Chuyện Đông chuyện Tây: Những kẻ đáng chết

Nghĩa trang quân đội mới ở Ukraine (Ukr Russi)

1.

New York Times từng có một bài báo khiến người đọc phải cay đắng về sự nghiệt ngã của chiến tranh.

Bài này viết : “ ở những vùng vừa tái chiếm từ tay quân Nga, binh sĩ Ukraine lo thu hồi hài cốt của những người lính Ukraine đã hy sinh trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến. Họ chỉ còn là những bộ xương.

Một người lính tên Maksim chỉ vào một túi trà do Nga sản xuất, nói : “Tên lính Nga này không có thời gian để uống trà”!

Người lính Nga này có thể đã chết trận. Và anh ta sẽ không bao giờ còn có thời gian để uống trà, cái thú vui nho nhỏ mà anh ta hằng ngày vẫn được hưởng khi còn ở quê nhà. Hàng vạn người lính Nga, hàng vạn người lính Ukraine cũng thế. Họ cũng sẽ không bao giờ còn được hưởng cái thú uống trà, ngắm bình minh lên hay hoàng hôn xuống khi mà linh hồn đã lìa xa cõi thế vì cuộc chiến này. Chạnh nhớ bài hát “Người Lính Trẻ” của Phạm Duy :

Người lính trẻ chết trận chiều qua|
Nên trăng sao vụt tắt chẳng ngờ
Người lính trẻ chết trận hồi mơi
Nên hôm nay chẳng có mặt trời…

2.

Cuộc chiến Nga – Ukraine đã kéo dài ngàn ngày.

Hàng vạn binh sĩ hai bên đã bỏ thây nơi chiến địa. Đây là cuộc chiến mà hoàn toàn có thể không xảy ra nếu nước Nga không bị cai trị bởi một kẻ độc tài hoang tưởng như Putin. Cuộc chiến Việt Nam cũng thế, hoàn toàn có thể đã không xảy ra nếu ngày đó miền Băc không bị cai trị bởi những kẻ độc tài thích giết chóc : “Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ” ( Tố Hữu ).

Cái chết nào cũng đều mang lại nỗi đau cho gia đình, bè bạn. Máu xương nào cũng đều là máu xương con người, bất kể là máu xương người Ukraine hay người Nga, bất kể là máu xương người miến Nam hay người miền Bắc VN.

Càng nghĩ càng thấm thía mấy vần thơ của Trần Mộng Tú :

Anh tặng em màu máu
Trên áo trận sa trường
Máu anh và máu địch
Xin em cùng xót thương

3.

Báo Sài Gòn Nhỏ từng đăng truyện ngắn “Chuông Ma Thành Cổ”.

Truyện ngắn này dựa theo câu chuyện có thật về một cái chuông ở thành cổ Quảng Trị. Cho tới nay, dù đã nhiều lần được sửa chữa, chiếc chuông này vẫn phát ra âm thanh khò khè một cách nặng nề đến khó hiểu.

Người dân ở đây gọi nó là “chuông ma”. Theo họ, tất cả các loại chuông trong thành phố, từ chuông ở bờ bắc sông Thạch Hãn, chuông ở nhà thờ Trí Bưu… dù nằm cách xa nhiều cây số nhưng vẫn có thể nghe rất rõ. Nhưng “chuông ma” dù ngay sát bên lại kêu nặng trình trịch, nghe phát bực.

Người trực tiếp đúc chuông này, còn gọi là Đại Hồng Chung, là ông Nguyễn Văn Sinh, nghệ nhân bậc thầy về đúc chuông. Ông cho biết từng đúc nhiều loại chuông và tất cả đều cho âm thanh đúng chuẩn. Ông nói : “Trước khi bàn giao sản phẩm, chúng tôi đã tiến hành thử chuông và cho kết quả như ý. Tuy nhiên khi đem chuông về gắn lên tháp bê tông gần Thành Cổ thì âm thanh lại thay đổi tệ đi”.

Đặt Đại Hồng Chung cạnh bờ sông Thạch Hãn và di tích Thành Cổ, có lẽ chính quyền mong tiếng chuông trở thành tiếng chiêu hồn dẫn dắt các linh hồn siêu thoát. Thế nhưng kết quả lại không như ý muốn.

Đến nay, vẫn không ai có thể đưa ra cách lý giải thuyết phục vì sao “chuông ma” lại có tiếng kêu như lời than khóc. Một phụ nữ địa phương nói : “Thời chiến, người chết ở đây nhiều vô kể. Đa số họ là những người lính trẻ của cả hai bên, nên bây giờ thiêng lắm. Họ còn vướng cõi trần nên bịt kín tiếng chuông, không cho âm thanh thoát ra”.

Phải chăng đó là cách giải thích đúng nhất cho “chuông ma Thành Cổ”?

4.

Trong những ngày này khi Ukraine đang chìm trong khói lửa, chợt muốn đọc lại “Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh” của Erich Maria Remarque.

Đây là một tiểu thuyết xuất sắc viết về đề tài phản chiến. Tác phẩm này được viết dưới dạng hồi ký của một người lính Đức tên Paul Baumer kể về cuộc chiến đấu và những nỗi kinh hoàng mà anh ta và đồng đội đã trải qua trong các chiến hào tại Mặt trận phía Tây của Thế chiến thứ Nhất.

Có một lần quân Đức đánh tan một cuộc tấn công của đối phương. Paul đâm chết một người lính Pháp và chứng kiến cảnh hấp hối đau đớn của anh ta. Paul cảm thấy đau xót và xin cái xác ấy tha lỗi cho mình : “Này anh bạn, tớ có muốn giết cậu đâu…”.

Rốt cuộc, chỉ những kẻ đầu sỏ gây nên chiến tranh chính là những kẻ đáng chết, chứ không phải những chàng lính trẻ!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: