà người Việt cũng xem bánh Trung Thu là một món quà nhất định phải có để thể hiện tình thân, gói ghém phúc lành đầm ấm, gắn bó yêu thương trao gởi đến gia đình và bạn bè quý mến.
Từ khi sống xa quê, tôi lại càng trân quý và mong mỏi lưu truyền những nếp xưa đẹp đẽ của dân tộc cho cháu con mà cũng là cho chính bản thân mình. Những dịp lễ tết cổ truyền Việt Nam như Tết Trung Thu, tôi luôn muốn chọn những món quà đậm chất quê hương để gửi tặng người thân và bạn bè ở khắp nơi xa xôi nên tôi cũng không ngại tốn khá nhiều thời gian “dạo chợ” để tìm được món quà ưng ý.
Có điều, về sau này tôi nhận ra rằng gout ẩm thực của mình có phần thay đổi như một điều tất nhiên với bất kỳ người Việt sống ở hải ngoại nào, gọi là ở đâu quen đó. Phải chăng có một chút mâu thuẫn khi giờ đây tôi muốn ăn một chiếc bánh truyền thống đúng hương vị ngày xưa nhưng vẫn mong nó phải mới mẻ hợp thời, kiểu như món Việt phải có “mùi vị nước mắm” nhưng đừng quá “đậm chất nước mắm”, thật lòng là vậy! Nên khi người Việt Nam đi du lịch sang Mỹ sẽ có nhận xét món phở ở Mỹ dường như “không giống phở” nhưng người Việt sống ở Mỹ về Việt Nam thì cảm nhận phở ở Việt Nam cũng không còn ngon như xưa nữa.
Thật ra, nét uyển chuyển trong ẩm thực truyền thống pha chút sáng tạo người ta thường gọi là “fusion”. Ở Houston này, tôi đã có dịp chuyện trò với chef Hiển – chủ tiệm bánh De Viet Kitchen lâu nay được tiếng là nấu nướng kỹ càng, có tâm và có phần còn khó tính trong việc gìn giữ nét tinh hoa ẩm thực Việt, nhất là làm bánh Trung Thu. Nghe anh bộc bạch, tôi mới thấu cảm về sự công phu, tỉ mỉ trong việc tìm tòi và chế biến từng nguyên liệu để luôn làm hài lòng nhiều hơn cả nhu cầu của đồng hương, có nghĩa là khách sành ăn tìm kiếm chất lượng một hai, chef Hiển phải đáp ứng được đến ba, thậm chí bốn, vừa ngon vừa đúng vị lại chăm chút cả hình thức đẹp để “ăn bằng mắt”, sau cùng là dịch vụ chu đáo, niềm nở.
Phải nói là với cộng đồng người Việt đông đảo nhất nhì nước Mỹ, Houston không thiếu những nơi bán bánh Trung Thu mang hương vị quê nhà nhưng tại sao tôi vẫn chọn bánh Trung Thu De Viet suốt ba năm nay? Có lẽ, tôi là một khách hàng khó chiều nhưng lại thực sự hài lòng với bánh Trung Thu của tiệm này. Nhớ lại lúc đầu được mời dùng thử bánh trước khi mua, tôi hân hoan như bắt gặp một điều mà mình luôn tìm kiếm bấy lâu nay.
Mỗi vị bánh đều đặc sắc theo lối riêng, vừa quen vừa lạ, ngoài các vị bánh thập cẩm truyền thống, đậu xanh sầu riêng… tôi đặc biệt yêu thích bánh nhân hạt sen cà phê thơm phức, lạ miệng kiểu Tây Ta kết hợp độc đáo. Có một tiếc nuối nhỏ khi trong hộp bánh Trung Thu của De Viet năm nay không còn bánh nhân hạt dẻ cười đậu đỏ bởi do tình hình bệnh dịch, họ không nhập được nguyên liệu bơ hạt Pistachio từ Pháp. Chef Hiển cho biết “Anh thà không làm hơn là dùng nguyên liệu thay thế, sẽ làm sai lệch hương vị đi. Một chiếc bánh ngon phải bắt đầu bằng nguyên liệu chất lượng”.
Trong cuộc trò chuyện, tôi nhận ra để có được một chiếc bánh nướng đúng vị thật nhiều kỳ công, dễ có đến mấy chục loại nguyên liệu, nhất là trong thời gian bất định và ai nấy đều bị ảnh hưởng bởi khó khăn chung của việc xuất nhập hàng từ Việt Nam năm nay. Theo chef Hiển, dù đã sớm đoán biết tình hình nhưng cũng khó lòng chuẩn bị nguyên liệu dồi dào như mọi năm, dẫn đến sản lượng bánh làm ra để phục vụ cộng đồng người Việt ở Mỹ năm nay sẽ có phần thiếu hụt.
Tôi vẫn tin rằng dù ít dù nhiều, với cái tâm của người làm ra, mỗi chiếc bánh Trung Thu năm nay sẽ vẫn vẹn nguyên độ ngon lành và đẹp đẽ như mong đợi. Điều cuối cùng tôi nhận ra, hẳn không phải là một sự tình cờ, mẫu mã bao bì bánh Trung Thu năm nay của De Viet Kitchen được thiết kế theo phong cách tối giản – minimalism khá hiện đại mà tinh tế, tôi cũng thích lý do mà họ chọn thiết kế này: Khi mọi thứ hào nhoáng qua đi, giá trị thật sự sẽ còn lại. Vậy là thêm một lần nữa, với suy tư ấy, tôi sẽ ăn Tết Trung Thu ở Houston cùng gia đình, có thể sẽ kém phần tưng bừng như mọi khi nhưng nhất định vẫn thật ấm áp, ngọt ngào.