1.
Phe Hezbollah được cho là đang “tính toán phương án” sau khi chế độ Assad sụp đổ.
Quyền lãnh đạo Hezbollah là Naim Qassem mới đây nói rằng họ đã mất tuyến đường tiếp tế qua ngả Syria. Đây là điều không nói ra thì ai cũng biết. Cho nên sự sụp đổ của chế độ Assad đâu chỉ là đòn đau đối với Nga hay Iran, mà còn với cả Hezbollah.
Thuở Assad còn tại vị, Hezbollah đã sử dụng Syria để vận chuyển vũ khí từ Iran vào Liban, cứ địa của phe này. “Chúng tôi đã mất tuyến tiếp tế quân sự qua Syria. Một chế độ mới sẽ hình thành ở nước này. Tuyến đường này có thể được khôi phục, hoặc chúng tôi phải tìm phương án khác”, Qassem nói. Và ông ta hy vọng chính quyền mới ở Syria sẽ xem Israel là kẻ thù.
Khi hy vọng như thế, hẳn Qassem mong rằng nhờ vậy mà tuyến đường tiếp tế cho Hezbollah sẽ được nối lại, để Hezbollah trở lại là thế lực hùng mạnh như trước đây, để tiếp tục là cái gai trong mắt Israel. Nhưng đó chỉ là hy vọng hão huyền, bởi lãnh đạo phe đối lập Syria là Abu Mohammad al-Jolani đã tuyên bố rằng Syria không tham gia vào cuộc chiến nào nữa mà sẽ bắt tay vào tái thiết.
Mà để tái thiết đất nước, chính quyền mới ở Syria sẽ phải cần viện trợ từ Phương Tây, chứ không phải Nga hay Iran. Mà Israel, trong một chừng mực nào đó, chính là Phương Tây. Gây với Israel là gây với Phương Tây. Mà tại sao lại phải gây với Israel khi chính Israel đã đập tan Hezbollah, đối thủ cực mạnh của phiến quân Syria. Israel xứng đáng được chính quyền mới ở Syria xem là bạn, chứ không phải kẻ thù.
Nói thẳng ra, mong đợi chế độ mới ở Syria sẽ xem Israel là kẻ thù chỉ là mơ mộng viễn vông của Qassem. Ông ta nên nhìn thẳng vào sự thật là thời tươi đẹp của Hezbollah đã qua, không bao giờ trở lại. Và rằng phe Hồi giáo cực đoan này chưa bị chôn dưới ba thước đất thì đã là may mắn lắm rồi.
2.
Sang chuyện Việt Nam. Vừa ngồi lên ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã chủ trương tinh gọn bộ máy nhà nước vốn cồng kệnh mà thiếu hiệu quả.
Kêu gọi cả hệ thống chính trị vào cuộc, ông Lâm nói: “Vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm.” Theo ông, hiện ngân sách chi gần 70% để trả lương. Việc tinh gọn là nhằm cắt giảm gánh nặng về ngân sách. Thuở còn là phó thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc từng nói rằng trong bộ máy có tới 30% số công chức không có cũng được, vì họ làm việc kiểu sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về.
Thật ra chủ trương của ông Tô không hề mới. Nhiều đời tổng bí thư trước đã từng chủ trương như thế, nhưng xem ra chẳng đi tới đâu. Mọi thứ vẫn giậm chân tại chỗ. Bởi nói thì bao giờ cũng dễ mà làm thì rất khó. Vì nếu dễ thì đã làm được từ lâu chứ không để tới giờ này mà kêu gào, thúc hối. Một chuyên gia về Việt Nam là giáo sư Thayer cho rằng Việt Nam chưa có đủ kinh nghiệm về quản lý và tích lũy về mặt thể chế để thực hiện một cuộc cách mạng. Hẳn là ông Thayer nói đúng. Ông chỉ nói thiếu là nhà cầm quyền Việt Nam không đủ quyết tâm để thực hiện cuộc cách mạng đó. Hô khẩu hiệu giỏi không có nghĩa là quyết tâm cao.
Tiến Sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng chuyện phân bổ quyền lực là vấn đề “ghê gớm, không đơn giản.” Còn Tiến Sĩ Đinh Duy Hòa, nguyên vụ trưởng Vụ Cải Cách Hành Chính – Bộ Nội Vụ, cho rằng thách thức và trở ngại lớn nhất đối với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là ở vấn đề con người, tức đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Theo ông, việc sắp xếp bộ máy “sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng hoặc tương đương, cùng khoảng 80 – 100 thứ trưởng.”
Rốt cuộc, tinh giản bộ máy không chỉ là điều Đảng muốn, mà cả dân cũng muốn. Bởi bao nhiêu năm qua, dân đã è cổ nuôi Đảng. Đảng thì béo mà dân thì gầy. Có ý kiến rất hay rằng để tinh gọn được bộ máy chính trị cồng kềnh, tốn kém thì việc đầu tiên Đảng phải làm là tuyên bố giải thể chính mình, bởi Đảng chính là nguyên nhân sinh ra bộ máy chính trị cồng kềnh. Có như thế mới thể hiện được quyết tâm của Đảng.
Bằng không trong mắt dân, Đảng chỉ là kẻ mơ mộng viễn vông.