Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần nhấn mạnh Nga chưa bao giờ từ chối giải quyết xung đột thông qua con đường ngoại giao, nhưng ông ta cũng luôn nhấn mạnh rằng mọi cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine phải dựa trên “thực tế chiến trường”, chứ không phải theo mong muốn của Ukraine.
Phải chăng chính vì lẽ đó mà Nga, với sự hỗ trợ của hàng ngàn quân Bắc Hàn, đang ra sức chiếm lại tỉnh biên giới Kursk từ tay quân Ukraine, bất chấp tổn thất nặng nề. Đó là vì nếu Nga chưa lấy lại được Kursk thì sau này trên bàn đàm phán với Ukraine, Nga sẽ cứng họng nếu Ukraine khăng khăng chỉ trả Kursk cho Nga sau khi Nga đã trả cho Ukraine mọi vùng lãnh thổ của Ukraine mà Nga đang chiếm đóng, gồm bán đảo Crimea và 4 tỉnh vùng Donbas. Nghĩa là Ukraine chiếm Kursk là nhằm lấy đó làm quân bài mặc cả với Moscow.
Ngày 16 Tháng Mười Một, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định xung đột Nga-Ukraine sẽ được giải quyết trên bàn đàm phán, và rằng Mỹ muốn bảo đảm Ukraine ở vị thế tốt nhất. Có thể tin rằng Kyiv đã thực hiện cuộc tấn công vào Kursk sau khi đã bàn bạc kỹ lưỡng với Washington. Khó mà tin rằng Washington không biết gì về việc này như họ từng nói.
Nhiều người, kể cả giới chuyên gia quân sự trên thế giới, lúc đầu đã tỏ ra không hiểu ý đồ thực sự của Kyiv khi cho quân chiếm đóng Kursk. Thậm chí họ còn cho đó là một quyết định tồi. Giờ đây, những ai còn cười mỉa Kyiv về quyết định này hẳn đang nghĩ lại. Nói thẳng ra, Nga và Ukraine, bên nào chiếm ưu thế ở Kursk thì sẽ chiếm ưu thế trên bàn đàm phán.
Thời điểm này, Moscow hẳn hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của Kursk trong những cuộc đàm phán tương lai. Trong những cuộc đàm phán đó, Moscow muốn bảo đảm rằng chỉ các vùng lãnh thổ của Ukraine mới được đưa ra đàm phán. Và rằng Moscow sẽ không bắt đầu bất kỳ cuộc đàm phán nào cho tới khi đã đánh bật người lính Ukraine cuối cùng ra khỏi Kursk.
Thiếu tướng Lê văn Cương, một người được cho là thân Nga, lúc đầu tin rằng việc Ukraine chiếm Kursk là một sai lầm chiến lược của Kyiv. Nhưng giờ đây, ông lại “quay xe” và đổ lỗi rằng sự yếu kém của tình báo Nga đã khiến Kursk dễ dàng rơi vào tay Ukraine. Theo tướng Cương, để mất Kursk là một thất bại chiến lược của Moscow và là bước đi khôn khéo của Kyiv.
Đọc lại lời Tôn Tử : “Tri kỷ, tri bỉ, bách chiến bách thắng”, tướng Cương cho rằng khi mở “Chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine, Moscow đã không tri kỷ mà cũng không tri bỉ vì đã tự đánh giá năng lực quân sự của mình quá cao, nhưng lại đánh giá quá thấp tinh thần chiến đấu của người Ukraine cũng như sự hỗ trợ của Phương Tây dành cho Ukraine.
Có lẽ những kẻ theo chủ nghĩa bá quyền ở Moscow chưa bao giờ đọc Tôn Tử và có lẽ cũng không biết Tôn Tử là ai. Họ nên nhờ ông Tập Cận Bình gời cho một quyển về binh pháp của nhà quân sự Trung Hoa này để đọc mà hiểu mình, hiểu người hơn và để không bao giờ lặp lại trò lấy thịt đè người như họ đang làm với Ukraine..