“Quốc tịch ẩm thực” của Đài Loan

Ảnh: humphrey-muleba-unsplash
Share:

Đài Loan – hòn đảo tự trị với 24 triệu dân có tên chính thức Trung Hoa Dân Quốc – chỉ được khoảng một chục nước công nhận là quốc gia. Tuy nhiên, sự mơ hồ về tư cách quốc gia của Đài Loan không làm cho người dân đảo quốc này dễ dàng chấp nhận việc khước từ bản sắc và định tính dân tộc của họ.

Hơn 60% người dân sống trên đảo luôn nói họ là người Đài Loan (Taiwanese); khoảng 30% tự nhận họ vừa là người Trung Quốc vừa là người Đài Loan; và vỏn vẹn 2.5% xem họ là người Trung Quốc (Chinese) – theo kết quả mới nhất được thực hiện vào Tháng Bảy 2023 bởi National Chengchi University (Quốc lập Chánh trị Đại học; Đài Bắc) trong một cuộc khảo sát hàng năm. 

Với người Đài Loan, trong bối cảnh địa chính trị phức tạp và khi “thân phận” quốc gia họ không được minh tường, điều gì khiến họ nghĩ rằng họ là “người Đài Loan” chứ không phải người Trung Quốc? Làm thế nào họ tạo ra những câu chuyện riêng của dân tộc để gắn kết với danh tính quốc gia họ? Và làm thế nào để họ vừa khước từ “định tính Trung Quốc” (ở đây được hiểu là sự chối bỏ “định tính cộng sản” Trung Quốc) trong khi vẫn không ngoảnh mặt hoặc phớt lờ với di sản Trung Hoa trong máu thịt mình?

Với nhiều người Đài Loan, “câu chuyện” mà họ muốn kể để cho thế giới biết họ là ai chính là ẩm thực, một trong những đặc điểm nổi bật của Đài Loan, nếu không kể đến… ngành công nghiệp bán dẫn lừng danh thế giới của họ. Với người Đài Loan, việc đẩy mạnh yếu tố văn hóa ẩm thực, nhấn mạnh sự khác biệt của “ngôn ngữ ẩm thực” Đài Loan với ẩm thực Hoa Lục (và cũng khác với ẩm thực truyền thống của những địa phương nổi tiếng chẳng hạn Tứ Xuyên hoặc Thượng Hải…), chính là cách để khẳng định một thứ căn cước quốc gia riêng biệt của mình. 

Với người Đài Loan, văn hóa ẩm thực là yếu tố trong việc nâng cao ý thức bản sắc (ảnh: Unsplash)

Khoảng một thập niên trở lại đây, giới chủ nhà hàng, nhà văn và thậm chí học giả Đài Loan đã bắt đầu quảng bá khái niệm “quốc tịch” của ẩm thực Đài Loan, làm sống lại văn hóa ẩm thực cao cấp truyền thống khi kết hợp sản phẩm và nguyên liệu địa phương vào cách chế biến và nấu nướng.

Nói cách khác, họ muốn định hình một nền văn hóa ẩm thực khác biệt với văn hóa ẩm thực Trung Quốc, làm nổi bật bản sắc Đài Loan. Qua ẩm thực, người Đài Loan muốn thế giới phải nhìn họ như là một quốc gia, hoặc ít nhất là một nền văn hóa riêng của Đài Loan. Yu-Jen Chen, nhà sử học ẩm thực thuộc Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan ở Đài Bắc, viết trong một cuốn sách năm 2020: “Trong nhiều năm, ‘quốc tịch’ của Đài Loan là một khái niệm mơ hồ. Và điều đó làm cho câu hỏi ‘Ẩm thực Đài Loan là gì’ trở nên đặc biệt thú vị.” 

Gà chiên nước mắm theo phong cách Đài Loan (ảnh: Unsplash)

Thử nêu một ví dụ. Ian Lee là chủ sở hữu và bếp trưởng của Nhà hàng HoSu ở Đài Bắc. HoSu có nghĩa là “hòn đảo tốt” trong tiếng Đài Loan, và Ian Lee sử dụng thực đơn để thể hiện tình yêu của mình đối với vùng đất Đài Loan, nhấn mạnh đến sản vật, địa hình và hương thơm của hòn đảo này.

Một trong những món ăn của Lee, cá nướng khói, lấy cảm hứng từ cách nấu ăn của người Atayal, một trong nhiều nhóm thổ dân ở Đài Loan. “Tôi muốn người khác thấy Đài Loan tuyệt vời và sôi động như thế nào bằng cách kể những câu chuyện về quê hương chúng tôi,” Ian Lee cho biết, và nói thêm: “Chúng tôi phải đẩy mạnh yếu tố văn hóa ẩm thực quốc gia để cuối cùng bản sắc dân tộc có thể xuất hiện.”

Ở Đài Loan, việc đề cao văn hóa ẩm thực như một định tính dân tộc thật ra từng xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, khi người Đài Loan muốn dùng ẩm thực để phân biệt với ẩm thực của những kẻ cai trị đến từ Nhật Bản. Tuy nhiên, “ẩm thực Đài Loan” là gì? Như thế nào gọi là “ẩm thực Đài Loan?”

Một lần, Ching-yi Chen – một nhà văn ẩm thực ở Đài Bắc – yêu cầu những người dự một sự kiện mang theo một món được xem là đặc trưng của ẩm thực Đài Loan. Một phụ nữ ở độ tuổi 20 mang đến món đậu phụ mapo nổi tiếng (麻婆豆腐 – ma bà đậu hủ), có nguồn gốc từ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, nơi cô từng sống thời niên thiếu. Một chính trị gia lớn tuổi ủng hộ độc lập mang đến một bát miến lươn. Đó là món ăn từ Đài Nam, thành trì của Đảng Tiến bộ Dân chủ cầm quyền, đảng thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc Đài Loan.

Với Ching-yi Chen, cả hai món ăn đều đủ tiêu chuẩn gọi là ẩm thực Đài Loan. Chen nói: “Bất cứ thứ gì trên vùng đất này được biến đổi và mang một hình thức hoặc cuộc sống mới đều có thể được gọi là ‘ẩm thực Đài Loan”. Bà Chen chỉ ra sự phổ biến của súp miso trong các bữa ăn của người Đài Loan, một dấu tích của chế độ thực dân Nhật Bản.

Ở Đài Loan, súp có thể ăn kèm với mì lạnh, bánh bao gạo nếp và thậm chí cả thịt viên – kiểu ăn mà người Nhật sẽ cho là quái lạ. Chen nói: “Sự biến đổi theo cách riêng phù hợp với khẩu vị người Đài Loan khiến súp miso trở thành một món ăn mới và là một phần của ẩm thực Đài Loan”. 

Thức ăn được chế biến cầu kỳ và tinh tế bằng “ngôn ngữ” Đài Loan (ảnh: Unsplash)

Xét đến vấn đề bản sắc, điều khó khăn nhất là làm thế nào để dung hòa với di sản Trung Hoa. “Đối với tôi, chính phủ Trung Quốc và tổ tiên Trung Hoa của tôi là hai thứ riêng biệt,” bà Chen nói. “Chúng tôi luôn muốn tránh xa chính phủ Trung Quốc, nhưng hầu hết người Đài Loan có lẽ sẽ không đi xa đến mức từ bỏ luôn cả tổ tiên họ.”

Trong thực tế, đa số người Đài Loan vẫn tôn trọng và thậm chí gìn giữ di sản văn hóa Trung Hoa cội nguồn. Đường phố Đài Bắc có thể giống như bất kỳ thành phố nào ở miền Nam Trung Quốc. Hầu hết mọi người nói tiếng Quan Thoại mặc dù phương ngữ Đài Loan đang trở nên phổ biến. Nhiều con đường và địa danh được đặt theo tên các tỉnh Trung Quốc. Nhiều nhà hàng Đài Bắc vẫn bán các món ăn Tứ Xuyên, Hồ Nam và Thượng Hải…

Nguồn gốc Trung Hoa vẫn không khiến Đài Loan giống với Trung Quốc lục địa (ảnh: Unsplash)

Trong các cuộc tranh luận chính trị, những người theo chủ nghĩa dân tộc Đài Loan thường nhấn mạnh sự tồn tại của các nhóm bản địa như một bằng chứng cho thấy Đài Loan có nguồn gốc độc đáo, trong đó văn hóa Trung Hoa chỉ là một phần.

Trong cuốn sách của mình, nhà sử học ẩm thực Yu-Jen Chen viết, dù các nhóm bản địa chỉ chiếm 2% dân số Đài Loan nhưng họ là một phần quan trọng trong câu chuyện lịch sử liên quan bản thể quốc gia Đài Loan. Với ông chủ nhà hàng Ian Lee hoặc nhiều người Đài Loan khác, văn hóa ẩm thực là một phần có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao ý thức bản sắc. Càng nhấn mạnh bản sắc dân tộc thông qua căn cước ẩm thực, người ta càng xây dựng được nhiều hơn sức mạnh giúp chống lại sự áp chế từ bên ngoài. 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: