Trên đường chiến thắng

Cư dân thành phố Daraa tụ họp tại Quảng trường Al-Karama và Al-Hurriya sau khi Bashar Al-Assad sụp đổ. (Hình: Mahmoud Sulaiman/Unsplash)

Các phe phái đối lập đồng ý giải tán và những người cầm quyền hiện nay tại Syria đã đạt được thỏa thuận hợp nhất các phe phái này thành một lực lượng trực thuộc Bộ Quốc Phòng của chính quyền lâm thời.

Đây hẳn là một diễn biến tích cực trong việc giải quyết những bất ổn sâu sắc trong lòng Syria hiện nay. Và đây hẳn cũng là bước đi quan trọng của chính quyền lâm thời nhằm xây dựng một nước Syria mới ổn định và thống nhất. Thủ Tướng Lâm Thời Mohammad al-Bashir cho biết Bộ Quốc Phòng nước này sẽ được tái cấu trúc thông qua việc sử dụng các lực lượng phiến quân trước đây và cả những cựu sĩ quan trong quân đội của chính quyền Assad.

Song mọi thứ xem ra không hoàn hảo với chính quyền lâm thời. Đó là Lực Lượng Dân Chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo và được Mỹ hậu thuẫn ở khu vực Đông Bắc Syria đã không tham gia vào thỏa thuận vừa được công bố. Đây là điều không có gì khó hiểu, bởi SDF vốn không xem họ là một phần của quân đội chính phủ, dù là chính phủ của Assad hay chính phủ lâm thời hiện nay. Và rằng vùng Đông Bắc Syria mà người Kurd đang chiếm cứ từ lâu được xem là lãnh thổ tự trị của người Kurd.

Trong vùng tự trị này, người Kurd có chính quyền riêng, quân đội riêng của họ. Chính quyền lâm thời của Syria hiện tại không cần thiết phải lo ngại về lực lượng người Kurd vốn chỉ tập trung vào việc giữ vứng lãnh thổ tự trị của họ, dưới sự che chở của Mỹ. Mỹ xem người Kurd là đồng minh trong công cuộc chống khủng bố thì chính quyền lâm thời của Syria cũng nên xem người Kurd là đồng minh của mình. Vả lại, chính quyền lâm thời của Syria rất quan tâm với nhiệm vụ là cố gắng tránh xung đột với những nhóm sắc tộc, tôn giáo tại Syria, trong có người Kurd, nhằm đạt được sự thống nhất của đất nước.

Vả lại, quân đội của chính quyền lâm thời có muốn đụng chạm tới người Kurd cũng chẳng được. Bởi đụng tới người Kurd là đụng tới Mỹ. Chính quyền lâm thời hẳn không dại dột mà đi chọc giận Mỹ. Ngược lại, trước mối đe dọa từ Iran, họ càng phải cần tới sự hậu thuẫn của Mỹ, và cả Israel. Hai nước này sẽ là đồng minh quan trọng của một nước Syria mới nếu chính quyền của nước này quyết tâm xây dựng một Syria an toàn và vững mạnh.

Trong một diễn biến khác, chính quyền lâm thời Syria vừa lên tiếng cảnh báo Iran về hành vi gây bất ổn Syria của nước này. Cụ thể, Lãnh Tụ Tối Cao Iran là Ali Khamenei đã công khai phản đối chính quyền mới của Syria bằng lời kêu gọi thanh niên Syria “kiên quyết đấu tranh chống lại những kẻ đã dàn dựng và gây ra tình trạng bất ổn ở Syria hiện nay.” Ali Khamenei còn đề cập đến việc cần phải lật đổ chính quyền lâm thời ở Syria và thông báo kế hoạch thành lập một lực lượng chống lại chính quyền này.

Các phát ngôn đầy vẻ hằn học của Ali Khamenei cho thấy Tehran chỉ là kẻ “ăn không được thì phá cho hôi,” và rằng “cà cuống chết đến đít còn cay.” Thực vậy, Iran hiện đang phải đối mặt với những thách thức trong việc duy trì ảnh hưởng của mình ở Trung Đông sau khi “Trục Kháng chiến” của Iran, gồm Hamas, Hezbollah, chế độ Assad… sụp đổ. Sự sụp đổ của “Trục Kháng chiến” đã làm phá sản kế hoạch của Iran. Iran xây dựng trục này nhằm tăng cường ảnh hưởng của mình trong khu vực, đối đầu với Israel và chống lại các lợi ích của Phương Tây.

Không chỉ thế, Iran còn phải đối phó với những khó khăn ngay trong nước. Các văn phòng chính phủ đang phải đóng cửa hoặc giảm giờ làm việc. Các trường học chuyển sang hình thức học trực tuyến. Các trung tâm mua sắm chìm trong bóng tối, các nhà máy công nghiệp không có điện khiến hoạt động sản xuất gần như dừng lại. Thảy là vì dù có trữ lượng dầu, khí khổng lồ, nhưng Iran lại lâm cảnh khủng hoảng năng lượng toàn diện. Nguyên nhân được cho là do hậu quả của nhiều năm bị cấm vận và quản lý yếu kém.

Nhưng đó vẫn chưa phải là nỗi lo lớn nhất của Iran. Nước này đang thực sự lo lắng trước việc có thể bị Israel tấn công phủ đầu, không chỉ để triệt phá các cơ sở hạt nhân mà còn có thể nhằm thay đổi chế độ hiện tại ở Iran. Hẳn chính quyền lâm thời của Syria đang rất mong chờ điều này xảy ra. Ai mà chẳng muốn cái đống rác thối tha trước mặt mình được dọn đi.

Syria giờ đã đổi chủ, không còn cái thời Assad để Tehran muốn làm gì thì làm, đe ai thì đe. Tehran có nằm mơ thì Assad cũng sẽ không bao giờ quay lại nắm quyền ở Syria. Rốt cuộc, thay vì xía vào chuyện Syria, Tehran nên dồn mọi quan tâm vào việc cái chế độ của họ liệu còn tồn tại được bao lâu nữa. Và có thể tin rằng dù chế độ đó có tiếp tục tồn tại đi chăng nữa, thì sự tồn tại đó cũng khó có thể hù dọa được ai như trước đây.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: