Chiếc máy bay của hãng Jeju Air chệch khỏi đường băng trong khi hạ cánh và đâm vào hàng rào tại sân bay quốc tế Muan, cách Seoul khoảng 300km. (Hình chụp qua YouTube)

1.

Thông cáo của Điện Kremlin hôm 28 Tháng Mười Hai cho biết “Tổng Thống Vladimir Putin đã xin lỗi TT Azerbaijan là Ilham Aliyev về vụ tai nạn máy bay thảm khốc xảy ra trong không phận Nga.”

Theo thông cáo này, vụ việc xảy ra trong lúc đang có một cuộc tấn công bằng drone của Ukraine, và các hệ thống phòng không Nga đang cố gắng đẩy lùi cuộc tấn công này. Trang tin AnewZ có trụ sở tại Baku trích dẫn nguồn tin từ chính phủ Azerbaijan cho biết tên lửa được bắn từ hệ thống phòng không Pantsir-S.

Dù thông cáo không nói rõ nhưng qua đó người ta có thể hiểu máy bay Azerbaijan gặp tai nạn là do bị phòng không Nga bắn nhầm. Như vậy có nghĩa là nếu Ukraine không tấn công bằng drone thì phòng không Nga đã không cần hoạt động để rồi gây nên vụ bắn nhầm bi thảm này.

Nhưng tại sao Ukraine lại liên tục tung ra các cuộc tấn công vào đất Nga? Rõ là vì để trả đũa các cuộc tấn công tàn bạo của Nga nhằm vào Ukraine vốn đã giết hại nhiều thường dân vô tội.

Rốt cuộc, vụ tai nạn máy bay Azerbaijan cũng chỉ là một trong rất nhiều sự kiện đau thương đến từ cuộc xâm lược mà Điện Kremlin phát động vào Ukraine. Nếu ông Putin thực tâm xin lỗi thì hãy xin lỗi đất nước và người dân Ukraine vì đã gây ra cuộc xâm lược đó. Như thế mới thực là xin lỗi.

2.

RT (Russia Today) cho rằng kinh tế Đức đang phải trả một giá đắt vì “quay lưng” với Nga.

Theo RT, mối quan hệ năng lượng song phương Nga – Đức, đặc biệt các đường ống dẫn khí đốt như Dòng Chảy Phương Bắc (Nord Stream) từng là động lực chính giữ cho các nhà máy của Đức hoạt động và hàng hóa xuất khẩu cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Thế nhưng sau khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt,” Đức đã hùa theo Ukraine và từ bỏ nguồn năng lượng này. Hậu quả là ở Đức, giá năng lượng tăng vọt, gây khủng hoảng sản xuất và làm tê liệt ngành công nghiệp.

Có thể nói RT không sai khi nhận định như vậy. Nhưng có một điều RT cố tình lờ đi, đó là Đức không phải không hiểu điều này. Và rằng Đức chấp nhận trả giá cho những thiệt hại về kinh tế vì “quay lưng” với Nga. Bởi Đức hiểu rằng nếu để Nga thắng ở Ukraine thì Âu Châu, trong có Đức, sẽ còn phải trả giá đắt hơn rất nhiều.

Theo RT, Đức nên nhanh chóng điều chỉnh hướng đi để nền kinh tế nước này không trở thành bài học đau đớn về sai lầm chiến lược. “Lời khuyên” của RT dành cho Đức khiến người ta phải phì cười. Bởi kẻ cần phải điều chỉnh hướng đi phải là Nga, chứ không phải Đức. Ngày nào Nga còn cố sống cố chết ở Ukraine thì ngày đó Nga vẫn còn phải trả giá rất đắt. Và rằng Ukraine đang là bài học đau đớn về sai lầm chiến lược cho Nga. Đáng tiếc là những kẻ đứng đầu nước Nga hiện nay dường như vẫn còn mê ngủ để nhận ra điều này.

3.

Trong khi thế giới chưa hết đau buồn vì vụ tai nạn của máy bay Azerbaijan khiến mấy chục người chết thì lại xảy tiếp một tai nạn hàng không khác còn bi thảm hơn nhiều khiến khoảng 180 người thiệt mạng. Đó là vụ tai nạn lúc 9g sáng ngày 29 Tháng Mười Hai khi chuyến bay của hãng Jeju Air chệch khỏi đường băng trong khi hạ cánh và đâm vào hàng rào tại sân bay quốc tế Muan, cách Seoul khoảng 300km.

Yonhap dẫn lời nhà chức trách Nam Hàn cho hay va chạm với chim có thể là nguyên nhân khiến thiết bị hạ cánh gặp trục trặc trong vụ tai nạn này.

Đường băng ngắn hơn bình thường của sân bay Muan, dài 2,800m, cũng được cho có thể là nguyên nhân. Theo Korea Herald,  đường băng ngắn nhất tại sân bay Incheon là 3,700m, còn tại sân bay Gimo là 3,200m – 3,600m. Năm 2023, chính phủ đã phê duyệt ngân sách cải tạo. Theo đó mở rộng đường băng của sân bay Muan lên 3,160m.

Thời tiết xấu cũng được cho là một phần nguyên nhân. Và rất có thể tất cả các yếu tố đâm vào chim, đường băng ngắn hơn bình thường và thời tiết xấu đã cùng nhau tạo nên nguyên nhân tổng hợp gây ra tai nạn này.

Tóm lại, nguyên nhân tai nạn của máy bay hãng Jeju Air tới giờ là chưa rõ ràng. Nhưng chắc chắn không phải là do hệ thống phòng không bắn nhầm!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: