1.
Trước thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden gỡ bỏ hạn chế cho Ukraine trong vấn đề sử dụng tên lửa tầm xa, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ là ông Liu Pengyu tuyên bố : “Lập trường của Trung Quốc về khủng hoảng Ukraine là nhất quán và rõ ràng. Trung Quốc cam kết thúc đẩy các cuộc hòa đàm và phản đối bất kỳ động thái nào có thể làm leo thang căng thẳng”.
Được biết ông Đại sứ này đồng quan điểm với Moscow khi cho rằng việc Mỹ “cởi trói” cho Ukraine về vấn đề tên lửa tầm xa là “đổ thêm dầu vào lửa”. Vấn đề là khi tuyên bố “Lập trường của Trung Quốc về khủng hoảng Ukraine là nhất quán và rõ ràng”, thì ông này lại tỏ ra không hề nhất quán và rõ ràng khi hoàn toàn giữ im lặng trước sự hiện diện của quân đội Bắc Hàn ở Nga, và không hề xem động thái đó là “đổ thêm dầu vào lửa” hay “làm leo thang căng thẳng”.
Ngoài ra, với việc Trung Quốc mua lượng dầu khổng lồ của Nga, TQ đã tỏ ra vô cùng thiếu trách nhiệm với cuộc khủng hoảng Ukraine. Nói thẳng ra, Trung Quốc đang tiếp tay với Nga xâm lược Ukraine, dù là một cách gián tiếp. Trung Quốc phải biết rằng trong dầu mà nước này mua từ Nga, có cả máu của người Ukraine.
Rõ ràng Trung Quốc đang giả vờ không hiểu rằng sự thiếu trách nhiệm và thiếu nhất quán của họ cũng chính là một sự “đổ thêm dầu vào lửa” trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Thay vì nói những lời đạo đức giả mà chẳng lừa được ai, Trung Quốc nên soi gương nhìn lại chính mình.
Vô trách nhiệm trước khủng hoảng Ukraine, vô trách nhiệm ở Biển Đông, Trung Quốc ngày càng tỏ ra là một quốc gia đáng ghét.
2.
Ngày 19 Tháng Mười Một, Bộ Ngoại giao Nga thông báo Tổng thống Vladimir Putin đã phê duyệt “học thuyết hạt nhân sửa đổi”.
Về điều này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Nga sẽ làm mọi cách có thể để ngăn chặn nguy cơ bùng phát chiến tranh hạt nhân. Thật là một tuyên bố vừa khó hiểu vừa buồn cười. Vì Moscow thường xuyên đem vũ khí hạt nhân ra hăm dọa Phương Tây, mà giờ lại nói sẽ làm hết cách để ngăn chiến tranh hạt nhân xảy ra. Chẳng hiểu ông Lavrov có tỉnh táo khi nói như thế không. Nếu ông ta thực sự tỉnh táo khi nói những lời đó, thì dường như Moscow đang tỏ ra mềm mỏng hơn. Dọa thì vẫn dọa nhưng không còn dám mạnh miệng, hung hăng.
Ông Lavrov còn nói thêm rằng vũ khí hạt nhân có tác dụng ngăn chiến tranh hạt nhân bùng nổ. Phải chăng khi nói như vậy, ông Lavrov có ý rằng từ trước tới nay, Nga chỉ lấy vũ khí hạt nhân để hăm dọa thiên hạ chứ không có ý nhấn nút cho thế giới tan hoang. Thật là lời trấn an đầy trách nhiệm!
Ngoài ra, ông Ngoại trưởng Nga này cho hay ông hy vọng học thuyết hạt nhân mới sửa đổi sẽ được chú ý nhiều hơn. Nói như thế, rõ ràng ông ta đã thừa nhận học thuyết hạt nhân của Nga trước đây chẳng được mấy ai chú ý. Câu hỏi đặt ra là nếu cái học thuyết hạt nhân mới sửa đổi của Nga vẫn không được Phương Tây đoái hoài thì sao?
Thì chắc là Nga sẽ phải nhiều lần sửa đổi nó nữa. Sửa và sửa, sửa hoài sửa mãi, để thể hiện lòng nhẫn nại vô bờ bến của Nga trước “sự khiêu khích không ngừng của Phương Tây”?
3.
Ngày 19 Tháng Mười Một, phát biểu trước Quốc hội, Tổng thống Zelensky tái khẳng định rằng Ukraine sẽ không đánh đổi hoặc từ bỏ chủ quyền đối với lãnh thổ của mình. Ông nhấn mạnh chiến sự đã đi tới thời điểm quan trọng để quyết định người thắng kẻ thua.
Trong khi đó, sau khi Tổng thống Nga Putin phê chuẩn cái gọi là “học thuyết hạt nhân sửa đổi”, người phát ngôn Điện Kremlin là Dmitry Peskov tuyên bố : “Các sửa đổi đã được xây dựng nhưng vẫn chưa được chính thức hóa. Chúng sẽ được chính thức hóa khi cần thiết”.
Vậy là theo tuyên bố của ông Peskov, cái học thuyết hạt nhân của Nga dù đã được sửa đổi, đã được TT Putin phê chuẩn nhưng vẫn còn phải chờ được chính thức hóa “khi cần thiết”. Thế nào là “khi cần thiết” thì ông Peskov không nói rõ. Ông ta chỉ nói thêm rằng : “Nga sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Mỹ nhưng Nga không thể nhảy Tango một mình”.
Có thể hiểu ý ông Peskov rằng nếu Mỹ không chịu bình thường hóa quan hệ với Nga, dù Nga rất “sắn sàng”, thì Nga sẽ chính thức hóa cái “học thuyết hạt nhân sửa đổi” đó. Nhưng làm sao Mỹ có thể chấp nhận bình thường hóa quan hệ với Nga khi mà Nga vẫn tiếp tục đổ cho Mỹ và các đồng minh NATO là bên gây ra khủng hoảng Ukraine và rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm chính về tấm thảm kịch đang diễn ra ở Ukraine hiện nay, chứ không phải Nga.
Rốt cuộc, việc bình thường hóa quan hệ Mỹ-Nga hoàn toàn phụ thuộc vào Nga chứ không phải vào Mỹ. Nga không nên tiếp tục đóng vai vô tội, đơn giản là vì chẳng ai tin. Ngày nào Nga vẫn không từ bỏ tham vọng ăn cướp đất đai của Ukraine thì ngày đó quan hệ Mỹ-Nga khó có thể được bình thường hóa.
Và ngày đó Nga vẫn cứ phải nhảy Tango một mình.