1.
Trong khi Nga đang sa lầy ở Ukraine, Tổng Thống Joe Biden chế nhạo ông Putin là đã không thể tới Kyiv, và rằng người đặt chân tới thủ đô của Ukraine lại chính là ông.
Hẳn ông Biden đã đúng khi chế diễu Putin như thế. Bởi khi phát động cuộc xâm lược Ukraine, Putin đâu ngờ rằng cuộc xâm lược của ông ta không hề kết thúc trong vài ngày như dự định mà lại kéo dài tới tận bây giờ, tức không phải 3 ngày mà là 3 năm và xem ra chưa biết bao giờ mới kết thúc để Nga có thể thoát khỏi vũng lầy Ukraine trong danh dự.
Mặt khác, Moscow đang tỏ ra lo lắng trước việc ông Trump nhiều khả năng sẽ thâu tóm được Greenland. Theo một cuộc thăm dò bỏ túi của Patriot Polling, hơn một nửa cư dân Greenland ủng hộ việc hòn đảo này sáp nhập vào Mỹ. Một cuộc khảo sát nhỏ có thể không nói lên được điều gì, nhưng chính lời tuyên bố của người đứng đầu Greenland là Mute Egede lại có nhiều ý nghĩa. Đó là: “Greenland của người Greenland”. Điều này có nghĩa là Greenland không phải của Đan Mạch. Mà một khi Greenland không phải của Đan Mạch thì ông Trump hầu như sẽ không gặp khó khăn gì đáng kể để làm hòn đảo này trở thành một phần của nước Mỹ. Chỉ cần một cuộc trưng cầu dân ý của cư dân trên đảo vốn chỉ 57 ngàn người, là Mỹ có thể được toại nguyện. Bởi Mỹ hoàn toàn có thể khuynh loát cuộc trưng cầu dân ý đó để đạt kết quả có lợi cho mình. Lên Mặt Trăng mà Mỹ còn làm được nữa kia.
Ông Mute Egede từng nói: “Greenland không phải để bán.” Và xem ra Mỹ cũng không cần phải mua Greenland cho tốn tiền, mà chỉ cần một cuộc trưng cầu dân ý thuận lợi cho mình là hòn đảo này tự khắc sẽ thuộc về Mỹ. Moscow hẳn đoán được điều này nên không giấu được sự lo lắng bằng cách cảnh báo Mỹ “hãy tránh xa Greenland, không được vi phạm luật pháp quốc tế.” Nghĩa là Moscow đang sợ phải uống một ly cà phê đắng nghét. Bởi nếu Mỹ sở hữu được Greenland thì đó sẽ là một thất bại lớn về địa chính trị cho Nga.
Lời cảnh báo của Moscow khiến người ta phải phì cười, bởi một kẻ bất lương như Nga thì làm gì có tư cách nói đến luật pháp quốc tế. Dẫu sao người ta cũng nên vui mừng vì những tên lưu manh ở Moscow cuối cùng cũng biết đến luật pháp quốc tế!
2.
Chủ Tịch Hạ Viện Mike Johnson khẳng định Điện Capitol vẫn thượng cờ trong ngày nhậm chức của ông Donald Trump, dù Tổng Thống Joe Biden đã hạ lệnh treo cờ rủ cho tới ngày 28 Tháng Giêng 2025 để tưởng nhớ cố Tổng Thống Jimmy Carter.
Ông Johnson nói: “Vào ngày 20 Tháng Giêng, cờ tại Điện Capitol sẽ được treo cao hoàn toàn để kỷ niệm đất nước đoàn kết nhân lễ nhậm chức của ông Donald Trump, vị Tổng Thống thứ 47 của nước Mỹ. Cờ sẽ được hạ xuống vào hôm sau để tiếp tục vinh danh TT Jimmy Carter.”
Được biết, Thống Đốc Greg Abbot của Texas, hôm 13 Tháng Giêng thông báo rằng các lá cờ Mỹ tại tòa nhà Quốc Hội của tiểu bang ở Austin và tại tất cả các tòa nhà văn phòng của tiểu bang cũng sẽ được kéo cao hoàn toàn vào ngày 20 Tháng Giêng để chào mừng lễ nhậm chức của ông Trump.
Thiết nghĩ, việc Điện Capitol và Texas (có thể sẽ có các tiểu bang khác nữa) không treo cờ rủ vào ngày nhậm chức của ông Trump là không có gì quá đáng. Bất quá chỉ trong một ngày thôi. Phàm làm chính trị thì không nên cứng nhắc mà cần có sự uyển chuyển. Việc ông Biden yêu cầu treo cờ rủ cả trong ngày nhậm chức của ông Trump có thể nói là cứng nhắc, chỉ gây mất đoàn kết trong nội bộ nước Mỹ.
Điều người ta thực sự mong đợi là ông Trump, với tư cách là tổng thống, sẽ thực thì một chính sách đối nội và đối ngoại mềm dẻo. Về đối nội thì chưa biết thế nào, nhưng về đối ngoại thì ông đã cho thấy mình không phải là kẻ cứng nhắc khi không hề có ý cắt viện trợ cho Ukraine như từng hăm he mà ngược lại, đang có dấu hiệu muốn tăng cường sức mạnh và vị thế của Ukraine trước những cuộc đàm phán sắp tới với Moscow.
Và nước Mỹ có tiếp tục vĩ đại hay không là tùy vào các chính sách của ông.