1.
Trong một cuộc phỏng vấn với Kênh 14, cựu Ngoại trưởng Ukraine là ông Dmytro Kuleba tiết lộ rằng trước khi chiến sự bắt đầu, TT Biden đã nhận được một tài liệu từ các cơ quan tình báo Mỹ, nêu rõ rằng Ukraine sẽ sụp đổ.
Theo ông Kuleba, TT Biden đã cân nhắc thành lập một chính phủ Ukraine lưu vong vì lý do đó. Song thực tế đã chứng minh tình báo Mỹ đã sai khi nhận định như thế. Nghĩa là phía Mỹ đã đánh giá quá cao khả năng của Nga và đánh giá quá thấp lòng yêu nước của người Ukraine. Sau gần 3 năm chiến đấu với kẻ thù Nga mạnh hơn mình gấp bội phần, Ukraine vẫn đứng vững. Chẳng có chính phủ Ukraine lưu vong nào được thành lập khi mà ngay tại Kyiv đã có một chính phủ Ukraine kiên cường được đứng đầu bởi TT Zelensky. Chính phủ này đã anh dũng lèo lái đất nước qua mọi bão táp của chiến tranh.
Trong khi đó, Nga dù vẫn mạnh miệng, lại cho thấy chính họ đang suy yếu và phải cần tới sự hỗ trợ của hàng ngàn quân Bắc Hàn hòng chống lại Ukraine vốn có quân số ít hơn hẳn quân Nga.
Trong khi chiến trường Ukraine đang rực cháy thì ở Nghị viện Âu châu, Chủ tịch EC là bà Von der Leyen được cho là đã tát thẳng vào mặt Thủ tướng Hungary Viktor Orban bằng bài diễn văn nẩy lửa của mình : “Vẫn còn một số người cho rằng cuộc chiến này không phải do kẻ xâm lược gây ra mà do kẻ bị xâm lược, không phải vì tham vọng của Putin mà vì lòng khát khao tự do của Ukraine”.
Rồi, nhìn thẳng vào mặt Viktor Orban, bà nói : “Tôi muốn hỏi họ rằng liệu họ có bao giờ đổ lỗi cho người Hungary về cuộc xâm lược của Liên Xô năm 1956 không? Hay người Séc và Slovakia vì sự đàn áp của Liên Xô năm 1968?”.
Chẳng biết sau khi nhận cái tát đau điếng từ bà Von der Leyen, ông Viktor Orban có tỉnh ra chút nào không, hay vẫn tiếp tục làm cái đuôi cho Moscow?
2.
Có ý kiến cho rằng việc ông Trump thắng cử có thể có lợi cho Ukraine hơn là bà Harris, vì chính quyền của TT Trump, với đảng Cộng hòa kiểm soát cả hai viện Quốc Hội, sẽ là một chính quyền rất mạnh, không như chính quyền Biden.
Nhiều khả năng chính quyền Trump sẽ tiếp tục viện trợ hoặc cho Ukraine vay, mà không vấp phải sự chống đối của lưỡng viện. Vả chăng, tiền viện trợ (hoặc cho vay) không chảy sang Ukraine mà vẫn ở trong nước, nơi các nhà máy sản xuất vũ khí cho Ukraine. Nếu cắt viện trợ, các nhà máy này sẽ phải đóng cửa. Như thế sẽ không tốt cho kinh tế Mỹ.
Rốt cuộc, việc ông Trump thắng cử chưa hẳn là điều dở cho Ukraine mà có khi ngược lại. Đời luôn có những thứ tưởng dở mà hóa hay, tưởng hay mà hóa dở.
Nếu Ukraine tiếp tục nhận được hỗ trợ từ chính quyền Trump thì có lẽ bà Harris sẽ rất vui, không còn mấy u sầu vì thất bại của mình trước ông Trump.
Trong khi đó, trước thông tin lính Bắc Hàn có mặt ở Nga, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh “cần tránh bất kỳ việc quốc tế hóa nào” cuộc xung đột ở Ukraine.
Ông Guterres bày tỏ “rất quan ngại” về thông tin lính Bắc Hàn được triển khai đến khu vực chiến sự Ukraine. Ông này cho rằng việc triển khai như vậy sẽ là “bước leo thang nguy hiểm” cuộc chiến ở Ukraine, và rằng cần có “những nỗ lực có ý nghĩa để chấm dứt xung đột”.
Vậy là ông Tổng thư ký này vẫn chứng nào tật nấy. Mới hôm nào ở Thượng đỉnh BRICS tổ chức ở Kazan, thay vì nói thẳng “Nga phải rút hết quân khỏi mọi khu vực của Ukraine mà Nga đang chiếm đóng ngay tức khắc và vô điều kiện”, thì ông lại nói hoa mỹ là “hòa bình công bằng cho Ukraine theo Hiến chương LHQ, theo luật quốc tế và theo nghị quyết của Đại hội đồng LHQ” khiến ai cũng nhún vai xem thường.
Giờ đây, thay vì tiếp tục nói những từ hoa mỹ “rất quan ngại”, “bước leo thang nguy hiểm”, “tránh bất kỳ sự quốc tế hóa nào”… thì ông Guterres nên nói thẳng “quân Bắc Hàn phải rút về nước ngay lập tức” cho dễ hiểu và không dài dòng.
Hay là ông Tổng thư ký này nói cong nói quẹo quen rồi nên không còn biết nói thẳng là gì?!