Huynh đệ tương phùng ba chén rượu

… Giang sơn đẹp như tranh vẽ
Bóng hào kiệt khuất dần xa
Hiệp nghĩa như chén rượu nồng cay
Trang nam tử uống bừng nhiệt huyết…
(1) 

Xem phim chuyển thể từ tác phẩm văn học, lúc nào tôi cũng cảm thấy có một chút gì mất mát. Bộ phim Hồng Lâu Mộng(2) là một thí dụ. Dù đạo diễn và các diễn viên thủ vai Đại Ngọc, Bảo Thoa, Bảo Ngọc, Phượng Thư, Già Lưu… diễn xuất không chê vào đâu được nhưng dường như, ngôn ngữ điện ảnh đã làm nhòa đi chất thơ, chất mộng của nguyên tác. Vài tác phẩm khác cũng chung số phận: Cuốn theo chiều gió, Doctor Zhivago, Bố già hoặc Rừng Na Uy của đạo diễn Trần Anh Hùng. Đọc tiểu thuyết và xem phim hẳn phải có cách thưởng thức khác nhau. Nếu lỡ đọc nguyên tác trước thì ấn tượng ban đầu ắt khó lay chuyển…

Nhưng cũng có ngoại lệ. Bộ phim Thủy Hử của đạo diễn Cúc Giác Lượng(3) đã đẩy nguyên tác lên một tầm mức khác. Phim đã loại bỏ hoặc hợp lý hóa những cảnh phù phép ma quái, giết người vô tội vạ, bánh bao nhân thịt người, moi gan nấu thang giã rượu… Nổi bật hơn, đó là ngôn ngữ điện ảnh đã làm thăng hoa tình bằng hữu giữa những con người thế thiên hành đạo, chứ không phải là bọn thảo khấu tầm thường.

Có hai cảnh trong bộ phim này để lại trong tôi ấn tượng mạnh, mỗi khi nghĩ đến lại thấy cảm khái. Cả hai cảnh đều liên quan đến… rượu.

Một cảnh xảy ra ở tập cuối, sau khi Tống Giang “bó thân về với triều đình”, để rồi sau cùng “được” vua ban ngự tửu tự xử. Khi Tống Giang đang nhâm nhi rượu độc, ngẫm nghĩ tình đời, thì Lý Quỳ bước vào. Biết chuyện, Lý Quỳ nốc luôn chỗ rượu còn lại: Ca ca, khi sống Thiết Ngưu theo ca ca. Nếu ca ca không muốn sống trên cõi đời bạc bẽo này nữa, Thiết Ngưu sẽ theo ca ca… Lý Quỳ uống nhiều hơn, nên bị chất độc hành trước, đau đớn. Hai huynh đệ ôm lấy nhau.

Ca ca có đau không?

Đau…

Thiết Ngưu cùng đau với huynh.

Một lát sau,

Đệ không còn thấy đau nữa. Sao đất trời ngoài kia đỏ rực lên rồi…?

Mặt trời lặn đấy…

Mặt trời lặn đấy… Bi tráng biết bao! Chén rượu bi tráng của tình bạn, không phải là thứ bi tráng chính trị như trong tiệc rượu tiễn Kinh Kha bên bờ sông Dịch. Cả hai kết thúc nợ đời. Một người cay đắng với trung quân, một người ôm mộng qua thế giới bên kia sẽ lại làm tiên phong cho ca ca… Bài tạp bút lằng nhằng này định nói về rượu, lại mở đầu câu chuyện chết vì… rượu, nghe như tiếng quạ kêu. Thôi, quay lại chủ đề sống vì… rượu.

Rượu có từ hồi nào? Có người cho rằng rượu có từ thời đá mài (neolithic). Nhằm nhò gì, năm 1975, người ta còn phát hiện cả tỷ tỷ rượu trong đám mây ở trung tâm dải Ngân Hà, có điều thiên tửu vô biên này cách Trái đất đến chừng ba mươi ngàn năm ánh sáng. Còn tôi, tôi nghĩ khác, đơn giản mà chắc ăn hơn. Có cỏ cây hoa quả là có rượu. Chẳng phải những trái cây chín mọng sẽ lên men rượu đó sao?

Vậy ai là người uống rượu đầu tiên? Có người dựa vào truyền thuyết nào đó nói rằng, đấy là ông Noah thoát nạn trên một con tàu trong trận đại hồng thủy. Ông tình cờ làm ra được rượu nho và uống say bí tỷ. Tôi cũng nghĩ khác luôn. Chính ông Adam là người đầu tiên uống rượu. Adam nghe lời xúi (dại) của bà Eva ăn trái cấm, gây biết bao phiền toái cho con cháu đời sau. Cái này sách chép, chứ không phải tôi bịa. Dù gì thì Adam cũng là đứa con đầu lòng của Thượng đế, đâu dễ gì nhẹ dạ như thế. Vườn địa đàng đầy hoa thơm cỏ lạ, trái cây mơn mởn… Eva chắc (chắn) đã chuốc rượu cho Adam, lả lơi mời mọc Adam ăn trái chín lên men. Khổ thân ngài Adam, ngà ngà rồi thì trái cấm cũng như trái… xoài, đâu còn ngán ai nữa mà không dám ăn. Tôi ngờ rằng sách chép thiếu đoạn này, hay tam sao thất bổn gì đó.

Con cháu Adam muôn đời sau vẫn không rút ra được bài học của tổ tiên, uống rượu là cứ phụ nữ kè kè bên cạnh. Uống nhiều, nói nhiều – Nói nhiều, hớ nhiều. Thượng đế ban tặng cho phụ nữ trí nhớ dai, và cái tật… nói dai. Bi kịch ở chỗ đó. Thần khẩu hại xác phàm, có những khi lỡ lời không sao khắc phục được, và ân hận triền miên là hậu quả, bởi lẽ ngay từ khởi thủy đàn ông đã mắc cái tội nhẹ dạ, và đó là “gen” trội. Tội tổ tông, không có thuốc chữa.

Ảnh: Hayffield L/Unsplash

Dù thế nào đi nữa, uống rượu cũng phải có bạn. Uống một mình làm sao uống nổi. Đàn ông chè chén với nhau có vẻ ổn hơn, có thêm phụ nữ dễ mắc vạ miệng. Không có thuốc đặc trị, thì cũng nên biết cách giảm thiểu rủi ro. Mỗi người có cách ứng xử với rượu khác nhau. Rượu vào là khoác lác theo kiểu ăn giỗ nói dóc, kiểu ba hoa này chẳng hại ai, chỉ làm bàn tiệc thêm vui. Có người mượn rượu để khẳng định “cái tôi” giữa đám đông, mà lúc bình thường “cái tôi” của họ chứa đầy mặc cảm. Lại có người rượu vào là buông ra những lời hứa hẹn nhân nghĩa, để rồi ngày mai quên sạch. Uống rượu để thanh minh, uống rượu để nói, mà chẳng cần biết mình nói gì, nói huyên thuyên đủ chuyện, không đầu không đuôi, miễn là nói… Nói là cách luyện tập ngôn ngữ của người say. Sự thăng hoa đột biến chỉ có khi anh binh nhì trong cơn say tưởng mình là đại tướng.

Uống rượu để bàn chuyện, để gài bẫy trong kinh doanh, cái này siêu, không bàn tới. Uống rượu vì thói quen (nghiện), uống rượu để quậy, để giở trò, để khi tỉnh đổ thừa do rượu… Những thứ này cũng… siêu, không bàn tới luôn. Bất khả tư nghị! Uống rượu để tâm tình, để ôn cố tri tân, để nói với nhau những khắc khoải và an nhiên của cuộc sống. Mượn rượu kiểu này mới là siêu… thứ thiệt.

Ảnh: Jack Ward/Unsplash

Hình như có chút rượu vào, con người khang khác so với lúc bình thường. Rượu làm hưng phấn, làm cuộc sống dễ chịu hơn đôi chút. Cách đây vài tháng, hai ông bạn nhà văn (nhớn) đến thăm tôi ở Đà Lạt. Hai tay này thuộc loại nhát rượu, nhưng tôi vẫn phải bày bàn rượu cho phải đạo. Chỉ có tôi là uống thiệt, còn hai tay kia nâng lên đặt xuống và “đá mồi”. Họ nói với nhau về tác phẩm vĩ đại còn trong… bào thai của họ. Hai cái giọng đều đều, trao qua đổi lại một cách tẻ nhạt. Kẻ ngoại đạo văn chương thơ phú như tôi chỉ còn cách nhẫn nại và nhẫn nhục; cách giải thoát duy nhất là im lặng và… uống.

Nhưng cái gì cũng có giới hạn… Tửu nhập (vài ly) là ngôn xuất. Tôi bắt đầu ý kiến ý cò linh tinh… Cái thai “ngoài tử cung” đó, hoặc phải được trục xuất cho nhẹ bụng, hoặc phải có phép lạ để đưa nó về đúng vị trí mà tạo hóa ấn định để chào đời bình thường. Đúng là tửu loạn ngôn loạn. Cái phép màu đó là ý tưởng lạ, lên đồng từ hơi rượu của tên ngoại đạo. Họ lắng nghe và thỉnh thoảng nói… leo, rồi tranh nhau nói. Giọng họ không còn đều đều nữa. Hai ông nhà văn (nhớn) bắt đầu chìa ly xin thêm rượu, chút chút thôi… Một lần, rồi hai lần… Mỏi tay, tôi đưa luôn bình rượu (vang) cho họ self-service!

Đêm Đà Lạt vẫn lạnh, nhưng không còn tĩnh mịch. Hậu quả là kẻ lên đồng gục trước hai tên nhát rượu. Ai bảo rượu không góp phần tạo ra hứng khởi và sáng tạo? Chẳng biết lúc này hai cái bào thai đó đã nằm đúng vị trí chưa, nhưng vẫn chưa thấy chào đời. Hai ông nhà văn (nhớn) còn mắc nợ tôi.

Lai rai cùng chúng bạn cũng là cách giải khuây, vui thêm, mà cũng có khi buồn thêm vì mình phải chia buồn, chia vui. Thực ra, buồn vui là trạng thái tình cảm tuyệt đối, bất khả phân. Người khác chia buồn với tôi, nhưng nỗi buồn của tôi vẫn vậy, có tiêu hao đi chút nào đâu. Thế nhưng chia sẻ là điều cần thiết, vì nó giúp người ta tăng thêm sức chịu đựng. Chia sẻ qua ly rượu, không chừng nỗi niềm lại phát tán nhanh hơn cũng nên. Thế còn uống rượu một mình thì sao? Cái này thì muôn vàn phức tạp, buồn nhiều hơn vui. Cái nông nỗi vì sao lại gậm nhấm nỗi buồn một mình bên ly rượu thế này?

Có một cảnh độc ẩm trong bộ phim Thủy Hử, nhẹ nhàng nhưng đầy cảm khái. Lâm Xung bị gian thần hãm hại, đày ra Thương Châu. Con người nhẫn nhục và thận trọng này nhất định đòi đoạn hôn, để vợ tự do lấy chồng khác trước khi bước vào hành trình không ngày trở lại. Tại chốn lưu đày, Lâm Xung được phân trông coi thảo trường, đồng không mông quạnh. Trong lều cỏ, vị giáo đầu của tám mươi vạn cấm quân ở Đông Kinh ngồi co ro uống rượu một mình bên đống lửa. Bên ngoài gió lạnh, tuyết rơi… Chàng chợt nhớ lại những kỷ niệm đẹp của tình nghĩa phu thê. Trong cái nghìn dặm chim bay, nghìn dặm năm xưa, trong cả tuyệt vọng cũng le lói một đóm lửa, người anh hùng mạt lộ mơ tới ngày đoàn tụ qua ly rượu… Lâm Xung không thể ngờ chỉ vài canh giờ sau, đóm lửa hy vọng đó sẽ tắt ngúm khi thảo trường bừng bừng cháy. Rượu cũng làm con người hy vọng, một thứ hy vọng hão huyền bi đát. Cái khoảnh khắc hy vọng đó của Lâm Xung mỏng manh và đẹp.

Ảnh: Josh Olalde/Unsplash

Uống rượu một mình ở nhà có khi chỉ vì thấy lòng trống trải, cũng có khi do mang nặng nỗi buồn… Tôi có người bạn ở Mỹ, thường xuyên phải làm ca đêm, lái xe về đến nhà đã ba, bốn giờ sáng. Không muốn làm vợ con thức giấc, chỉ còn nước xách chai rượu ra phòng khách nhâm nhi. Tôi biết điều này, vì thỉnh thoảng y gọi điện thoại về Việt Nam, chớm sáng bên kia là chập tối bên này, có khi cả hai tình cờ đang ly trong tay. Cứ thế mà nói, nói đủ chuyện, chuyện xưa, chuyện nay… Chuyện xưa là chính. Nói để thử thách ký ức, để lấp đầy khoảng trống thời gian.

Uống một mình ở nhà vì mang nặng nỗi buồn thì hơi… phiền. Rượu ngà ngà rồi, con người thường rơi vào trạng thái hoang tưởng lưỡng cực: thật tiêu cực hoặc thật tích cực. Lúc thì giận hờn, khi thì bao dung. Dòng suy tưởng cứ miên man chạy ngược chiều nhau trong suốt cơn say, khi cực này, lúc cực nọ, gậm nhấm nỗi cô đơn giữa hy vọng và tuyệt vọng. Đo lường nhân sinh, hay nhân tình thế thái qua cái nhìn lưỡng cực của men rượu, đôi khi soi gương, chẳng thấy mình đâu, chỉ còn là cái bóng bên ly rượu.

Uống rượu một mình ở nhà đã oải, uống rượu một mình ở quán thì coi như… thầy chạy. Nỗi cô đơn sẽ nhân đôi bởi đó là nỗi cô đơn giữa đám đông. Đám đông giống như phông nền của bức tranh, nỗi cô đơn sẽ vẽ nguệch ngoạc trên đó, chia cắt cái hiện thực của đám đông, có mà như không có.

Tối ba mươi cách nay vài năm, một người bạn rủ tôi ra quán quen gần ngã tư Bảy Hiền, la cà vài ly để xem mùi vị đêm ba mươi Tết ở quán rượu thế nào. Quán khá đông người, đa số là Việt kiều. Dễ nhận ra vì họ thường mặc quần short, đeo “bao tử” (bóp tiền) trước bụng, cười nói hơi to hơn bình thường. Quán có ca nhạc sống, chỉ một cây đàn organ với ca sĩ vườn và ca sĩ thực khách. Chủ quán lăng xăng, đi qua đi lại, kề tai khách quen nói nhỏ, hôm nay hát thả dàn nghen, đã “thông cảm” với phường rồi. Tôi cười, Ông cho ca sĩ chơi bản “Xuân này con không về” đi, tôi mới tin. Chủ quán cho chơi liền… Quán sinh động hẳn lên.

Chủ quán trở lại bàn tôi ra cái điều tay chơi, nói là làm. Đột nhiên ông ghé tai tôi nói nhỏ:

Cái ông ngồi một mình bên bàn kia sắp chết rồi.

– ???

– Bị ung thư thời kỳ cuối. Con cái tranh nhau gia tài nên ổng buồn…

– Sao ông biết?

– Ổng ở gần đây mà. Chiều nào cũng ra đây làm chai bia. Uống bia chứ không kêu mồi. Có một chai mà uống hoài không hết.

Tôi liếc sang bàn bên. Một chai, một ly, không mồi. Người đàn ông nhỏ thó, trong chiếc áo gió, trạc ngoài năm mươi. Tôi tránh nhìn trực diện. Hơi kỳ! Đêm ba mươi Tết, người ta độ lượng hơn, lỡ vấp chân, hay lỡ đổ bia vào nhau cũng chỉ cười xòa… Giờ phút cuối cùng của năm cạn dần. Ban nhạc chơi bản Ly rượu mừng, nhiều người trong quán đứng lên hát theo, cụng ly nhau, có người hào hứng vừa cầm chai vừa nhảy. Tôi cầm ly bước qua bàn bên cạnh, Năm mới chúc anh sức khỏe và bình an. Ông cũng đứng lên, nâng ly và chúc lại. Tiếng nói nhẹ và loãng tan trong cái náo nhiệt của bản Ly rượu mừng. Ông hớp một chút bia, đôi mắt hờ hững xuyên qua đám đông, nhìn mà như không nhìn gì cả. Nỗi cô đơn của ông không còn là những nét nguệch ngoạc, nó đã phủ đầy sơn trên bức tranh rồi.

Cái “chết” vì rượu của Adam chỉ là… giả thuyết, nhưng cái chết của con cháu ông là chuyện có thiệt, chết dài dài, chết ngày này qua tháng nọ, chết vì nhẹ dạ, chết vì tội… tổ tông.

Vậy thì uống rượu có hại không? Tôi nói KHÔNG, nhưng bác sĩ bảo CÓ. Mấy ông bác sĩ thì lúc nào chẳng lải nhải cái gọi là “tác hại của rượu”, nhất là vào dịp Tết, mặc dù mấy cha nội đó nói cũng chẳng có gì… trật. Hải Thượng Lãn Ông đã chẳng từng nói, Bán dạ tam bôi tửu… Lương y bất đáo gia đấy sao! Đệ nhất y sư này còn bảo, sáng một bình trà, tối ba ly rượu là nghỉ chơi bác sĩ được rồi, còn kích cỡ… ly rượu thế nào, không thấy cụ nói tới.

Tôi nhớ trong kinh Cựu Ước có câu (đại khái), bạn mới không bằng bạn cũ, bạn mới cũng giống như rượu mới, để lâu uống mới ngon. Câu này chắc phải hiểu theo nghĩa bóng, chứ trình độ kỹ thuật làm rượu thời nay khác xa hồi xưa. Rượu ngon dở tùy thuộc nhiều yếu tố: đất đai (trồng nho, ngũ cốc…), thời tiết, khí hậu, mùa thu hoạch, rồi giống cây, cách chế biến, kỹ thuật pha trộn các loại rượu… Vang trắng, vang hồng, vang đỏ từ giống nho Chardonnay hay Pignot Noir… Đâu cần để lâu, chừng hơn một năm là xài được. Lâu hơn nữa cũng chỉ vài ba năm thì có Merlot, Cabernet Sauvignon…

Ảnh: Orkhan Farmanli/Unsplash

Đã đành có những loại rượu càng để lâu càng ngon, các loại brandy(4) như Hennessy, Remy Martin, Cognac, Chivas, “Ông già chống gậy”… lâu đời cỡ VSOP, XO, Extra… cỡ chục năm cho đến bảy tám chục năm… Càng lâu năm, càng đắt giá, cả ngàn, vài chục ngàn, thậm chí cả trăm ngàn đôla một chai. Những thứ rượu “khủng” này xuất hiện trong các yến tiệc để tôn vinh lòng tự hào và sành điệu của chủ nhân. Nhưng huynh đệ tương phùng, ba chén rượu chắc không cần tới loại rượu này.

Tình bạn cũng na ná như vậy. Tôi đang nói tới bạn, chứ không phải bè. Có ai đó nói: Friendship isnt a big thing. Its a million little things [Tình bằng hữu chẳng phải (đến) từ cái gì lớn lao, nó (kết tụ) từ trăm điều nhỏ nhặt]. Bạn lâu đời từ hồi ở truồng tắm nước mưa nhiều khi tin mình, mà chẳng cần hiểu mình. Sướng là ở chỗ đó. Nhưng tin mà không hiểu, đôi lúc nó cà khịa, nói bựa, mình cũng phải nhịn. Bạn mới (cũng như rượu vài ba năm) “đồng thanh tương ứng” hơn, như thế đâu phải là… đồ thừa. Ăn thua là ở tấm lòng, cởi mở để đón nhận.

Huynh đệ tương phùng cần tới ba chén rượu, nhưng huynh đệ luận đạo (cần), hai tách trà(1). Vâng, chỉ cần hai tách trà là có thể bàn những chuyện vĩ đại, kinh bang tế thế, hay đi vào cõi âm u nào đó của triết học. Trà dùng tới cái đầu, rượu nấp ở trong tim. Hai tách trà khác xa ba chén rượu.

… Huynh đệ sinh ly, lệ hai hàng
Huynh đệ tử biệt, một cành hoa…(1)

Không sinh ly mà cũng chẳng tử biệt, Tống Giang và Lý Quỳ cùng uống chung bình rượu độc, cùng bước ra khỏi cõi đời bạc bẽo. Đó là một chọn lựa bi thảm. Tôi tiếc cho cái chết ngu trung của Tống Giang, và ngậm ngùi cho cái chết nghĩa khí của Lý Quỳ, chỉ vì Tình huynh đệ chính là rượu không màu…(1)

Hồi đi học, tôi rất khoái câu thơ này của Nguyễn Khuyến:

… Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua.

Khoái bởi vì ông chơi chữ quá hay. Dùng bốn chữ “KHÔNG” trong một câu thơ tám chữ như thế này thì quả là thần sầu. Được cảm thông luôn luôn là nhu cầu của con người. Rượu, xét cho cùng chỉ là phương tiện để “chuyển tải” chất liệu từ trái tim đến trái tim. Người xưa nói: Ẩm tửu dung hòa đích quân tử. Vấn đề là tửu nhập rồi có kiểm soát được chính mình hay không. Nếu ngày nào đó, rượu sẵn trên bàn không màng uống, tiền sẵn trong túi không thiết mua, thì buồn lắm.

Có lẽ ở tuổi nào đó, người ta mới thấm thía được câu thơ: Không mua không phải không tiền không mua.

___________

(1) Ca từ trong nhạc phim Thủy Hử

(2) Phim truyền hình Hồng Lâu Mộng, đạo diễn Vương Phù Lâm (1987)

(3) Phim truyền hình Thủy Hử, đạo diễn Cúc Giác Lượng (2011)

(4) Brandy: rượu mạnh

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: