Đi du lịch có nhiều cái thú, và thưởng thức món ngon thuộc loại truyền thống nổi tiếng ở một điểm đến xa lạ là một trong những cái thú ấy. Vậy thì khi du lịch Mie, một tỉnh ở miền Trung nước Nhật, gần thành phố cảng Nagoya, bạn sẽ nếm món ngon nào? Thưa đó là thịt bò Matsusaka. Khi bạn chưa nếm qua thịt bò này thì đừng tin những lời rao truyền rằng thịt bò Kobe là ngon đệ nhất thế giới.
Như nhiều du khách khác, tôi cũng chẳng được trông thấy con bò với lớp lông đen mịn nào trong những ngày chu du qua nhiều thành phố của tỉnh Mie ở miền Trung nước Nhật. Thế nhưng nơi đây chính là vùng đất sản sinh ra những con bò rất đặc biệt góp phần làm cho ẩm thực Nhật vang danh toàn cầu. Nói cho chính xác hơn thì những con bò lông đen cung cấp những tảng thịt hoàn hảo nhất đều được cho ăn no, vỗ béo ở trong các trang trại quanh thành phố Matsusaka của tỉnh Mie.
Muốn biết người dân thành phố Matsusaka với dáng vẻ rất bình yên, hiền hòa, ngăn nắp và cực kỳ sạch sẽ “yêu” đàn bò của họ đến mức nào thì chẳng có gì khó. Cứ rảo bước trên con phố chính thì bạn thấy ngay những viên gạch vuông góc lát lòng lề đường đều có hình con bò đen thật rõ nét bên cạnh hình khung cửi dệt lụa. Vì thịt bò và lụa tơ tằm chính là hai “kho tàng” có truyền thống lâu đời và quý giá nhất của Matsusaka.
Chúng tôi được mời vào một nhà hàng có diện tích khiêm tốn nhưng được giới thiệu là nơi phục vụ món bò Matsusaka nướng trên đá hun nóng thuộc loại ngon nhất thành phố. Những lát bò hồng đỏ cắt mỏng thật đều đặn trông thật đẹp với chi chít những đường vân mỡ mịn màng được đặt lên viên đá nhẵn thín trên một cái bếp nhỏ đặt trước từng thực khách. Bò nướng vừa chín tới, chấm với nước đậu tương pha chút xíu dấm chua ăn thật thơm ngon. Miếng thịt thật mềm như tan chảy từ từ. Vị thịt bò ngọt nhẹ, không chút xíu gây béo.
Và như các bạn đồng hành, tôi cảm nhận được ngay rằng thịt bò Matsusaka thật khác lạ đối với những ai đã từng phải “đánh vật” với miếng steak vĩ đại ở một nhà hàng BBQ nào đó tại Houston, Texas, tiểu bang Mỹ từ lâu nổi tiếng với nghề chăn bò. Cũng khác hoàn toàn với những tảng thịt bò Angus nướng than củi từng nếm ở London bên phương Tây; ở Sydney và ở Aukland tận cùng phía dưới địa cầu…
Tôi đã có một câu hỏi thật “hồn nhiên” gửi đến chủ nhà hàng, một phụ nữ Nhật lớn tuổi nhưng cung cách phục vụ khách vẫn rất khéo léo nhẹ nhàng, rằng: “Đây là bò Kobe hay là bò Wagyu?”. Câu trả lời là một bài học bổ sung vào kho tàng kiến thức ẩm thực thế giới. “Thưa đây là thịt bò Matsusaka, loại thịt bò chất lượng cao nhất trong bốn giống bò giá trị nhất của Nhật. Tất cả loại bò Nhật đều gọi chung là wagyu, tính từ Wa có nghĩa là Nhật còn gyu có nghĩa là bò”. Chất lượng thịt bò wagyu Nhật tính theo mức độ các vân mỡ tỏa lan được phân định từ 1 đến 12 điểm; và trong khi thịt bò Kobe thường có điểm 6 thì thịt bò Matsusaka luôn đạt điểm 10-12! Một bữa ăn với thịt bò Matsusaka sẽ khiến túi tiền của bạn nhẹ đi từ $45 đến $140. Nhưng đó là giá cách nay ba năm; bây giờ chắc mắc hơn vì những khó khăn trong dây chuyền cung ứng thực phẩm thời đại dịch vẫn chưa kết thúc.
Thì ra bò Matsusaka được nuôi cách ly với đám đông du khách có lý do của nó: Tránh lây nhiễm, lan truyền bệnh. Chúng được nuôi rất kỹ, được săn sóc như những thành phần trong gia đình nên con nào cũng có tên gọi riêng. Không như chúng bạn ở bên Thụy Sĩ được thả rong trên các sườn núi vào mùa xuân và mùa hè, bò Matsusaka chỉ ăn no, ngủ kỹ trong những không gian rất vệ sinh, có mái ngói che nắng mưa không khác gì với mái ngói trên nóc nhà chủ nhân của chúng.
Còn nghe kể rằng chúng được cho nghe nhạc enka cực kỳ êm nhẹ, được cho uống bia, uống sake và được xoa bóp, mát-xa đều đặn để lớp mỡ dưới da tan hòa vào các thớ thịt! Lại nghe kể rằng, hàng năm, cứ vào Tháng Mười Một, các nhà nông trong vùng đưa bò mình nuôi đến buổi đấu giá, có con bán được 30 triệu Yen là chuyện bình thường. Vào năm 2002, có một con bò Matsusaka tên Yoshitoyo lập kỷ lục bán được đến 50 triệu Yen (khoảng $432,000)!
Mà đâu có phải bất cứ con bò nào cũng được chọn nuôi để trưởng thành thành bò Matsusaka bán được nhiều tiền. Trước nhất, nó phải là bò thuộc giống lông đen kuroge washu (ba giống còn lại là bò lông nâu đỏ, bò sừng ngắn và bò lông đốm); là bò cái và chưa hề một lần tiếp chàng bò đực nào cả. Một con bò con 7-8 tháng tuổi thường có giá khoảng 500,000 Yen, được chủ trại mua về cho ăn đậu nành, lúa mì, lúa mạch và rơm trong thời gian 900 ngày để đạt trọng lượng từ 600 kg trở lên. Không tính tiền thuốc men, tiền công bác sĩ thú y… thì chỉ riêng tiền lương thực cũng đã khiến chủ trại tiêu hết khoảng 500,000 Yen cho mỗi con bò trong thời gian ấy.
Không còn lát thịt bò nào trong cái khay nhỏ mà vẫn còn thòm thèm nhưng ngần ngại không dám gọi thêm, tôi đành chờ đến bữa tối với hy vọng sẽ lại được tiếp tục thưởng thức thịt bò Matsusaka. Và thực tế là đã được thỏa mãn như ý với những món shabu-shabu, sukiyaki – cũng là một bài học về cung cách ẩm thực Nhật. Ngày ra phi trường Centrair chuẩn bị trở về Sài Gòn, khi rảo bước trong nhà ga sạch đẹp rộng thoáng được xây dựng trên hòn đảo nhân tạo ngoài khơi thành phố Nagoya (từng được tổ chức nghiên cứu đánh giá vận chuyển hàng không quốc tế Skytrax vinh danh là phi trường khu vực đầu tiên trên thế giới được gắn năm sao vào năm 2017), tôi trông thấy trong tủ kính của một shop nọ là những khay thịt bò Matsusaka được đóng gói thật đẹp, sẵn sàng ra đi trong túi xách tay của hành khách quốc tế…
Bài và ảnh: P. Nguyễn Dũng