1.
Sau khi nghị định 168 ra đời, nhiều tài xế xe cứu thương than rằng họ không được nhường đường khiến bệnh nhân gặp nguy.
Không được nhường đường thì bệnh nhân gặp nguy là cái chắc. Vấn đề là tại sao xe cứu thương không được nhường đường? Hẳn là vì người ta sợ bị cảnh sát giao thông (CSGT) phạt nặng. Với cái nghị định mới này, chẳng có phạt nào là phạt nhẹ. Phạt nào cũng trầy da tróc vẩy. Có thế mới biết sợ.
Một tài xế xe cứu thương nói hơn 3 năm hành nghề, đây là lần đầu tiên mình chứng kiến việc xe cứu thương liên tục chết dí vì không được nhường đường ở các ngã tư có tín hiệu đèn giao thông. Anh này cho rằng nhiều người cố tình hiểu sai qui định về tình huống vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương.
Sự thật không phải là nhiều người cố tình hiểu sai đâu, mà là vì họ sợ CSGT sẽ không chịu thông cảm cho họ. Đừng trách họ vô cảm. Họ không vô cảm đâu, bởi họ cũng là những con người biết vui biết buồn, biết đồng cảm với nỗi đau của đồng bào, của đồng loại. Chính những “con sâu gặm tiền” mới là những kẻ vô cảm khi chỉ biết phạt cho sướng tay, phạt “cho chúng mày chừa,” dân có lạy cũng không tha. Đường sá rộng rãi thì chẳng nói làm gì. Đằng này đường nào cũng bé tí teo trong khi xe cộ ngày càng đông, người càng nhiều.
Dân chừa là cái chắc. Phạt trọc đầu thì ai mà chẳng sợ, chẳng chừa. Chừa tới mức thành ra vô cảm. Tôi thông cảm cho anh thì ai thông cảm cho tôi. Tôi bị phạt thì vợ con tôi đói, ai sẽ lo cho vợ con tôi?
Dân không có lỗi. Lỗi là lỗi ở những kẻ ngồi phòng máy lạnh nhưng lại thích ra luật này, luật kia để hành dân. Hình như dân buồn thì họ mới vui. Rốt cuộc, người lái xe cứu thương khổ, người bệnh nằm trong xe cứu thương khổ, người dân không nhường đường cũng khổ. Chỉ những “con sâu gặm tiền” là sướng khi gặm được nhiều tiền của dân. Với dân, những con sâu đó đích thị là hung thần đường phố!
2.
Vừa qua, thế giới nhận được mấy tin vui liên quan tới việc các con tin hoặc tù nhân được phóng thích.
Đầu tiên là Israel và Hamas đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn sau hơn một năm giao tranh khốc liệt. Được công bố bởi các bên trung gian là Qatar, Mỹ và Ai Cập, thỏa thuận này bao gồm việc tạm ngừng giao tranh tại Gaza và dẫn tới việc thả tù nhân Palestine và các con tin Israel theo từng giai đoạn.
Trong khi nhiều người Israel hoan nghênh thỏa thuận này thì lại có nhiều người Israel khác không hài lòng về nó. Họ cho rằng cần phải tiếp tục càn quét Hamas cho tới khi phe này bị tiêu diệt hoàn toàn. Ai cũng có cái lý của mình. Dẫu sao với thỏa thuận này, nhiều con tin Israel sẽ được trả tự do sau nhiều tháng bị giam cầm, đồng thời Gaza sẽ tạm thời im tiếng súng để người dân nơi đây được hít thở bầu không khí thanh bình, dù chỉ là tạm thời.
Tóm lại, Gaza sẽ có được một nền hòa bình bền vững hay không là tùy thuộc vào thiện chí của Hamas. Nếu Hamas vẫn không chịu thay đổi thái độ của họ với Israel thì dù có thêm nhiều thỏa thuận khác nữa thì e rằng cũng không thay đổi được số phận của phe này. Đó là sự diệt vong trong sự hể hả của Israel và trong sự căm ghét của chính người Palestine.
Sang Tây Bán Cầu. Cuba tuyên bố sẽ thả 553 tù nhân chính trị sau khi được chính quyền Biden xóa tên khỏi danh sách bảo trợ khủng bố.
Được biết Giáo Hội Công Giáo Cuba đã đàm phán với chính quyền nước này về việc thả tù nhân. Giáo hội này cũng được cho là đã có sự tác động đễn việc Washington quyết định xóa tên Cuba khỏi danh sách bảo trợ khủng bố.
Nhiều thế lực chống Cuba đã không hài lòng về quyết định này của Washington, cho rằng Washington không nên mềm mỏng với chính quyền cộng sản Cuba. Dẫu sao thì việc chính quyền Cuba trả tự do cho hàng trăm tù nhân lương tâm cũng là điều đáng hoan nghênh. Có sung sướng gì nếu họ tiếp tục phải sống trong cảnh tù đày. Một lần nữa, Giáo Hội Công Giáo Cuba cho thấy vai trò tích cực của mình trong đời sống chính trị ở Cuba hiện nay. Giáo hội này được nhiều người xem là cầu nối giữa Cuba với những nước còn ác cảm với chính quyền cộng sản Cuba. Chuyến thăm Cuba năm 1998 của cố Giáo Hoàng Jean Paul II được cho là đã giúp nâng cao vị thế của Giáo Hội Công Giáo Cuba trong mắt chính quyền nước này.
Trước khi rời nhiệm sở vào tháng Giêng năm 2021, ông Donald Trump đã chỉ định Cuba là quốc gia tài trợ khủng bố. Giờ đây, để tránh bị Tân Tổng Thống Donald Trump đưa trở lại vào danh sách bảo trợ khủng bố, Cuba sẽ còn phải cố gắng nhiều để được Washington loại hẳn khỏi cái danh sách đó cũng như xóa bó hàng loạt lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt lên Cuba từ bao thập niên qua.
Cuba có thoát khỏi đói nghèo, trì trệ hay không là tùy thuộc vào thiện chí thực sự của chính quyền Cuba. Việc trả tự do cho vài trăm tù nhân lương tâm là đáng hoan nghênh nhưng chưa đủ.