Dưa leo muối chua là món ăn kèm cho bánh mỳ, bánh chưng, cơm với thịt kho, cá kho, giúp ngon miệng mà không bị ngán. Nhất là vào mùa đông, có sẵn hũ dưa leo muối thật tiện, bạn không phải lái xe ra ngoài mà vẫn có món “mồi” thật bắt để nhâm nhi với một ly bia.
Dưa leo lại là một nguyên liệu rất dễ tìm – đây là loại trái được trồng ở nhà khá dễ dàng – và cách làm thì đơn giản. Nên hãy bắt tay làm một hũ to dưa leo muối, để có thể để chia ra các hũ nhỏ dành ăn dần hoặc chia cho bạn bè hay người thân.
Bước 1 – Chọn dưa leo
Hái dưa leo nếu bạn có sẵn trong vườn nhà. Nếu không, thường trong mùa dưa leo, những người làm vườn rất muốn chia sẻ thu hoạch của mình đấy.
Khi cần mua dưa leo, Kirby là lựa chọn hoàn hảo cho món dưa chua vì nó sẽ giữ được độ giòn hấp dẫn trong khi dưa leo Anh mềm hơn một chút. Dưa leo Ba Tư, loại có vỏ mỏng hơn, cũng là một lựa chọn tốt khác.
Một lưu ý quan trọng khác là chọn dưa leo lớn đều, cứng và đủ chín, tránh những loại trái quá chín hoặc còn xanh.
Bước 2 – Chuẩn bị dưa leo
Rửa dưới vòi nước rồi ngâm dưa leo trong nước muối loãng một lúc trước khi muối để loại bỏ bụi bẩn và hóa chất.
Có thể để nguyên trái hoặc cắt dưa leo theo hình dạng và kích thước tùy thuộc vào sở thích cá nhân và mục đích sử dụng.
Bước 3 – Chọn hương vị
Dưa leo muối của bạn có thể có nhiều hương vị khác nhau tùy thuộc vào những gì bạn trộn vào.
Đối với dưa chua thì là, tất nhiên bạn sẽ cần thì là, nhưng thông thường hương liệu đến từ hạt thì là chứ không phải lá thì là tươi.
Hãy thử một ít tỏi, ớt đỏ, hạt tiêu đen hoặc màu, hạt mù tạt hoặc hạt cần tây. Đối với dưa chua ngọt, bạn cũng có thể thêm ¼ chén đường, tùy khẩu vị. Nhiều người còn thích trộn thêm ớt chuông và hành tây.
Bước 4 – Làm nước giấm muối
Có thể dùng giấm táo, giấm gạo hoặc giấm rượu vang trắng. Mỗi loại giấm đều mang những đặc điểm riêng của nó. Giấm táo là loại giấm truyền thống và mang lại nhiều hương vị nhất nhưng cũng làm cho dưa chua bị sẫm màu. Giấm trắng mang lại hương vị đậm đà hơn và ít màu hơn. Cho dù bạn quyết định chọn loại giấm nào, hãy bảo đảm nó có độ acid từ 5% trở lên.
Sau đó thêm muối ngâm hay còn gọi là muối đóng hộp.
Để tham khảo, một pound rưỡi dưa chuột sẽ cần một chén giấm, một chén nước và một muỗng cánh rưỡi muối.
Cho ba nguyên liệu này cùng với các loại gia vị và đường mà bạn chọn vào nồi và đun sôi và để nguội hoàn toàn trước khi cho dưa leo vào.
Pha nước muối nhiều hay ít sao cho phù hợp với lượng dưa chua bạn muốn làm. Lưu ý rằng ngâm nước muối là một quá trình nên kỹ thuật này có thể được sử dụng cho bất kỳ loại rau nào khác mà bạn muốn muối, như củ cải đường, cà rốt, súp lơ hoặc hành tím.
Dưa leo muối có thể ăn được sau vài ngày ngâm trong nước muối giấm, nhưng hương vị vẫn tiếp tục được cải thiện khi ngâm. Bạn có thể ngâm dưa chua trong hộp phi kim loại trong tủ lạnh trong vài tuần. Bạn cũng có thể tái sử dụng nước muối cho mẻ tiếp theo.
Bước 5 – Bảo quản dưa
Sau khi muối dưa chua, cho vào lọ thủy tinh, chọn nơi khô ráo, tối và mát mẻ để bảo quản. Cho vào tủ lạnh sau khi mở lọ để dùng được lâu hơn.
(theo Do It Yourself)