1.
Theo Mỹ, Moscow đã chi những số tiền khổng lồ cho cái “chiến dịch quân sự đặc biệt” của mình ở Ukraine.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin cho rằng Nga đã chi hơn $200 tỷ cho cuộc chiến ở Ukraine mà đã khiến hàng trăm ngàn binh sĩ Nga thương vong. Và rằng Nga sẽ khó mà kham nổi sự tốn kém đó về lâu về dài.
Nga không bình luận gì về các con số mà ông Lloyd Austin đưa ra. Nhưng trước đây Nga thường chế nhạo các đánh giá của Phương Tây về thiệt hại của Nga ở Ukraine, cho rằng Phương Tây chỉ giỏi phóng đại, và rằng Nga chỉ hề hấn không đáng kể ở Ukraine. Nói nôm na là “tau có chi mô.”
Không thể nói ai đúng ai sai vì rất khó xác minh độc lập, bởi thông tin do mỗi bên đưa ra thường nhằm gây bất lợi cho đối phương. Song với sự sụp đổ chóng vánh của chế độ Assad, có thể nói phía Mỹ đã đúng khi nhận định như thế về Nga. Và chính vì không thể tiếp tục chịu các chi phí quá lớn về quân sự mà Moscow đã buộc phải buông Syria, chấp nhận sự sụp đổ dễ dàng của chế độ Assad.
Mất Syria rõ ràng là một thất bại nhục nhã và đau đớn về địa chính trị của những kẻ kiêu căng ở Moscow. Moscow khó có thể tiếp tục kênh kênh cái mặt rằng “tau có chi mô.” Mặt sưng vù mà bảo tớ có sao đâu thì ma nó tin!
Nga gần đây nhất vẫn khăng khăng nói chỉ ngồi vào bàn đàm phán với Ukraine nếu Ukraine chấp nhận nhượng đứt cho Nga bán đảo Crimea và bốn tỉnh vùng Donbas. Điều này có thể hiểu Moscow muốn rằng Nga đã thua ở Syria thì phải thắng ở Ukraine. Gần ba năm qua, Moscow đã tốn phí biết bao nhiêu cho cuộc chiến ở Ukraine mà chẳng lẽ lại chẳng được gì thì quá đau.
Vì trở về tay không thì khác nào thua cuộc. Cuộc chiến ở Ukraine kết thúc như thế nào, Nga sẽ thắng hay thua, lời hay lỗ thì điều này còn phải chờ xem. Nhưng rất có thể giờ đây Moscow đang thấm thía lời của ông Trump khi ông cho rằng cuộc chiến ở Ukraine là “cuộc chiến không bao giờ nên bắt đầu!”
2.
Phe đối lập Syria mới đây đã hành quyết Suleiman, em họ của tổng thống vừa bị lật đổ Bashar al-Assad.
Suleiman al-Assad vốn là người lãnh đạo lực lượng phòng vệ quốc gia. Ngay trước khi hành quyết ông này, phe đối lập Syria với thủ lĩnh là Abu Mohammad al-Jolani đã lập ra danh sách truy nã những người từng “gây tội ác với nhân dân” mà đứng đầu là Bashar al-Assad.
Ông Assad được Moscow tuyên bố đã đến Nga và được Nga cho phép tỵ nạn. Nhiều người tin rằng chính quyền mới của Syria không sớm thì muộn sẽ yêu cầu Moscow giao nộp Assad cho họ xử tội.
Việc lá cờ của lực lượng đối lập Syria được kéo lên ở sứ quán nước này tại Moscow sau khi ông Assad bị lật đổ có thể được xem là một chỉ dấu cho thấy Nga sẵn sáng công nhận phe đối lập. Nếu Nga thực sự muốn có mối quan hệ tốt đẹp với nước Syria mới nhằm duy trì các lợi ích của Nga ở nước này, thì nhiều khả năng Nga sẽ rơi vào thế khó xử một khi chính quyền mới của Syria đưa ra yêu cầu Nga phải giao nộp Assad. Nói khó xử là vì nếu Nga không giao nộp Assad thì không xong, còn nếu Nga chịu giao nộp thì sẽ quá hèn, quá nhục cho Nga. Đường đường là một siêu cường mà không dám đứng ra bảo vệ một người từng nhiều năm phục vụ cho Nga thì sẽ chẳng còn ai kính trọng Nga. Bởi chẳng ai kính trọng một thằng hèn.
Khi được hỏi liệu Nga có giao nộp ông Assad để chính quyền mới ở Syria xử tội không, Thứ Trưởng Ngoại giao Nga là Sergei Ryabkov không trả lời thẳng vào câu hỏi mà chỉ đáp rằng: “Nga không phải là bên tham gia Qui chế Rome về Tòa Hình Sự Quốc Tế.”Có thể xem đây là câu trả lời nước đôi, muốn hiểu sao cũng được. Với câu trả lời đó, người ta có quyền hiểu rằng Nga sẽ không giao nộp ông Assad. Và người ta cũng có thể hiểu rằng Nga vẫn có thể giao nộp ông ta. Bởi đâu có luật lệ nào bảo rằng không phải là thành viên ICC thì có quyền không giao nộp.
Nói đi nói lại, nếu chính quyền mới của Syria yêu cầu Nga giao Assad cho họ xử tội, thì Nga chắc chắn sẽ lâm vào thế khó. Để thoát khỏi thế khó đó, rất có thể Nga sẽ giết Assad rồi dàn dựng là một vụ tự sát, như treo cổ chẳng hạn. Thiết nghĩ, đó sẽ là giải pháp hay nhất cho Nga.
Và có lẽ đó cũng là kết cục xứng đáng cho Assad, kẻ đã vì lợi ích riêng mà bán đứng tổ quốc cho Nga.