1.
Sau khi TT Joe Biden gỡ bỏ hạn chế về sử dụng tên lửa tầm xa và tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine , Điện Kremlin cáo buộc Mỹ đang tìm cách kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine.
Rõ là Nga nói đúng. Là vì nếu không có hỗ trợ quân sự dồi dào của Mỹ, cũng như của các đồng minh NATO, thì hẳn Ukraine đã bại trận từ lâu, chứ đâu trụ được tới giờ này. Nhưng có một điều còn đúng hơn nữa, đó là nếu muốn xung đột kết thúc sớm thì Nga chỉ cần rút quân khỏi Ukraine, trả lại đất đai đã chiếm cho Ukraine là xong. Đơn giản thế thôi. Trước thời điểm 24 Tháng Hai năm 2022, làm gì có xung đột nào. Xung đột hiên tại là do Nga, với cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, gây ra chứ không phải ai khác. Máu lửa chiến tranh hiện tại là do Nga gây ra chứ không phải ai khác.
Nga cho rằng cuộc xung đột sẽ kết thúc khi Nga giành chiến thắng. Câu hỏi đặt ra là khi nào Nga sẽ giành chiến thắng trước Ukraine, một đất nước nhỏ bé nhưng kiên cường. Chắc chắn Putin sẽ ú ớ trước câu hỏi này. Nếu đặt câu hỏi như vậy cho Putin vào thời điểm 24 Tháng Hai năm 2022, có lẽ ông ta sẽ đáp một cách tự tin rằng : “Nga chỉ cần 3 ngày là chiếm hết Ukraine”. Nhưng giờ đây, gần 3 năm đã trôi qua mà Nga vẫn chưa thể khuất phục được Ukraine. Nga thực sự đang tiến thoái lưỡng nan. Ukraine tưởng dễ nhai mà nhai không dễ, lại còn mắc nghẹn.
Sau khi kêu gọi phụ nữ Nga sinh nhiều con, Putin nói Nga có thể chiến đấu ở Ukraine 10 năm. Nghĩa là ông ta muốn Nga dứt khoát phải thắng. Không nhanh thì chậm. Không sớm thì muộn. Không có chuyện Nga thua. Ai bảo Nga sẽ thua là không hiểu gì về ông ta. Với Putin, Nga nhất định thắng, Ukraine nhất định thua. Với Putin, đó là chân lý. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi.
Vấn đề là TT Zelensky và người Ukraine lại có suy nghĩ rằng cuộc vệ quốc vĩ đại của họ dẫu có gian nan thế nào thì cuối cùng Nga sẽ là kẻ bại trận. Nghĩa là Ukraine nhất định thắng, Nga nhất định thua. Với người Ukraine, đó thực là chân lý. Người Ukraine chống Nga với niềm tin rằng chính nghĩa thuộc về họ, và rằng chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về bên chính nghĩa, không nhanh thì chậm, không sớm thì muộn.
Một khi phất cờ chiến thắng, người Ukraine có quyền cười mỉa cái chân lý của Putin rằng : “Ao có thể cạn, dép có thể mòn và cái chân lý thối tha của Putin có thể bị vất cho chó gặm”!
2.
Thời gian gần đây rộ lên nhiều đồn đoán rằng Kyiv có thể chấp nhận nhượng Crimea cho Nga để đổi lấy hòa bình.
Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn của Fox News, TT Zelensky tuyên bố muốn đưa Crimea trở về Ukraine theo con đường ngoại giao. Có thể xem tuyên bố của ông Zelensky là một lời xác nhận những đồn đoán kia là đúng. Ông Zelensky nói thêm : “Ukraine không thể bắt hàng chục ngàn người dân của mình hy sinh vì Crimea”. Với những lời như thế, xem như ông Zelensky thừa nhận Kyiv không thể lấy lại Crimea bằng vũ lực.
Có thể nói câu “muốn đưa Crimea trở về Ukraine theo con đường ngoại giao” là một cách nói rất “ngoại giao” của vị Tổng thống Ukraine. Đó là vì dùng vũ lực để tái chiếm Crimea đã khó, mà dùng cách tiếp cận ngoại giao để đạt được mục đích đó xem ra còn khó hơn nhiều, nếu không nói là gần như không thể. Nói thẳng ra, vì hòa bình cho đất nước, Kyiv chấp nhận nhượng Crimea cho Nga dù về mặt pháp lý, Kyiv không công nhận chủ quyền của Nga đối với bán đảo này.
Trong khi đó, TT Nga Putin lại không ít lần khẳng định Moscow sắn sàng đàm phán về ngừng bắn ở Ukraine, nhưng loại trừ khả năng từ bỏ lãnh thổ mà Nga đã chiếm của Ukraine, bao gồm 4 tỉnh vùng Donbas và bán đảo Crimea, đồng thời yêu cầu Kyiv bỏ ý định gia nhập NATO. Câu hỏi là Moscow muốn đàm phán kiểu gì khi không chịu từ bỏ lãnh thổ mà Nga đã chiếm của Ukraine?
Với lập trường như thế, rõ là Moscow phải đàm phán trên thế mạnh. Về phía mình, Kyiv cũng hiểu rằng khó mà áp đặt lên Moscow các điều kiện của mình nếu Ukraine không đủ mạnh. Có thể xem việc Mỹ tăng cường cung cấp vũ khí cũng như “bật đèn xanh” cho Kyiv trong vấn đề tên lửa tầm xa chính là nhằm giúp Ukraine gia tăng sức mạnh để đối phó với Nga.
Nói đi nói lại, với việc có thể nhượng Crimea cho Nga, xem như Ukraine đã có nhượng bộ đáng kể để chấm dứt một cuộc chiến đã kéo dài gần 3 năm khiến cả hai bên sức cùng lực kiệt. Nếu Nga thực lòng muốn kết thúc cuộc chiến thì nên hài lòng với nhượng bộ này của Ukraine, nhất là khi Nga đang trong tình cảnh tiến thoái lưỡng nan cùng với nền kinh tế lao đao vì cấm vận của Phương Tây.
Rốt cuộc, hòa bình cho Nga và Ukraine đến sớm hay muộn lúc này tùy thuộc vào Nga chứ không phải vào Ukraine. Nếu Putin vẫn cố sống cố chết đánh Ukraine vì tham vọng lãnh thổ thì chiến thắng sau cùng sẽ thuộc về bên nào cầm cự được lâu hơn. TT Zelensky cho rằng Ukraine sẽ thua nếu thiếu viện trợ của Mỹ. Nga đang mong chờ Tổng thống tân cử Donald Trump sẽ cắt viện trợ cho Ukraine để buộc Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga trong thế yếu.
Thế nhưng rất có thể ông Trump sẽ không làm Nga hài lòng với việc tiếp tục cung cấp viện trợ cho Ukraine. Bởi nếu Nga chiến thắng thì điều này sẽ dẫn tới bất ổn ở Âu châu, ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ. Bởi Mỹ và Âu châu không chỉ là đồng minh chiến lược mà còn là thị trường quan trọng của nhau. Không phải tự nhiên mà ông Biden bảo ông Trump rằng Mỹ giúp Ukraine là giúp chính mình, khi hai người gặp nhau ở Tòa Bạch Ốc hôm 13 Tháng Mười Một.